Niêm yết, M&A, nới room sắp có luật chơi mới

Niêm yết, M&A, nới room sắp có luật chơi mới

(ĐTCK) Trong số 22 điều của Luật Chứng khoán được Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ quy định chi tiết, có nhiều nội dung mới về luật chơi đối với hoạt động niêm yết, M&A, nới room kể từ ngày 1/1/2021.

Mở đường cho doanh nghiệp ngoại lên sàn

Với 135 điều của Luật Chứng khoán năm 2019, bức tranh luật chơi mới trên thị trường chứng khoán ngay từ đầu năm 2021 chưa được khắc họa toàn diện, do nhiều nội dung đang chờ được quy định chi tiết trong 4 nghị định và 11 thông tư.

Hiện nay, mới có dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán được Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) công khai lấy ý kiến các thành viên thị trường, nhưng đã hé lộ nhiều nội dung mới.

Sau nhiều năm chờ đợi, một điểm mới đáng chú ý tại dự thảo nghị định là quy định về doanh nghiệp nước ngoài niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, để được niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện: Là chứng khoán của tổ chức phát hành nước ngoài đã được chào bán ra công chúng tại Việt Nam theo quy định pháp luật về chứng khoán Việt Nam; số lượng chứng khoán đăng ký niêm yết tương ứng với số lượng chứng khoán được phép chào bán tại Việt Nam; có cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức niêm yết theo quy định của pháp luật Việt Nam; được 1 công ty chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt Nam tham gia tư vấn niêm yết chứng khoán; tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý ngoại hối...

Ghi nhận của tổ chức tư vấn là công ty chứng khoán cho thấy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam mong muốn đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng chưa có quy định cụ thể.

Trên thực tế, “con tàu” đưa doanh nghiệp FDI lên sàn đã bị khựng lại sau giai đoạn thực hiện thí điểm cho phép nhiều doanh nghiệp FDI chuyển đổi thành công ty đại chúng và lên sàn như: EVE, TYA, TKU...

Việc thiếu quy định pháp lý cho phép doanh nghiệp FDI lên sàn có nhiều nguyên nhân, trong đó có nỗi lo nhà đầu tư ngoại mượn động thái đưa cổ phiếu lên sàn để thoái vốn và chuyển tiền ra khỏi Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài đang niêm yết trên cả trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) lẫn Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) nhiều năm nay không cho thấy dấu hiệu này.

Trong quy định dự kiến, UBCK đề xuất, tổ chức phát hành nước ngoài đăng ký niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam phải cam kết không chuyển vốn ra nước ngoài và không rút vốn tự có đối ứng trong thời hạn dự án được cấp phép...

Chứng khoán của tổ chức phát hành nước ngoài tại Việt Nam bị huỷ bỏ niêm yết trong trường hợp dự án đầu tư của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam bị dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 1 năm trở lên, hoặc bị thu hồi giấy phép đầu tư...

Trao quyền cho sở GDCK phân bảng niêm yết

Một điểm mới đáng chú ý tại dự thảo nghị định, là quy định về phân bảng niêm yết cổ phiếu tại sở giao dịch chứng khoán. 

Theo ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCK, việc phân bảng chứng khoán, ngoài căn cứ vào các tiêu chí định lượng như: vốn điều lệ, giá trị vốn hóa, tình hình tài chính, tỷ lệ nắm giữ của cổ đông không phải là cổ đông lớn, tính thanh khoản..., còn dựa vào các yếu tố định tính về quản trị công ty, công bố thông tin, việc chấp hành quy định của pháp luật chứng khoán của doanh nghiệp cũng như hội đồng quản trị, ban điều hành công ty...

“Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán chỉ đưa ra các nội dung mang tính định hướng, sau đó trao quyền cho sở giao dịch chứng khoán quy định cụ thể tại quy chế hoạt động của sở. Ðiều này là phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời tạo thuận lợi cho thay đổi các tiêu chí theo thực tiễn phát triển của thị trường...”, ông Hải cho hay.

Liên quan đến niêm yết trái phiếu doanh nghiệp, dự thảo nghị định quy định trái phiếu doanh nghiệp niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán phải là trái phiếu đã chào bán ra công chúng...

