Thị trường tài chính 24h: Một phiên phục hồi không nói lên được quá nhiều điều

Thị trường tài chính 24h: Một phiên phục hồi không nói lên được quá nhiều điều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đảo chiều tăng hơn 30 điểm; Lãi suất ngân hàng vẫn chịu áp lực tăng; Sửa Nghị định 65/2022/NĐ-CP có cứu nổi thị trường trái phiếu?; Cần tăng cung tiền gấp cho nền kinh tế; Các nhà kinh tế dự đoán lạm phát của Mỹ sẽ còn nóng hơn trong năm tới…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 16/11 không đổi so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,70 – 67,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 7,6 USD lên mức 1.779,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và lên gần 1.785 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,99 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.677 đồng/USD, không đổi so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.610 – 24.860 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giằng co và chốt tại 16.900 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục rung lắc và giảm nhẹ về gần 16.700 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,26 USD (+0,3%), lên 87,18 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,54 USD (+0,58%), lên 94,40 USD/thùng.

VN-Index đảo chiều tăng mạnh

Về tổng thể, có những dấu hiệu lạc quan. Đầu tiên là thanh khoản có tăng kết hợp với điểm số tăng tốt tạo ra một dấu hiệu đảo chiều tin cậy trong ngắn hạn, dù mức trên 14.000 tỷ đồng của sàn HOSE vẫn không phải quá lớn, nhưng xét về khối lượng cổ phiếu giao dịch thì khá ấn tượng với hơn 930 triệu cổ phiếu được trao tay, đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.

Tiếp theo là một số nhóm trụ cột như ngân hàng, thép, chứng khoán đã nhận được sức cầu tốt.

Tuy nhiên, một phiên phục hồi không nói lên được quá nhiều điều khi các khó khăn của nhóm bất động sản vẫn còn nguyên do trái phiếu và do thị trường địa ốc trầm lắng. Điều này được phản ánh khá rõ trong phiên phục hồi hôm nay khi rất nhiều mã lớn bất động sản như NVL, PDR… vẫn đang nằm ở mức giá sàn với dư bán hàng chục triệu cổ phiếu.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 46,18 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng đạt 705,61 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 16/11: VN-Index tăng 31,00 điểm (+3,40%), lên 942,9 điểm; HNX-Index tăng 7,66 điểm (+4,36%), lên 183,45 điểm; UpCoM-Index tăng 2,03 điểm (+3,2%), lên 65,32 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall nhích lên trong phiên ngày thứ Ba (15/11), khi giới đầu tư nhận thấy chỉ số giá sản xuất của Mỹ tăng chậm hơn dự kiến, báo hiệu lạm phát có thể đã đạt đỉnh.

Dữ liệu cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng ít hơn dự kiến với mức tăng 8% trong 12 tháng tính đến cuối tháng 10 so với mức tăng ước tính 8,3%.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng là nhân tố thúc đẩy lớn đối với thị trường, với Walmart đã tăng 6,5% sau khi nhà bán lẻ hàng đầu Mỹ nâng dự báo doanh thu và lợi nhuận hàng năm

Kết thúc phiên 15/11, chỉ số Dow Jones tăng 56,22 điểm (+0,17%), lên 33.592,92 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 34,48 điểm (+0,87%), lên 3.991,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 162,19 điểm (+1,45%), lên 11.358,41 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, sau khi những lo ngại về sự leo thang trong cuộc khủng hoảng Ukraine đã giảm bớt, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết một vụ tên lửa rơi tại Ba Lan có thể không phải do tên lửa Nga gây ra.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,14% lên 28.028,30 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,05% xuống 1.963,29 điểm.

Ikuo Mitsui, nhà quản lý quỹ tại Aizawa Securities, cho biết mức tăng của chỉ số Nikkei 225 cũng đã bị hạn chế, trong bối cảnh lo ngại về nền kinh tế đang chậm lại ở Mỹ và Châu Âu, do dữ liệu lạm phát của Mỹ yếu hơn dự kiến ​​làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế đang chậm lại. Lạm phát đạt đỉnh có nghĩa là nền kinh tế sẽ bắt đầu suy yếu”.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do lo ngại gia tăng về các trường hợp nhiễm Covid-19 gia tăng, trong khi những người tham gia thị trường cũng chậm lại để đánh giá rủi ro sau tên lửa rơi tại lãnh thổ Ba Lan làm dấy lên lo ngại về sự leo thang chiến sự Nga-Ukraine.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,45% xuống 3.119,98 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,82% xuống 3.843,39 điểm.

