Phỏng vấn độc quyền với GS. Carlyle A.Thayer về tình hình Biển Đông

Liên quan đến việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời dùng tàu quân sự tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam, phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc phỏng vấn độc quyền Giáo sư Carlyle A. Thayer, giảng viên Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Australia, về vi phạm nghiêm trọng này của Trung Quốc.
Phỏng vấn độc quyền với GS. Carlyle A.Thayer về tình hình Biển Đông

Giáo sư có cho rằng, các hành động gây hấn của Trung Quốc là vi phạm luật quốc tế?

Đúng, các hành động này vi phạm luật quốc tế, vì Trung Quốc đã hành động đơn phương và đã dùng vũ lực để hạ đặt giàn khoan của mình tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Các hành động phi pháp đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung, thưa Giáo sư?

Hành động của Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam. Nếu như Trung Quốc được phép đi xa hơn nữa trong động thái hiện nay, thì họ sẽ triển khai các giàn khoan dầu tại một nơi khác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hành động của Trung Quốc đã làm tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến khả năng của Việt Nam trong việc phát triển các nguồn tài nguyên biển và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí.

Hành động của Trung Quốc cũng nhằm chia rẽ ASEAN và cô lập Việt Nam bằng cách biến cuộc khủng hoảng hiện nay thành một vấn đề song phương. Việc sử dụng vũ lực một cách lấn át còn nhằm đe dọa Malaysia và Indonesia để các quốc gia này không dám chống lại Trung Quốc trong các tranh chấp về biển.

Tuy nhiên, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã ra một tuyên bố riêng về Biển Đông, thể hiện quan ngại sâu sắc về những diễn biến hiện nay trên Biển Đông. Đây là minh chứng rõ ràng về sự thống nhất của ASEAN.

Việt Nam cần làm gì để giữ gìn chủ quyền của mình và duy trì hòa bình, an ninh trên Biển Đông?

Việt Nam cần phải tiếp tục “đấu tranh và hợp tác” với Trung Quốc. Việt Nam phải duy trì liên lục sự hiện diện của đội ngũ cảnh sát biển và tàu tại các lô 142 và 143 để phản đối sự hiện diện của Trung Quốc ở đây, cho đến khi giàn khoan được rút đi.

Việt Nam cũng cần thông tin đầy đủ về vụ việc cho các nước thành viên ASEAN về các diễn biến hiện nay trên biển, đồng thời tiếp tục yêu cầu Trung Quốc mở đối thoại về vấn đề này. Ngoài ra, Việt Nam cần vận động các đối tác đối thoại của ASEAN, kêu gọi sự ủng hộ về ngoại giao và chính trị của họ. Tranh chấp hiện nay phải được nêu ra tại tất cả các cuộc họp của các hiệp hội đa phương mà ASEAN là trung tâm và tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Trong khi đấu tranh với Trung Quốc, Việt Nam cần tránh các hành động khiêu khích có thể làm cho Trung Quốc gia tăng sử dụng vũ lực. Việt Nam phải luôn luôn được coi là nạn nhân trong con mắt của cộng đồng quốc tế. Điều này là khó, bởi vì các cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc sẽ không ngần ngại bóp méo sự thật để có thể kiện cáo.

Giáo sư kỳ vọng gì về tương lai của Biển Đông?

Tình hình hiện nay vẫn rất căng thẳng và chỉ có thể dịu đi khi Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu thuyền quanh giàn khoan.

Trung Quốc cũng không thể giữ mãi giàn khoan tại vùng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vì chi phí duy trì dàn khoan này là khá lớn, trong khi giàn khoan sẽ được triển khai tốt hơn ở một khu vực có nhiều tiềm năng dầu mỏ.

Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đối mặt với sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Các hành động của Trung Quốc đã làm hỏng chính sách “ngoại giao thân thiện” của quốc gia này và làm hồi sinh cái gọi là “nguy cơ Trung Quốc”. Đây là một bước lùi trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Hoa Kỳ không được kỳ vọng can thiệp trực tiếp vào vụ tranh chấp giàn khoan, song nước này có thể đẩy mạnh hiện diện quân sự tại Biển Đông. Hoa Kỳ có thể phản ứng mạnh mẽ nếu như vấp phải sự đe dọa từ phía tàu hải quân Trung Quốc.

Tôi cho rằng, các bên cần phải kiềm chế để cho tình hình không leo thang. Cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc khi Trung Quốc rút hết giàn khoan. Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ đồng ý đàm phán cấp cao với các nhà lãnh đạo Việt Nam để khắc phục vấn đề này.      

Tin bài liên quan