Tuy nhiên từ thực tiễn hoạt động của thị trường, có ý kiến cho rằng như vậy là chưa toàn diện, mà cần tính toán cơ chế cho phép cả trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cũng được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán, nhằm đáp ứng nhu cầu của bên phát hành và các nhà đầu tư.

Ðịnh rõ cơ chế lên sàn cho doanh nghiệp hậu M&A

Ðiểm mới nữa tại dự thảo nghị định là quy định cụ thể về niêm yết cổ phiếu của các công ty đại chúng hình thành hậu M&A.

Theo đó, trường hợp các công ty bị hợp nhất đều là công ty niêm yết, công ty hợp nhất được tiếp tục niêm yết khi các công ty bị hợp nhất không thuộc diện hủy bỏ niêm yết bắt buộc.

Trường hợp các công ty bị hợp nhất đều là công ty niêm yết, trong đó có ít nhất 1 công ty thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc, công ty hợp nhất được tiếp tục niêm yết khi có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) dương, căn cứ trên báo cáo tổng hợp thông tin tài chính quy ước của năm liền trước năm thực hiện hợp nhất.

Trường hợp công ty đang niêm yết hợp nhất với công ty không phải là công ty niêm yết, trong đó tổng tài sản của công ty không niêm yết có giá trị dưới 35% tổng tài sản của công ty niêm yết, công ty hợp nhất được tiếp tục niêm yết khi công ty niêm yết tham gia hợp nhất không thuộc diện hủy bỏ niêm yết bắt buộc...

Liên quan đến điều kiện niêm yết cổ phiếu của công ty nhận sáp nhập trên sở giao dịch chứng khoán, dự thảo quy định, trường hợp công ty tham gia sáp nhập đều là công ty niêm yết, công ty nhận sáp nhập được tiếp tục niêm yết khi các công ty đều không thuộc diện hủy bỏ niêm yết bắt buộc; trường hợp công ty tham gia sáp nhập đều là công ty niêm yết, trong đó có ít nhất 1 công ty tham gia sáp nhập thuộc diện hủy bỏ niêm yết bắt buộc, công ty nhận sáp nhập được tiếp tục niêm yết khi có ROE dương, căn cứ trên báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước của năm liền trước năm thực hiện sáp nhập...

Theo ông Hải, quy định về niêm yết cổ phiếu của các công ty đại chúng hình thành sau hợp nhất, sáp nhập, chia, tách và các trường hợp tái cơ cấu khác... được Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ. Tuy nhiên, Ban soạn thảo vẫn muốn lắng nghe nhiều ý kiến từ thị trường, trước khi đi đến bản trình lên các cơ quan chức năng.

Một vấn đề rất đáng chú ý khác của dự thảo Nghị định là việc dự kiến sẽ bỏ quy định các doanh nghiệp đại chúng được quyền tự quyết định về room (tỷ lệ sở hữu tối đa của khối ngoại). Báo Ðầu tư Chứng khoán sẽ làm rõ quan điểm này trong các số báo sau.

Lường sớm việc đánh mất một lượng nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kỹ thương

Thị trường trái phiếu doanh hiện nay có sự phát triển là nhờ sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, trong đó bao gồm các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư này khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được phát hành riêng lẻ, họ rất trông đợi sản phẩm này được niêm yết và giao dịch tập trung trên sở giao dịch chứng khoán. Thế nhưng, dự thảo nghị định chưa có nội dung này.

Xuất phát từ nhu cầu của nhà đầu tư, Công ty chứng khoán Kỹ thương đã từng làm việc với HOSE và HNX để định hình con đường niêm yết và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng tháo gỡ.

Các nhà đầu tư nước ngoài rất trông đợi Việt Nam mở ra cơ chế niêm yết và giao dịch sản phẩm này tập trung. Nếu quy định pháp lý không đề cập rõ vấn đề này, thì họ gặp khó khăn trong đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp do theo quy định hoạt động của tổ chức đầu tư nước ngoài, họ chỉ được giao dịch các loại trái phiếu đã niêm yết và giao dịch tập trung trên sở giao dịch chứng khoán. Nếu bất cập này không được tháo gỡ, TTCK có thể sẽ để mất một lượng nhà đầu tư...

Tin bài liên quan