Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán khởi sắc sau những ngày u tối

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán khởi sắc sau những ngày u tối

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index có phiên tăng hơn 55 điểm; Lo ngại các khoản nợ xấu “trong tương lai”; Phép thử sự kiên nhẫn của F0; Thị trường “nhiễm lạnh”; Lý giải dòng tiền chảy sang kênh phái sinh; Trung Quốc vẫn nắm "quân bài tẩy" trong chuỗi cung ứng toàn cầu… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 17/5 không đổi so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tiếp tục chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 68,25 – 69,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 11,7 USD/ounce lên 1.823,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích dần và lên gần 1.830 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,65 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 17/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.160 đồng/USD, giữ nguyên so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.990 – 23.270 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 29.800 USD, thì sang phiên hôm nay đã hồi phục và lấy lại mốc trên 30.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,82 USD (+0,72%), lên 115,02 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm tăng 0,88 USD (+0,77%), lên 115,12 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng vọt

Trong phiên sáng, thị trường mở cửa với mức giảm hơn 15 điểm, trước khi hồi phục dần khi tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn.

Sau giờ nghỉ trưa, sự biến chuyển tâm lý theo hướng tích cực hơn giúp dòng tiền hoạt động mạnh mẽ, trong khi đó lượng cung giá thấp dường như được tiết giảm, giúp sắc tím nở rộ trên bảng điện tử với hơn 150 mã, VN-Index tăng hơn 56 điểm khi đóng cửa.

Có vẻ nhà đầu tư phản ứng tích cực với động thái "cầu thị" từ cơ quan quản lý thị trường. Theo đó, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi công văn tới các sở giao dịch chứng khoán, yêu cầu công bố thông tin đối với giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán, chậm nhất là ngày 23/5.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1,11 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị là bán ròng 37,37 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 17/5: VN-Index tăng 56,42 điểm (+4,81%), lên 1.228,37 điểm; HNX-Index tăng 8,39 điểm (+2,73%), lên 315,44 điểm; UPCoM-Index tăng 2,69 điểm (+2,89%), lên 95,891 điểm

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall chủ yếu giao dịch giằng co trong phiên thứ Hai (16/5) do chịu sự tác động của nhóm cổ phiếu tăng trưởng và giao dịch thận trọng khi đã tăng tốt trong phiên cuối tuần trước.

Hoạt động kinh tế của Trung Quốc hạ nhiệt mạnh trong tháng 4 do việc phong tỏa nghiêm ngặt chống Covid-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề cho ngành tiêu dùng, sản xuất công nghiệp và việc làm, làm tăng thêm lo ngại nền kinh tế toàn cầu có thể suy giảm trong quý thứ hai.

Phiên này, nhiều cổ phiếu tăng trưởng lớn của Phố Wall đều giảm, trong đó Amazon và Alphabet mất hơn 1% và đè nặng lên S&P 500 và Nasdaq.

Kết thúc phiên 16/5, chỉ số Dow Jones tăng 26,76 điểm (+0,08%), lên 32.223,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,88 điểm (-0,39%), xuống 4.008,01 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 142,21 điểm (-1,20%), xuống 11.662,79 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng phiên thứ ba liên tiếp, khi sự lạc quan về việc kết thúc đợt phong tỏa từ Trung Quốc đã vượt qua lực cản từ một số kết quả tài chính đáng thất vọng.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,42% lên 26,659,75 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,19% lên 1.866,71 điểm.

Tâm lý thị trường được củng cố khi Thượng Hải đạt được cột mốc được mong đợi từ lâu là trong ba ngày liên tiếp không có trường hợp Covid-19 mới nào bên ngoài khu vực cách ly, điều này có thể dẫn đến việc có thể bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa gắt gao gần đây.

Phiên này, nhóm cổ phiếu năng lượng dẫn đầu đà đi lên trên Nikkei 225, tăng 3,62% sau khi giá dầu thô tăng qua đêm do kỳ vọng nhu cầu của Trung Quốc phục hồi, với Inpex tăng 5,64%.

Cổ phiếu lớn Fast Retailing, sở hữu thương hiệu Uniqlo, có nhiều cửa hàng ở Trung Quốc, tăng 0,67%.

Trái lại, sụt giảm mạnh nhất là nhà sản xuất bia Asahi Holdings, giảm 10,86% sau khi báo cáo lợi nhuận hoạt động quý vừa qua giảm 83%. Đối thủ của họ là Kirin Holdings giảm 4,25%.

