Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán giao dịch mờ nhạt

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán giao dịch mờ nhạt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Áp lực thanh khoản cuối năm; Mạo danh công ty chứng khoán để lừa đảo; Talkshow Chọn danh mục (phần 2) kỳ 9: Nhận diện biến số 2023; Năm 2023, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu sẽ còn tồi tệ hơn?...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 23/12 giảm 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng trở lại đúng 200.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,10 – 66,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 22,4 USD xuống mức 1.792,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục dần và lên gần sát ngưỡng 1.800 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,95 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 23/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.631 đồng/USD, giảm 5 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.430 – 23.750 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giằng co ngat sát dưới 16.800 USD, thì sang phiên hôm nay đã nhích hẳn lên trên mốc này, nhưng biên độ không cao và cũng gần như chỉ đi ngang cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,56 USD (+2,01%), lên 79,05 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,61 USD (+1,99%), lên 82,71 USD/thùng.

VN-Index điều chỉnh

Thị trường có phần tiêu cực hơn trong nửa cuối phiên sáng do áp lực bán gia tăng, VN-Index theo đó có thời điểm đe dọa thủng 1.010 điểm.

Bước sang phiên chiều, VN-Index vẫn biến động quanh vùng giá 1.015 điểm, nhưng bất ngờ le lói sắc xanh khiến nhà đầu tư kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp đà đi lên, tuy nhiên thực tế đã không như mong đợi. Chỉ số nhanh chóng “quay xe” trong đợt khớp lệnh ATC và đóng cửa giảm điểm.

Điểm đáng chú ý là giao dịch mờ nhạt, khi thanh khoản thị trường tiếp tục giảm mạnh với tổng giá trị trên sàn HOSE chỉ hơn 9.000 tỷ đồng, thấp nhất trong khoảng 1 tháng qua, cho thấy tâm lý thận trọng và rủi ro điều chỉnh là vẫn còn.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 10,26 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 200,12 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 23/12: VN-Index giảm 2,27 điểm (-0,22%), xuống 1.020,34 điểm; HNX-Index giảm 0,49 điểm (-0,24%,) xuống 205,3 điểm; UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,25%), lên 71,01 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall sụt giảm trong phiên ngày thứ Năm (22/12), với chỉ số Nasdaq nặng về công nghệ dẫn đầu đà đi xuống, sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ phục hồi, làm dấy lên lo ngại rằng Fed sẽ tiếp tục giữ chính sách thắt chặt lâu hơn.

Bộ Lao động Mỹ cho biết số hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp của các tiểu bang đã tăng lên 216.000 vào tuần trước, nhưng thấp hơn ước tính của các nhà kinh tế là 222.000.

Trong khi đó, dữ liệu GDP quý III của nước này tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi con số ước tính vào đầu tháng này đã công bố chỉ là 2,9%.

Kết thúc phiên 22/12, chỉ số Dow Jones giảm 348,99 điểm (-1,05%), xuống 33.027,49 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 56,05 điểm (-1,45%), xuống 3.822,39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 233,25 điểm (-2,18%), xuống 10.476,12 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, và ghi nhận mức giảm một tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 6, với các cổ phiếu liên quan đến chip dẫn đầu đà đi xuống do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu cùng ngành trên phố Wall đêm qua.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,03% xuống 26.235,25 điểm và giảm 4,69% trong tuần. Chỉ số Topix mất 0,54% xuống1.897,94 điểm và mất 2,68% trong tuần.

Chiến lược gia Maki Sawada của Nomura cho biết: “Mối lo ngại rằng việc thắt chặt tiền tệ kéo dài của các ngân hàng trung ương sẽ cản trở tăng trưởng toàn cầu đang thể hiện trong các động thái của thị trường chứng khoán”.

Tuy nhiên, nhiều chỉ báo kỹ thuật của chỉ số Nikkei 225 hiện đang cho thấy các cổ phiếu bị bán quá mức, mang đến hy vọng về sự phục hồi trong thời gian tới trong ngắn hạn cho thị trường.

Phiên này, cổ phiếu gã khổng lồ thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron và Advantest là lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225, giảm lần lượt 3,69% và 4,49%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm, do các ca nhiễm Covid-19 tăng vọt làm gián đoạn hoạt động kinh tế và tổn thương tâm lý nhà đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,28% xuống 3.045,87 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,2% xuống 3.828,22 điểm.

Trong tuần, chỉ số CSI 300 đã giảm 3,2%, ghi nhận hiệu suất tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 11.

Trung Quốc dự kiến ​​số ca nhiễm COVID-19 sẽ đạt đỉnh trong vòng một tuần tới và các nhà chức trách dự đoán hệ thống y tế của nước này sẽ ngày một căng thẳng, ngay cả khi họ hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và tiếp tục báo cáo không có trường hợp tử vong mới nào.

Phiên này, nhóm cổ phiếu bán dẫn mất 2,3%, năng lượng mới giảm 1,2%, trong khi cổ phiếu giáo dục tăng 3,2%.

Chứng khoán Hồng Kông chịu tác động từ thị trường Đại lục, cũng như phố Wall đêm qua.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,44% xuống 19.593,06 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,09% xuống 6.642,90 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm mạnh và ghi nhận tuần giảm thứ sáu liên tiếp.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 43,04 điểm, tương đương 1,83% xuống 2.313,69 điểm. Trong tuần, chỉ số này mất 1,96%, tuần thứ sáu liên tiếp giảm.

Phiên này, cổ phiếu gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 1,69% và SK Hynix mất 1,77%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 3,39%.

Kết thúc phiên 23/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 272,62 điểm (-1,03%), xuống 26.235,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,56 điểm (-0,28%), xuống 3.045,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 86,16 điểm (-0,44%), xuống 19.593,06 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 43,04 điểm (-1,83%), xuống 2.313,69 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Áp lực thanh khoản cuối năm

Tình trạng chênh lệch tín dụng và huy động âm, mất cân đối về mặt kỳ hạn giữa huy động và cho vay, nhu cầu tín dụng gia tăng, nhất là khi hạn mức tăng trưởng tín dụng vừa được nới thêm 1 - 1,5%..., khiến mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục được nâng lên..>> Chi tiết

- Mạo danh công ty chứng khoán để lừa đảo

Thời gian qua, hiện tượng cá nhân mạo danh nhân viên công ty chứng khoán để lừa đảo nhà đầu tư lại rộ lên..>> Chi tiết

- Talkshow Chọn danh mục (phần 2) kỳ 9: Nhận diện biến số 2023

Năm 2023, giới đầu tư vẫn còn ngần ngại các biến số khó lường, liệu rằng những khó khăn nhất đã qua đi hay sẽ còn tiếp tục khó khăn hơn. Điều này cũng phản ánh qua thị trường chứng khoán với diễn biến dao động biên độ hẹp trong những phiên cuối năm 2022..>> Chi tiết

- Năm 2023, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu sẽ còn tồi tệ hơn?

Năm 2023 dự báo sẽ còn khó khăn hơn nhiều nếu nguồn cung khí đốt từ Nga cho châu lục này tiếp tục bị thắt chặt. Chưa kể, biện pháp áp trần giá khí đốt gây tranh cãi gần đây còn có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình..>> Chi tiết

Tin bài liên quan