OCB nắm tài sản đảm bảo khoản vay của FLC trị giá hơn 2.000 tỷ đồng

OCB nắm tài sản đảm bảo khoản vay của FLC trị giá hơn 2.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Liên quan đến khoản vay được thế chấp bằng cổ phiếu của Bamboo Airways, hiện tổng giá trị tài sản đảm bảo bằng bất động sản mà Ngân hàng nắm giữ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với khoản vay của FLC tại OCB. 

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB đã chia sẻ và cho biết, khoản cho vay với FLC không đáng ngại, không có ý định giải chấp cổ phiếu.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB

Theo ông Tùng, các khoản vay của FLC tại OCB chủ yếu là vay đầu tư vào dự án, ngoài ra có một phần cho vay ngắn hạn vốn lưu động với Bamboo Airways, nhưng không nhiều.

Trong đó, tổng số tài sản thế chấp bằng cổ phần BAV (Bamboo Airways) mà OCB nhận về đảm bảo cho khoản vay chỉ khoảng 100 tỷ đồng - chủ yếu bổ sung thêm tài sản đảm bảo cho khoản vay vốn lưu động và làm tăng trách nhiệm ràng buộc của doanh nghiệp.

Ông Tùng cho biết thêm, thông thường ngân hàng chỉ cho vay 70 - 80% tổng giá trị tài sản đảm bảo. Tại thời điểm cuối năm 2021, số dư nợ của FLC tại OCB ở mức 1.392 tỷ đồng.

Do đó, OCB khẳng định, nếu có rủi ro xảy ra, chỉ riêng xử lý tài sản đảm bảo là ngân hàng đã đảm bảo khả năng thu hồi nợ.

Nói về FLC, ông Tùng cho biết, đây là doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hai lĩnh vực kinh doanh là du lịch nghỉ dưỡng và hàng không đều bị ảnh hưởng do tác động của đại dịch COVID và giai đoạn đáng lo nhất là năm 2020 và 2021 đã qua.

"Đến nay, các hoạt động hàng không và du lịch đều đã khởi sắc, hoạt động kinh doanh sẽ trở lại bình thường. Mặc dù Chủ tịch FLC bị bắt, nhưng doanh nghiệp cũng đã có lãnh đạo mới. Các bộ phận khác của FLC cũng hoạt động bình thường, bao gồm cả Bamboo Airways", ông Tùng nói thêm.

Riêng với cổ phần BAV, Bamboo Airways là hãng hàng không tốt. Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và ngành du lịch, hàng không nói riêng hồi phục, cổ phiếu BAV không phải là không có giá trị. Vì vậy, đến thời điểm này, OCB không có ý định bán giải chấp cổ phiếu.

Kết thúc năm tài chính 2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 5.519 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước. Tỷ suất lợi nhuận ROE, ROA tương ứng ở mức 2,59% và 22%.

Tính trong cả năm 2021, lợi nhuận thuần từ kinh doanh của OCB tăng 14,7% mang về hơn 6.500 tỷ đồng. Trong đó thu nhập lãi thuần tăng 14,1%, đặc biệt lãi thuần từ mảng mua bán chứng khoán kinh doanh tăng hơn 55%, từ hoạt động khác tăng 90% so với năm trước.

Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 184.491 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Huy động vốn trên thị trường 1 (bao gồm ủy thác đầu tư) đạt 126.430 tỷ đồng tăng 17%. Dư nợ cho vay trên thị trường 1 (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt 103.595 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020.

Số dư nợ xấu (nhóm 3 - nhóm 5) của OCB giảm 10,5% trong năm 2021 chỉ còn 1.350 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng cho vay khách hàng giảm về 1,32.

Kế hoạch đưa ra cho năm 2022 với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 7.110 tỷ đồng, tăng 29% so với năm trước. Kế hoạch kinh doanh này sẽ được trình cổ đông trong đại hội đồng cổ đông diễn ra vào ngày 23/4 tới đây. Ngày chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội là ngày 24/3.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/3, cổ phiếu OCB đứng tại mức giá 25.350 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với phiên hôm qua.

Tin bài liên quan