Thị trường tài chính 24h: Hành trình đầu tư trong năm 2023 không dễ dàng

Thị trường tài chính 24h: Hành trình đầu tư trong năm 2023 không dễ dàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng nhẹ; Dự báo sớm lãi suất 2023; Lời hứa lãnh đạo doanh nghiệp và niềm tin cổ đông; Thị trường chứng khoán 2023: Lạc quan thận trọng; Những ẩn số rình rập nền kinh tế toàn cầu vào năm 2023…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 4/1 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng thêm 150.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,50 – 67,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 15,2 USD lên 1.839,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng vọt lên 1.860 USD, nhưng cũng đã lùi nhẹ và về dưới ngay sát mốc này vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,02 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 4/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.603 đồng/USD, giảm 3 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.350 – 23.670 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng ở trên 16.600 USD, thì sang phiên hôm nay đã có nhịp tăng khá mạnh lên trên 16.800 USD/BTC và dao động nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,62 USD (-2,11%), xuống 75,31 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,76 USD (-2,31%), xuống 80,20 USD/thùng.

VN-Index nhích nhẹ

Thị trường mở cửa trong sắc xanh nhưng áp lực chốt lời ngắn hạn đã xuất hiện nên 2 lần VN-Index bị đẩy xuống khi lên vùng giá trên 1.050 điểm.

Bước sang phiên chiều, áp lực chốt lời diễn ra mạnh hơn và lan ra nhiều mã khác, đặc biệt là nhóm ngân hàng, chứng khoán…khiến VN-Index rung lắc vài nhịp quanh tham chiếu và đóng cửa nhích nhẹ nhờ PLX vọt lên giá trần, và sự đảo chiều ngoạn mục của MSN, cũng như sự vững vàng của một số ít mã ngân hàng.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 17,89 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt 411,89 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 4/1: VN-Index tăng 2,45 điểm (+0,23%), lên 1.046,35 điểm; HNX-Index tăng 0,5 điểm (+0,23%), lên 213,06 điểm; UPCoM-Index tăng 0,36 điểm (0,49%), lên 72,76 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall đã giảm vào ngày giao dịch đầu tiên của năm 2023 với lực cản lớn từ Tesla và Apple, trong khi các nhà đầu tư cũng lo lắng về lộ trình tăng lãi suất của Fed trong năm mới.

Cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện Tesla đã giảm hơn 12%, trở thành cổ phiếu giảm mạnh nhất trên Nasdaq, sau khi công đã bàn giao 405.278 xe trên toàn thế giới trong quý IV/2022, mức kỷ lục từ trước đến nay. Mặc dù vậy, kết quả này vẫn thấp hơn kỳ vọng của phố Wall.

Cổ phiếu nhà sản xuất iPhone Apple đã giảm 3,7% sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2021, sau khi nhà phân tích hạ xếp hạng do Apple cắt giảm sản xuất tại Trung Quốc.

Kết thúc phiên 3/1, chỉ số Dow Jones giảm 10,88 điểm (-0,03%), xuống 33.136,37 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,36 điểm (-0,40%), xuống 3.824,14 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 79,50 điểm (-0,76%), xuống 10.386,98 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023, ảnh hưởng bởi phiên đêm qua trên Phố Wall, trong khi đồng yên tăng giá so với đồng USD cũng khiến tâm lý thị trường suy yếu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,45% xuống 25.716,86 điểm. Chỉ số Topix mất 1,25% xuống 1.868,15 điểm.

Phiên này, cổ phiếu Fast Retailing, chủ sở hữu của thương hiệu quần áo Uniqlo, mất 1,24% và là lực cản lớn nhất với Nikkei 225, theo sau là Advantest và Tokyo Electron khi giảm lần lượt 2,48% và 1,21%.

Maki Sawada, Chiến lược gia tại Nomura Securities, nói với các phóng viên rằng ngoài sự suy yếu của Phố Wall, việc đồng yên tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng so với đồng USD cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Chứng khoán Trung Quốc thêm một phiên tăng, do hy vọng về sự phục hồi sau COVID, cùng với các chính sách hỗ trợ cho các công ty bất động sản và công nghệ đã thúc đẩy thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,22% lên 3.123,52 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,13% lên 3.892,95 điểm.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang phục hồi và ở quanh mức cao nhất trong 4 tháng so với đồng USD, do kỳ vọng sẽ có thêm chính sách hỗ trợ để thúc đẩy nền kinh tế cũng như nhu cầu theo mùa tăng.

