Phiên sáng 16/3: Cổ phiếu đầu cơ ngược dòng tạo sóng

Phiên sáng 16/3: Cổ phiếu đầu cơ ngược dòng tạo sóng

(ĐTCK) Trong khi áp lực bán gia tăng khiến thị trường tiếp tục cắm đầu đi xuống và có thời điểm để mất tới gần 25 điểm, thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với nhiều mã đi ngược xu hướng và nổi sóng như AMD, HQC, HAI, TSC, QCG...

Chỉ trong 1 tuần giao dịch sau khi Hà Nội công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, chỉ số VN-Index đã cắm đầu đi xuống khi để mất hơn 130 điểm, tương ứng giảm 14,5% và rơi xuống mức thấp nhất trong 2,5 năm qua, đồng thời, vốn hóa 2 sàn ước bốc hơi gần 25 tỷ USD.

Bên cạnh hàng loạt yếu tố tác động tiêu cực lên thị trường như diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng của đại dịch Covid-19, khối ngoại liên tục bán ròng mạnh hàng trăm tỷ đồng qua từng phiên, cú sốc giá dầu… đó là niềm tin nhà đầu tư.

Dù trong phiên cuối tuần, thị trường được tiếp thêm nhiều thông tin hỗ trợ như UBCK sẽ đề xuất giảm phí giao dịch chứng khoán hay Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 và chuẩn bị hạ lãi suất điều hành… nhưng chưa đủ mạnh để giúp tâm lý nhà đầu tư yên tâm hơn. Thị trường vẫn kết tuần bằng một phiên giảm điểm dù đà giảm không còn quá lớn.

Sau những trấn an không thành từ cơ quan quản lý, cuối tuần qua, hàng loạt cổ đông nội bộ của các công ty cũng lần lượt đăng ký mua vào các cổ phiếu. Động thái từ nội bộ này được kỳ vọng sẽ giúp tâm lý nhà đầu tư đại chúng ổn định hơn.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt, diễn biến chứng khoán Việt Nam còn chịu ảnh hưởng theo diễn biến chứng khoán thế giới.

Sau phiên họp bất thường, FED bất ngờ hạ lãi suất 1%, đưa về mức từ 0 – 0,25%, đồng thời cam kết thực hiện các chương trình mua trái phiếu với giá trị ít nhất 700 tỷ USD. Động thái này của Fed khiến giới đầu tư toàn cầu nhận định, dịch Covid19 đã tác động mạnh tới nền kinh tế Mỹ, từ đó gia tăng thêm tính bất ổn cũng như tâm lý sợ hãi trên các thị trường tài chính toàn cầu.

Theo đó, chứng khoán tương lai của Mỹ mở cửa phiên châu Á sáng nay lao dốc và thị trường chứng khoán Việt cũng không ngoại trừ.

Cụ thể, bước vào phiên giao dịch sáng 16/3, thị trường tiếp tục mở cửa trong sắc đỏ do dòng tiền tham gia khá yếu.

Đà giảm tiếp tục được nới rộng hơn trong đợt khớp lệnh liên tục khi áp lực bán gia tăng và lan rộng. Trong đó, nhóm bluechip cũng đồng loạt lùi sâu hơn, chỉ còn lác đác vài mã xanh nhạt, nhanh chóng đẩy VN-Index về dưới mốc 740 điểm. Tuy nhiên, ngay khi thủng ngưỡng này, lực cầu gia tăng đã giúp thị trường bật nẩy lên.

Tâm điểm đáng chú ý là dòng tiền đầu cơ tích cực đã hỗ trợ tốt giúp nhiều mã vừa và nhỏ nhen nhóm tạo sóng. Cụ thể, bên cạnh QCG và AMD tiếp tục nối dài chuỗi ngày tăng trần, các mã khác như HQC, HAI, TSC cũng lần lượt khoác áo tím với lượng dư mua trần lớn. Ngoài ra, FLC, DLG, HHS… đang tăng khá tốt.

Bên cạnh áp lực bán được tiết chế, sự hồi phục của một số bluechip đã giúp thị trường tiếp tục thu hẹp đà giảm. Sau khi tạo đáy dưới mốc 940 điểm, thị trường đã bật ngược đi lên và hồi phục gần 20 điểm sau khoảng gần 1 giờ giao dịch. Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh để giúp VN-Index lấy lại thăng bằng. Chỉ số này đã biến động lình xình đi ngang quanh vùng giá 755 điểm.

