Thị trường hàng hóa tuần từ 8-15/10: Kim loại và năng lượng tiếp tục tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 8-15/10, trong khi mặt hàng nông sản tiếp tục xu hướng giảm, thì các mặt hàng khác như năng lượng và kim loại vẫn tăng mạnh trong bối cảnh khủng hoảng nguyên liệu kéo dài tại châu Âu hay Trung Quốc.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Năng lượng: Giá dầu vượt mức 85 USD/thùng, khí LNG và than tiếp tục tăng

Phiên cuối tuần qua 15/10, giá dầu tăng vượt mức 85 USD/thùng bởi dự báo thiếu hụt nguồn cung trong những tháng tới khi những biện pháp hạn chế chống Covid-19 được nới lỏng.

Cụ thể, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 86 US cent (+1%) lên 84,86 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm mức cao nhất 85,1 USD/thùng kể từ tháng 10/2018, tính cả tuần tăng 3% và là tuần tăng thứ 6 liên tiếp. Dầu WTI kỳ hạn tháng 11/2021 tăng 97 US cent (+1,2%) lên 82,28 USD/thùng, cả tuần tăng 3,5% và là tuần tăng thứ 8 liên tiếp.

Nhu cầu phục hồi từ đại dịch Covid-19, với các nhà máy điện quay sang mua dầu mazut và dầu diesel khi giá khí đốt và than đắt đỏ. Trong khi đó, dự trữ dầu thô giảm mạnh tại Mỹ và các nước thành viên của OECD dự kiến khiến nguồn cung toàn cầu thắt chặt.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, khủng hoảng năng lượng dự kiến thúc đẩy nhu cầu dầu thêm 500.000 thùng/ngày, sẽ khiến thị trường thiếu hụt khoảng 700.000 thùng/ngày đến cuối năm nay, cho tới khi OPEC+ bổ sung thêm nguồn cung dự kiến trong tháng 1/2022.

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại châu Á tiếp tục tăng trong tuần qua do giá khí châu Âu tăng, thúc đẩy sự cạnh tranh từ các khách hàng ở châu Á, đặc biệt là nhu cầu tăng mạnh từ Trung Quốc.

Theo đó, giá LNG trung bình giao tháng 11/2021 sang Đông Bắc Á ước đạt khoảng 38,5 USD/mmBtu trong tuần qua, tăng 1,5 USD so với tuần trước nữa, thời điểm giá khí đốt của Japan - Korea - Marker (JKM) được sử dụng làm chuẩn trong thị trường giao ngay ở khu vực này tăng vọt lên mức cao kỷ lục 56,326 USD/mmBtu trước khi giảm trở lại sau đó.

Liên quan tới giá than, cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc ngày càng trầm trọng, khi thời tiết lạnh giá tràn vào phần lớn đất nước và các nhà máy điện tăng cường tích trữ, khiến giá nhiên liệu này tăng lên mức cao kỷ lục.

Tình trạng thiếu than, giá nhiên liệu cao và nhu cầu công nghiệp bùng nổ sau đại dịch đã gây ra tình trạng thiếu điện trên diện rộng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo đó, hợp đồng than nhiệt giao tháng 1/2021 đạt mức cao kỷ lục 1.669,40 CNY/tấn (259,42 USD)/tấn vào ngày thứ Sáu (15/10/2021). Tính đến thời điểm hiện tại, hợp đồng này đã tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước.

Kim loại: Vàng tăng mạnh nhất từ tháng 5/2021, đồng tăng mạnh nhất từ năm 2015

Ở nhóm kim loại quý, phiên cuối tuần 15/10, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.794,09 USD/ounce. Trước đó, ngày 14/10, giá vàng đã chạm đỉnh 1 tháng là 1.800,12 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao sau giảm 0,1%, xuống 1.795,50 USD/ounce.

