Thị trường hàng hóa tuần từ 29/4-7/5: Nhiều mặt hàng tăng cao kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Thị trường hàng hóa thế giới mở đầu tháng 5/2021 bằng tuần tăng giá đồng loạt, trong đó có nhiều mặt hàng tăng cao kỷ lục như ngô, đậu tương, đồng, quặng sắt…
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Năng lượng: Thử thách ngưỡng kháng cự 70 USD/thùng

Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới được hưởng lợi khi những thông tin tích cực át đi tâm lý lo ngại về dịch bệnh trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ hồi phục khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại.

Cụ thể, kết thúc phiên cuối tuần 7/5, giá dầu Brent giao tháng 7/2021 tăng 19 US cent (+0,3%) lên 68,28 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6/2021 cũng tiến thêm 19 US cent (+0,4%) lên mức 64,9 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng hơn 3% và dầu WTI tăng hơn 2%. Từ đầu năm 2021 đến nay, giá dầu Brent đã tăng gần 30% từ mức thấp kỷ lục của năm 2020 nhờ OPEC+ cắt giảm nguồn cung.

Lukman Otunuga, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Công ty FXTM nhận định rằng, việc Mỹ và châu Âu dỡ bỏ các hạn chế đi lại, cùng với sự lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu là những động lực đẩy giá dầu đi lên.

Các nhà phân tích của Citibank cũng đánh giá: “Việc triển khai vắc-xin Covid-19 tiếp tục diễn ra và nhu cầu trong mùa Hè sẽ bùng nổ sau nhiều tháng bị dồn nén, từ đó giữ cho giá dầu tiếp tục tăng”.

Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn tỏ ra cảnh giác trước tỷ lệ lây nhiễm dịch Covid-19 kỷ lục tại Ấn Độ, nước nhập khẩu nhiên liệu lớn thứ 3 thế giới. Do đó, giá dầu dù tăng nhưng chưa vượt được ngưỡng kháng cự 70 USD/thùng.

Nhà phân tích cấp cao Edward Moya của OANDA cho biết: “Tuy giá dầu có tuần thứ hai liên tiếp đi lên, nhưng không có đủ cơ sở để thuyết phục các nhà kinh doanh năng lượng tin rằng giá dầu sẽ thoát khỏi phạm vi giao dịch hạn hẹp”.

Phil Streible - chiến lược gia trưởng phụ trách mảng thị trường của Blue Line Futures LLC ở Chicago (Mỹ) thông tin với Bloomberg rằng, thị trường dầu “đã có một đợt vận hành tốt, nhưng có vẻ đã tăng hơi quá” và “giá đã chạm ngưỡng kháng cự, nhưng không vượt qua được nên quay đầu giảm trở lại”.

Kim loại: Vàng vượt ngưỡng 1.830 USD/ounce, đồng và quặng sắt “test” mức kỷ lục 10 năm

Ở nhóm kim loại quý, kết thúc phiên 7/5, giá vàng giao ngay tăng mạnh 0,84% lên 1.830,41 USD/ounce; giá vàng kỳ hạn giao sau cũng tăng tới 0,9% lên 1.831,30 USD/ounce, qua đó nâng mức tăng trong cả tuần qua lên gần 3,6%.

Trong bối cảnh Chính phủ Mỹ lần lượt đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế, vàng được xem là một tài sản phòng trừ rủi ro trước nguy cơ lạm phát gia tăng. Giá vàng cũng được hưởng lợi khi lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ giảm và chỉ số USD đi xuống.

Ngược lại, lợi suất trái phiếu cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của vàng vì làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng - một loại tài sản không sinh lời.

Về một số kim loại quý khác, tuần qua, trong khi giá paladi giảm 0,7% về 1.250.48 USD/ounce thì bạc tăng hơn 5,3% lên 27,41 USD/ounce, bạch kim (platin) tăng gần 3,6% lên 1.259.14 USD/ounce.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua, lập mức cao kỷ lục do các nhà đầu cơ tích cực mua vào sau những dữ liệu kinh tế khả quan phát đi từ một số nền kinh tế lớn trên thế giới và các nền kinh tế phương Tây hồi phục sau đại dịch.

Cụ thể, trong phiên này, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London có thời điểm vượt qua kỷ lục lịch sử 10.190 USD/tấn đạt được vào năm 2011 ở mức 10.435 USD/tấn. Kết thúc phiên, giá đồng vẫn tăng 3,3% so với phiên liền trước, đạt 1.421 USD/tấn.

Trên sàn Thượng Hải, giá đồng kỳ hạn tháng 6/2021 cũng tăng 2,7% lên 74.950 CNY (11.630 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 5/2006 và chỉ thấp hơn 1,6% so với mức kỷ lục lịch sử là 76.160 CNY/tấn.

