Mùa báo cáo kết quả kinh doanh yếu kém và thông điệp của Fed khiến giới đầu tư bán tháo ồ ạt

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh yếu kém và thông điệp của Fed khiến giới đầu tư bán tháo ồ ạt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall bất ngờ chịu lực bán tháo ồ ạt trong ngày thứ Sáu (22/4), khi giới đầu tư bất an với loạt báo cáo kết quả kinh doanh và khả năng tăng lãi suất mạnh hơn của Fed trong kỳ họp vào đầu tháng 5 tới.

Phiên này, chỉ số S&P 500 giảm tới hơn 2,7%, phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2022. Nasdaq Composite mất 2,55%, và Dow Jones có phiên tệ nhất kể từ ngày 28/10/2020 khi đánh rơi hơn 2,8%.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh phiên này gây sững sờ đến từ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, với HCA Healthcare và Intuitive Surgery, là những cổ phiếu có hoạt động kém nhất trên S&P 500.

Cổ phiếu HCA giảm 21,8% sau khi báo cáo lợi nhuận sụt giảm và triển vọng kết quả kinh doanh cả năm suy giảm. Cổ phiếu các nhà điều hành bệnh viện khác bị ảnh hưởng với Tenet Healthcare, Community Health Systems và Universal Health Services đều giảm từ 14% đến 17,9%.

Tất cả 11 phân ngành chính của S&P 500 đều đóng cửa trong sắc đỏ, mặc dù mức giảm 3,6% của nhóm ngành chăm sóc sức khỏe vẫn còn kém ngành nguyên vật liệu, giảm 3,7%.

Trong đó, Nucor Corp giảm 8,3%, sau khi đạt mức cao kỷ lục vào thứ Năm và Freeport-McMoRan giảm 6,8% khi các nhà đầu tư lo lắng việc tăng lãi suất sẽ tác động như thế nào đến các nhà khai thác đồng.

Giới đầu tư cũng thận trọng và lựa chọn bán ra an toàn, khi các báo cáo kết quả kinh doanh vào tuần tới sẽ xuất hiện với bốn công ty lớn nhất của Mỹ theo vốn hóa thị trường là Apple, Microsoft, Amazon và Alphabet (Google).

Bộ tứ này đã giảm từ 2,4% đến 4,1% trong phiên thứ Sáu này.

Ngoài báo cáo kinh doanh, thị trường vẫn chịu áp lực từ Fed. Sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc hội thảo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, việc kiềm chế lạm phát là “hoàn toàn cần thiết” và Fed có thể sẽ nâng lãi suất thêm 0,5% diễn ra vào tháng 5, gấp đôi so với mức tăng tiêu chuẩn 0,25%.

Mặc dù ông Jerome Powell cho rằng, khả năng mức tăng lãi suất này chỉ là có thể. Tuy nhiên, với những lời lẽ trong bài phát biểu, hầu hết các báo nước Mỹ đều giật lên thông tin Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% từ mức 0,25-0,5% hiện tại lên 0,75-1%.

Trong tuần, chỉ số Dow giảm 1,9%, S&P giảm 2,8% và Nasdaq giảm 3,8%.

Đây là tuần giảm thứ ba liên tiếp đối với cả S&P 500 và Nasdaq, trong khi Dow Jones giảm tuần thứ tư liên tiếp.

Kết thúc phiên 22/4, chỉ số Dow Jones giảm 981,36 điểm (-2,82%), xuống 34.811,40 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 121,88 điểm (-2,77%), xuống 4.271,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 335,36 điểm (-2,55%), xuống 12.839,29 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm xuống mức thấp nhất gần một tháng, do một loạt các yếu tố tiêu cực từ việc phong tỏa nhiều nơi tại Trung Quốc cho đến lo lắng về việc tăng lãi suất nhanh hơn đã làm suy giảm tâm lý toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn Châu Âu giảm 1,79% xuống 453,31 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 25/3. Trong tuần, chỉ số này giảm 1,41%.

Lĩnh vực tài nguyên cơ bản, nơi có các công ty khai thác toàn cầu như Glencore và Rio Tinto, giảm 3,6% do giá kim loại bị ảnh hưởng từ việc phong tỏa nhiều nơi tại Trung Quốc.

Trong khi đó, lợi nhuận suy yếu từ nhà bán lẻ B&M của Anh và doanh số kém hơn mong đợi trong tháng 3 đã khiến cổ phiếu các nhà bán lẻ giảm 3,7%.

Cũng có một số báo cáo kết quả kinh doanh đáng thất vọng khác, như Kering giảm 4,3%. SAP của Đức mất 2% do để mất doanh thu 300 triệu euro (325,26 triệu USD) từ việc rời khỏi Nga.

Nhìn chung, chứng khoán thế giới chạm mức thấp nhất trong 5 tuần do các nhà đầu tư lo ngại rằng việc tăng lãi suất nhanh chóng ở Mỹ, Anh và khu vực đồng euro, trong bối cảnh lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Các nhà giao dịch đẩy mạnh đặt cược rằng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất chính sách hiện ở mức -0,5% lên khoảng 0,85% vào cuối năm.

Trọng tâm thị trường cũng là cuộc bỏ phiếu tổng thống của Pháp vào Chủ nhật, nơi Tổng thống Emmanuel Macron có thể đã nới rộng khoảng cách trước đối thủ cực hữu Marine Le Pen.

Kết thúc phiên 22/4: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 106,27 điểm (-1,39%), xuống 7.521,68 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 360,32 điểm (-2,48%), xuống 14.142,09 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 133,68 điểm (-1,99%), xuống 6.581,42 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm, khi chịu tác động từ đà suy yếu đêm qua của Phố Wall sau quan điểm của Fed về lãi suất.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, nhưng ghi nhận mức giảm tuần lớn nhất trong sáu tuần.

Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục giảm, khi Mỹ đưa thêm các công ty có khả năng bị hủy niêm yết trên phố Wall.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do lo ngại về việc Fed sẽ thắt chặt tiền tệ nhanh hơn dự kiến.

Kết thúc phiên 22/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 447,80 điểm (-1,36%), xuống 27.105,26 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,11 điểm (+0,23%), lên 3.086,92 điểm. Chỉ số Hang Seng-Index tại Hồng Kông giảm 43,70 điểm (-0,21%), xuống 20.638,52 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 23,50 điểm (-0,86%), xuống 2.704,71 điểm.

Tin bài liên quan