Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán thêm một phiên bay cao

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán thêm một phiên bay cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng lên gần 970 điểm; Tín dụng bất động sản tiếp tục giảm; Công ty chứng khoán chống rủi ro "force sell" ồ ạt cổ phiếu của lãnh đạo; ECB cảnh báo lạm phát kỷ lục đang gây rắc rối cho nền kinh tế khu vực…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 17/11 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã tăng trở lại đúng 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,70 – 67,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 5,4 USD xuống mức 1.773,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giảm về gần 1.765 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,57 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 17/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.677 đồng/USD, không đổi so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.610 – 24.860 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ lên 16.800 USD, thì sang phiên hôm nay đã giảm nhẹ và giằng co quanh 16.500 USD/BTC cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,69 USD (-0,81%), xuống 84,90 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,40 USD (-0,43%), xuống 92,46 USD/thùng.

VN-Index tăng mạnh lên gần 970 điểm

Sau phiên sáng chững lại ở những phút cuối, thị trường trở lại trạng thái thăm dò khiến VN-Index giảm về gần 955 điểm.

Tuy vậy, ngay tại ngưỡng điểm này, lực mua quay trở lại và đích đến ở các bluechip giúp VN-Index từng bước tăng và vượt 970 điểm trước khi bước vào phiên ATC và đáng tiếc để mất mốc này trong những phút cuối.

Các cổ phiếu lớn, GVR và HPG giữ mức giá trần, trong đó, HPG còn dư mua giá trần hơn 6,2 triệu đơn vị.

Bộ ba cổ phiếu nhà Vin bùng nổ, với VIC và VRE tăng trần, trong khi VHM cũng áp sát giá trần.

Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng không khác nhiều so với cuối phiên sáng, với những cái tên đứng vững ở giá trần như LDG, SGR, DXG, HHS, NVT, ITA, NHA, NLG, QCG, SCR, TCD, LHG, DRH, HQC…

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 71,95 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 1.539,63 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 17/11: VN-Index tăng 26,36 điểm (+2,80%), lên 969,26 điểm; HNX-Index tăng 4,41 điểm (+2,4%), lên 187,86 điểm; UpCoM-Index tăng 1,21 điểm (+1,86%), lên 66,54 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm trong phiên ngày thứ Tư (16/11), khi triển vọng ảm đạm từ Target làm dấy lên những lo ngại mới về việc các nhà bán lẻ sẽ gặp khó trong mùa mua sắm cuối năm, trong khi nhóm cổ phiếu bán dẫn trượt dốc do Micron tuyên bố cắt giảm nguồn cung.

Cổ phiếu của nhà bán lẻ Target Corp đã giảm tới hơn 13% sau khi dự báo doanh số bán hàng trong thời gian còn lại của năm - vốn là mùa mua sắm sôi động sẽ sụt giảm mạnh, nguyên nhân chính do các hộ gia đình thắt chặt chi tiêu để đối phó với lạm phát.

Kết thúc phiên 16/11, chỉ số Dow Jones giảm 39,09 điểm (-0,12%), xuống 33.553,83 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 32,94 điểm (-0,83%), xuống 3.958,79 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 174,75 điểm (-1,54%), xuống 11.183,66 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi Tokyo Electron và Advantest dẫn đầu đà đi xuống trong số các cổ phiếu liên quan đến chip, sau khi Micron Technology của Mỹ cắt giảm nguồn cung chip bộ nhớ và chi tiêu vốn.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,35% xuống 27.930,57 điểm. Chỉ số Topix nhích 0,15% lên 1.966,28 điểm.

Nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron giảm 2,95%, trở thành lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225, trong khi nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest giảm 3,14%.

Cổ phiếu của Micron Technology trên Phố Wall đêm qua đã giảm 6,7%, sau khi cho biết họ sẽ giảm nguồn cung chip bộ nhớ và cắt giảm nhiều hơn kế hoạch chi tiêu vốn, khi phải vật lộn để giải phóng hàng tồn kho do nhu cầu sụt giảm.

