Thị trường tài chính 24h: Nên nới room tín dụng từ tháng 9?

Thị trường tài chính 24h: Nên nới room tín dụng từ tháng 9?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ; Chờ đến quý IV mới nới room tín dụng là hơi muộn; Áp lực hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết lớn dần; Tìm cơ hội trên thị trường chứng khoán nửa cuối năm; Dự trữ dầu chiến lược của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 37 năm…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.  

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 24/8 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,30 – 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ tăng 11,4 USD lên mức 1.748,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên gần 1.775 USD, trước khi hạ nhiệt về gần 1.748 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 108,72 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 24/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.232 đồng/USD, giảm 5 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.330 – 23.610 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giằng co quanh 21.400 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục xu hướng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,91 USD (+0,97%), lên 94,65 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,02 USD (+1,02%), lên 101,24 USD/thùng.

VN-Index chưa thể vượt ngưỡng cản 1.280 điểm

Trong phiên sáng, thị trường tiếp tục nhích lên từ sớm. Tuy nhiên, việc thiếu động lực từ dòng tiền lớn khiến VN-Index 2 lần thất bại khi lên test lại ngưỡng kháng cự 1.280 điểm.

Bước vào phiên chiều, cũng giống như 2 lần của phiên sáng chỉ số thêm một lần thất bại tại ngưỡng 1.280 điểm khi thử thách ngưỡng này và về 1.277 điểm khi đóng cửa.

Một số cổ phiếu đáng chú ý hôm nay là CTS VRC, TLD, ASP, ABS, PAN, TTB, GMC, khi đều tăng kịch trần.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 16,05 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 158,75 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 24/8: VN-Index tăng 6,35 điểm (+0,50%), lên 1.277,16 điểm; HNX-Index tăng 2,16 điểm (+0,7%), lên 301,3 điểm; UPCoM-Index tăng 0,52 điểm (+0,56%), lên 93,30 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm nhẹ trong phiên ngày thứ Ba (23/8), khi đón nhận dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại và tâm lý thận trọng dâng cao ngay trước thềm cuộc họp thường niên Jackson Hole của Fed.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) S&P Global tháng 8 của Mỹ giảm xuống mức 45 điểm, thấp nhất kể từ tháng 2/2021, từ mức 47,7% trong tháng 7. Với các chỉ số PMI, mức điểm dưới 50 phản ánh sự suy giảm hoạt động.

Sự chú ý của thị trường hiện đang hướng đến phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị Jackson Hole vào cuối tuần này.

Kết thúc phiên 23/8, chỉ số Dow Jones giảm 154,02 điểm (-0,47%), xuống 32.909,59 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,26 điểm (-0,22%), xuống 4.128,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,27 điểm (-0,00%), xuống 12.381,30 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do ảnh hưởng từ phiên đêm qua trên Phố Wall, mặc dù đà tăng của các công ty năng lượng đã hạn chế đà giảm của thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,49% xuống 28.313,47 điểm, phiên giảm thứ năm liên tiếp. Chỉ số Topix giảm 0,22% xuống 1.967,18 điểm.

Phiên này, cổ phiếu các nhà sản xuất game giảm điểm nhiều nhất với Konami giảm 2,82%, Nintendo giảm 2,61% và Sony giảm 1,39%.

Trong số các cổ phiếu lớn, Tokyo Electron giảm 2,18%, trở thành lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225. Tiếp theo là Fast Retailing với mức giảm 0,93%.

Lĩnh vực tiện ích là lĩnh vực hoạt động hàng đầu trên Nikkei 225, trong khi cổ phiếu năng lượng được thúc đẩy bởi giá dầu thô tăng mạnh trong đêm sau khi Ả Rập Xê Út đưa ra ý tưởng cắt giảm sản lượng của OPEC+.

Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh do lo ngại dai dẳng về sự suy thoái của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,86% xuống 3.215,20 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,89% xuống 4.082,42 điểm.

Các nhà phân tích cho rằng sự suy yếu trên thị trường chứng khoán là nguyên nhân gây ra những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc.

Capital Economics cho biết trong một ghi chú vào đầu tuần này rằng, một loạt các hỗ trợ chính sách được công bố gần đây vẫn chưa chấm dứt được đà đi xuống của thị trường chứng khoán Trung Quốc và nền kinh tế sẽ tiếp tục trượt dốc vì phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm lĩnh vực bất động sản”.

Bên cạnh đó, đợt nắng nóng khắc nghiệt ở Trung Quốc cũng tàn phá mùa màng và nguồn cung cấp điện cũng đang tác động mạnh đến tâm lý thị trường.

Chứng khoán Hồng Kông cũng chịu tác động từ những lo ngại về nền kinh tế Đại lục và nhóm cổ phiếu xe điện lao dốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,2% xuống 19.268,74 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 15/3. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,25% xuống 6.565,69 điểm.

Các nhà sản xuất xe điện (EV) nằm trong số những cổ phiếu giảm sâu nhất với Xpeng giảm 12,18% sau khi báo cáo khoản lỗ quý vừa qua lớn hơn dự kiến. Các nhà sản xuất xe điện khác như NIO Inc, Li Auto, BYD Co và Geely Automobile đều giảm khoảng 5%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng sau năm phiên giảm liên tiếp, được thúc đẩy bởi lực mua của khối ngoại khi đồng USD suy yếu.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng12,11 điểm, tương đương 0,50% lên 2.447,45 điểm.

Trọng tâm của giới đầu tư hiện nay là cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) vào thứ Năm, với việc BOK dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất thêm 0,25%.

Lực đẩy phiên này đến từ nhà đầu tư nước ngoài, khi tiếp tục mua ròng cổ phiếu trị giá 150,6 tỷ won (112,09 triệu USD) trên bảng chính, kéo dài chuỗi mua ròng lên phiên thứ sáu liên tiếp.

Kết thúc phiên 24/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 139,28 điểm (-0,49%), xuống 28.313,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 61,02 điểm (-1,86%), xuống 3.215,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 234,51 điểm (-1,20%), xuống 19.268,74 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 12,11 điểm (+0,50%), lên 2.447,45 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- M&A ngân hàng sẽ nóng

Thị trường ngân hàng đang chờ đợi những thương vụ bán cổ phần tỷ đô cho đối tác ngoại..>> Chi tiết

- Chờ đến quý IV mới nới room tín dụng là hơi muộn

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, Ngân hàng Nhà nước nên nới room tín dụng từ tháng 9 tới để tận dụng cơ hội phục hồi, tăng trưởng..>> Chi tiết

- Áp lực hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết lớn dần

Mục tiêu lợi nhuận đang trở thành áp lực lớn với nhiều doanh nghiệp niêm yết, khi bước qua nửa đầu năm, những doanh nghiệp này chỉ thực hiện được tỷ lệ rất nhỏ..>> Chi tiết

- Tìm cơ hội trên thị trường chứng khoán nửa cuối năm

Sau khi hồi phục từ vùng đáy, thị trường chứng khoán đang rơi vào vùng trũng thông tin. Nếu không chọn đúng cổ phiếu, nhóm ngành có thông tin tích cực hỗ trợ trong thời gian tới, rất có thể nhà đầu tư sẽ bị kẹt vốn kéo dài..>> Chi tiết

- Dự trữ dầu chiến lược của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 37 năm

Trong tuần vừa qua, kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985 cho tới nay, trong khi các lệnh cung cấp ra thị trường vẫn tiếp tục..>> Chi tiết

Tin bài liên quan