Tính chung cả tuần, giá vàng tăng 2,1%. Dù mở đầu tuần với mức giảm và khép lại phiên cuối tuần không mấy tích cực, song sự suy yếu của USD và lợi suất trái phiếu Mỹ vẫn giúp giá vàng ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2021.

Các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ vẫn có những chia rẽ về quan điểm lạm phát và hành động cần làm đối với nó.

Số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm dưới 300.000 trong tuần trước, lần đầu tiên trong 19 tháng. Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá sản xuất PPI cho nhu cầu cuối cùng tăng 0,5% trong tháng 9/2021, mức tăng thấp nhất trong chín tháng.Ủy ban chỉ đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 14/10 kêu gọi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, tuy nhiên cho rằng áp lực lạm phát chỉ là nhất thời và sẽ mất dần khi các nền kinh tế bình thường hóa.

Nhà phân tích Edward Moya, tại Công ty Dịch vụ môi giới OANDA (Mỹ) cho rằng, sự chi phối của USD đối với giá vàng có thể kéo dài cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chính thức thông báo thu hẹp quy mô chương trình nới lỏng tiền tệ.

Còn Phillip Streible, chiến lược gia tại Công ty Dịch vụ tài chính Blue Line Futures (Mỹ) cho rằng, vàng có thể nhận được hỗ trợ khi một số người lo ngại về tình trạng lạm phát vào thời điểm hiện nay.

Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay giảm 0,4%, xuống 23,45 USD/ounce, song vẫn hướng tới tuần tăng giá mạnh nhất trong 7 tuần qua; giá bạch kim cũng giảm 0,1%, xuống 1.054,09 USD/ounce, trong khi palladium tăng 0,2%, 2.132,21 USD/ounce.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, kết thúc phiên 15/8, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn Giao dịch kim loại London (LME) tăng 2,6% lên 10.248 USD/tấn và cả tuần tăng gần 10%, gần mức cao kỷ lục tại 10.747,5 USD đã đạt được hồi tháng 5/2021.

Giá đồng có tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2016 do giá năng lượng tăng, đe dọa hạn chế nguồn cung tại một thời điểm khi dự trữ của sàn giao dịch đang ở đáy.

Giá kẽm phiên này cũng tăng 7,8% lên 3.802,5 USD/tấn, trong phiên giá đã đạt 3.944 USD/tấn, cao nhất kể từ năm 2007 và cả tuần giá tăng 20%, sau khi tập đoàn Nyrstar cho biết sẽ cắt giảm sản lượng 50% tại 3 nhà máy luyện kẽm ở châu Âu.

Chi phí năng lượng tăng nhanh chóng và tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc đã buộc các nhà máy luyện kẽm và nhôm cắt giảm sản lượng, thúc đẩy giá của cả 2 kim loại này lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Kết thúc tuần qua, giá nhôm tăng gần 7% lên 3.171,5 USD/tấn.

Khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc, nhà sản xuất và tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới ngày càng trầm trọng khi thời tiết lạnh giá ở nhiều nơi của nước này. Các nhà phân tích thuộc ANZ cho biết, giá điện cao và tình trạng thiếu hụt sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung nhiều hơn so với nhu cầu đối với các kim loại trong những tháng tới.

Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên Sàn Giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa phiên 15/10 giảm 1% xuống 723,5 CNY (112,56 USD)/tấn, cũng là giảm 3 phiên thứ liên tiếp và tính chung cả tuần giảm 2,9%. Quặng sắt kỳ hạn tháng 11/2021 trên Sàn Giao dịch Singapore giảm 0,1% xuống 123,45 USD/tấn.

Quặng sắt giảm trái ngược với mức tăng kỷ lục của 2 nguyên liệu sản xuất thép khác do lo ngại về nguồn cung. Tập đoàn Rio Tinto (Úc) đã giảm dự báo xuất khẩu năm 2021, dẫn đến khả năng tập đoàn này có thể mất vị trí là nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới vào tay đối thủ Vale S.A của Brazil.

