Thị trường tài chính 24h: Nhiều nhà đầu tư lỗ lớn vì quan điểm “chưa bán là chưa lỗ”

Thị trường tài chính 24h: Nhiều nhà đầu tư lỗ lớn vì quan điểm “chưa bán là chưa lỗ”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng vọt hơn 23 điểm; Căng thẳng vì tăng trưởng huy động chậm; Học cách chia tay khoản lỗ; ADB: Trái phiếu tăng ở Đông Á mới nổi trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ quyết liệt; Giá dầu thô khó giảm do chi phí vận chuyển tăng cao...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội mở cửa sáng nay 25/11 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,70 – 67,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 5,5 USD lên mức 1.755,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lùi dần và về 1.750 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,94 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 25/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.669 đồng/USD. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.600 – 24.840 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về gần 16.500 USD, thì sang phiên hôm nay đã giảm nhẹ và giằng co quanh 16.400 USD/BTC đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,65 USD (+2,12%), lên 79,58 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,40 USD (+1,64%), lên 86,77 USD/thùng.

VN-Index tăng vọt lên trên 970 điểm

Đà tăng tích cực của phiên sáng nối tiếp sang phiên chiều, độ rộng thị trường mở rộng thêm nghiêng về số mã tăng, thậm chí đã nhiều cổ phiếu ở các mã thanh khoản tốt đều nhảy lên mức giá trần, kéo VN-Index dần nhích lên 965 điểm và dù có nhịp chững lại sau đó, nhưng đã nhanh chóng quay trở lại và vượt 970 điểm khi đóng cửa.

Những cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho đà tăng hôm nay của VN-Index là VIC +6,6%, HPG +6,6%, MSN +5,6%, BID +5,3%, CTG +4,9%, VHM +4,4%.

Đây cũng là những cổ phiếu tăng mạnh nhất rổ VN30, chỉ xếp sau hai cổ phiếu KDH và SSI khi tăng kịch trần.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 40,04 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng đạt 988,38 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 25/11: VN-Index tăng 23,75 điểm (+2,51%), lên 971,46 điểm; HNX-Index tăng 5,56 điểm (+2,91%), lên 196,77 điểm; UpCoM-Index tăng 0,91 điểm (+1,34%), lên 68,41 điểm.

Chứng khoán Mỹ nghỉ giao dịch ngày Lễ Tạ ơn

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư bán chốt lời cổ phiếu tăng trưởng và liên quan đến chip lớn, nhưng hy vọng lãi suất tăng chậm hơn trên toàn cầu hạn chế đà giảm của thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,35% xuống 28.283,03 điểm và tăng 1,37% trong tuần. Chỉ số Topix giảm 0,04% xuống 2.018,00 nhưng tăng 2,59% trong tuần.

Shuji Hosoi, Chiến lược gia cấp cao tại Daiwa Securities, cho biết: "Các nhà đầu tư đã bán cổ phiếu để chốt lời trong ngày hôm nay. Điều đó được thấy ở các cổ phiếu liên quan đến chip, vốn tăng mạnh trong vài phiên qua. Nhưng Nhìn chung, thị trường được hỗ trợ bởi hy vọng về việc ECB tăng lãi suất chậm hơn, khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức hạ nhiệt”.

Các cổ phiếu liên quan đến chip như Tokyo Electron giảm 0,78% và Advantest giảm 0,96%.

Hub Corp, Công ty điều hành các quán rượu theo phong cách Anh, đã tăng 12,71%, kéo dài mức tăng sau khi Nhật Bản thắng 2-1 trước Đức trong trận mở màn World Cup hôm thứ Tư.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, được thúc đẩy bởi các nhà phát triển bất động sản sau các biện pháp mới nhất để hỗ trợ lĩnh vực đang gặp khủng hoảng này.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,4% lên 3.101,69 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,5% lên 3.775,78 điểm và giảm 0,7% trong tuần.

Các ngân hàng thương mại lớn nhất của Trung Quốc đã cam kết cấp ít nhất 162 tỷ USD tín dụng mới cho các nhà phát triển bất động sản, nhằm giảm bớt tình trạng thiếu thanh khoản trong lĩnh vực này và nâng đỡ cổ phiếu bất động sản.

Trong khi đó, các nguồn tin nói với Reuters rằng, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ cung cấp các khoản vay giá rẻ cho các công ty tài chính để mua trái phiếu do các nhà phát triển bất động sản phát hành, chính sách hỗ trợ mạnh nhất cho lĩnh vực đang bị khủng hoảng này.

Cổ phiếu các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc theo đó đã tăng tới 6,8% và các ngân hàng tăng 2,3%.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước (SOE) Trung Quốc cũng tỏa sáng, khi các nhà đầu tư chú ý đến lời kêu gọi của các nhà quản lý về việc xây dựng một hệ thống định giá thị trường “mang đặc sắc Trung Quốc”. Một chỉ số đo lường các công ty cơ sở hạ tầng Trung Quốc, với hầu hết các thành phần là DNNN, tăng 3,2%.

Chứng khoán Hồng Kông bị kéo lùi bởi các công ty công nghệ và Trung Quốc báo số ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày cao kỷ lục.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,49% xuống 17.573,58 điểm và giảm 2,3% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,35% xuống 5.992,35 điểm.

Những gã khổng lồ công nghệ đã mất 2,3%, với các đối thủ nặng ký về chỉ số là Tencent và Alibaba mỗi công ty giảm hơn 2%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp, khi các nhà đầu tư chốt lời sau những đợt tăng gần đây được thúc đẩy bởi hy vọng về tốc độ tăng lãi suất chậm hơn Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 3,47 điểm, tương đương 0,14% xuống 2.437,86 điểm. Trong tuần, chỉ số này giảm 0,27%, đánh dấu tuần giảm thứ hai liên tiếp.

Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 0,65% và SK Hynix mất 2,07%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 0,53%.

Kết thúc phiên 25/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 100,06 điểm (-0,35%), xuống 28.283,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 12,38 điểm (+0,40%), lên 3.101,69 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 87,32 điểm (-0,49%), xuống 17.573,58 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 3,47 điểm (-0,14%), xuống 2.437,86 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Căng thẳng vì tăng trưởng huy động chậm

Hầu hết các ngân hàng thương mại niêm yết đều ghi nhận tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) tính đến cuối quý III/2022 tăng vọt so với cuối năm 2021..>> Chi tiết

- Học cách chia tay khoản lỗ

Sau khi chỉ số VN-Index “bốc hơi” gần 40%, không ít cổ phiếu mất giá 70%, nhiều nhà đầu tư mới nhận ra mình không biết cách cắt lỗ, hoặc bắt đáy quá sớm..>> Chi tiết

- ADB: Trái phiếu tăng ở Đông Á mới nổi trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ quyết liệt

Việc thắt chặt tiền tệ quyết liệt ở các nền kinh tế phát triển đã đẩy lãi suất trái phiếu tăng và làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái tài chính ở Đông Á mới nổi, theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)..>> Chi tiết

- Giá dầu thô khó giảm do chi phí vận chuyển tăng cao

Bất chấp các dự báo nhu cầu giảm do suy thoái kinh tế, giá dầu thô được đánh giá khó giảm khi chi phí vận chuyển dầu giữa các cảng trên thế giới tăng vọt..>> Chi tiết

Tin bài liên quan