Thị trường hàng hóa tuần từ 8-15/7: Nông sản vẫn đà tăng, năng lượng và kim loại tiếp tục đi xuống

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 8-15/7, hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm năng lượng, kim loại như dầu thô, khí đốt, đồng, sắt, thép… tiếp tục giảm giá mạnh, trong khi một số mặt hàng nông sản như ngô, đậu tương… tiếp đà đi lên.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Năng lượng: Giá dầu, khí LNG tiếp tục giảm mạnh

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu bật tăng trong phiên giao dịch cuối tuần qua (15/7) trong bối cảnh các nhà đầu tư phân vân về dư địa tăng sản lượng dầu thô của OPEC, song cả tuần cả hai loại dầu vẫn giảm mạnh.

Cụ thể, dầu thô Brent kỳ hạn giao sau tăng 2,06 USD (+2,1%) lên 101,16 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) tăng 1,81 USD (+1,9%) lên 97,59 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, cả 2 loại dầu giảm lần lượt 5,5% và 6,9% - mức giảm mạnh nhất trong 1 tháng qua, cũng là tuần giảm thứ 3 và thứ 2 liên tiếp của 2 loại dầu này.

Trong khi đó, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ số ban đầu về sản lượng trong tương lai, đã tăng thêm 2 giàn lên 599 giàn trong tuần qua - mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết.

Đại diện ngành dầu mỏ Libya cho hay, nguồn cung dầu nhiều hơn, sản lượng dầu thô sẽ tiếp tục trở lại.

Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm thứ Năm cho biết, ủng hộ chính sách tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, song theo các nhà phân tích, áp lực tác động lên dầu vẫn xuất phát từ lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

“Dầu Brent đã giảm đáng kể xuống dưới 100 USD/thùng trong tuần này. Giá có khả năng tiếp tục giảm do lo ngại suy thoái kinh tế trong thời điểm hiện tại”, Commerzbank lưu ý.

Tâm lý thị trường giảm cũng theo sau đợt bùng phát Coivd-19 mới ở Trung Quốc, điều này đã cản trở sự phục hồi nhu cầu. Sản lượng nhà máy lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 6/2022 đã giảm gần 10% so với một năm trước đó, với sản lượng trong nửa đầu năm giảm 6%.

Trên thị trường khí tự nhiên, giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á trong tuần qua vẫn ở mức cao do nhu cầu tăng vọt trong mùa hè và sự không chắc chắn về việc đường ống dẫn khí Nord Stream 1 có trở lại hoạt động ngay sau khi kết thúc giai đoạn bảo trì ngày 21/7/2022.

Cụ thể, giá LNG trung bình giao tháng 8/2022 tới Đông Bắc Á hiện ở mức 40,5 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), giảm 0,5 USD (-1,2%) so với tuần trước; giá trung bình với hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2022 ước tính là 41USD/mmBtu, mức cao nhất trong 4 tháng và gần với mức kỷ lục chạm tới vào tháng 12/2021 là 44,35 USD/mmBtu.

Mặc dù Trung Quốc có mức dự trữ trữ đảm bảo, nhưng đợt nắng nóng hiện nay đang gây căng thẳng cho hệ thống điện và có thể tăng mua LNG. Mauro Chavez Rodriguez, Giám đốc nghiên cứu thị trường khí đốt & LNG châu Âu của Wood Mackenzie cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc cũng dự kiến ​​sẽ mua thêm LNG cho mùa hè.

Tại châu Âu, S&P Global Commodity Insights cho biết, giá LNG trên cơ sở giao hàng xuất xưởng (DES) tới khu vực Tây Bắc Âu (NWE) ngày 14/7 ở mức 41,358 USD/mmBtu, giảm 9,9 USD/mmBtu so với kỳ hạn tháng 8/2022 tại trung tâm khí đốt Hà Lan, Ciaran Roe.

Trong một động thái khác, Trung Quốc đã ban hành hạn ngạch cho 5 triệu tấn nhiên liệu tinh chế xuất khẩu khác, chỉ 1 tháng sau khi tăng thêm 4,5 triệu tấn, mặc dù tổng lượng xuất khẩu cho đến nay thấp hơn 40% so với một năm trước. Các thương nhân cho biết, hạn ngạch mới sẽ giúp giảm lượng hàng tồn kho cao trong nước đồng thời giúp các nhà máy lọc dầu thu được lợi nhuận từ xuất khẩu mạnh.

