Thị trường tài chính 24h: Có nên tiếp tục bán tháo cổ phiếu?

Thị trường tài chính 24h: Có nên tiếp tục bán tháo cổ phiếu?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm hơn 22 điểm; Nguồn thu dịch vụ nhiều ngân hàng giảm; Chứng khoán không phải cuộc chơi “gặp may một lần”; Có nên hoảng sợ, tiếp tục bán tháo cổ phiếu?;  Hai kịch bản cho chứng khoán Việt; Các thị trường chứng khoán châu Á lớn đa số tăng điểm....là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô 

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 29/7 tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết ở mức 56,30 – 57,72 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giớ, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 13,1 USD lên 1.956,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên 1.960 USD/ounce, nhưng sau đó chững lại và về gần 1.952 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 9 trên sàn Comex New York tăng 7,1 USD lên 1.957 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,20% xuống 93,51 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 29/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.216 đồng, tăng 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.090 - 23.270 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,43 USD (+1,05%), lên 41,46 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,56 USD (+1,30%), lên 43,78 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index giảm sâu

Trong phiên sáng, thông tin về số ca nhiễm Covid-19 gia tăng tại Đà Nẵng và lây lan ra nhiều địa phương khác, nhà đầu tư lo sợ đẩy mạnh bán ra, đẩy VN-Index giảm 30 điểm. Tuy nhiên, tại ngưỡng hỗ trợ 780 điểm, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đã giúp chặn đà rơi của chỉ số.

Trong phiên chiều, áp lực bán gia tăng đẩy VN-Index xuống 780 điểm. Tuy nhiên, một lần nữa, lực mua bắt đáy lại xuất hiện, kéo chỉ số đi lên trên 790 điểm khi đóng cửa.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, nhiều mã vẫn giảm sâu như GAS -6,34%, VRE -6,07%, HVN -5,87%, GVR -3,3%, SAB -5%. Giảm trên từ hơn 3% đến dưới 5% có CTG, TCB,  VPB, MBB, MWG, BVH, STB, VNM…

Trong các mã thị trường, ROS, ITA, HQC, HAI, DAH, AMD, TNI, SJF, ASM… vẫn không thoát được mức sàn.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 16,66 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 294,06 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 29/7: VN-Index giảm 22,52 điểm (-2,77%), xuống 790,84 điểm; HNX-Index giảm 1,12 điểm (-1,04%), xuống 106,85 điểm; UPCoM-Index giảm 1,11 điểm (-2,01%), xuống 54,17 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall quay đầu giảm điểm vào ngày thứ Ba (28/07), khi nhóm cổ phiếu công nghệ chịu sức ép và các nhà lập pháp tiếp tục cuộc tranh luận về gói cứu trợ mùa dịch bệnh tiếp theo.

Nhóm cổ phiếu công nghệ rớt điểm với Amazon sụt 1,8%, Netflix giảm 1,4%, Alphabet giảm 1,7%, Facebook lùi 1,5% và Apple mất 1,6%.

Các cổ phiếu được hưởng lợi từ việc tái mở cửa kinh tế khởi sắc với United và American Airlines đều tăng hơn 3%, còn cổ phiếu Delta nhích 1,7%, trong khi Carnival vọt 4.2% và Norwegian Cruise Line tăng 6,3%.

Kết thúc phiên 28/7, chỉ số Dow Jones giảm 205,49 điểm (-0,77%), xuống 26.379,28 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,97 điểm (-0,65%), xuống 3.218,44 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 134,18 điểm (-1,27%), xuống 10.402,09 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm điểm, do chịu sức ép từ đồng yên vẫn đứng ở mức cao so với đồng USD và các báo cáo thu nhập ảm đạm xuất hiện làm tổn thương tâm lý giới đầu tư.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,15% xuống 22.397,11 điểm. Chỉ số Topix mất 1,28% xuống 1.549,04 điểm.

Thị trường giao dịch trầm lắng do dồng yên trú ẩn vẫn đứng ở mức cao ở mức 104,955 yên/USD, mức cao nhất trong hơn 4 tháng đã tiếp tục gây sức ép đối với nhóm cổ phiếu xuất khẩu.