Chốt phiên sáng, thị trường thu hẹp khoảng cách hơn với 136 mã tăng và 204 mã giảm, VN-Index giảm 8,5 điểm (-1,12%), xuống 753,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 153,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.088,38 tỷ đồng, giảm 26,71% về lượng và 36,98% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (13/3). Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng gop 31,39 triệu đơn vị, giá trị hơn 609 tỷ đồng.

Trong khi hầu hết các cổ phiếu trong nhóm VN30 đều mất điểm thì cặp đôi lớn họ dầu khí là GAS – PLX hồi phục khá tích cực dù giá dầu thô tiếp tục sụt giảm. Cụ thể, GAS +3,9% lên 59.200 đồng/CP, còn PLX +4% lên 37.600 đồng/CP. Ngoài ra, FPT và HPG cũng tăng khá tốt nhờ lực cầu sôi động.

Trái lại, có tới 25 mã giao dịch trong sắc đỏ, đáng kể một số mã lớn đóng vai trò là gánh nặng chính của thị trường như VCB -1,5% xuống 69.900 đồng/CP, VHM -3,5% xuống 69.500 đồng/CP, VNM -1,5% xuống 97.600 đồng/CP, VRE -3,5% xuống 23.350 đồng/CP, MSN -3,1% xuống 48.300 đồng/CP, CTG -2,5% xuống 21.400 đồng/CP…

Dòng tiền đầu cơ là điểm nhấn của thị trường trong phiên sáng nay, giúp nhiều mã khởi sắc cùng giao dịch sôi động. Trong đó, HQC +3,5% lên 1.180 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản với 11,76 triệu đơn vị được khớp lệnh; FLC +4% lên 3.640 đồng/CP; HAI +7% lên mức giá trần 4.280 đồng/CP và khớp gần 6 triệu đơn vị cùng dư mua trần 2,13 triệu đơn vị; DLG +4,2% lên 1.720 đồng/CP và khớp 5,38 triệu đơn vị…

Ngoài ra, các mã AAA, QCG, FIT, TSC, AMD, CLG… cũng lần lượt chốt phiên trong sắc tím. Trong đó, AMD tiếp tục duy trì trạng thái dư mua trần chất đống với hơn 11 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau nhịp đảo chiều khởi sắc giữa phiên, thị trường đã quay đầu và bị kéo tụt về dưới mốc tham chiếu do lực bán thường trực.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 41 mã tăng và 47 mã giảm, HNX-Index giảm nhẹ 0,2 điểm (-0,19%), xuống 101,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 22,39 triệu đơn vị, giá trị 207,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chỉ hơn 100 triệu đồng.

Bộ 3 cổ phiếu ngân hàng trên sàn HNX đều điều chỉnh nhẹ. Cụ thể, ACB -0,5% xuống 21.900 đồng/CP, SHB -0,9% xuống 10.900 đồng/CP, NVB -1,1% xuống 8.600 đồng/CP, trong đó SHB dẫn đầu thanh khoản với 3,65 triệu đồng.

Trong khi đó, các cổ phiếu họ P có phần tích cực hơn khi PVB, PVC đã lấy lại mốc tham chiếu, PVS đảo chiều hồi nhẹ khi +0,9% lên 11.100 đồng/CP.

Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu thị trường cũng gia nhập cánh đồng tím như KLF, ART, DSST, KVC, MPT, PVX… Trong đó KLF và ART giao dịch tích cực với hơn 2,3 triệu đơn vị được khớp lệnh và lần lượt dư mua trần 4,26 triệu đơn vị và 1,82 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, giao dịch diễn ra khá giằng co. Chỉ số UPCoM-Index biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,46%), xuống 50,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 6 triệu đơn vị, giá trị 79,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,35 triệu đơn vị, giá trị hơn 69,8 tỷ đồng.

Tương tự sàn niêm yết, các cổ phiếu dầu khí trên UPCoM cũng khởi sắc hơn như BSR +3% lên 6.900 đồng/CP, OIL +3,33% lên 6.200 đồng/Cp.

Cặp đôi BSR và LPB dẫn đầu thanh khoản trên thị trường UPCoM, với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 1,38 triệu đơn vị và 1,33 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan