Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán giao dịch ảm đạm

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán giao dịch ảm đạm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Không dễ tiếp cận vốn giá rẻ; Kinh tế phục hồi, tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt 8,02%; 3 kịch bản đáng quan tâm VN-Index năm 2023; Những gì xảy ra trong thập kỷ tới khi kỷ nguyên tiền rẻ kết thúc?...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 29/12 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tiếp tục không có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 65,90 – 66,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 9,4 USD xuống 1.804,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng vọt lên 1.810 USD, nhưng đã rơi nhẹ xuống dưới ngưỡng này vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,18 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 29/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.617 đồng/USD, giảm 3 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.460 – 23.780 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giằng co và giảm về 16.500 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục xu hướng này quanh ngưỡng 16.500 USD/BTC cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,68 USD (-2,13%), xuống 77,28 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,42 USD (-1,71%), xuống 81,84 USD/thùng.

VN-Index điều chỉnh nhẹ, thanh khoản xuống thấp

Sau phiên sáng ảm đạm, thị trường bước vào phiên chiều không khả quan hơn, khi dòng tiền chậm lại, VN-Index tiếp tục biến động hẹp quanh tham chiếu trước khi có một nhịp bật mạnh lên 1.020 điểm sau thời điểm 14h và cũng lao nhanh về dưới tham chiếu do một số mã lớn “giật cục”, đóng cửa mất hơn 6 điểm.

Điểm hạn chế lớn nhất của thị trường là thanh khoản, khi xuống rất thấp. Nếu trừ đi giao dịch thỏa thuận thì giá trị giao dịch toàn phiên trên sàn HOSE chỉ rơi vào khoảng hơn 5.800 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, vẫn là IBC, khi đứng vững giá trần tại 2.580 đồng, khớp lệnh gần 11,9 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 6,2 triệu đơn vị.

Một vài sắc tím khác xuất hiện như OGC, PTC, TTB, SGT, với PGC khớp lệnh tốt nhất khi có hơn 1,75 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 0,29 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị là mua ròng 146,16 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 29/12: VN-Index giảm 6,37 điểm (-0,63%), xuống 1.009,29 điểm; HNX-Index tăng 0,49 điểm (+0,24%), lên 206,54 điểm; UpCoM-Index tăng 0,45 điểm (+0,64%), lên 70,89 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm vào phiên ngày thứ Tư (28/12), do lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng gây áp lực lên các cổ phiếu tăng trưởng, trong khi lĩnh vực năng lượng chịu tác động từ giá dầu trượt dốc.

Các cổ phiếu tăng trưởng lớn Apple, Alphabet và Amazon giảm từ 1,5% đến hơn 3% do ảnh hưởng từ việc lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ phục hồi.

Tất cả các chỉ số ngành chính của S&P 500 đều giảm, với nhóm cổ phiếu năng lượng là nhóm giảm mạnh nhất với mức giảm 2,2%, do lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc đè nặng lên giá dầu.

Kết thúc phiên 28/12, chỉ số Dow Jones giảm 365,85 điểm (-1,10%), xuống 32.875,71 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 46,03 điểm (-1,20%), xuống 3.783,22 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 139,94 điểm (-1,35%), xuống 10.213,29 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba tháng do hoạt động yếu kém của Phố Wall, với các cổ phiếu công nghệ nặng dẫn đầu sự sụt giảm.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,94% xuống 26.093,67 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,72% xuống 1.895,27 điểm.

Shigetoshi Kamada, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu của Tachibana Securities, cho biết: “Với sự vắng mặt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, có rất ít sự hỗ trợ cho thị trường Nhật Bản, vốn thường chịu ảnh hưởng của chứng khoán Mỹ”.

Các cổ phiếu lớn trong ngành công nghệ đã kéo lùi chỉ số Nikkei 225, với SoftBank Group giảm 1,6%, Japan Tobacco Inc giảm 5,87%, Showa Denko KK mất 4,68% và Isetan Mitsukoshi Holdings Ltd giảm 4,37%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm với thanh khoản thấp, theo chân sự suy yếu của thị trường toàn cầu, khi lo ngại gia tăng rằng các ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc có thể gây ra những đợt bùng phát ở những nơi khác.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,44% xuống 3.073,70 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,38% xuống 3.856,70 điểm.

Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách nghiêm ngặt Zero COVID trong tháng này, khiến các ca nhiễm bệnh trong nước tăng vọt và khiến hệ thống y tế mỏng manh của nước này bị quá tải.

Những người tham gia thị trường đang để mắt đến việc Trung Quốc mở cửa trở lại, điều này có thể “thúc đẩy sự bùng phát của virus trên toàn cầu trong ngắn hạn. Rủi ro cao hơn có thể xảy ra dưới dạng biến thể mới của virus corona kháng lại các loại vắc-xin hiện tại”, một cố vấn tài chính IG Asia Pte Ltd đã lưu ý.

Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm, do lo ngại các ca nhiễm Covid-19 tăng vọt sau khi thành phố theo chân Đại lục mở cửa hoàn toàn.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,79% xuống 19.741,14 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,14% xuống 6.695,57 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc lao dốc trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, ảnh hưởng bởi sự yếu kém của Phố Wall đêm qua.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 44,05 điểm, tương đương 1,93%, xuống 2.236,40 điểm.

Trong năm 2022, chỉ số KOSPI giảm 24,89%, mức giảm đầu tiên sau 4 năm tăng liên tiếp.

“Thị trường sụt giảm trong năm nay là do các ngân hàng trung ương toàn cầu thắt chặt. Năm tới, chúng ta sẽ bắt đầu thấy kết quả của những động thái đó khiến suy thoái kinh tế xảy ra”, Kim Seok-hwan, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết.

Thị trường tài chính Hàn Quốc sẽ đóng cửa vào thứ Sáu để nghỉ lễ.

Kết thúc phiên 29/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 246,83 điểm (-0,94%), xuống 26.093,67 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 13,70 điểm (-0,44%), xuống 3.073,70 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 157,77 điểm (-0,79%), xuống 19.741,14 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 44,05 điểm (-1,93%), xuống 2.236,40 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Không dễ tiếp cận vốn giá rẻ

Các ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay, song để tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ cuối năm không hẳn là điều dễ dàng đối với doanh nghiệp, nhất là gói hỗ trợ lãi suất 2%..>> Chi tiết

- Kinh tế phục hồi, tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt 8,02%

Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong hơn 10 năm qua, cho thấy nền kinh tế đã có bước phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022..>> Chi tiết

- 3 kịch bản đáng quan tâm VN-Index năm 2023

Trong kịch bản tích cực, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng, mục tiêu giá, upside của thị trường sẽ gia tăng với vùng giá dự báo quanh mức 1.320 điểm..>> Chi tiết

- Những gì xảy ra trong thập kỷ tới khi kỷ nguyên tiền rẻ kết thúc?

Trong hơn một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã giữ lãi suất ở mức thấp trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế..>> Chi tiết

Tin bài liên quan