Tập đoàn quảng cáo khổng lồ Dentsu cũng chìm trong kết quả tài chính đáng thất vọng, giảm 6,16%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi Thượng Hải đạt được cột mốc quan trọng liên quan đến Covid-19 để mở đường giảm bớt các biện pháp phong tỏa.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,65% lên 3.093,70 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 1,25% lên 4.005,89 điểm.

Thượng Hải đã báo cáo một cột mốc được mong đợi từ lâu là ba ngày liên tiếp không có trường hợp nhiễm mới Covid-19 mới nào bên ngoài khu vực cách ly. Số ca nhiễm trên toàn quốc cũng giảm, với 1.100 trường hợp mới được báo cáo vào thứ Hai, giảm từ 1.227 trường hợp vào Chủ nhật.

Cơ quan lập kế hoạch nhà nước của Trung Quốc cũng thông báo, sẽ tăng cường hỗ trợ các nhà sản xuất, khu vực dịch vụ và các công ty nhỏ, vì hoạt động bán lẻ và nhà máy của nước này giảm mạnh trong tháng 4 do các đợt ngừng hoạt động trên diện rộng.

Chứng khoán Hồng Kông tăng vọt, sau khi các nhà chức trách tuyên bố tại cuộc họp cấp cao nhất của Bộ Chính trị sẽ đẩy mạnh hỗ trợ chính sách để ổn định nền kinh tế và thị trường tài chính.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 3,27% lên 20.602,52 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 3,67% lên 7.076,80 điểm.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He dự kiến ​​sẽ phát biểu tại một cuộc họp với các giám đốc điều hành các công ty công nghệ đã được lên danh sách để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số, các nguồn tin nói với Reuters.

Cuộc họp đang được theo dõi chặt chẽ để biết nhận xét của Liu và những người khác để biết manh mối về việc chính quyền Trung Quốc sẽ đi bao xa trong việc nới lỏng các quy định khắt khe đối với lĩnh vực công nghệ, vốn đã diễn ra từ cuối năm 2020.

Chỉ số phụ theo dõi ngành công nghệ theo đó đã tăng tới 5,8%, với các cổ phiếu lớn như Alibaba Group, Tencent Holdings và Meituan tăng từ 5,2% đến 7%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, nhờ sự dẫn dắt của cổ phiếu các nhà sản xuất chip, khi các thị trường trên toàn cầu tin tưởng vào kế hoạch của Trung Quốc nhằm giảm bớt các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 23,86 điểm, tương đương 0,92% lên 2.620,44 điểm.

Dẫn đầu mức tăng là gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt tăng 1,96% và 1,81%, nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 2%.

Kết thúc phiên 17/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 112,70 điểm (+0,42%), lên 26.659,75 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 19,95 điểm (+0,65%), lên 3.093,70 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 652,31 điểm (+3,27%), lên 20.602,52 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 23,86 điểm (+0,92%), lên 2.620,44 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lo ngại các khoản nợ xấu “trong tương lai”

TS.Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại về các khoản nợ sẽ trở thành nợ xấu “trong tương lai”, khi ngân hàng siết chặt và tăng cường thu hồi nợ từ dự án bất động sản..>> Chi tiết

- Phép thử sự kiên nhẫn của F0

Nhiều nhà đầu tư, nhất là các F0 bắt đầu mất kiên nhẫn khi thị trường liên tục có những phiên giảm điểm mạnh, thậm chí bán tháo..>> Chi tiết

- Thị trường “nhiễm lạnh”

Đợt gió mùa đông bắc dị thường tràn qua nhiều tỉnh miền Bắc ngay giữa mùa hè dường như có những nét tương đồng với những gì đang diễn ra trên sàn chứng khoán vài tuần nay và “hơi lạnh” có nguy cơ lan sang thị trường bất động sản..>> Chi tiết

- Lý giải dòng tiền chảy sang kênh phái sinh

Dòng tiền có dấu hiệu đổ mạnh vào thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian gần đây khi thị trường chứng khoán cơ sở trải qua chuỗi giảm điểm liên tục..>> Chi tiết

- Trung Quốc vẫn nắm "quân bài tẩy" trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Nắm trong tay các trung tâm cung ứng nên vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu khó có thể lung lay, bất luận việc phong tỏa chống dịch có khiến doanh nghiệp thất vọng hay không..>> Chi tiết

Tin bài liên quan