Tâm trạng u ám bủa vây, giới đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu

Tâm trạng u ám bủa vây, giới đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall thêm một ngày giao dịch đen tối trong phiên thứ Hai (13/6), với những lo ngại dâng cao bởi chỉ số CPI được công bố vào cuối tuần trước sẽ khiến Fed không ngần ngại tăng lãi suất mạnh hơn thông thường.

Cuối tuần qua, chỉ số CPI tháng 5 của Mỹ được thông báo đã gây sốc cho thị trường khi tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ năm 1981, trong khi con số dự báo chỉ là tăng 8,3%.

Điều này khiến không gian Fed tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát trở nên rộng mở hơn và nhiều người đã bất an, bán tháo cổ phiếu khi ngày càng có nhiều dự báo rằng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp tuần này, cao hơn mức thông thường là 0,5%.

“Bất kỳ ai muốn tin rằng cổ phiếu sẽ tăng giá đều không thể tìm được điều gì để bấu víu vào. Ngoài kia, không có gì cho họ dựa vào tại thời điểm này, khi mức định giá bị hoài nghi, lãi suất đang tăng lên, và triển vọng của nền kinh tế trở nên bấp bênh”, nhà sáng lập Jack Ablin của Cresset Capital cho biết.

Phiên này, áp lực xả hàng đã khiến chỉ số S&P 500 đã rơi vào thị trường giá xuống, tức giảm hơn 20% so với mức cao kỷ lục đóng cửa gần đây nhất vào ngày 3/1.

Các cổ phiếu tăng trưởng cao như Apple, Microsoft và Amazon là những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến S&P 500, do lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ vọt lên 3,44%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2011.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu Boeing, Salesforce và American Express lần lượt sụt 8,7%, 6,9% và 5,2%, gây áp lực lớn lên Dow Jones khi những lo ngại về suy thoái kinh tế ngày càng tăng.

Các cổ phiếu công nghệ cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực với cổ phiếu Netflix, Tesla và Nvidia đều giảm hơn 7% khi Nasdaq Composite chạm mức đáy mới trong 52 tuần và ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.

Kết thúc phiên 13/6, chỉ số Dow Jones giảm 876,05 điểm (-2,79%), xuống 30.516,74 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 151,23 điểm (-3,88%), xuống 3.749,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 530,80 điểm (-4,68%), xuống 10.809,23 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng, khi lạm phát Mỹ tăng mạnh làm gia tăng lo ngại về việc Fed sẽ tăng lãi suất mạnh.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 2,41% xuống 412,52 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 7/3.

Nhóm các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao giảm 4,2%, do lợi suất trái phiếu chính phủ đạt mức cao nhất trong nhiều năm, bởi thị trường đặt cược vào việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn, trong khi các lĩnh vực nhạy cảm đến nền kinh tế như du lịch & giải trí và nhà sản xuất ô tô cũng giảm lần lượt 5,3% và 4,5%

Tâm trạng trở nên u ám sau đợt bán tháo mạnh mẽ ở Phố Wall vào thứ Sáu do dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng Mỹ tăng 8,6% trong tháng 5, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1981, làm dấy lên lo lắng về đợt tăng lãi suất 0,75% tại cuộc họp của Fed trong tuần này.

Cổ phiếu các ngân hàng khu vực đồng Euro giảm 3,1% do thất vọng về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu không tiết lộ bất kỳ công cụ nào hỗ trợ trái phiếu ngoại vi tại cuộc họp tuần trước. Trong đó, các ngân hàng lớn nhất của Pháp như BNP Paribas, Societe Generale và Credit Agricole giảm từ 4% đến 4,7%.

Elwin de Groot, chuyên gia kinh tế thị trường cao cấp tại Rabobank cho biết: “Chúng ta đang có quá nhiều bất ổn… tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát gia tăng hơn kết hợp với lo ngại về việc các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm các chương trình kích thích”.

Chỉ số STOXX 600 đã giảm gần 16,5% kể từ khi chạm mức cao kỷ lục vào tháng 1 do lo ngại về lạm phát tăng vọt, chính sách thắt chặt của các ngân hàng trung ương và các biện pháp phong tỏa nhiều nơi để kiềm chế Covid-19 gần đây ở Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế tiềm ẩn.

Kết thúc phiên 13/6: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 111,71 điểm (-1,53%), xuống 7.205,81 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 334,80 điểm (-2,43%), xuống 13.427,03 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 164,91 điểm (-2,67%), xuống 6.022,32 điểm.

Tin bài liên quan