Như vậy, giá đồng đã tăng 135% kể từ khi chạm mức thấp kỷ lục hồi tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát và chính sách phong tỏa ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ. Giá đồng cũng được thúc đẩy bởi những dự báo nhu cầu sẽ tăng mạnh do cuộc Cách mạng xanh, dẫn tới nhu cầu sử dụng xe điện và năng lượng tái tạo tăng nhanh, tức là cần tới rất nhiều chất dẫn điện.

Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm trên sàn LME phiên 7/5 tăng 2,1% lên 2,540 USD/tấn; kẽm tăng 2,8% lên 3,025 USD; nickel tăng 0,8% lên 18,090 USD; chì tăng 0,8% lên 2,236 USD; ngược lại, thiếc giảm 1% xuống 29,840 USD/tấn.

Giá quặng sắt cũng tiếp nối đà tăng. Đóng cửa phiên 7/5, quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) tăng 6,4% lên 1.226,5 CNY (189,78 USD)/tấn, trong phiên có lúc giá đạt tới 1.231 CNY/tấn. Trên sàn Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 6/2021 tăng 3,9% lên 203 USD/tấn.

Tính chung cả tuần, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng khoảng 9% - là tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 12/2021, bất chấp đã nghỉ lễ 3 phiên đầu tuần.

Đặc biệt, quặng sắt giao ngay nhập khẩu vào cảng biển Trung Quốc vượt ngưỡng 200 USD/tấn do nhu cầu mạnh mẽ đối với nguyên liệu sản xuất thép từ Trung Quốc và lo ngại nguồn cung không đáp ứng đủ cầu.

Theo Mysteel, giá quặng sắt Australia hàm lượng 62% CFR cảng Tần Hoàng Đảo phiên 6/5 là 201,15 USD/tấn, tăng 10,95 USD/tấn so với phiên giao dịch liền trước đó (30/5) và là mức cao nhất kể từ khi Mysteel báo giá nguyên liệu này vào tháng 1/2010.

Nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc đã tăng rất mạnh thời gian qua, nhất là các loại quặng chất lượng cao và ít gây ô nhiễm môi trường.

Nông sản: Giá ngô, đậu tương, lúa mỳ tăng cao nhất trong 8-10 năm qua

Phiên cuối tuần 7/5, giá ngô Mỹ giao dịch trên sàn Chicago có thời điểm đạt 7,35-1/4 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 3/2013, trước khi kết thúc ở mức 7,32-1/4 USD/bushel, tăng 13-1/2 US cent so với phiên 6/5, tính cả tuần giá tăng tới 13,7%.

Thực tế, giá ngô đã trong xu hướng tăng từ năm 2020 khi Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ. Tháng 1/2021, Trung Quốc tiếp tục mua lượng lớn ngô của Mỹ, đạt 1,36 triệu tấn, hàng sẽ giao trong giai đoạn 2021-2022 (bắt đầu từ tháng 9).

Trong khi đó, nguồn cung của Brazil nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng do thời tiết khô hạn khiến người mua buộc phải lựa chọn ngô Mỹ, dù giá cao ngất ngưởng. Các cánh đồng ngô vụ Đông của Brazil kết thúc một tuần không có mưa. Niên vụ 2021 của nước này có thể sẽ đi vào sách kỷ lục vì là năm khô hạn nhất trong 50 năm qua. Dự báo thời tiết cho thấy, vùng đồng bằng phía Bắc và khu vực thượng Trung Tây của Brazil sẽ tiếp tục khô hạn trong 10 ngày tới.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa thông báo rằng, Mỹ bán 1,36 triệu tấn ngô cho Trung Quốc, trong khi bán khoảng 188.468 tấn ngô khác cho một khách hàng khác. Trung Quốc đã mua tổng cộng khoảng 5-6 triệu tấn ngô trong niên vụ trước và đang có nhu cầu mua ngô, đậu tương vụ mới.

Giá đậu tương cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2012 do lo ngại nguồn cung trên toàn cầu tiếp tục giảm. Phiên 7/5, giá đậu tương có lúc đạt 15,99-1/2 USD/bushel, mức chưa từng có kể từ tháng 10/2021, trước khi kết thúc ở mức 15,89-3/4 USD/bushel, vẫn cao hơn 20-1/4 US cent so với phiên trước đó. Tính chung cả tuần, giá đậu tương tăng 4,6%.

Những dự báo sơ bộ cho rằng, USDA sẽ công bố tồn trữ đậu tương của Mỹ cuối niên vụ 2021/22 ở mức chỉ 138 triệu bushel và sản lượng niên vụ 2020/21 sẽ giảm xuống 117 triệu bushel, từ mức 120 triệu bushel dự báo tháng trước.

