Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 959 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong tháng 11/2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa công bố Báo cáo tháng 11 cho biết, trong tháng 11/2022, Kho bạc Nhà nước tổ chức 10 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị gọi thầu là 59.500 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu là 71,9%.

Kho bạc Nhà nước (KBNN) chỉ gọi thầu 2 kỳ hạn 10 năm và 15 năm với mức trúng thầu lần lượt là 35.740 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu 87,2%) và 7.050 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu 38,1%). Lãi suất trúng thầu trung bình của kỳ hạn 10 năm và 15 năm tiếp tục xu hướng tăng so với lãi suất trúng thầu tháng 10 lên 4,56%/năm (tăng 0,91%) và 4,73%/năm (tăng 0,83%). Từ đầu năm đến nay, KBNN đã phát hành tổng cộng 182.222 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, tương ứng 46% kế hoạch năm 2022 (400.000 tỷ đồng).

Cụ thể, tổng giá trị phát hành của kỳ hạn 10 năm là 107.812 tỷ đồng (đạt 77% kế hoạch năm), 15 năm là 63.520 tỷ đồng (đạt 42% kế hoạch năm), 20 năm là 2.265 tỷ đồng (đạt 8% kế hoạch năm) và 30 năm là 8.625 tỷ đồng (đạt 25% kế hoạch năm). Trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 7 năm gọi thầu thất bại. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm 20.315 tỷ đồng (giảm 16%), 15 năm giảm 27.120 tỷ đồng (giảm 30%), 20 năm giảm 15.863 tỷ đồng (giảm 88%) và 30 năm giảm 16.224 tỷ đồng (giảm 65%).

Trong tháng 11/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện 12 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ bảo lãnh với tổng giá trị gọi thầu là 10.000 tỷ đồng, gồm kỳ hạn 3 năm (3.000 tỷ đồng), 5 năm (4.000 tỷ đồng), 10 năm (1.500 tỷ đồng) và 15 năm (1.500 tỷ đồng), tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu đạt 76,1%. Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 3 năm trúng thầu 2.900 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu 96,7%), kỳ hạn 5 năm trúng thầu 2.700 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu 67,5%) trong khi kỳ hạn 10 năm và 15 năm gọi thầu không thành công. Tính từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát hành 14.900 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 5 năm.

Điểm đáng chú ý, giá trị giao dịch thông thường (Outright) là 30.084 tỷ đồng (giảm 36,7% so với tháng trước) và giao dịch mua bán lại (Repo) là 31.307 tỷ đồng (giảm 16% so với tháng trước). Giá trị giao dịch trung bình/ngày của giao dịch Outright ở mức 1.367 tỷ đồng/ngày (giảm 42,4% so với tháng trước) và Repo là 1.864 tỷ đồng/ngày (giảm 23,7% so với tháng trước). So với cùng kỳ năm trước, khối lượng giao dịch Outright tháng 11 giảm 83,5% và khối lượng giao dịch Repo giảm 68,7%. Kỳ hạn 7 năm và 10 năm là những kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất trong tháng.

“Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng 959 tỷ đồng trong tháng 11/2022. Như vậy, trong 11 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 7.640 tỷ đồng trái phiếu chính phủ”, Báo cáo cho biết.

Lợi suất trái phiếu chính phủ (theo phòng chào giá VBMA) bật tăng ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, lợi suất trung bình trái phiếu chính phủ trong tháng 11 tăng từ 0,03% đến 0,12% tại tất cả các kỳ hạn so với trung bình tháng trước. Việc lợi suất các nước chững lại trong tháng qua, tỷ giá USD/VND biến động khá giằng co và có xu hướng giảm từ tuần thứ 2 của tháng 11 đã giảm bớt áp lực tăng lên lãi suất trong nước. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch outright vẫn giảm đáng kể, cho thấy tâm lý cẩn trọng tiếp tục được duy trì.

Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Việt Nam và Mỹ nới rộng trong tháng khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm khá đáng kể ở hầu hết các kỳ hạn sau những bình luận ôn hòa của quan chức Fed về quá trình tăng lãi suất. Chênh lệch lợi suất ở các kỳ hạn dài như 20 và 30 năm có mức tăng lớn nhất, đều tăng trên 0,4% so với tháng 10/2022.

Theo Báo cáo, trong tháng 11/2022, có 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được ghi nhận với giá trị 1.934.7 tỷ đồng. Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán, tính đến ngày công bố thông tin 01/12/2022, CTCP Tập đoàn Masan là doanh nghiệp phát hành nhiều nhất với 1.700 tỷ đồng, ngoài ra còn có 4 đợt phát hành của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, CTCP Đầu tư Đức Trung và CTCP City Auto. Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của CTCP Tập đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 242.865 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành).

Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%. Nhóm Ngân hàng hiện vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.371 tỷ đồng, tương đương 53,8% tổng giá trị phát hành. Nhóm Bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.829 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 163.974 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm 2023, sẽ có khoảng 308.622 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Tin bài liên quan