Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán giảm hơn 32% trong năm 2022

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán giảm hơn 32% trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm phiên cuối năm; Ngân hàng lo “chạy” nợ xấu; Trái phiếu doanh nghiệp khép lại năm bất thường; Vượt rào cản để mua cổ phiếu quỹ; Ấn Độ đang xem xét cấm tiền điện tử trong nhiệm kỳ chủ tịch G20…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 30/12 giảm 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng trở lại đúng 200.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 65,90 – 66,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 11 USD lên 1.815,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng vọt lên 1.820 USD, nhưng cũng đã nhanh chóng hụt hơi và về lại quanh 1.815 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,90 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 30/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.612 đồng/USD, giảm 5 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.410 – 23.730 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giằng co và tăng nhẹ lên trên 16.600 USD, thì sang phiên hôm nay đã hạ nhiệt nhẹ và lùi về gần 16.500 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,01 USD (+0,01%), lên 78,41 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,02 USD (-0,02%), xuống 83,44 USD/thùng.

VN-Index giảm gần 500 điểm trong năm 2022

Trong năm 2021, khi kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều gồng mình chống lại đại dịch Covid-19, thì thị trường chứng khoán lại chứng kiến một năm đầy thăng hoa với sự bùng nổ của các cá nhân tham gia thị trường đã đưa mức thanh khoản tăng vọt cùng đà tăng tốc mạnh mẽ của các chỉ số.

“Ngọn lửa” này chỉ được duy trì trong một vài phiên giao dịch đầu năm 2022 giúp thị trường xác lập các đỉnh lịch sử cả về điểm số cùng thanh khoản rồi dần tắt ngấm.

Thậm chí “gió đổi chiều” bởi ảnh hưởng lớn từ các thông tin bên ngoài và trong nước khiến thị trường càng trở nên tiêu cực hơn.

Thời điểm cuối năm 2022, dù thị trường được tiếp thêm những thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô cũng như các chính sách hỗ trợ, điển hình là lùi thực hiện nghị định 65…, nhưng thị trường chứng khoán không được như kỳ vọng.

Các chỉ số chính sau đợt hồi phục từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12, đã dần hạ nhiệt và diễn biến trầm lắng hơn trong nửa cuối tháng 12.

Tổng kết năm 2022, VN-Index đã giảm tới hơn 491 điểm, tương ứng giảm 32,78% (từ giá đóng cửa phiên 31/12/2021 là 1.498,28 điểm).

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 0,29 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị là mua ròng 146,16 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 30/12: VN-Index giảm nhẹ 2,2 điểm (-0,22%), xuống 1.007,09 điểm; HNX-Index giảm 1,23 điểm (-0,6%), xuống 205,31 điểm; UPCoM-Index tăng 0,76 điểm (+1,07%), lên 71,65 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall bật tăng trong phiên ngày thứ Năm (29/120, nhờ sự phục hồi của các cổ phiếu tăng trưởng vốn hóa lớn, trong khi giá dầu thô và đồng USD trượt dốc do số ca nhiễm COVID gia tăng ở Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.

Các cổ phiếu tăng trưởng công nghệ lớn như Apple, Alphabet, Microsoft Corp và Amazon.com đã tăng gần 3% và đóng góp lớn nhất cho Phố Wall.

Cả ba chỉ số chính còn nới rộng đà đi lên khi số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ tăng cho thấy, chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed đang có tác dụng như mong đợi.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy các yêu cầu trợ cấp thất nghiệp ban đầu đã tăng 9.000 lên mức 225.000 được điều chỉnh theo mùa vào tuần trước.

Kết thúc phiên 29/12, chỉ số Dow Jones tăng 345,09 điểm (+1,05%), lên 33.220,80 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 66,06 điểm (+1,75%), lên 3.849,28 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 264,80 điểm (+2,59%), lên 10.478,09 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đảo chiều và đóng cửa chỉ còn nhích nhẹ và ghi nhận năm giảm điểm đầu tiên sau 4 năm.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 gần như không đổi ở mức 26.094,50 điểm, sau khi tăng tới 0,9%. Chỉ số này đã giảm 9,4% trong năm, mức giảm đầu tiên kể từ năm 2018.

