Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán Việt "ngậm ngùi" nhìn hàng xóm bay cao

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán Việt "ngậm ngùi" nhìn hàng xóm bay cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index hồi phục nhẹ; Chính phủ yêu cầu đánh giá TPDN đáo hạn quý IV/2022 và năm 2023; Chứng khoán tiếp tục lao dốc, có cần phải cứu và bằng cách nào?; Thích ứng với biến cố thị trường; Lãi suất đã tăng mạnh, nhưng chính sách tiền tệ có thực sự thắt chặt?...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 11/11 tăng 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,60 – 67,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 49 USD lên mức 1.755,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và lên gần 1.765 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 107,31 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.683 đồng/USD, giảm 3 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.660 – 24.860 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 17.500 USD, thì sang phiên hôm nay đã hạ nhiệt đôi chút và gần như đi ngang quanh ngưỡng 17.200 USD/BTC cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,41 USD (+2,79%), lên 88,88 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 2,39 USD (+2,55%), lên 96,06 USD/thùng.

VN-Index hạ độ cao

Thị trường sớm lấy lại đà tăng, nhưng diễn biến tích cực không lan tỏa mà chủ yếu là nhờ sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng, trong khi nhiều nhóm khác phân hóa, đặc biệt là nhiều cổ phiếu nhóm bất động sản vẫn bị bán tháo ồ ạt.

Chỉ số VN-Index tiếp tục nhích lên trong phiên chiều lên trên 965 điểm. Tuy nhiên, đã nhanh chóng hạ nhiệt trước áp lực bán gia tăng sau đó, đẩy VN-Index về vùng sát ngưỡng 950 điểm trước khi nảy nhẹ lên gần 955 điểm trong những phút cuối.

Cặp đôi NVL và NVL cùng PDR tiếp tục chứng kiến cảnh tượng "múa bên trăng" với khối lượng dư bán lần lượt hơn 58 triệu đơn vị và hơn 55 triệu đơn vị.

Ngoài ra, hàng loạt mã khác cũng trong cảnh ngộ nằm sàn như DIG, DXS, BCG, DXG, LDG, HBC, LCG, CII, TDC, HHV, SCR…

Nhóm cổ phiếu chứng khoán đã đảo chiều giảm sau nhịp hồi nhẹ ở phiên sáng. Đáng kể có VCI, HCM, CTS, FTS, APG đều đóng cửa giảm sàn.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 139,88 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng 2.550,87 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 11/11: VN-Index tăng 7,29 điểm (+0,77%) lên 954,53 điểm; HNX-Index giảm 2,58 điểm (-1,34%), xuống 189,81 điểm; UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,25%), xuống 68,62 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall bùng nổ trong phiên ngày thứ Năm (10/11), khi các dấu hiệu hạ nhiệt của chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 10 làm dấy lên hy vọng rằng Fed sẽ sớm bắt đầu giảm quy mô tăng lãi suất.

Cụ thể, bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, các chuyên gia dự báo CPI tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ.

Mike Zigmont, Người đứng đầu bộ phận giao dịch và nghiên cứu tại Harvest Volility Management, cho biết: “Đó là một tin rất tốt cho chính sách của Fed trong tương lai và chỉ ra rằng những gì Fed đang làm là phù hợp”.

Kết thúc phiên 10/11, chỉ số Dow Jones tăng 1.201,43 điểm (+3,70%), lên 33.715,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 207,80 điểm (+5,54%), lên 3.956,37 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 760,97 điểm (+7,35%), lên 11.114,15 điểm.

Chứng khoán châu Á đều tăng mạnh

Chứng khoán Nhật Bản tăng vọt lên mức cao nhất trong hai tháng, dẫn đầu bởi Tokyo Electron và các cổ phiếu tăng trưởng khác, khi thị trường theo dõi phiên bùng nổ trên Phố Wall đêm qua.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,98% lên 28.263,57 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 13/9. Chỉ số này đã tăng 3,91% trong tuần này và đánh dấu mức tăng tuần thứ ba liên tiếp.

Chỉ số Topix tăng 2,12% lên 1.977,76 điểm và tăng 3,26% trong tuần.

Takatoshi Itoshima, chiến lược gia tại Pictet Asset Management Japan, cho biết: “Thực tế là tốc độ tăng lạm phát của Mỹ thấp hơn kỳ vọng đã thúc đẩy Phố Wall và điều đó làm tăng tâm lý tích cực đối với thị trường Nhật Bản.

Phiên này, cổ phiếu lớn là nhà sản xuất thiết bị chip Tokyo Electron đã tăng 8,43% và tạo ra lực đẩy lớn nhất cho chỉ số Nikkei 225, theo sau là Peer Advantest tăng 9,06%.

Hai cổ phiếu lớn khác là Fast Retailing tăng 1,96% và hãng sản xuất máy lạnh Daikin Industries tăng 7,19% cũng góp phần thúc đẩy thị trường.

Đi ngược lại xu hướng, Nikon giảm 8,85%, và là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong chỉ số Nikkei 225, sau khi nhà sản xuất máy ảnh này công bố lợi nhuận ròng nửa năm ở mức thấp.

Chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh, sau khi cơ quan y tế nước này nới lỏng một số các biện pháp nghiêm ngặt chống Covid-19, trong khi mức tăng mạnh của Phố Wall qua đêm cũng thúc đẩy tâm lý và nâng các thị trường châu Á.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,69% lên 3.036,13 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 2,79% lên 3.788,44 điểm. Trong tuần, chỉ số CSI 300 tăng 0,6%,

Đồng nhân dân tệ trong nước cũng mạnh lên ở mức cao 7,0650 đổi 1 USD, mức cao nhất nhất kể từ ngày 22/9.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) đã rút ngắn thời gian cách ly đối với những người tiếp xúc gần với những người nhiễm Covid-19 và khách du lịch nội địa, xóa bỏ hình phạt đối với các hãng hàng không vận chuyển hành khách bị nhiễm bệnh và nới lỏng các biện pháp chống virus khác.

Nhà kinh tế trưởng Dan Wang của Ngân hàng Hang Seng (Trung Quốc) cho biết: “Thị trường chứng khoán phản ứng tích cực, phản ánh kỳ vọng nới lỏng dần hạn chế COVID trong những tháng tới. Bất kỳ thay đổi nào trong tương lai liên quan đến việc kiểm soát COVID sẽ tiếp tục diễn ra từ từ, trừ khi các loại vắc-xin và điều trị hiệu quả được phổ biến rộng rãi”.

Chứng khoán Hồng Kông bay cao, nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ và bất động sản, cũng như tâm lý tích cực nhờ Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống Covid-19.

Đóng cửa, Hang Seng-Index của Hồng Kông tăng 7,74% lên 17.325,66 điểm, mức tăng một phiên nhất kể từ tháng 3 và tăng 7,2% trong tuần này. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 8,31% lên 5.867,31 điểm.

Các gã khổng lồ công nghệ được niêm yết tại Hồng Kông đã tăng 10%. Trong khi các nhà phát triển bất động sản ở Đại lục niêm yết tại Hồng Kông đã tăng 12,8%, trong bối cảnh các biện pháp mới nhất của nước này để hỗ trợ lĩnh vực đang bị khủng hoảng.

Chứng khoán Hàn Quốc nhảy vọt, nhờ đồng Won tăng giá mạnh so với đồng USD và sự tích cực chung nhờ Phố Wall đêm qua tăng vọt.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 80,93 điểm, tương đương 3,37% lên 2.483,16 điểm, mức tăng tốt nhất kể từ ngày 25/12/2021. Trong tuần, chỉ số này đã tăng 5,74%, mức tăng một tuần mạnh nhất kể từ tháng 1/2021.

Đồng won của Hàn Quốc đóng cửa tăng hơn 4,5% so với đồng USD, mức tăng ngày lớn nhất kể từ tháng 4/2009, khi đồng USD có ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2009 do theo báo cáo lạm phát của Mỹ tăng với tốc độ chậm hơn dự báo.

Trong số các đối cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 4,14% và SK Hynix tăng 4,94%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 3,14%.

Kết thúc phiên 11/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 817,47 điểm (+2,98%), lên 27.263,57 điểm, Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 51,16 điểm (+1,69%), lên 3.087,29 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 1.244,62 điểm (+7,74%), lên 17.325,66 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 80,93 điểm (+3,37%), lên 2.483,16 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Chuyển đổi số ngành ngân hàng: Thích ứng và phát triển bền vững

Chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng và tại mỗi ngân hàng gắn mật thiết với 3 yếu tố là kinh tế, môi trường và trách nhiệm xã hội..>> Chi tiết

- Thích ứng với biến cố thị trường

Rủi ro thông tin và áp lực thanh khoản của thị trường vốn đã khiến thị trường chứng khoán tháng 10 diễn biến tiêu cực. Trong ngắn hạn, các vướng mắc chưa thể tháo gỡ, nhưng nhiều quỹ đầu tư đã nhanh chóng tìm cách thích ứng với biến cố thị trường..>> Chi tiết

- Chính phủ yêu cầu đánh giá TPDN đáo hạn quý IV/2022 và năm 2023, sửa Nghị định 65 nếu cần

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP nếu cần..>> Chi tiết

- Chứng khoán tiếp tục lao dốc, có cần phải cứu và bằng cách nào?

Sau phiên giao dịch ngày 10/11, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục là thị trường giảm mạnh nhất toàn cầu, khi chỉ số VN-Index đã giảm hơn 37% kể từ đầu năm tới nay. Giải pháp trước mắt cần thực hiện để “giải cứu” thị trường là gì? Về phía nhà đầu tư, liệu đã tới lúc bắt đáy?..>> Chi tiết

- Lãi suất đã tăng mạnh, nhưng chính sách tiền tệ có thực sự thắt chặt?

Trong năm nay, hiếm có một khoảnh khắc nào mà các quan điểm về kinh tế có sự đồng thuận..>> Chi tiết

Tin bài liên quan