Thị trường tài chính 24h: Lãi suất được kỳ vọng đi ngang trong năm 2023

Thị trường tài chính 24h: Lãi suất được kỳ vọng đi ngang trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Bình yên sau "cơn bão"; Kỳ vọng dòng tiền sôi động trở lại; Lọc cơ hội từ những cổ phiếu giảm giá sâu; Các nhà đầu tư sẽ có một năm tồi tệ nữa vào năm 2023?...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 10/1 giảm 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng trở lại 300.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,10 – 66,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 5,8 USD lên 1.871,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giằng co và nhích nhẹ lên 1.875 USD vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,15 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 10/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.603 đồng/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.300 – 23.620 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên gần 17.200 USD, thì sang phiên hôm nay gần như chỉ dao động nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,16 USD (+0,21%), lên 74,79 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,01 USD (-0,01%), xuống 79,64 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Sau phiên sáng giảm nhẹ, thị trường bước vào phiên chiều với bảng điện tử cân bằng hơn, áp lực kéo xả diễn ra liên tục khiến VN-Index giằng co, rung lắc nhẹ quanh tham chiếu và kéo dài cho đến khi kết phiên.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số cổ phiếu xây dựng đã đồng loạt tăng, với cổ phiếu VCG, HHV, LCG, FCN và nguyên vật liệu xây dựng KSB, HT1 khi đều đóng cửa ở mức giá trần, CTI +5%, CTD +4,6%, HBC +3,9%, VNE +3,8%, C47 +3,3%, TCD +3,3%, CII +2,6%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 24,5 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt 469,96 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 10/1: VN-Index giảm 0,86 điểm (-0,08%), xuống 1.053,35 điểm; HNX-Index tăng 0,96 điểm (+0,46%), lên 210,63 điểm; UpCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,34%), xuống 72,48 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số chính của Phố Wall diễn biến trái chiều trong phiên thứ Hai (9/1), khi kỳ vọng Fed sẽ bớt diều hâu trong việc việc tăng lãi suất đã bù đắp cho tâm lý lo ngại về lạm phát kéo dài.

Các cược trên thị trường tiền tệ cho thấy 79% khả năng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 0,25% trong cuộc họp chính sách vào tháng Hai, với lãi suất cuối kỳ dự kiến ​​sẽ đạt 4,92% vào tháng Sáu.

Ngoài ra, vào thứ Năm, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 dự kiến sẽ được công bố cũng sẽ có ảnh hưởng lớn đến các quyết định về kỳ vọng lãi suất.

Kết thúc phiên 9/1, chỉ số Dow Jones giảm 112,96 điểm (-0,34%), xuống 33.517,65 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,99 điểm (-0,07%), xuống 3.892,09 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 66,36 điểm (+0,63%), lên 10.635,65 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong hai tuần, nhờ cổ phiếu công nghệ tăng vọt, nhưng mức tăng bị chặn lại bởi sự thận trọng trước cuộc họp vào tuần tới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,78% lên 26.175,56 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 28/12/2022. Chỉ số Topix tăng 0,27% lên 1.880,88 điểm.

Shuji Hosoi, Chiến lược gia cấp cao tại Daiwa Securities, cho biết: "Các nhà đầu tư đang thận trọng về quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ được đưa ra tại cuộc họp chính sách vào tuần tới. BOJ đã gây ngạc nhiên cho các nhà đầu tư vào tháng trước và có thể làm điều gì đó tương tự”.

Các cổ phiếu công nghệ đều tăng tích cực hỗ trợ thị trường với gã khổng lồ chip Tokyo Electron tăng 3,08% và Advantest tăng 1,88%. Nhà sản xuất điều hòa không khí Daikin Industries tăng 5,33%.

SoftBank Group đã tăng 2,36% sau khi có báo cáo cho biết Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã nối lại các cuộc đàm phán với công ty Nhật Bản về việc niêm yết tại London cho công ty thiết kế chip Arm Ltd.

