Quảng Ninh mới đạt 18.300 doanh nghiệp so với mục tiêu 25.000 doanh nghiệp vào năm 2020

Chỉ còn gần 20 tháng nữa để Quảng Ninh hoàn thành chỉ tiêu 25.000 doanh nghiệp vào năm 2020 theo chỉ đạo tại Thông báo 65/TB-VPCP, tuy nhiên, đến hiện tại Quảng Ninh mới có 18.300 đơn vị (doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc) đang hoạt động. Trong khi đó, cả năm 2018, Quảng Ninh mới có 2.450 doanh nghiệp thành lập mới.

Dư địa lớn từ các hộ kinh doanh

Hết 4 tháng đầu năm, Quảng Ninh mới có 700 đơn vị thành lập mới (trong đó 540 doanh nghiệp và 160 đơn vị trực thuộc), giảm 18,5 % so cùng kỳ năm 2018. Số lượng đơn vị giải thể là 116 đơn vị, đã giảm 4% so cùng kỳ. Tuy số lượng đơn vị tạm ngừng hoạt động là 378 đơn vị, tăng đến 17,4% cùng kỳ nhưng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã tăng 26,2 % so cùng kỳ và đạt 378 đơn vị. Lũy kế đến hết tháng 4/2019 tổng số đơn vị hoạt động trên địa bàn tỉnh là 18.300 đơn vị.

Các doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2019 đã đăng ký tạo việc làm cho 4.500 lao động, tăng 10% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực kinh doanh được đăng ký mới trong năm 2019 tiếp tục tập trung khu vực thương mại dịch vụ, du lịch - chiếm trên 55%; công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi công nghiệp chiếm 20%, nông nghiệp, thủy sản chiếm 1,8%, còn lại là các ngành nghề khác. Điều này đã phản ánh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo tại Hội nghị về tình hình phát triển doanh nghiệp và các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp năm 2019. Ảnh: Thanh Tân. 

Để có thể thực hiện chỉ tiêu 25.000 doanh nghiệp vào năm 2020 theo chỉ đạo tại Thông báo 65/TB-VPCP, tỉnh Quảng Ninh đã  ban hành nhiều cơ chế chính sách mới để hỗ trợ và khuyến kích khu vực kinh tế hộ gia đình chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Theo kết quả tổng hợp nhanh Tổng điều tra kinh tế tỉnh Quảng Ninh năm 2017 của Cục Thống kế tỉnh, tính đến ngày 12/01/2018, có 26.390 đơn vị 79.530 đơn vị sản xuất kinh doanh cá thể có đăng ký và hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh. Còn theo số liệu của cơ quan Thuế cung cấp thì chỉ có 18.000/26.390 hộ có phát sinh thuế và đây cũng là dư địa để Quảng Ninh có thêm các doanh nghiệp mới được thành lập nhờ chuyển đổi từ hộ kinh doanh như quy định tại Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp (Nghị định 108).

Tập trung hỗ trợ nhóm tiềm năng

Trong 20 tháng tới, để Quảng Ninh có thể hoàn thành mục tiêu về số lượng doanh nghiệp thì cần phải có thêm 6.700 doanh nghiệp được thành lập mới. Xác định được rõ mục tiêu, nên bên cạnh các hoạt động thường xuyên và thực chất về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, rút ngắn các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền, Quảng Ninh còn đưa ra các chính sách cụ thể để hỗ trợ nhóm đối tượng tiềm năng là các doanh nghiệp khởi nghiệp, các hộ kinh doanh để chuyển đổi sang doanh nghiệp.

 Từ năm 2015 đến nay, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ hàng quý của Quảng Ninh đều có sự tham gia của thành phần kinh tế hộ gia đình. Ảnh: Thanh Tân.

Cụ thể, cuối năm 2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trình HĐND ban hành Nghị quyết 148/NQ- HĐND (ngày 7/12/2018) về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khời nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020. Các chính sách này tập trung hỗ trợ doanh nghiệp về kiến thức pháp lý, kỹ năng quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp và chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp 50% giá thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ thực hiện đổi mới công nghệ và truyền thông khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, đại diện của Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT) cho biết, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh như: đào tạo, tư vấn, thông tin, thị trường, giúp doanh nghiệp trong vấn đề quyền sở hữu trí tuệ...

Đơn cử, từ đầu năm 2018 đến nay, sở đã xây dựng kế hoạch và tổ chức 53 hội chợ, phiên chợ, tuần hàng OCOP trên địa bàn tỉnh; triển khai trang tin thương hiệu nông sản Quảng Ninh tại địa chỉ: http://thuonghieuquangninh.gov.vn nhằm quảng bá giới thiệu Chương trình Xây dựng Nông thôn mới và các sản phẩm OCOP của tỉnh; ...

Sở KH&ĐT cũng đã hỗ trợ 360 triệu đồng cho 18 doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 43/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tra cứu khả năng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 160 đối tượng; hướng dẫn các tổ chức cá nhân lập 50 hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...

Sở Tư pháp cũng ban hành Kế hoạch 46/KH-STP về tập huấn kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức trong tỉnh tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho hơn 100 doanh nghiệp. Qua khảo sát thì có trên 80% doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật do tỉnh thực hiện.

 Còn nhiều khó khăn

Theo Sở KH&ĐT, mặc dù Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực, tuy nhiên việc triển khai đi vào thực tế còn chưa khai thác hết, chưa có tác động lớn đến doanh nghiệp, do còn những yếu tố pháp lý, việc hướng dẫn của các cấp bộ, ngành chưa đồng bộ, chưa thống nhất.

Ví dụ như chính sách hỗ trợ miễn thuế thu nhập cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp hiện nay đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ; Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp vừa mới được thông qua tháng 4/2019, các điều kiện và giấy phép kinh doanh hiện vẫn đang được các bộ ngành rà soát trình Chính phủ cắt giảm….

Đó là còn chưa kể, Nghị quyết 148/NQ- HĐND mới có hiệu lực từ cuối năm 2018 thì cần phải có thời gian để đi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả, trong khi đó thời gian để hoàn thành mục tiêu 25.000 doanh nghiệp không còn nhiều.

Trong báo cáo của Sở KH&ĐT Quảng tại Hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp quý II/2019 diễn ra ngày 4/5 còn nêu ra một thách thức lớn khác là việc phát triển số lượng doanh nghiệp năm sau cao hơn năm trước theo mục tiêu đến năm 2020. Lý do được đưa ra là những năm qua số lượng doanh nghiệp đã phát triển với tốc độ cao (so sánh số doanh nghiệp thành lập mới năm 2010 là 1.192; năm 2018 là 2.450, số doanh nghiệp đã tăng hơn 200%).

Bên cạnh đó, còn do chi phối bởi yếu tố quy luật thị trường, cạnh tranh quyết liệt đã ảnh hưởng đến sức khỏe của doanh nghiệp. Số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu kinh nghiệm và khả năng cạnh tranh, nhất là trong thời kỳ hội nhập, nên dù có nhiều doanh nghiệp được thành lập mới, thì cũng có không ít doanh nghiệp phải phải rút lui khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự nghiên cứu sâu về cơ chế chính sách, quá trình áp dụng triển khai mất nhiều thời gian; chưa có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp...

Tin bài liên quan