Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán còn có thể giảm tiếp

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán còn có thể giảm tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index mất gần 60 điểm; Áp lực tăng vốn đè nặng ngân hàng; Thị trường chứng khoán: Chờ động thái… khác thường; Nửa cuối tháng 6: Giằng co!; Thời điểm tốt để tích sản; Fed có cần phải mạnh tay hơn nữa trong chính sách lãi suất?...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 13/6 giảm 700.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 250.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm thêm 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 67,75 – 68,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ tăng 23,8 USD lên mức 1.872,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về quanh 1.845 USD/ounce và giằng co nhẹ cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,75 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 13/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.071 đồng/USD, tăng 6 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.060 – 23.340 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 26.500 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục giảm và về gần 24.100 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,19 USD (-1,81%), xuống 118,48 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,12 USD (-1,74%), xuống 119,89 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index rơi 57 điểm, thị trường còn có thể giảm tiếp

Mối lo của nhà đầu tư đến từ khá xa khi lạm phát tại Mỹ vượt dự báo và chứng khoán Mỹ cuối tuần qua cũng rơi ở mức độ kỷ lục. Câu hỏi là diễn biến lạm phát tại Việt Nam có tương tự, tức là ngoài dự báo?

Hiện chưa thể khẳng định điều này bởi còn thiếu các dữ kiện xác nhận, nhưng chứng khoán Việt Nam đã “đi trước một bước”, giảm hơn 30 điểm ngay khi mở cửa và tiếp tục “đi thật xa” khi chốt phiên đầu tuần.

Tâm lý không lạc quan còn thể hiện ở lực cầu giá thấp cũng rất ít, một loạt mã “trắng bên mua” trên bảng điện tử là chỉ dấu cho điều này. Nếu nhà đầu tư tin rằng vẫn còn những cơ hội thì sức mua sẽ khác, nhưng khi mà không ít nhà đầu tư đã đóng bảng, xóa app thì số nhà đầu tư còn lại không vực nổi thị trường.

Chỉ còn 38 mã tăng điểm trên sàn HOSE, con số này thậm chí chỉ bằng gần 1/4 số mã giảm sàn (162 mã), thanh khoản chỉ nhích nhẹ so với phiên cuối tuần khi đạt giá trị giao dịch hơn 18.000 tỷ đồng.

Dấu hiệu lực cầu yếu này còn cho thêm một khả năng nữa đó là thị trường còn có thể giảm tiếp.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 12,15 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 76,78 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 13/6: VN-Index giảm 57,04 điểm (-4,44%), xuống 1.227,04 điểm; HNX-Index giảm 18,08 điểm (-5,9%), xuống 288,37 điểm; UpCoM-Index giảm 3,19 điểm (-3,4%), xuống 90,53 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall lao dốc trong phiên ngày thứ Sáu (10/6), sau khi chỉ số khi giá tiêu dùng tháng 5 được công bố tăng mạnh hơn dự báo, làm dấy lên lo ngại về việc Fed sẽ mạnh tay hơn trong việc tăng lãi suất.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, CPI tháng 5 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ năm 1981, và chỉ số lõi tăng 6% khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng. Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones đã dự báo CPI chỉ tăng 8,3% so cùng kỳ năm trước và CPI lõi tăng 5,9%.

Chỉ số lạm phát tăng nóng và chưa đạt đỉnh đã làm dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái đối với nền kinh tế Mỹ. Giới đầu tư dường như đang chuẩn bị cho một phản ứng quyết liệt hơn của Fed trong việc tăng lãi suất để đối phó với lạm phát tăng cao.

Trong tuần, các chỉ số chính ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 21/1, với Dow giảm 4,58%, S&P 500 giảm 5,06% và Nasdaq giảm 5,6%.

Kết thúc phiên 10/6, chỉ số Dow Jones giảm 880,00 điểm (-2,73%), xuống 31.392,79 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 116,96 điểm (-2,91%), xuống 3.900,86 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 414,20 điểm (-3,52%), xuống 11.340,02 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm mạnh nhất trong hơn bốn tháng, ảnh hưởng bởi lạm phát Mỹ tăng đột biến 5 khiến Phố Wall lao dốc trong phiên cuối tuần trước.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,01% xuống 26.987,44 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 27/1. Chỉ số Topix mất 2,16% xuống 1.901,06 điểm.

Ikuo Mitsui, Giám đốc quỹ tại Aizawa Securities, cho biết: “Các nhà đầu tư lo ngại rằng lạm phát đang diễn ra dai dẳng hơn họ nghĩ và các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ phải thực hiện các biện pháp chặt chẽ hơn để kiềm chế”.

Phiên này, nhà sản xuất thiết bị chế tạo chip Tokyo Electron giảm 5,26% và là lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225, tiếp theo là SoftBank Group, giảm 6,85%, Daikin Industries giảm 4,61% và hãng sản xuất robot Fanuc giảm 3,64%.