Các nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc đã tăng mạnh, sau khi doanh số bán hàng tháng 12 vượt dự báo và có tin đồn thị trường rằng các cơ quan quản lý đang cân nhắc các chính sách hỗ trợ nhiều hơn để thúc đẩy lĩnh vực nhà ở.

Chứng khoán Hồng Kông tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7 nhờ nhóm cổ phiếu bất động sản và công nghệ tăng vọt.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 3,22% lên 20.793,11 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 3,39% lên 7.065,53 điểm.

Những gã khổng lồ công nghệ đã tăng tăng 4,6%, sau khi Ant Group của Jack Ma được các nhà quản lý Trung Quốc chấp thuận huy động 10,5 tỷ nhân dân tệ cho Ant Group, báo hiệu Bắc Kinh nới lỏng cuộc đàn áp đối với các công ty công nghệ lớn.

Cổ phiếu những gã khổng lồ khác cũng tăng mạnh như Tập đoàn Alibaba tăng tới 8,7%, trong khi Tencent tăng 4,6%.

Trong khi đó, chỉ số nhóm cổ phiếu bất động sản Đại lục niêm yết tại Hồng Kông tăng tới 7%, lên mức cao nhất kể từ ngày 9/12/2022.

Chứng khoán Hàn Quốc đã có phiên giao dịch tốt nhất trong gần hai tháng, được củng cố bởi màn trình diễn mạnh mẽ của các nhà sản xuất chip lớn và khai thác nền tảng trực tuyến.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 37,30 điểm, tương đương 1,68% lên 2.255,98 điểm, mức tốt nhất kể từ giữa tháng 11 năm ngoái.

Các nhà sản xuất chip dẫn đầu đà tăng, với Samsung Electronics tăng 4,33% và SK Hynix tăng 7,14%.

Hai gã khổng lồ này tăng mạnh, một ngày sau khi Hàn Quốc đưa ra kế hoạch giảm thuế lớn cho các công ty bán dẫn và công nghệ khác đầu tư trong nước.

“Cũng có tin đồn rằng Samsung Electronic có thể cắt giảm đầu tư vốn và báo chí đưa tin về việc cắt giảm đầu tư chip ở Trung Quốc,” Huh Jae-hwan, nhà phân tích của Eugene Investment and Securities cho biết.

Cổ phiếu Naver và Kakao, các công ty nền tảng trực tuyến thống trị của nước này cũng giao dịch tích cực, lần lượt tăng 2,24% và 4,5%.

Kết thúc phiên 4/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 377,64 điểm (-1,45%), xuống 25.716,86. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,00 điểm (+0,22%), lên 3.123,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 647,82 điểm (+3,22%), lên 20.793,11 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 37,30 điểm (+1,68%), lên 2.255,98 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Dự báo sớm lãi suất 2023

Năm 2023, lãi suất được dự báo tiếp tục leo cao trong nửa đầu năm, sau đó giảm dần trong nửa cuối năm..>> Chi tiết

- Lời hứa lãnh đạo doanh nghiệp và niềm tin cổ đông

Khi giá cổ phiếu rơi sâu, việc cổ đông nội bộ công bố mua vào củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Nhưng thực tế, không phải khi nào niềm tin này cũng được đặt đúng chỗ..>> Chi tiết

- Thị trường chứng khoán 2023: Lạc quan thận trọng

Các chuyên gia chứng khoán gặp nhau ở quan điểm, hành trình đầu tư trong năm 2023 không dễ dàng, song rủi ro tiếp tục giảm không cao..>> Chi tiết

- Những ẩn số rình rập nền kinh tế toàn cầu vào năm 2023

Không ai biết năm 2023 sẽ diễn ra như thế nào đối với nền kinh tế Mỹ và thế giới hoặc đối với thị trường tài chính toàn cầu, nhưng theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld, có một số bất thường của những ẩn số kinh tế thế giới đáng lo ngại đã được thể hiện rõ ràng..>> Chi tiết

Tin bài liên quan