Phiên chiều 22/11: Vỡ mộng

Phiên chiều 22/11: Vỡ mộng

(ĐTCK) Thị trường tiếp tục nuôi hy vọng cho nhà đầu tư khi sắc xanh le lói ngay khi bước vào phiên chiều, nhưng áp lực bán nhanh chóng gia tăng và lan tỏa khiến VN-Index cắm đầu đi xuống.

Thị trường đang trên đường tiến bước sau 2 phiên giảm khá sâu nhờ sự hồi phục và dẫn dắt khá tốt của nhóm cổ phiếu bluechip thì bất ngờ cắm đầu đi xuống. Áp lực bán gia tăng, đặc biệt là nhóm VN30 tạo sức ép lớn khi nhiều mã đều chuyển đỏ khiến VN-Index bị đẩy lùi sâu dưới mốc tham chiếu, thậm chí có thời điểm thủng mốc 980 điểm.

Bước sang phiên chiều, lực cầu bắt đáy tăng mạnh giúp thị trường le lói sắc xanh ngay đầu phiên. Tuy vậy, niềm vui này không kéo dài được bao lâu khi áp lực bán tiếp tục tăng mạnh, kéo thị trường chìm trong sắc đỏ.

Bên cạnh hàng trăm mã giảm điểm, nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng một số mã lớn cũng gia tăng gánh nặng khiến VN-Index có thời điểm bị đẩy xuống sát mốc 970 điểm. Mặc dù VN-Index bật ngược đi lên nhưng do lực bán lớn khiến thị trường không thoát khỏi phiên giảm sâu khi để mất hơn 10 điểm và tiếp tục chia tay ngưỡng 980 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 90 mã tăng và có tới 243 mã giảm, VN-Index giảm 10,11 điểm (-1,02%), xuống 977,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 230,36 triệu đơn vị, giá trị 5.620,9 tỷ đồng, tăng 7,14% về lượng và tăng 3,27% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 33,61 triệu đơn vị, giá trị 1.428,7 tỷ đồng, trong đó riêng VNM thỏa thuận 6,73 triệu đơn vị, giá trị hơn 820 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, dòng bank giao dịch thiếu tích cực khi chỉ còn VPB, EIB và STB nhích nhẹ, còn các mã lớn đều nới rộng biên độ giảm so với phiên sáng như VCB giảm 2,3% xuống mức 85.500 đồng/CP, TCB giảm 1,9% xuống 23.050 đồng/CP, BID giảm 2,4% xuống 40.200 đồng/CP, CTG giảm 0,9% xuống 21.100 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các mã lớn cũng gia tăng sức ép như VHM giảm 1,9% xuống 93.500 đồng/CP, MSN giảm 1,4% xuống 70.500 đồng/CP, HVN giảm 2,90% xuống 33.800 đồng/CP, VRE giảm 0,6% xuống 34.800 đồng/CP…

Hay SAB đảo chiều giảm mạnh 2,5% xuống 235.000 đồng/CP, VNM quay đầu điều chỉnh nhẹ 0,4% xuống 121.500 đồng/CP, GAS cũng không giữ được sắc xanh và giảm 1% xuống 103.100 đồng/CP,

Cổ phiếu ROS chưa thể lấy lại mốc tham chiếu và vẫn giữ đà giảm nhẹ 0,2% xuống 24.950 đồng/CP và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch vượt trội đạt 33,25 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VIC vẫn giữ sắc xanh nhạt sau 4 phiên giảm liên tiếp, với mức tăng chỉ 0,8% lên 116.200 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường cũng chịu áp lực chung, các mã quen thuộc như ASM, DXG, PVD, DLG, ITA… đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Đáng kể, HSG bị đẩy xuống mức giá sàn 7.610 đồng/CP với khối lượng khớp 10,14 triệu đơn vị. Các mã HAI, TSC, LDG cũng xanh mắt mèo, trong đó TSC dư bán sàn gần 1,45 triệu đơn vị.

Áp lực bán cũng gia tăng và lan rộng khiến sàn HNX cũng lao dốc mạnh.

Đóng cửa, sàn HNX có 28 mã tăng và 51 mã giảm, HNX-Index giảm 1,66 điểm (-1,58%), xuống 103,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,23 triệu đơn vị, giá trị 318,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,29 triệu đơn vị, giá trị 32 tỷ đồng.

Một số mã lớn tác động tiêu cực tới thị trường như ACB -3,3% xuống 23.200 đồng/CP, DGC -1,1% xuống 26.700 đồng/CP, PVS -2,2% xuống 18.000 đồng/CP, PVI -1,3% xuống 31.400 đồng/CP, SHB -1,5% xuống 6.400 đồng/CP, VCS -3,3% xuống 84.000 đồng/CP.

Trong đó, bộ 3 gồm ACB, PVS và SHB dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 3,36 triệu đơn vị, 2,46 triệu đơn vị và 2,27 triệu đơn vị.

Diễn biến tương tự cũng diễn ra trên thị trường UPCoM.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,3%), xuống 56,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,39 triệu đơn vị, giá trị 131 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,78 triệu đơn vị, giá trị 76,62 tỷ đồng.

BSR là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản với hơn 3,18 triệu đơn vị được giao dịch thành công và kết phiên giảm 3% xuống 9.700 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu như GVR -1,4% xuống 14.000 đồng/CP, VGI -3,4% xuống 28.500 đồng/CP, VEA -3% xuống 48.000 đồng/CP...

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng giảm và chỉ duy nhất VN30F2001 tăng nhẹ. Trong đó, hợp đồng VN30F1911 đáo hạn giảm 1,37% xuống 901,5 điểm với hơn 88.460 hợp đồng được chuyển nhượng với khối lượng mở gần 8.350 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng tràn ngập với 32 mã giảm, chỉ còn 6 mã tăng  và 1 mã đứng giá. Trong đó, CHPG1902 có thanh khoản tốt nhất với hơn 92.720 đơn vị.

Tin bài liên quan