Thị trường hàng hóa tuần từ 15-22/7: Đa phần giảm giá, trừ vàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 15-22/7, hầu hết các mặt hàng tiếp tục giảm giá trước lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng, nhưng điều này lại kích thích tài sản trú ẩn như vàng đi lên.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Năng lượng: Giá dầu và khí LNG diễn biến trái chiều, than Trung Quốc giảm mạnh

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô giảm xuống dưới 95 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 4/2022 sau khi Liên minh châu Âu (EU) sẽ cho phép các công ty quốc doanh của Nga vận chuyển dầu đến các nước thứ ba theo sự điều chỉnh các biện pháp trừng phạt được các quốc gia thành viên nhất trí trong tuần qua.

Cụ thể, dầu thô Tây Texas của Mỹ (WTI) giảm 1,65 USD (-1,7%) xuống 94,7 USD/thùng, còn dầu Brent giảm 66 cent (-0,6%) xuống 103,2 USD.

Giá dầu WTI giảm tuần thứ ba liên tiếp với 2 phiên về cuối tuần giá đều giảm sau khi dữ liệu cho thấy nhu cầu xăng của Mỹ đã giảm gần 8% so với một năm trước ngay giữa lúc cao điểm của mùa hè do giá xăng cao kỷ lục.

Ngược lại, các dấu hiệu về nhu cầu mạnh mẽ ở châu Á đã nâng giá dầu Brent tăng tuần đầu tiên trong vòng 6 tuần.

Trên thị trường khí tự nhiên, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á giảm do thị trường bớt lo ngại về việc nguồn cung thắt chặt sau khi dòng khí đốt của Nga qua đường ống Nord Stream 1 chảy trở lại sau 10 ngày bảo trì.

Các nguồn tin trong ngành cho biết, giá LNG trung bình giao tháng 9/2022 tại Đông Bắc Á đạt 38 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), giảm 2,5 USD (-6,2%) so với tuần trước.

Tại châu Âu, Công ty S&P Global Commodity Insights báo giá LNG ở Tây Bắc Châu Âu là 38,233 USD/mmBtu, thấp hơn 8,95 USD/mmBtu so với giá LNG kỳ hạn giao tháng 9/2022 tại trung tâm khí đốt Hà Lan.

Riêng tại Mỹ, giá khí đốt tự nhiên giao theo kỳ hạn tại Mỹ tăng vọt 48% trong tháng Bảy, riêng trong ngày 20/7 tăng tới 10% và hiện chỉ còn kém 1 USD so với mức giá cao nhất trong vòng 14 năm được ghi nhận hồi đầu tháng Sáu năm nay khi một nhà máy sản xuất khí gas cho xuất khẩu ở bang Texas bị cháy.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn của Mỹ, hiện tượng sóng nhiệt, nguyên nhân chính gây nên thời tiết nóng kỷ lục hiện nay, sẽ còn kéo dài tới tháng Tám và ảnh hưởng tới thời tiết ở hầu hết các bang.

Giá khí đốt tăng cao khiến giá cả nhiều nguyên liệu chủ chốt như phân bón, thép, xi-măng và nhựa tiếp tục đi lên. Vụ mùa ngô của Mỹ, một trong những nước sản xuất ngô lớn nhất thế giới, cũng đang ở vào giai đoạn thụ phấn thời điểm này, nên nhiệt độ cao và độ ẩm thấp đã ảnh hưởng xấu tới năng suất; đó cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá các sản phẩm liên quan tới ngô tăng cao.

Dự báo cho thấy, thời tiết tuần này và tuần sau sẽ nóng nhất trong hơn 4 thập kỷ qua và các nhà máy điện phải sản xuất hết công suất nhằm đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt tăng cao, nhất là nhu cầu sử dụng máy lạnh và điều hòa không khí.

Giới chuyên gia quan ngại rằng, nhu cầu khí đốt tăng cao như hiện nay có thể sẽ khiến Mỹ không còn đủ khí đốt dự trữ cho mùa đông sắp tới và như vậy, giá khí đốt sẽ càng bị đẩy lên cao hơn nữa.