Đi ngược lại xu hướng, Kansai Electric tăng 2,61% và là cổ phiếu tăng giá hàng đầu trên Nikkei 225, sau khi nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân cho biết họ sẽ khởi động lại một lò phản ứng vào tháng 8, trước hai tháng so với kế hoạch trước đó.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do sự không chắc chắn về dịch Covid-19 làm dấy lên lo ngại về các đợt phong tỏa mới, trong khi lạm phát Mỹ tăng cao có thể khiến Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách và gây ra suy thoái kinh tế nhanh hơn.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,89% xuống 3.255,55 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,17% xuống 4.189,35 điểm.

Các nhà chức trách ở Bắc Kinh hôm thứ Hai đã chạy đua để ngăn chặn sự bùng phát Covid-19 mới, với hàng triệu người phải xét nghiệm bắt buộc và hàng nghìn người bị cách ly.

*Thị trường cũng bị ảnh hưởng do chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 8,6% vào tháng 5, mức tăng lớn nhất trong năm kể từ tháng 12/1981.

Các nhà phân tích của CICC cho biết, các cổ phiếu A có thể tiếp tục phục hồi trong giao dịch gập ghềnh trong ngắn hạn, nhưng kết quả hoạt động trong nửa cuối năm nay sẽ phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản của nền kinh tế do những bất ổn cả trong nước và nước ngoài.

Chứng khoán Hồng Kông chịu tác động mạnh từ phố Wall cuối tuần trước và việc tăng lãi suất khắp nơi càng khiến nhóm cổ phiếu chủ lực là công nghệ bị bán tháo.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 3,39% xuống 21.067,58 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 3,54% xuống 7.340,52 điểm.

Các công ty công nghệ khổng lồ niêm yết tại Hồng Kông giảm 4,7%, trong đó các công ty lớn có ảnh hưởng đến chỉ số như Alibaba, Tencent và Meituan giảm từ 4,9% đến 8%.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên mức giảm mạnh nhất trong 22 tháng, do lo ngại lạm phát gia tăng sau dữ liệu CPI của Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 91,36 điểm, tương đương 3,52% xuống 2.504,51 điểm, phiên giảm mạnh nhất kể từ phiên 20/8/2022.

Nhà phân tích Seo Sang-young của Mirae Asset Securities cho biết, tâm lý người tiêu dùng suy yếu ở Mỹ và giá xăng dầu tăng cao đã tạo thêm áp lực lên thị trường chứng khoán, và dự kiến ​​thị trường sẽ chỉ ổn định sau cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed dự kiến ​​vào cuối tuần”.

Trong ngày, Cơ quan quản lý ngoại hối của Hàn Quốc đã can thiệp vào thị trường tiền tệ với một cảnh báo nóng, trong khi Bộ Tài chính cho biết họ sẽ mua lại nhiều trái phiếu kho bạc hơn kế hoạch để ổn định thị trường trái phiếu.

Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ Samsung Electronics giảm 2,66% và SK Hynix giảm 4,35%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution mất 2,35%.

Kết thúc phiên 13/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 836,85 điểm (-3,01%), xuống 26.987,44 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 29,28 điểm (-0,89%), xuống 3.255,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 738,60 điểm (-3,39%), xuống 21.067,58 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 91,36 điểm (-3,52%), xuống 2.504,51 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Áp lực tăng vốn đè nặng ngân hàng

Năng lực tài chính được cải thiện mạnh mẽ trong giai đoạn tái cơ cấu vừa qua, nhưng các ngân hàng vẫn tiếp tục chịu áp lực tăng vốn..>> Chi tiết

- Thị trường chứng khoán: Chờ động thái… khác thường

Khi vào mùa thiếu vắng thông tin hỗ trợ từ doanh nghiệp, cộng với việc thị trường vừa trải qua đợt tổn thương lớn, thông tin được chờ đợi hơn cả là các quyết sách vĩ mô..>> Chi tiết

- Nửa cuối tháng 6: Giằng co!

Có thể, những ngày còn lại của tháng 6 thị trường sẽ tiếp tục tích luỹ nội lực và chưa thể hình thành xu hướng..>> Chi tiết

- Thời điểm tốt để tích sản

Thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh hiện nay có thể là cơ hội tốt để nhà đầu tư lựa “hạt giống tốt” cho mùa quả ngọt khi thị trường được nâng hạng..>> Chi tiết

- Fed có cần phải mạnh tay hơn nữa trong chính sách lãi suất?

Dữ liệu lạm phát cao kỷ lục trong tháng 5/2022 đã khiến thị trường đặt câu hỏi về việc liệu các nhà hoạch định chính sách có nên đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn nữa hay không?..>> Chi tiết

Tin bài liên quan