“Mất dấu” dòng tiền!

“Mất dấu” dòng tiền!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu ví dòng tiền là mạch máu nuôi sống nền kinh tế thì hiện tại, không quá khó để nhận thấy rằng nhiều thực thể kinh tế đang không được “nhận đúng, nhận đủ, nhận kịp thời” nguồn sống ấy, trong khi chỉ cần thiếu một trong ba yếu tố đó sẽ khó có thể tồn tại một cách bình thường.

Câu chuyện đang diễn ra trên TTCK Việt Nam minh chứng rõ nhất hệ lụy của dòng tiền khô hạn khi thị trường đang trải qua giai đoạn “tồi tệ” nhất trong suốt 3 năm qua. Tuần qua, VN-Index đã lấy lại mốc 1.000 điểm, song nhà đầu tư vẫn thấy mong manh và thiếu điểm tựa.

Đến giờ đã khá rõ ràng, doanh nghiệp tốt hay xấu về cơ bản cũng khó có tác động nhiều đến thị trường bằng yếu tố dòng tiền.

Theo số liệu từ FiinTrade, báo cáo tài chính quý III/2022 của 55 công ty chứng khoán cho thấy dư nợ cho vay margin tại thời điểm 30/9/2022 đạt hơn 152,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,1 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 10,9%) so với thời điểm cuối tháng 6/2022.

Nghịch lý là dư nợ margin tăng mạnh nhưng giá trị giao dịch trên thị trường lại giảm hơn nhiều so với quý trước đó. Cụ thể ở quý II/2022, giá trị giao dịch trung bình của thị trường đạt quanh 20.525 tỷ đồng mỗi ngày; trong khi quý III/2022, giá trị giao dịch đã giảm gần một nửa khi chỉ dao động trung bình từ 10.000 - 12.000 tỷ đồng mỗi ngày. Thanh khoản thị trường giảm trong khi margin tăng là tín hiệu không mấy tích cực. Khi giá cổ phiếu giảm mạnh, hiện tượng giải chấp (ép bán) vẫn có thể xảy ra, dẫn tới hiệu ứng domino còn tiếp diễn.

Lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán cho biết, trong vài tuần trở lại đây, tình trạng cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp vay nguồn trên thị trường tài chính rất nhiều. Họ căng nguồn và cần trong thời gian ngắn. Nghề cho vay tranh thủ, như cách nói vui của những chuyên gia này, đang sôi động.

Bối cảnh như hiện nay khiến các doanh nghiệp có nguồn tiền cũng e ngại và tích trữ để phòng ngừa biến động không lường được ở tương lai. Dòng tiền, do đó càng trở nên khô kiệt.

Dòng tiền trong thời gian tới chịu những tác động nào? Đó là khả năng tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, áp lực đáo hạn trái phiếu. Căng thẳng trên thị trường trái phiếu làm ảnh hưởng lên dòng tiền của các doanh nghiệp huy động qua trái phiếu, đặc biệt là các doanh nghiệp đang có những khoản trái phiếu đáo hạn đến cuối năm và năm sau mà không thể phát hành thêm, thậm chí buộc phải huy động lượng lớn tiền để mua lại.

Sự rớt giá của TTCK không những làm cho nhà đầu tư đang ở trong thị trường bị thua lỗ, mà sẽ còn ảnh hưởng tâm lý lên những nhà đầu tư có dòng tiền đang đứng ngoài. Nhà đầu tư sẽ có sự thận trọng và lựa chọn những kênh đầu tư ổn định hơn ngoài chứng khoán. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác tác động lên sự dịch chuyển xu hướng dòng tiền.

“Tiền đọng ở đâu?” là câu hỏi nóng không chỉ với các thành viên TTCK mà còn với hầu hết thành phần kinh tế khác, cũng là điều mà Đầu tư Chứng khoán cố gắng cắt nghĩa sâu trong Tiêu điểm số báo tuần này.

Có thể thấy, dòng tiền ngắn hạn đang không vào thị trường, mặc dù mức định giá đã hấp dẫn. Điều này một mặt không mấy tích cực nhưng cũng sẽ mở ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư bản lĩnh chờ đợi và sẵn sàng đón nhận cơ hội khi thị trường có dấu hiệu đảo ngược xu hướng trong thời gian tới.

Tin bài liên quan