Đi ngược lại xu hướng, công ty tiện ích Tokyo Electric Power Company Holdings đã mất 4,18% và là cổ phiếu có thành tích tệ nhất trên Nikkei 225, theo sau là Điện lực Kansai giảm 2,79%. Công ty nhân sự Recruit Holdings mất 3,02%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ sau chuỗi 6 phiên liên tiếp tăng điểm liên tiếp, khi một số nhà đầu tư chốt lời do nghi ngờ về tính bền vững của sự phục hồi gần đây của thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,21% xuống 3.169,51 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,11% lên 4.017,47 điểm.

Các nhà quản lý quỹ Trung Quốc đã cảnh báo làn sóng tăng giá tiếp theo của thị trường sẽ xuất ít hơn, thay vào đó họ sẽ chú ý nhiều hơn đến các yếu tố cơ bản của công ty trong tương lai.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết: “Chúng tôi tin rằng thị trường đang đánh giá thấp tác động sâu rộng của việc mở cửa trở lại và quá kỳ vọng vào khả năng phục hồi mạnh mẽ theo chu kỳ có thể xảy ra bất chấp những cơn gió ngược cấu trúc kéo dài”.

Tại Trung Quốc, giao dịch trái chiều, với chất bán dẫn và ô tô tăng lần lượt 1,1% và 2,9%, trong khi ngân hàng giảm 1,2%.

Chứng Khoán Hồng Kông cũng điều chỉnh khi nhóm cổ phiếu công nghệ suy yếu.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,27% xuống 21.331,46 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,31% xuống 7.263,63 điểm.

Phiên này, thị trường giảm do ảnh hưởng bởi cổ phiếu của những gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Hồng Kông giảm 0,3%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng phiên thứ 5 liên tiếp, nhưng hoạt động chốt lời và căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc về chính sách Covid-19 đã khiến thị trường hạ độ cao

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 1,12 điểm, tương đương 0,05% lên 2.351,31 điểm, sau khi sớm tăng tới 0,9%.

Cổ phiếu của các công ty có hoạt động kinh doanh với du khách Trung Quốc, chẳng hạn như các nhà sản xuất mỹ phẩm và nhà điều hành khách sạn, giảm do căng thẳng ngày càng tăng với người hàng xóm khổng lồ về các biện pháp chính sách liên quan đến COVID.

Theo đó, các nhà sản xuất mỹ phẩm LG H&H và Amorepacific mỗi hãng giảm khoảng 3%, trong khi nhà điều hành khách sạn Hotel Shilla mất 2%.

Kết thúc phiên 10/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 201,71 điểm (+0,78%), lên 26.175,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 6,58 điểm (-0,21%), xuống 3.169,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 56,88 điểm (-0,27%), xuống 20.331,46 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 1,12 điểm (+0,05%), lên 2.351,31 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Bình yên sau "cơn bão"

Sau một năm 2022 đầy biến động với lãi suất VND liên tục tăng, mặt bằng lãi suất được kỳ vọng có xu hướng đi ngang trong năm 2023..>> Chi tiết

- Kỳ vọng dòng tiền sôi động trở lại

Thị trường chứng khoán khởi đầu năm 2023 tích cực khi VN-Index tăng điểm mạnh và thường xuyên duy trì sắc xanh trong các phiên sau đó..>> Chi tiết

- Lọc cơ hội từ những cổ phiếu giảm giá sâu

Giá nhiều cổ phiếu lao dốc trong năm 2022, trong đó có không ít mã được đánh giá là cơ bản, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không quá tệ, thậm chí tăng trưởng..>> Chi tiết

- Các nhà đầu tư sẽ có một năm tồi tệ nữa vào năm 2023?

Sau cơn ác mộng năm 2022, các nhà đầu tư đang có nhiều điều đáng suy ngẫm và một câu hỏi đặt ra là: Điều tồi tệ nhất liệu đã qua?..>> Chi tiết

Tin bài liên quan