Nhập khẩu khí tự nhiên, qua đường ống và dưới dạng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), trong tháng 6/2022 là 8,72 triệu tấn, giảm gần 15% so với năm ngoái, do các nhà nhập khẩu Trung Quốc cắt giảm mua LNG giao ngay vì giá cao. Nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm giảm 10% xuống 53,57 triệu tấn.

Kim loại: Đồng loạt đi xuống

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm trong phiên 15/7 và cả tuần giảm tuần thứ 5 liên tiếp do sức mạnh bao trùm của USD lên thị trường tài chính quốc tế, không chỉ riêng thị trường vàng, trong bối cảnh Fed tăng lãi suất mạnh mẽ.

Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.704,30 USD/ounce và cả tuần giảm 2,2%; vàng kỳ hạn tháng 8/2022 giảm 0,1% xuống 1.703,6 USD.

Dữ liệu lạm phát “nóng” tại Mỹ cho thấy Fed sẽ tiếp tục mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ. Lợi tức trái phiếu và chỉ số đô-la Mỹ cùng tăng mạnh, trong khi giá dầu thô giảm, là những yếu tố tác động “kép” khiến vàng giảm giá.

Vàng dường như đang lùi gần về mức giá trước đại dịch. Các nhà phân tích cảnh báo về sự kiện đầu cơ nếu giá giảm xuống dưới mức trước đại dịch.

Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA nhận định, việc vàng phá vỡ dưới ngưỡng 1.700 USD/ounce nhiều khả năng xảy ra, với mức hỗ trợ tiếp theo là 1.680 USD/ounce.

Còn Daniel Ghali chiến lược gia hàng hóa cao cấp tại TD Securities lưu ý, việc giá vàng giảm xuống dưới mức trước đại dịch, từ 1.650-1.700 USD/ounce, có thể kích hoạt một đợt bán tháo.

Vàng sẽ khó có khả năng tăng giá, trừ khi lạm phát giảm xuống đủ để ngăn việc nâng lãi suất, hoặc nếu các ngân hàng trung ương khác bắt đầu mạnh tay như Fed, và điều đó có thể làm suy yếu USD.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng và các kim loại cơ bản khác ngày 15/7/2022 giảm mạnh do thị trường chuẩn bị tâm lý cho việc Fed tăng mạnh lãi suất sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu đối với kim loại.

Theo đó, giá đồng giao tháng 8/2022 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 1,2% xuống 55.450 CNY (tương đương 8.231,03 USD)/tấn, gần mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020 là 54.750 CNY/tấn đạt được trước đó trong phiên.

Tương tự, giá nikel giảm 6,7% trong phiên 15/7 xuống mức thấp nhất 6 tháng là 150.300 CNY/tấn, trước khi tăng lên mức 150.990 CNY/tấn, nhưng cả tuần vẫn giảm 6,3%; giá kẽm cũng giảm 4,7% xuống 22.020 CNY/tấn, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 8/2021.

Trên Sàn giao dịch kim loại London, giá đồng giảm 1,2% xuống 7.236 USD/tấn, kéo dài gần mức thấp nhất 20 tháng trong phiên trước đó là 7.160 USD/tấn; giá nickel trong 3 tháng chạm mức thấp nhất trong 6 tháng là 20.410 USD/tấn; giá kẽm giảm 2% xuống 2.892,50 USD/tấn; giá chì giảm 2% xuống 1.914,50 USD/tấn và giá thiếc giảm 3% xuống 24.615 USD/tấn.

Chỉ số USD đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2002 ở mức 108,64 - được thúc đẩy bởi dự báo thắt chặt của Mỹ và dòng chảy trú ẩn an toàn trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế ngày càng tăng, khiến kim loại định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn so với những loại tiền tệ khác, do đó có thể làm giảm nhu cầu.

Các nỗ lực đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2050 có thể vẫn chưa đạt được do nguồn cung đồng không đáp ứng đủ nhu cầu trong bối cảnh việc sử dụng ngày càng nhiều các tấm pin mặt trời, xe điện và các công nghệ tái tạo khác.

Nhập khẩu đồng tháng 6/2022 của Trung Quốc tăng 15,5% so với một tháng trước lên 537.698 tấn, do nhu cầu tăng lên sau khi dỡ bỏ lệnh khóa Covid-19.

Trong khi đó, giá quặng sắt giao tháng 8/2022 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 5,5% xuống 102,75 USD/tấn, đánh dấu mức thấp mới cho năm 2022. Nguyên nhân là do thị trường gia tăng lo ngại về việc nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép chính này ở Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc), hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất trong tháng 9/2022 cũng giảm 2,6% xuống mức 695,50 CNY/tấn (tương đương 103,21 USD/tấn).

Một số nhà máy tại nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc đã ngừng hoạt động, các cơ sở sản xuất hoặc chuyển sang trạng thái bảo dưỡng sớm hơn bình thường để giảm bớt tác động từ nhu cầu yếu và hàng tồn kho cao. Hiện không chắc khi nào các lò cao này sẽ được khởi động lại, vì các nhà máy phải đối mặt với nhiều sóng gió hơn trong bối cảnh hạn chế Covid-19 và thời tiết xấu.

Sản lượng thép thô trung bình hàng ngày của các nhà máy thành viên của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc từ 1-10/7 đạt 2,07 triệu tấn/ngày - giảm 1,2% (tương đương 24.300 tấn) so với 10 ngày cuối tháng 6/2022 và thấp hơn 2,9% so với mức ghi nhận được vào cùng kỳ năm 2021.

Trên Sàn giao dịch Thượng Hải, giá thép thanh kỳ hạn giảm 1,5%; thép cuộn cán nóng giảm 2,8%; thép không gỉ giảm 0,5%.

Trên sàn Đại Liên, giá than luyện cốc Đại Liên gần như đi ngang, trong khi giá than cốc giảm 0,7%.

Nông sản: Lùa mì giảm giá, ngô và đậu tương tăng giá

Giá lúa mì Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng trong phiên 15/7do hy vọng xuất khẩu tăng từ Ukraine sẽ bổ sung nguồn cung cho thị trường thế giới. Cụ thể, giá lúa mì đỏ mềm vụ đông trên sàn Chicago kỳ hạn tháng 9/2022 giảm 18-1/4 cent xuống 7,76-3/4 USD/bushel, phiên giảm thứ 5 liên tiếp.

Trong khi đó, giá ngô tăng phiên thứ 7 trong 8 phiên gần đây do lo ngại về thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến cây trồng của Mỹ khi ngô đã qua giai đoạn thụ phấn. Cụ thể, ngô giao tháng 12/2022 tăng 2-3/4 cent lên 6,03-3/4 USD/bushel,

Giá đậu tương phiên 15/7 cũng tăng nhẹ, được hỗ trợ bởi các lo ngại về thời tiết, nhưng mức tăng bị hạn chế do cây trồng không ở trong giai đoạn phát triển quan trọng. Cụ thể, đậu tương giao tháng 11/2022 tăng 1-1/4 cent lên 13,42-1/4 USD/bushel.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá cao su giảm

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm nhẹ trong phiên 15/7 do các nhà giao dịch lo lắng về nhu cầu thấp bởi nguy cơ kinh tế toàn cầu suy yếu. Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 12/2022 trên Sở giao dịch Osaka giảm 0,3 JPY xuống 241,5 JPY (1,74 USD)/kg, tính chung cả tuần mất hơn 2%.

Lo ngại về suy thoái đang tăng lên bởi dữ liệu cho thấy kinh tế Nhật Bản suy giảm mạnh trong quý thứ 2, phản ánh tác động lớn từ việc phong tỏa chống Covid trên diện rộng. Mức tăng trưởng 0,4% hàng năm là mức thấp nhất kể từ ít nhất là năm 1992, trừ đầu năm 2020 khi đại dịch bùng nổ.

Trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 giảm 385 CNY (-3,2%) xuống 11.705 CNY (1.732,53 USD)/tấn.

Lo ngại về nhu cầu yếu ở nước tiêu dùng cao su hàng đầu thế giới - Trung Quốc cũng gây áp lực lên giá cả trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan