Thị trường tài chính 24h: Các yếu tố rủi ro với thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu hạ nhiệt

Thị trường tài chính 24h: Các yếu tố rủi ro với thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu hạ nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng vọt lên gần 1.045 điểm; Khi tỷ giá, lãi suất không yên bình; Chọn hàng cho năm mới; Xuân mới, kỳ vọng mới; Chứng khoán 2023: Những biến số cần lưu tâm; 2023: Đỉnh lạm phát, đáy tăng trưởng?...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 3/1 tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,30 – 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối cùng của năm 2022 tại Mỹ tăng 9,1 USD lên 1.824,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng vọt lên 1.850 USD, nhưng cũng đã lùi dần về quanh 1.840 USD/ounce và rung lắc.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,63 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 3/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.606 đồng/USD, giảm 6 đồng so với ngày cuối cùng của năm 2022. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.370 – 23.690 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên trên 16.600 USD, thì sang phiên hôm nay đã rung lắc và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,37 USD (-0,46%), xuống 79,89 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,49 USD (-0,57%), xuống 85,42 USD/thùng.

VN-Index tăng vọt trong phiên đầu năm mới 2023

Sau phiên sáng tăng khá mạnh, thị trường bước vào phiên chiều tiếp tục nhích lên, bảng điện tử có thêm nhiều sắc tím, trong khi nhóm ngân hàng và một số mã cổ phiếu lớn nới đà tăng đã tiếp sức, giúp VN-Index tăng hơn 36 điểm lên trên 1.040 điểm khi đóng cửa.

Các nhóm cổ phiếu thép, bất động sản, xây dựng, công ty chứng khoán, nông nghiệp là những nhóm vượt trội trong phiên chiều.

Trong đó, ở nhóm cổ phiếu bất động, sản xây dựng là VRE, DIG, LDG, DRH, HDC, HTN, ITC, SCR, TDC, HQC, QCG…

Nhóm cổ phiếu thép với HPG, HSG, NKG, SMC đều đóng cửa tăng kịch trần.

Các cổ phiếu công ty chứng khoán nới đà tăng, với HCM, BSI, FTS, VCI, VIX, SSI, CTS, VND đều khoác áo tím…

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 15,94 tỷ đồng, giá trị mua ròng đạt 257,35 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 3/1: VN-Index tăng 36,81 điểm (+3,66%), lên 1.043,9 điểm; HNX-Index tăng 7,26 điểm (+3,53%), lên 212,56 điểm; UpCoM-Index tăng 0,76 điểm (+1,06%), lên 72,4 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall nghỉ giao dịch dịp năm mới.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch dịp năm mới.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi các nhà đầu tư bỏ qua dữ liệu hoạt động ảm đạm của nhà máy vào tháng 12 và đặt cược vào sự phục hồi của nền kinh tế hậu Covid.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,88% lên 3.116,51 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,42% lên 3.887,90 điểm.

Một cuộc khảo sát riêng cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm với tốc độ mạnh hơn trong tháng 12 đã khiến thị trường hụt hơi trong phiên sáng. Nhưng thị trường cũng được hỗ trợ bởi hy vọng căng thẳng địa chính trị sẽ giảm bớt, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng mới của Trung Quốc Qin Gang.

Tại Trung Quốc, cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu chăm sóc sức khỏe tăng mạnh, nhưng cổ phiếu tài chính và thiết yếu tiêu dùng lại giảm.

Đáng chú ý trong phiên này là nhóm cổ phiếu bất động sản, với Poly Developments and Holdings Group đã tăng tới 5,6%, sau khi công ty tiết lộ kế hoạch huy động tới 12,5 tỷ nhân dân tệ (1,81 tỷ USD) thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Chứng khoán Hồng Kông cũng tăng nhờ vào kỳ vọng nền kinh tế sẽ nhanh chóng hồi phục sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế Covid-19.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,84% lên 20.145,29 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,92% lên 6.833,98 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do sức ép từ việc các nhà đầu tư tổ chức bán ra vào đầu năm mới.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 6,99 điểm, tương đương 0,31% xuống 2.218,68 điểm.

Các nhà đầu tư tổ chức đã bất ngờ bán ròng số cổ phiếu trị giá lên đến 355,6 tỷ won (279,54 triệu USD), trong khi nhà nước ngoài chỉ mua ròng số cổ phiếu trị giá 43,8 tỷ won.

Kết thúc phiên 3/1: Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 27,25 điểm (+0,88%), lên 3.116,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 363,88 điểm (+1,84%), lên 20.145,29 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 6,99 điểm (-0,31%), xuống 2.218,68 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Khi tỷ giá, lãi suất không yên bình

Trong một năm 2022 đầy biến động, lãi suất và tỷ giá đều tăng cao khi chịu tác động mạnh mẽ từ cả yếu tố bên ngoài lẫn nội tại nền kinh tế…>> Chi tiết

- Chọn hàng cho năm mới

Các yếu tố rủi ro với thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều nhóm cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong năm 2023..>> Chi tiết

- Xuân mới, kỳ vọng mới

Những phiên giao dịch cuối năm Dương lịch, chỉ số tiếp tục đi ngang trong bối cảnh dòng tiền vào ít, dù vẫn còn sự hỗ trợ tâm lý của khối ngoại, hay câu chuyện chốt NAV. Rất nỗ lực nhưng VN-Index chốt phiên cuối năm trong sắc đỏ, đóng cửa tại 1.007,09 điểm..>> Chi tiết

- Chứng khoán 2023: Những biến số cần lưu tâm

Thị trường chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục chịu tác động từ vĩ mô toàn cầu, lãi suất tăng, nhưng xu hướng sẽ bớt khó khăn hơn năm qua..>> Chi tiết

- 2023: Đỉnh lạm phát, đáy tăng trưởng?

Các nền kinh tế ASEAN vừa ghi nhận một năm tích cực hơn nhiều so với dự báo trước đó. Tuy vậy, không ít tổ chức lại có cái nhìn thận trọng hơn về triển vọng kinh tế năm 2023 của khu vực này..>> Chi tiết

Tin bài liên quan