Phiên sáng 30/3: Lực cầu bắt đáy gia tăng, VN-Index "đào thoát" ngoạn mục

Phiên sáng 30/3: Lực cầu bắt đáy gia tăng, VN-Index "đào thoát" ngoạn mục

(ĐTCK) Tưởng chừng thị trường sẽ có phiên giảm sâu khi VN-Index bị đẩy mạnh xuống dưới ngưỡng 1.160 điểm, nhưng chỉ số này đã đảo chiều ngoạn mục trong nửa cuối phiên nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng.

Trong phiên giao dịch hôm qua, sau khi giằng co trong nửa đầu phiên, VN-Index đã chính thức chia tay mốc 1.170 điểm khi bảng điện tử sắc đỏ chiếm ưu thế, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn không khoe sắc cùng thanh khoản suy giảm mạnh.

Mặc dù đã có thời điểm được kéo trở lại, nhưng việc thiếu thông tin hỗ trợ cùng áp lực chốt lời nhẹ liên tục diễn ra, thậm chí sang phiên chiều còn mạnh hơn đã khiến VN-Index chính thức đóng cuwae trong sắc đỏ sau 3 phiên liên tiếp giữ được sắc xanh.

Trong phiên hôm qua, thị trường nhận thông tin kinh tế tích cực khi theo công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I/2018 ước tăng 7,38%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây, trong khi lạm phát được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, thông tin này không mấy ảnh hưởng tới thị trường khi nhà đầu tư đang tỏ ra chán nản sau 3 phiên lình xình của thị trường trên đỉnh lịch sử.

Theo SHS, khối lượng khớp lệnh tiếp tụt sụt giảm trong phiên phản ánh tâm lý nhà đầu tư đang có phần chán nản với diễn biến chủ yếu là giằng co trong ba phiên trở lại đây của thị trường. Mọi hoạt động giải ngân hay bán ra đều được tiết giảm ở một mức độ nào đó.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay (30/3), dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi nhóm ngân hàng vẫn chịu áp lực chốt lời khá mạnh.

Các mã nhỏ đang giao dịch sôi động là ASM, OGC, FLC, IDI, cùng 3 bluechip STB, FPT, NVL.

Dòng tiền bắt đáy cũng đang xuất hiện ở một số bluechip khác đã liên tục giảm gần đây, đặc biệt phiên sáng nay đáng chú ý có CTD và HDG, khi đã xanh ngay từ khi mở cửa và liên tục đi lên, tuy nhiên lực cầu chưa thực sự tự tin, khi thanh khoản mới chỉ trên dưới 100.000 đơn vị.
Tuy nhiên, thiếu đi động lực từ nhóm ngân hàng, thêm VIC điều chỉnh và VNM tiếp tục giảm sâu, VN-Index tiếp tục giảm điểm trong phiên sáng nay, đang đe dọa mốc 1.160 điểm.

Sau khi giao dịch giằng co quanh tham chiếu với biên độ hẹp trong hơn 1 giờ giao dịch thì bất ngờ lực cung gia tăng mạnh, VN-Index lao xuống, thủng ngưỡng 1.160 điểm, nhưng cũng chỉ ngay sau đó, lực cầu bắt đáy tiếp tục quay trở lại, thanh khoản được cải thiện cả về khối lượng và giá trị.

Chỉ số lại vọt lên với đà dẫn dắt tâm lý là một số bluechip như, NVL, CTD, DHG, FPT, và đặc biệt là GAS, qua đó, giúp VN-Index chốt phiên sáng nay trong sắc xanh, dù chỉ là xanh nhạt.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 125 mã tăng và 121 mã giảm, VN-Index tăng 1,1 điểm (+0,09%), lên 1.168,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 106,18 triệu đơn vị, giá trị 3.435,41 tỷ đồng, tăng hơn 23% về khối lượng và 37% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 21,4 triệu đơn vị, giá trị 852 tỷ đồng, với hơn 5 triệu cổ phiếu FPT ở mức giá trần, giá trị 232 tỷ đồng.

Cụ thể, GAS tăng 3,6% lên 131.000 đồng/cổ phiếu; CTD tăng 5% lên 156.500 đồng/cổ phiếu; DHG tăng 2,7% lên 111.000 đồng/cổ phiếu; NVL tăng 3,8% lên 68.800 đồng/cổ phiếu, có gần 1,7 triệu đơn vị khớp lệnh, FPT tăng 2,5% lên 61.000 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 1,9 triệu đơn vị, còn 3 mã trên chỉ trên dưới 200.000 đơn vị được khớp.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ngoài GAS tăng thì cũng chỉ còn VIC, SAB, VJC tăng nhẹ, MSN đứng tham chiếu, còn lại đều giảm.

VIC tăng 0,3% lên 115.300 đồng/cổ phiếu; SAB chỉ tăng 0,04% lên 239.200 đồng/cổ phiếu; VJC tăng 0,4% lên 222.900 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, VNM tiếp tục giảm 2,4% xuống 202.000 đồng/cổ phiếu, khớp 1 triệu đơn vị; VCB giảm 0,3% xuống 70.800 đồng/cổ phiếu; BID giảm 1,3% xuống 43.450 đồng/cổ phiếu; CTG giảm 1% xuống 34.650 đồng/cổ phiếu, khớp 3,3 triệu đơn vị; VPB giảm 0,5% xuống 64.900 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng trên HOSE ngoài 3 mã thuộc top vốn hóa trên thì còn lại đều giảm, trừ STB rung lắc, nhưng chốt phiên cũng tăng 1% lên 15.400 đồng/cổ phiếu, khớp 3,4 triệu đơn vị.