Triển vọng nhu cầu thép của Trung Quốc giảm và nỗ lực tăng cường loại bỏ carbon tại nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới thông qua các hạn chế sản lượng đã tác động nặng nề lên tâm lý. Hiện nay, nhu cầu thép của Trung Quốc được dự báo giảm 1% trong năm nay, thay vì tăng 3%, theo Hiệp hội Thép Thế giới.

Theo Công ty Tư vấn SteelHome, giá quặng sắt giao ngay giảm gần 50% từ mức đỉnh hồi giữa tháng 5/2021, với tồn kho nguyên liệu nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc đang tăng cũng khẳng định nhu cầu ảm đạm.

Nông sản: Đồng loạt giảm giá

Giá các mặt hàng nông sản giao dịch kỳ hạn trên sàn CBOT đều tăng trong phiên cuối tuần qua 15/10. Giá ngô và đậu tương tại Chicago tăng trong phiên này do việc mua vào theo chỉ số kỹ thuật và những hy vọng mới về nhu cầu, trong khi giá lúa mì tăng bởi sự phục hồi trên thị trường Châu Âu.

Cụ thể, hợp đồng đậu tương trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) đóng cửa tăng 11-1/2 US cent lên 12,17-3/4 USD/bushel, nhưng tính cả tuần giá vẫn giảm tuần thứ 3 liên tiếp sau các dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng nguồn cung cao hơn dự kiến.

Trong khi đó, giá ngô tăng 9 US cent lên 5,25-3/4 USD/bushel; lúa mì tăng 9-1/4 US cent lên 7,34 USD/bushel, song tính chung cả tuần giá vẫn giảm.

USDA thông báo, Trung Quốc đã đặt thêm 132.700 tấn đậu tương Mỹ, với 396.000 tấn đến một nguồn chưa xác định. Tổng cộng, hơn 1,6 triệu tấn đậu tương Mỹ và hơn 1,2 triệu tấn ngô Mỹ đã được bán trong tuần qua, mức cao nhất kể từ đầu mùa Xuân.

Khối lượng xuất khẩu hàng tuần của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 7/10/2021 ở mức 20,9 triệu bushel lúa mỳ, 40,9 triệu bushel ngô và 42,2 triệu bushel đậu tương.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường và cao su tăng, cà phê giảm

Đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 đóng cửa phiên cuối tuần qua 15/10 tăng 0,21 US cent (+1,1%) đạt 19,8 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 7,1 USD (+1,4%) lên 520 USD/tấn.

Trung tâm Dự báo khí hậu Mỹ cho biết, các điều kiện của thời tiết La Nina đã phát triển và dự kiến sẽ tiếp tục vào mùa Đông. Việc phát triển La Nina không đảm bảo mía của Brazil sẽ bị thiệt hại, nhưng nó cũng có thể mang lại nhiều mưa cho Ấn Độ và Thái Lan.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2021 đóng cửa phiên này giảm 5,85 US cent (-2,8%) xuống 2,034 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 24 USD (-1,1%) xuống 2.121 USD/tấn.

Báo cáo các vùng cà phê ở miền Nam Brazil đã có mưa dồi dào trong tuần qua và dự báo sẽ nhiều mưa trong tuần này có thể làm tăng triển vọng vụ năm tới.

Giá cao su Nhật Bản tăng trong phiên 15/10 và ghi nhận tuần tăng thứ 3 tăng liên tiếp bởi đồng JPY suy yếu so với USD, trong khi thị trường chứng khoán Tokyo mạnh lên cũng thúc đẩy nhu cầu tài sản rủi ro.

Theo đó, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên Sàn Giao dịch Osaka đóng cửa tăng 2,5 JPY (+1,1%) lên 226,5 JPY/kg, cả tuần hợp đồng này tăng 2,5%.

Cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên Sàn Giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 190 CNY (+1,3%) lên 14.750 CNY (2.293 USD)/tấn. Dự trữ cao su tại các kho của sàn này tăng 1,1% so với một tuần trước.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan