Thị trường hàng hóa tuần từ 19-26/3: Đồng loạt giảm giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường hàng hóa quốc tế tuần qua (từ 19-26/3) chứng kiến sự giảm giá của hầu hết mặt hàng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 gia tăng lo ngại tại châu Âu và tắc nghẽn kênh đào Suez.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Năng lượng: Dầu giảm tuần thứ 3 liên tiếp

Thị trường dầu mỏ tuần qua biến động mạnh bởi 2 yếu tố: Châu Âu tái phong tỏa để ngăn làn sóng Covid-19 thứ 3 gây lo ngại nhu cầu dầu mỏ sẽ sụt giảm và con tàu Ever Given dài 400 m, rộng 59 m bị mắc kẹt và chắn ngang kênh đào Suez từ hôm 24/3 gây ách tắc ở cả 2 chiều.

Cụ thể, giá dầu giảm mạnh khoảng 6% trong phiên 23/3 do lo ngại việc châu Âu tái phong tỏa chống Covid-19 và tiến trình triển khai tiêm chủng vắc-xin chậm chạp có thể cản trở sự hồi phục về nhu cầu dầu. Theo đó, dầu Brent giảm 3,83 USD (-5,9%) xuống 60,79 USD/thùng, trong phiên có lúc giá chạm mức 60,5 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng giảm 3,8 USD (-5,9%) xuống 57,76 USD/thùng, trong phiên có lúc xuống 57,32 USD/thùng. Cả 2 loại dầu đều đã trở lại mức thấp nhất kể từ ngày 9/2.

Tuy nhiên, sự kiện kênh đào Suez bị tắc nghẽn đã khiến giá dầu đảo chiều tăng trở lại. Phiên cuối tuần 26/3, giá dầu bật tăng hơn 4% do lo ngại dòng chảy dầu thô và các sản phẩm dầu lọc trên toàn cầu có thể bị gián đoạn trong nhiều tuần khi những nỗ lực giải cứu con tàu khổng lồ mắc kẹt ở kênh đào Suez có thể phải kéo dài. Theo đó, dầu Brent tăng 2,62 USD (+4,2%) lên 67,57 USD/thùng, phiên liền trước giá giảm 3,8%; dầu WTI tăng 2,41 USD/thùng (+4,1%) lên 60,97 USD/thùng, sau khi giảm 4,3% ở phiên liền trước.

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,15% so với tuần trước, dầu WTI cũng giảm 0,73% và là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của 2 loại dầu này.

Kim loại: Vàng và đồng cùng giảm, quặng sắt tăng

Ở nhóm kim loại quý, kết thúc phiên 26/3, giá vàng thế giới tăng do nhà đầu tư tăng mua vào trong thời điểm cuối quý. Theo đó, vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.732,11 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 4/2021 tăng 0,4% lên 1.732,30 USD/ounce.

Tuy nhiên, tính cả tuần, giá vàng giao ngay vẫn giảm 0,8% và vàng kỳ hạn tháng 4/2021 giảm 0,73% - là tuần đầu tiên trong 3 tuần gần nhất do USD mạnh lên, bất chấp diễn biến dịch Covid-19 tại châu Âu đáng lo ngại.

Chintan Karnani, người phụ trách phân tích thị trường tại Insignia Consultants cho rằng, giá vàng tăng phiên cuối tuần qua là do hoạt động mua vào vào cuối quý.

Trong khi đó, USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng gây áp lực giảm giá lên vàng, nhưng số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới và chính sách duy trì lãi suất thấp của Mỹ lại hậu thuẫn giá vàng tăng. Theo chuyên gia này, hiện vẫn chưa rõ tác động từ yếu tố nào mạnh hơn yếu tố còn lại.

Việc USD mạnh lên khiến vàng trở nên kém hấp dẫn đối với những nhà đầu tư sử dụng các loại tiền tệ khác, trong khi lợi suất tăng cũng làm cho sức hút của vàng giảm so với trái phiếu kho bạc, vì vàng vốn không sinh lời theo hình thức lợi suất.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, kết thúc phiên 26/3, giá đồng tăng do lo ngại chi phí vận chuyển kim loại công nghiệp sẽ tăng mạnh sau sự cố tắc nghẽn ở kênh đào Suez. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát nhanh và tốc độ tiêm chủng chậm chạp ở khu vực đồng euro cản trở giá đồng tăng.

Cụ thể, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London - tham chiếu cho thị trường toàn cầu - tăng 2% lên 8.958 USD/tấn. Những kim loại cơ bản khác như nhôm tăng 2,2% lên 2.296 USD/tấn, kẽm tăng 2,1% lên 2.829 USD/tấn, chì tăng 1,8% lên 1.956 USD/tấn, nickel tăng 1,2% lên 16.350 USD/tấn… cũng tăng trong phiên này.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, ngoại trừ nhôm, giá hầu hết các kim loại cơ bản đều giảm do lo ngại triển vọng nhu cầu sẽ không tươi sáng do dịch Covid-19 bùng phát ở châu Âu. Trong đó, giá đồng giảm hơn 1% so với tuần trước đó và giảm khoảng 7% so với mức cao nhất 9,5 năm đạt được vào tháng trước (9.617 USD/tấn).