Ở chiều ngược lại, các nhà bán lẻ và nhà điều hành đường sắt đã tăng vọt sau khi số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản trong tháng 10 tăng hơn gấp đôi so với tháng trước, khi Nhật Bản mở cửa trở lại hoàn toàn sau hơn hai năm hạn chế COVID-19.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do số ca nhiễm Covid-19 bùng phát làm dấy lên lo ngại về việc sẽ tái phong tỏa nhiều hơn.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,15% xuống 3.115,43 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,41% xuống 3.818,66 điểm.

Trung Quốc đã báo cáo hơn 20.000 ca nhiễm Covid-19 mới trong những ngày gần đây, khi nước này chuẩn bị nới lỏng một số quy tắc nghiêm ngặt chống lây lan dịch bệnh.

“Lo ngại gia tăng lây nhiễm COVID tại nhà có thể buộc các nhà chức trách quay trở lại áp dụng các biện pháp phong tỏa rộng rãi hơn,” các nhà phân tích của Maybank cho biết trong một lưu ý.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu công nghệ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,15% xuống 18.045,66 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,37% xuống 6.140,57 điểm.

Các gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Hồng Kông giảm 2,2%, trong đó công ty giao đồ ăn Meituan giảm 5,7%.

Đáng chú ý, Tencent cho biết họ sẽ trả lại vốn cho các cổ đông thông qua việc chia cổ tức cho số cổ phần trị giá 20,3 tỷ USD của mình tại Meituan, do doanh thu của công ty này giảm trong quý thứ hai liên tiếp.

Công ty trò chơi NetEase Inc đã giảm 9,1% khi đơn vị phát hành và phát triển trò chơi của Activision Blizzard cho biết, họ sẽ tạm dừng hầu hết các dịch vụ trò chơi của Blizzard ở Trung Quốc đại lục, vì các thỏa thuận cấp phép hiện tại với NetEase sẽ kết thúc vào tháng Giêng.

Chứng khoán Hàn Quốc đã giảm, do các nhà sản xuất chip hạng nặng kéo xuống do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu cùng ngành trên Phố Wall đêm qua.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 34,55 điểm, tương đương 1,39% xuống 2.442,90 điểm.

Các nhà sản xuất chip dẫn đầu đà giảm, với Samsung Electronics giảm 2,07% và SK Hynix mất 4,15%.

Kết thúc phiên 17/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 97,73 điểm (-0,35%), xuống 27.930,57 điểm, Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,55 điểm (-0,15%), xuống 3.115,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 210,82 điểm (-1,15%), xuống 18.045,66 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 34,55 điểm (-1,39%), xuống 2.442,90 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng bất động sản tiếp tục giảm

Tăng trưởng tín dụng bất động sản giảm dần khi ngành ngân hàng kiểm soát vốn vào lĩnh vực rủi ro và room tín dụng không còn nhiều trong những tháng cuối năm.>> Chi tiết

- Công ty chứng khoán chống rủi ro "force sell" ồ ạt cổ phiếu của lãnh đạo, có tới 146 mã dưới mệnh giá, gấp 5,64 lần năm ngoái

Việc thị trường liên tục bán tháo, cổ phiếu mất thanh khoản làm cho các Công ty chứng khoán không thể bán giải chấp, điều này đang đẩy rủi ro tới các Công ty chứng khoán khi cho khách hàng sử dụng sản phẩm ký quỹ để đầu tư chứng khoán..>> Chi tiết

- "Lập Đông" chứng khoán đã 7 tháng, gió lạnh có còn kéo dài?

Nhiều câu hỏi đang được các nhà đầu tư đặt ra với thị trường trong giai đoạn hiện tại. Ông Trung Kiên, nhà sáng lập Công ty Quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc đã có cuộc trao đổi cùng Báo Đầu tư Chứng khoán..>> Chi tiết

- ECB cảnh báo lạm phát kỷ lục đang gây rắc rối cho nền kinh tế khu vực

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây đã cảnh báo về rủi ro đang gia tăng đối với tất cả mọi người khi triển vọng kinh tế trở nên u ám và lạm phát kỷ lục..>> Chi tiết

Tin bài liên quan