Cùng chung xu hướng tăng giá các loại hạt, giá lúa mì phiên cuối tuần cũng tăng 8-1/2 US cent lên 7,61-3/4 USD/bushel trên sàn Chicago, gần sát mức cao nhất trong vòng 8 năm đạt được vào tuần trước.

Cơ quan Thống kê Canada ước tính, lượng dự trữ lúa mỳ của nước này hiện ở mức 16,2 triệu tấn, thấp hơn một chút so với kế hoạch. Vì thế, bất kỳ sự thiệt hại nào của vụ mùa mới tại Canada sẽ có tác động lớn đến giá lúa mỳ thế giới.

AgResource lạc quan vào giá nông sản trong ngắn hạn, bởi bất kỳ diễn biến tiêu cực nào của thời tiết ở Mỹ, Biển Đen hoặc Canada sẽ đẩy giá các loại nông sản lên mức cao mới và dự kiến mức cao nhất được điều chỉnh theo mùa sẽ rơi vào tháng Bảy hoặc tháng Tám năm nay.

Nguyên liệu công nghiệp: Duy trì đà tăng

Giá cà phê arabica phiên cuối tuần 7/5 giảm khỏi mức cao kỷ lục trong vòng 4 năm xác định trong phiên 6/5 do nhà đầu tư giảm mua khi giá tăng quá cao.

Cụ thể, arabica kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 1,4 USD/lb (-0,9%) xuống 1,5290 USD/lb. Hợp đồng này đã đạt 1,5540 USD vào thứ Năm 7/5, cao nhất kể từ tháng 1/2017. Giá robusta cũng giảm 8 USD (-0,5%) xuống 1.539 USD/tấn.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, 2 loại cà phê này vẫn tăng gần 5%.

Giá arabica tăng gần đây bởi thời tiết khô hạn ở Brazil - nước sản xuất arabica hàng đầu thế giới, khiến sản lượng dự báo giảm xuống. Giá trị đồng nội tệ nước này tăng cũng góp phần đẩy giá arabica tăng lên.

Ngân hàng đầu tư Itau BBA cho rằng, triển vọng giá cà phê sẽ còn tiếp tục tăng vì Brazil bắt đầu bước vào mùa Đông, mùa có thể xảy ra hiện tượng thời tiết sương giá. Ngân hàng này cũng nhận định, Brazil có thể sẽ đón những cơn mưa trong những ngày tới, sau khi khô hạn kéo dài trong thời gian qua.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 trong phiên 7/5 giảm 0,06 US cent (-0,3%) xuống 17,49 cent/lb, còn giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 tăng 10,4% lên 464,70 USD/tấn.

Các đại lý cho biết, mặt hàng đường có thể được bán ra nhiều trong thời gian tới do mức chênh lệch giá (trừ lùi) giữa hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2021 với kỳ hạn tháng 5/2021 ngày càng tăng lên - là dấu hiệu cho thấy nguồn cung tăng ở những khoảng thời gian này.

Các nhà phân tích dự báo, nguồn cung đường ở Brazil sẽ giảm trong thời gian tới, đẩy giá đường sớm tăng trở lại.

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản trong phiên 7/5 diễn tăng đầu phiên và giảm vào cuối phiên, sau 3 phiên tăng trước đó. Cụ thể, cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn Osaka giảm 2,4 JPY (-0,9%) xuống 255,5 JPY (2,3 USD)/kg. Tuy nhiên, cả tuần giá tăng gần 4%.

Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9/2021 phiên 7/5 tăng 150 CNY lên 14.444 CNY (2.238 USD)/tấn vào cuối phiên, trong phiên có lúc giá đạt mức cao nhất 7 tuần là 14.625 CNY/tấn.

Trên sàn Singapore, giá cao su kỳ hạn tháng 6/2021 tăng 0,5% trong phiên 7/5, lên 172,3 JPY/kg.

Jiong Gu, một nhà phân tích thuộc Yutaka Shoji Co cho biết: “Hôm thứ Năm (6/5), các nhà đầu tư ngắn hạn đã mua cao su vào do giá tăng ít hơn so với các hàng hóa khác. Tuy nhiên, hôm sau họ nhanh chóng bán ra để thu lời” và dự đoán: “Giá cao su sẽ dao động trong biên độ hẹp, từ 245-260 JPY/kg trong tháng 5/2021 do thị trường về cơ bản đang có xu hướng giảm khi nhu cầu từ các nhà sản xuất lốp xe chậm lại”.

Tin bài liên quan