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên phiên 26/3 tăng 2% lên 1.088 CNY/tấn, là phiên tăng thứ 4 liên tiếp và cả tuần tăng gần 2%, bất chấp việc giảm tới 4,5% ở phiên đầu tuần, cũng là tuần tăng đầu tiên sau 4 tuần. Thực tế, nhu cầu quặng sắt ở Trung Quốc đang gia tăng, trong khi lượng thép tồn kho ở nước này giảm.

Trên sàn Singapore, quặng sắt cũng tăng 0,4% lên 156,25 USD/tấn trong phiên 26/3.

Tồn trữ 5 sản phẩm thép chính do 184 nhà máy thép Trung Quốc nắm giữ trong tuần qua đã giảm 3,3% so với tuần trước đó, là tuần giảm thứ 5 liên tiếp, theo dữ liệu của công ty tư vấn Mysteel.

Nông sản: Giá quay đầu giảm vì triển vọng nguồn cung tăng

Giá đậu tương Mỹ giảm trong phiên cuối tuần 26/3 sau báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ về dự trữ ngũ cốc và kế hoạch trồng trọt vụ mới cho thấy triển vọng nguồn cung sẽ tăng lên.

Đậu tương kết thúc phiên này giảm 13-3/4 US cent (-0,6%) xuống 14,00-1/2 USD/bushel và cả tuần giảm hơn 1%.

Trái với đậu tương, giá ngô và lúa mỳ phiên này đảo chiều tăng trở lại, với lúa mì tăng 3/4 xu (+0,4%) lên 6,13-1/4 USD/bushel, trong khi ngô tăng 6 US cent (+1%) lên 5,52-1/2 USD/bushel, nhưng tính cả tuần giá lúa mỳ giảm gần 2,5% và ngô giảm gần 1%.

Nguyên liệu công nghiệp: Tiếp tục giảm mạnh

Giá đường thô tăng 0,1 US cent (+0,7%) trong phiên 26/3, lên 15,19 US cent/lb, rời xa mức thấp nhất 3 tháng của phiên trước đó. Ngược lại, đường trắng phiên này giảm 2,1 USD (0,5%) xuống 437,1 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá đường giảm hơn 3,6%.

Một số yếu tố đang tác động tới thị trường đường đó là vụ thu hoạch ở khu vực Trung Nam Brazil bắt đầu muộn, lo ngại về tình trạng tắc nghẽn ở cảng biển Brazil và nông dân châu Âu giảm diện tích trồng củ cải đường trong năm nay do giá thấp.

Giá cà phê arabica và robusta đều tăng trong phiên cuối tuần qua khi thị trường tài chính toàn cầu hồi phục mạnh. Cụ thể, cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 tăng 1,9 US cent (+1,5%) lên 1,285 USD/lb, phiên liền trước giá hợp đồng này xuống thấp nhất kể từ ngày 17/2/2021; cà phê robusta cũng tăng 2,5% lên 1.399 USD/tấn. Tính chung cả tuần, trong khi cà phê arabica giảm gần 0,4% thì cà phê robusta tăng hơn 1%.

Giá cao su tại Nhật Bản giảm trong phiên 26/3 là phiên giảm thứ 4 liên tiếp theo xu hướng giảm ở sàn Thượng Hải do lo ngại về đợt phong tỏa chống Covid-19 mới ở châu Âu và nhiều nước châu Á, từ đó có thể làm chậm lại sự hồi phục nhu cầu cao su nói riêng và hàng hóa nói chung trên toàn cầu.

Kết thúc phiên này, cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Osaka giảm 1 JPY xuống 248 JPY (2,3 USD)/kg, tính chung cả tuần giảm xấp xỉ 6%.

Trên sàn Thượng Hải, cao su giao tháng 5/2021 cũng giảm 85 CNY (-0,9%) xuống 14.120 CNY (2.159 USD)/tấn và cả tuần giảm hơn 3%. Trên sàn Singapore, giá cao su giao tháng 4/2021 giảm 1,2% xuống 168,7 US cent/kg.

Giá cao su giao dịch tại Nhật Bản hồi đầu năm nay đã tăng mạnh hơn so với các thị trường châu Á khác, nhưng tuần này giá đã chịu áp lực giảm vì thiếu vắng người mua. Mặc dù vậy, một số thương gia nhận định, giá cao su kỳ hạn tương lai ở Osaka sẽ hồi phục mạnh trong tuần này bởi giá cao su physical vẫn ổn định và nguồn cung đang trong giai đoạn thấp điểm mùa Đông.

Tin bài liên quan