Chỉ số Topix giảm 0,19% xuống 1.891,71 điểm và giảm 5% trong năm, mức giảm đầu tiên sau bốn năm.

Thị trường Nhật Bản sẽ mở cửa trở lại vào thứ Tư sau kỳ nghỉ năm mới.

Phiên này, cổ phiếu lớn Fast Retailing, chủ sở hữu thương hiệu quần áo Uniqlo, tăng 1,94% và nhà đầu tư công nghệ SoftBank Group tăng 0,46% là những đóng góp chính cho Nikkei 225.

Trái lại, các nhà khai thác dầu giảm 1,33% và là nhóm hoạt động kém nhất trong số các chỉ số phụ.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi các nhà giao dịch hướng tới những điểm sáng trong năm tới, trong bối cảnh các nhà chức trách tuyên bố sẽ hỗ trợ tăng trưởng, dù vậy, kết thúc năm 2022 khi thị trường ghi nhận năm tồi tệ nhất trong bốn năm.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,51% lên 3.089,26 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,39% lên 3.871,63 điểm.

Chứng khoán ghi nhận hiệu suất hàng năm tồi tệ nhất kể từ năm 2019, với chỉ số CSI 300 giảm 21,6% trong năm 2022.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 90 tỷ nhân dân tệ (12,9 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc vào năm 2022 thông qua Chương trình kết nối chứng khoán, bằng 1/5 tổng số của năm ngoái và là số tiền thấp nhất kể từ năm 2017.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư và nhà phân tích lạc quan hơn về cổ phiếu của Trung Quốc trong năm tới, khi quốc gia này dỡ bỏ chính sách nghiêm ngặt Zero COVID trong tháng này, khiến thị trường phục hồi khoảng 10% kể từ mức đáy gần đây vào ngày 31/10.

Các ngân hàng toàn cầu bao gồm Citi, Bank of America và JP Morgan đã nâng hạng khuyến nghị đối với chứng khoán Trung Quốc, đồng thời kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi vào năm tới.

Để hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, Bộ Tài chính Trung Quốc hôm thứ Năm cho biết sẽ tăng chi tiêu tài khóa “một cách hợp lý” vào năm 2023, tập trung vào đổi mới công nghệ và các lĩnh vực chiến lược quan trọng.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết tăng cường điều chỉnh chính sách để giảm bớt tác động đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng do sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19.

Chứng khoán Hồng Kông nhích lên, nhưng cũng đã ghi nhận năm tồi tệ nhất trong 10 năm.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,20% lên 19.781,41 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,14% lên 6.704,94 điểm.

Trong năm 2022, chỉ số Hang Seng-Index đã giảm 15,4%, ghi nhận năm tồi tệ nhất kể từ năm 2012.

Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa nghỉ lễ.

Kết thúc phiên 30/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 0,83 điểm (+0,00%), lên 26.094,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 15,56 điểm (+0,51%), lên 3.089,26 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 40,27 điểm (+0,20%), lên 19.781,41 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng lo “chạy” nợ xấu

Chất lượng tài sản của các ngân hàng tương đối ổn định trong quý III/2022, nhưng xuất hiện không ít yếu tố tiêu cực kể từ đầu quý IV/2022, có thể khiến nợ xấu tăng mạnh hơn trong những quý tới..>> Chi tiết

- Trái phiếu doanh nghiệp khép lại năm bất thường

Lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2022 tăng tới 42%, trong khi giá trị phát hành mới giảm tới 63%. TPDN đã khép lại một năm đầy bất thường..>> Chi tiết

- Vượt rào cản để mua cổ phiếu quỹ

Trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm sâu, một số doanh nghiệp lên kế hoạch mua lại cổ phiếu, dù có các rào cản không nhỏ..>> Chi tiết

- Ấn Độ đang xem xét cấm tiền điện tử trong nhiệm kỳ chủ tịch G20

Hôm thứ Năm (29/12), Ấn Độ cho biết rằng, với nhiệm kỳ chủ tịch G20 đang diễn ra của mình, họ sẽ ưu tiên phát triển một khuôn khổ cho quy định toàn cầu về tài sản tiền điện tử, stablecoin và tài chính phi tập trung..>> Chi tiết

Tin bài liên quan