Giá khí đốt cao khiến một số nhà máy điện phải quay sang sử dụng nguyên liệu than khiến nhu cầu về nguyên liệu than cũng tăng, giá than lại bị đẩy lên gấp hơn 3 lần so với cách đây một năm bởi Mỹ đã hạn chế khai thác than và giảm sản lượng sản xuất theo lộ trình chuyển đổi sang sử dụng các loại năng lượng sạch.

Trên thị trường than, tại Trung Quốc, hợp đồng than cốc giao tháng 9/2022 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên kết thúc giao dịch ban ngày thấp hơn 6,7% xuống mức 1.922,50 CNY (tương đương 284,78 USD)/tấn, sau khi chạm mức 1.885,50 CNY/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 13/12/2021.

Than cốc, dạng than luyện cốc đã qua chế biến được sử dụng trong luyện quặng sắt, giảm 3,6% xuống 2.590,50 CNY/tấn.

Sự tích tụ nguồn cung than luyện cốc tại các cảng do chính sách hạn chế Covid-19 gần đây ở Nội Mông, nguồn nguyên liệu chính, cũng gây thêm áp lực lên giá, cùng với các cuộc đàm phán về việc Trung Quốc chấm dứt lệnh cấm nhập khẩu than Úc không chính thức cũng ảnh hưởng đến nguồn cung than.

Trên Sàn Đại Liên, hợp đồng than luyện cốc giao tháng 9/2022 của quặng sắt Đại Liên giảm 0,4%, trong khi hợp đồng giao tháng 8/2022 của nguyên liệu sản xuất thép trên Sàn giao dịch Singapore tăng 2,6% lên mức 99,7 USD/tấn.

Kim loại: Giá vàng tăng lần đầu tiên sau 6 tuần, đồng và quặng sắt giảm, thép đi lên

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng tuần đầu tiên trong vòng 6 tuần do lợi suất trái phiếu Mỹ giảm và USD yếu đi, củng cố sức hấp dẫn của vàng trong bối cảnh rủi ro kinh tế vẫn tiếp diễn.

Cụ thể, giá vàng giao ngay kết thúc phiên 22/7 tăng 0,2% lên 1.721,29 USD/ounce và cả tuần tăng khoảng 1%, sau khi phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp nhất trong hơn 1 năm chạm tới vào thứ Năm (21/7) là 1.680,25 USD/ounce.

Giá vàng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn New York phiên này cũng tăng 0,8% lên 1.727,4 USD.

Phillip Streible, chiến lược gia thị trường trưởng tại Blue Line Futures ở Chicago cho biết, USD và lợi suất trái phiếu giảm đang giúp kéo giá vàng tăng trở lại.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng ngày 22/7 giảm do thị trường lại dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất. Đồng thường được sử dụng như một thước đo cho sức khỏe kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, trên sàn giao dịch London, giá đồng kỳ hạn 3 tháng giảm 1,6% xuống 7.261 USD/tấn. Tương tự, hợp đồng giao tháng 8/2022 trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 0,3% về 56.180 CNY (tương đương 8.304,14 USD)/tấn.

Về các kim loại khác, giá trên sàn London cũng giảm như kẽm giảm 2,4% xuống 2.934 USD/tấn; chì giảm 1% xuống 2.012,5 USD/tấn.

Ngược lại, trên sàn Thượng Hải, giá nikel tăng 3% lên 159.650 CNY/tấn; chì tăng 1,2% lên 15.245 CNY/tấn; thiếc tăng 2,7% lên 193.560 CNY/tấn.

Nhu cầu yếu tại Trung Quốc - nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, đã ảnh hưởng đến giá cả. Những hạn chế nghiêm ngặt về Covid -19 tại nước này làm giảm niềm tin của thị trường về sự phục hồi nhanh chóng nhu cầu kim loại.

He Tianyu, nhà phân tích nhu cầu đồng tại CRU Group cho biết, thị trường kim loại đã bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế vĩ mô, với lo ngại suy thoái toàn cầu tiếp tục thúc đẩy tâm lý giảm giá.

Giá quặng sắt kỳ hạn tại Đại Liên và Singapore ngày 22/7 đồng loạt đi xuống do các nhà đầu tư chuyển hướng tập trung trở lại với triển vọng nhu cầu ảm đạm của Trung Quốc,.