Thị trường đã hồi phục trong hai tuần qua nhờ các biện pháp của chính phủ nhằm hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn và việc Bắc Kinh từng bước nới lỏng chính sách nghiêm ngặt Zero COVID.

Nhưng tình trạng lây nhiễm Covid-19 đang gia tăng nhanh chóng ở các thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm Quảng Châu, Bắc Kinh và Trịnh Châu, đang làm dấy lên lo ngại về sức khỏe kinh tế của Trung Quốc.

Trung Quốc đã báo cáo 20.199 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 15/11, bao gồm cả ca có triệu chứng và không có triệu chứng, so với 17.909 ca mới một ngày trước đó.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng nhất là công nghệ và bất động sản điều chỉnh.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,47% xuống 18.256,48 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,70% xuống 6.225,71 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm khi một tên lửa chưa rõ từ phía nào sử dụng đã rơi vào lãnh thổ ở Ba Lan khiến hai người thiệt mạng làm dấy lên lo ngại về rủi ro địa chính trị.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 2,88 điểm, tương đương 0,12% xuống 2.477,45 điểm.

Chỉ số này đã giảm tới 1,35% vào đầu phiên, trước khi phục hồi mạnh khi có báo cáo rằng vụ nổ ở Ba Lan là do một tên lửa do Ukraine bắn chứ không phải Nga. Moscow phủ nhận trách nhiệm, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói tên lửa có thể không được bắn từ Nga.

Theo các quan chức Mỹ, những phát hiện ban đầu cho thấy tên lửa đã được lực lượng Ukraine dùng để đánh chặn một tên lửa của Nga đang lao tới, hãng tin AP đưa tin.

“Sự lo lắng của thị trường giảm bớt với khả năng kích hoạt Điều IV hoặc V của NATO giảm đi,” Kim Seok-hwan, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết.

Kết thúc phiên 16/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 38,13 điểm (+0,14%), lên 28.028,30 điểm, Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,10 điểm (-0,45%), xuống 3.119,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 86,64 điểm (-0,47%), xuống 18.256,48 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 2,88 điểm (-0,12%), xuống 2.477,45 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lãi suất ngân hàng vẫn chịu áp lực tăng

Mặt bằng lãi suất ngân hàng vẫn chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ và cân đối với mục tiêu ổn định tỷ giá..>> Chi tiết

- Sửa Nghị định 65/2022/NĐ-CP có cứu nổi thị trường trái phiếu?

Hiện tượng tháo chạy khỏi trái phiếu vẫn chưa dừng lại, trong khi thanh khoản ngày càng cạn kiệt, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng đứt gãy dòng tiền..>> Chi tiết

- Sở hữu chéo trái phiếu giữa các tổ chức tín dụng lên đến 567,4 nghìn tỷ đồng

Theo số liệu thống kê của TS. Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, từ dữ liệu thuyết minh báo cáo tài chính của 25 ngân hàng (chưa tính Agribank) trong 3 năm qua, có một lượng lớn trái phiếu được phát hành từ ngân hàng này do ngân hàng khác nắm giữ..>> Chi tiết

- Cần tăng cung tiền gấp cho nền kinh tế

Doanh nghiệp và nền kinh tế đang trải qua giai đoạn thanh khoản ngày càng cạn kiệt, thậm chí có thể gây ra đỗ vỡ hàng loạt. Đã tới lúc cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng đưa ra những chính sách đột phá để đảo ngược tình trạng này..>> Chi tiết

- Các nhà kinh tế dự đoán lạm phát của Mỹ sẽ còn nóng hơn trong năm tới

Các nhà kinh tế dự báo lạm phát của Mỹ sẽ nóng hơn trong năm tới so với một tháng trước và tỷ lệ suy thoái tiếp tục gia tăng trong bối cảnh chi phí đi vay tăng..>> Chi tiết

Tin bài liên quan