Bên cạnh đó, báo cáo thu nhập quý vừa qua của nhiều công ty Nhật xuống thấp càng tăng thêm sức ép cho thị trường.

Trong đó, đáng kể có cổ phiếu của Canon Inc,khi giảm 13,46% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/1999 sau khi in báo cáo kết quả kinh doanh lỗ quý vừa qua.

Nissan Motor giảm 10,39%, sau khi cảnh báo về mức lỗ ròng hoạt động kỷ lục trong năm nay và doanh số thấp nhất trong một thập kỷ.

Nhiều nhà đầu tư cũng đứng ngoài, chờ đợi quyết định chính sách của Fed tại cuộc họp thường niên đang diễn ra.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi giới đầu tư mạnh tay mua bắt đáy các cổ phiếu đã giảm sâu thời gian gần đây, và sự khởi sắc ở thị trường STAR thúc đẩy tâm lý tích cực.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 2,06% lên 3.294,55 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 2,42% lên 4.679,01 điểm.

Chỉ số STAR 50 đã tăng 5,45% trong ngày, với sự trợ giúp đắc lực của phiên IPO của Công ty Công nghệ y tế Eyebright Bắc Kinh Co Ltd, khi cổ phiếu này tăng tới 616,8%.

Chứng khoán Hồng Kông đã tăng, được hỗ trợ bởi dòng vốn chảy vào từ Đại lục, mặc dù những lo ngại về các trường hợp nhiễm mới Covid-19  trong Thành phố đã hạn chế đà tăng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,47% lên 24.801,94 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,37% lên 10.176,14 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 1, nhờ sự khởi sắc của cổ phiếu lớn Samsung Electronics và nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng.

Nhà nước ngoài đã mua số cổ phiếu trị giá 291,7 tỷ won (244,46 triệu USD), sau khi mua ròng 1,31 nghìn tỷ won vào, hôm qua, mức lớn nhất trong gần 7 năm.

Cổ phiếu Samsung Electronics đã tăng tới 3,1%, tăng phiên thứ 4 liên tiếp, với kỳ vọng nhà sản xuất chip có thể hưởng lợi từ kế hoạch thuê ngoài sản xuất chip của Intel Corp.

Đáng chú ý, Green Cross Corp của Hàn Quốc đang tìm kiếm sự chấp thuận đối với các thử nghiệm giai đoạn II của một loại thuốc điều trị Covid-19. 

Green Cross được phép bỏ qua các thử nghiệm giai đoạn I, cho biết liệu pháp của họ sẽ là quốc gia đầu tiên bước vào giai đoạn II để điều trị Covid-19.

Kết thúc phiên 29/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 260,27 điểm (-1,15%), xuống 22.397,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 66,59 điểm (+2,06%), lên 3.294,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 110,38 điểm (+0,45%), lên 24.883,14 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 6,17 điểm (+0,27%), lên 2.263,16 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Nguồn thu dịch vụ nhiều ngân hàng giảm

Nếu như các năm trước, nguồn thu dịch vụ đóng góp tích cực vào tổng lợi nhuận của ngân hàng, thì nửa đầu năm nay, tỷ trọng đóng góp sụt giảm vì dịch Covid-19. Dù vậy, sự sụt giảm này không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận các ngân hàng..>> Chi tiết

Chứng khoán không phải cuộc chơi “gặp may một lần”

Thị trường chứng khoán trong 20 năm qua vẫn đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm nhưng nhiều lớp nhà đầu tư đã bị “vùi lấp” vĩnh viễn dưới chân các con “sóng thần”..>> Chi tiết

Có nên hoảng sợ, tiếp tục bán tháo cổ phiếu?

Dấu hiệu dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam khiến nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trong phiên cuối tuần qua và đầu tuần này..>> Chi tiết

Hai kịch bản cho chứng khoán Việt

Dựa trên diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, Yuanta Việt Nam đưa ra hai kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam..>> Chi tiết

Tin bài liên quan