Cụ thể, trên Sàn giao dịch Đại Liên, giá quặng sắt giảm 0,3% xuống 657 CNY (tương đương 97,15 USD)/tấn.

Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 8/2022 của nguyên liệu sản xuất thép giảm 0,6% xuống mức 98,85 USD/tấn.

Các nhà phân tích của Zhongzhou Futures cho biết, trong bối cảnh nhu cầu tiếp tục suy yếu, thị trường quặng sắt của Trung Quốc có thể sẽ bị “dư cung” trong 2 quý cuối năm nay.

Dữ liệu của SteelHome cho thấy, tồn kho quặng sắt bên bờ cảng ở Trung Quốc tăng đều đặn trong 3 tuần qua, đạt mức cao nhất trong 7 tuần là 130,6 triệu tấn.

Các nhà máy thép tại Trung Quốc đã giảm sản lượng trong những tuần gần đây, đưa các cơ sở của họ đi bảo trì sớm hơn bình thường do biên lợi nhuận giảm.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,7% và thép cuộn cán nóng tăng 0,5%, phục hồi nhẹ so với mức giảm đầu phiên do giá nguyên liệu đầu vào là than cốc giảm mạnh. Giá thép không gỉ giảm 1,1%.

Nông sản: Lúa mì giảm giá, ngô và đậu tương tăng giá

Giá lúa mì của Mỹ giảm gần 6% vào thứ Sáu (22/7), xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022 sau khi Nga và Ukraine ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt để mở lại các cảng của Ukraine ở Biển Đen để xuất khẩu ngũ cốc.

Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 9/2022 giảm 47-1/4 cent xuống 7,59 USD/bushel, sau khi có lúc giảm xuống 7,54 USD, mức thấp nhất của hợp đồng kể từ ngày 4/2/2022.

Giá ngô giao tháng 12/2022 cũng giảm 9-1/4 cent xuống 5,64-1/4 USD/bushel.

Ngược lại, giá đậu tương giao tháng 11/2022 tăng 14-1/4 cent lên mức 13,15-3/4 USD.

Như vậy, trong khi lúa mì và ngô có tuần thứ 2 liên tục giảm giá, thì đậu tương tăng tuần thứ 2 liên tiếp.

Nguyên liệu công nghiệp: Đồng loạt giảm giá

Giá đường, cà phê và cacao đều giảm trong phiên 22/7 do lo ngại về nguy cơ kinh tế suy thoái và thị trường chứng khoán mất điểm. Đồng real Brazil yếu đi cũng là một yếu tố gây giảm giá cà phê và đường.

Cụ thể, giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2022 phiên này giảm 0,46 cent (-2,5%) xuống 17,89 cent/lb, tính chung cả tuần giảm 7%. Giá đường trắng cùng kỳ hạn giảm 9,2 USD (-1,7%) xuống 523,40 USD/tấn.

Giá cà phê arabica giao tháng 9/2022 giảm 9,15 cent (-4,2%) xuống 2,067 USD/lb, song cả tuần vẫn tăng 1,4%. Cà phê robusta cùng kỳ hạn giảm 25 USD (-1,3%) xuống 1.962 USD/tấn.

Giá cacao kỳ hạn tháng 9/2022 tại Mỹ giảm 7 USD (-0,3%) về 2.297 USD/tấn; ca cao cùng kỳ hạn tháng 9 tại London giảm 15 GBP (-0,9%) về 1.699 GBP/tấn.

Giá cao su tại Nhật Bản tiếp tục chuỗi phiên thứ 3 giảm giá, xuống mức thấp nhất 6 tháng do lo ngại về nhu cầu suy yếu ở nước tiêu dùng hàng hóa hàng đầu thế giới - Trung Quốc.

Cao su kỳ hạn tháng 12/2022 trên Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên giảm 1,2 JPY (-0,5%) xuống 236,5 JPY (1,72 USD)/kg. Tính cả tuần, giá giảm khoảng 2%.

Hợp đồng cao su giao tháng 9/2022 trên Sàn Thượng Hải giảm 95 CNY xuống 11.665 CNY (1.724,37 USD)/tấn.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).
Tin bài liên quan