MBB giảm 1,3% xuống 34.750 đồng/cổ phiếu, khớp 3,4 triệu đơn vị; HDB giảm 1,5% xuống 45.300 đồng/cổ phiếu, khớp 1,6 triệu đơn vị; EIB giảm 0,7% xuống 13.900 đồng/cổ phiếu.

Nhóm VN30 tuy số mã giảm áp đảo (17 mã giảm, 11 mã tăng), nhưng ngoài VNM giảm sâu nhất thì còn lại chỉ giảm nhẹ, trong khi những mã tăng lại khá tốt như CTD, GAS, NVL, DHG, FPT nêu trên. Đây cũng là một nguyên nhân khiến có lúc chỉ số giảm sâu, nhưng được kéo xanh trở lại.

Trong nhóm cổ phiếu giảm điểm, SSI vẫn bị chốt lời, giảm 0,5% xuống 38.800 đồng/cổ phiếu, khớp gần 3 triệu đơn vị; SBT may mắn đứng ở tham chiếu 17.100 đồng/cổ phiếu, khớp 2,4 triệu đơn vị; HPG giảm 0,3% xuống 60.600 đồng/cổ phiếu, khớp 1,3 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thị trường hôm nay thanh khoản cao nhất và tăng điểm thuộc về SCR và FLC, lần lượt có 4,97 và 4,86 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Sắc xanh cũng còn có ở ASM, OGC, IDI, IJC, thanh khoản từ 1 triệu đến gần 4 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngược lại, FIT là mã giảm gần như duy nhất trong nhóm, khi có hơ 4,4 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên giảm 0,9% xuống 6.790 đồng/cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu xây dựng, bất động khác sáng nay có sự đồng thuận khá lớn, khi nhận được hiệu ứng tích cực từ NVL, CTD, VIC đã tiếp tục tăng và thanh khoản khá tốt như DXG, DIG, KBC, LDG, PDR, HDC, trừ HBC giảm nhẹ 0,2%.

Trong khi đó, NVT và TLD tiếp tục giảm sâu, với TLD vẫn giảm sàn và trắng bên mua xuống 15.350 đồng/cổ phiếu, thì NVT cũng mất tới 5% xuống 5.100 đồng/cổ phiếu.

Ngược lại, tăng đáng kể phiên sáng nay còn có PNJ +4% lên 206.000 đồng/cổ phiếu; APC sau thông tin Chủ tịch đăng ký mua 500.000 cổ phiếu cũng đã bật mạnh 4,6% lên 38.500 đồng/cổ phiếu; GEX tăng 3,2% lên 36.200 đồng/cổ phiếu, có 1,3 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên sàn HNX, thanh khoản có phần cải thiện và sắc xanh chiếm ưu thế tại các mã hút dòng tiền, nhưng chỉ số HNX-Index vẫn chốt phiên trong sắc đỏ với lực kéo giảm điểm của ACB, VC3, PVI, VCS, trong khi SHB, SHS lại không giúp gì nhiều khi đứng tham chiếu.

Cụ thể, SHB đứng ở 12.900 đồng/cổ phiếu, khớp 5,2 triệu đơn vị, thanh khoản lớn nhất sàn; PVS tăng 1,9% lên 21.200 đồng/cổ phiếu, khớp 2,65 triệu đơn vị; CEO tăng 2,2% lên 14.200 đồng/cổ phiếu, khớp gần 2 triệu đơn vị; HUT tăng 7% lên 9.200 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh đột biến, đạt gần 4,6 triệu đơn vị.

Các mã tăng khác còn có VGC +0,8% lên 24.200 đồng/cổ phiếu; VCG tăng 0,4% lên 23.100 đồng/cổ phiếu, khớp từ 400.000 – hơn 500.000 đơn vị.

Ngược lại, ACB giảm 0,4% xuống 46.400 đồng/cổ phiếu, khớp 1,37 triệu đơn vị; KLF giảm 4% xuống 2.400 đồng/cổ phiếu, khớp gần 1 triệu đơn vị; PVI giảm 1,5% xuống 40.200 đồng/cổ phiếu; VCS giảm 0,2% xuống 262.000 đồng/cổ phiếu.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 66 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,17%), xuống 131,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,38 triệu đơn vị, giá trị 414,03 tỷ đồng, tăng 18% về khối lượng và 12,5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 1 triệu đơn vị, giá trị 19,7 tỷ đồng.

Trên sàn UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chỉ sớm xanh nhạt khi mở cửa, sau đó cũng lao xuống, chìm trong sắc đỏ và rung lắc, trước khi hồi dần về cuối phiên, nhưng thời gian không đủ, chỉ số đứng tham chiếu khi chốt phiên sáng nay.

Hôm nay, cổ phiếu HMS nổi sóng trên UpCoM, khi ngày 30/3 là ngày bắt đầu thực hiện giao dịch đăng ký bán thoái vốn toàn bộ hơn 3,14 triệu cổ phiếu của Tổng CTCP Xây dựng Hà Nội, tỷ lệ 39,33% vốn của HMS.

Chốt phiên sáng nay, cổ phiếu HMS tăng 13,7% lên 38.100 đồng/cổ phiếu, thậm chí đã có lúc tăng kịch trần 38.500 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 3,16 triệu đơn vị.

Các mã quen thuộc còn lại đều tăng như POW, HVN, BSR, ACV và OIL trừ LPB giảm 0,7% xuống 15.000 đồng/cổ phiếu, khớp 1,1 triệu đơn vị; VIB giảm 0,7% xuống 40.200 đồng/cổ phiếu; QNS giảm 2,1% xuống 55.000 đồng/cổ phiếu...

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index đứng tham chiếu ở mức 60,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,62 triệu đơn vị, giá trị 236,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,4 triệu đơn vị, giá trị 138,7 tỷ đồng.

Tin bài liên quan