Thị trường tài chính 24h: Nhiều thông tin giúp định hướng dòng tiền năm 2023

Thị trường tài chính 24h: Nhiều thông tin giúp định hướng dòng tiền năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index lên trên 1.065 điểm; Room tín dụng năm 2023 sẽ được cấp ngay trong tháng 1?; Câu chuyện đầu tư cho năm mới; Ý chí mua lên yếu dần; Tân niên, chờ tân chính sách; Thị trường dầu diesel sắp đối mặt với các biện pháp trừng phạt lớn…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 16/1 đứng yên ở chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,40 – 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần trước tại Mỹ tăng 23,9 USD lên 1.920,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về gần 1.910 USD/ounce trước khi bật lên trên 1.925 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,31 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.601 đồng/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.290 – 23.610 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên trên 18.800 USD, thì sang phiên hôm nay đã chững lại và đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,28 USD (-0,33%), xuống 79,58 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,41 USD (-0,50%), xuống 84,85 USD/thùng.

VN-Index tiếp tục tăng

Sau khi rung lắc và điều chỉnh nhẹ vào giữa phiên, lực cầu cải thiện đã giúp thị trường hồi phục sắc xanh. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip là điểm tựa chính giúp thị trường đảo chiều thành công.

Bước sang phiên chiều, với sự suy yếu của nhóm VN30, VN-Index cũng đuối sức và lùi về sát mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu gia tăng với tâm điểm là nhóm cổ phiếu ngân hàng, đã giúp thị trường bật ngược đi lên.

Thị trường đã đóng cửa phiên đầu tuần trong trạng thái xanh vỏ đỏ lòng, với thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp, chưa tới 10.000 tỷ đồng, khi tâm lý nhiều nhà đầu tư đã bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sớm.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 12,48 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt 220 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 16/1: VN-Index tăng 6,51 điểm (+0,61%), lên 1.066,68 điểm; HNX-Index giảm 0,68 điểm (-0,32%), xuống 210,88 điểm; UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,18%), lên 72,22 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm vào ngày thứ Sáu (13/1) khi nhà đầu tư tiếp nhận kết quả kinh doanh của các ngân hàng và dự báo rằng lạm phát sẽ giảm vào năm 2023.

JPMorgan Chase đã công bố doanh thu vượt kỳ vọng, nhưng ngay cả như vậy, ngân hàng vẫn cảnh báo rằng sẽ dành nhiều tiền hơn để bù đắp các khoản lỗ tín dụng vì “suy thoái nhẹ” là “trường hợp trọng tâm”.

Các CEO của Citigroup và Bank of America cũng cho biết họ dự đoán sẽ có “suy thoái nhẹ”.

Tuần qua, Nasdaq Composite vọt 4,82%, S&P 500 tăng 2,67% và Dow Jones tăng 2%.

Kết thúc phiên 13/1, chỉ số Dow Jones tăng 112,64 điểm (+0,33%), lên 34.302,61 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,92 điểm (+0,40%), lên 3.999,09 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 78,05 điểm (+0,71%), lên 11.079,16 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do nhóm cổ phiếu các nhà xuất khẩu chịu áp lực từ đồng yên mạnh lên.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,14% xuống 25.822,32 điểm. Chỉ số Topix mất 0,88% xuống 1.886,31 điểm.

Đồng yên đạt mức cao nhất kể từ tháng 5 ở mức 127,215 đổi một USD, do các nhà đầu cơ tăng cường đặt cược rằng các biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang trở nên không thể kiểm soát được trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng.

Cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô, vốn nhạy cảm với đồng Yên mạnh lên đã suy yếu, với Nissan giảm 1,69% và Suzuki giảm 1,63%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng, được hỗ trợ bởi dòng vốn nước ngoài mạnh mẽ.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,01% lên 3.227,59 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,56% lên 4.137,96 điểm.

Lượng mua ròng của nước ngoài đối với các cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc thông qua Stock Connect đạt mức cao nhất trong hai tháng là 15,4 tỷ nhân dân tệ (2,29 tỷ USD) vào thứ Hai. Theo Goldman Sachs, lượng mua ròng từ đầu năm đến nay đã vượt quá 9 tỷ USD khi các quỹ nước ngoài mua cổ phiếu tiêu dùng và tài chính của Trung Quốc.

Bắc Kinh hôm thứ Bảy cho biết gần 60.000 người mắc Covid-19 đã chết trong kể từ khi họ từ bỏ chính sách Zero COVID vào tháng trước. Nhưng về mặt tích cực, các quan chức y tế Trung Quốc cho biết số bệnh nhân đến các phòng khám sốt và cần điều trị khẩn cấp đang giảm dần và số ca nặng cũng đã lên đến đỉnh điểm.

“Nhìn chung, dữ liệu mới nhất xác nhận rằng điều tồi tệ nhất của làn sóng Covid-19 đã qua,” Ngân hàng OCBC đã viết trong một lưu ý vào thứ Hai.

Trung Quốc cũng báo cáo lượng du lịch tăng mạnh trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong khi trung tâm cờ bạc Ma Cao của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ bùng nổ du lịch vào dịp Lễ hội mùa xuân.

Chứng khoán Hồng Kông tăng khi các nhà đầu tư kỳ vọng lớn hơn vào sự phục hồi kinh tế sau khi các quan chức y tế Trung Quốc cho biết các ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,03% lên 21.746,72 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,55% xuống 7.350,34 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc đã tăng phiên thứ 9 liên tiếp, nhờ lo ngại giảm bớt về quy mô suy thoái kinh tế toàn cầu và lực mua nước ngoài được duy trì mạnh mẽ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 13,77 điểm, tương đương 0,58%, ở mức 2.399,86 điểm. Đây là phiên tăng thứ chín liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất kể từ giữa tháng 8/2020.

Trong tổng số 933 cổ phiếu được chuyển nhượng, có 499 cổ phiếu tăng giá. Giao dịch tương đối chậm do thị trường Mỹ sẽ đóng cửa nghỉ lễ.

Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng số cổ phiếu trị giá 288 tỷ won (khoảng 233 triệu USD), kéo dài đợt mua ròng của họ sang phiên thứ tư liên tiếp.

Kết thúc phiên 16/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 297,20 điểm (-1,14%), xuống 25.822,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 32,29 điểm (+1,01%), lên 3.227,59 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 8,06 điểm (+0,03%), lên 21.746,72 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 13,77 điểm (+0,58%), lên 2.399,86 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Room tín dụng năm 2023 sẽ được cấp ngay trong tháng 1?

Nhiều khả năng, ngay trong tháng 1/2023, room tín dụng sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp cho các ngân hàng thương mại..>> Chi tiết

- Câu chuyện đầu tư cho năm mới

Tạm gác lại những mất mát của năm 2022, nhà đầu tư bắt đầu năm 2023 với một tâm thế mới, nhiều kinh nghiệm hơn, chuẩn bị tốt hơn..>> Chi tiết

- Ý chí mua lên yếu dần

Ý chí mua lên tiếp nối đà bùng nổ phiên giao dịch đầu năm 2023 yếu dần, cùng với yếu tố mùa vụ cận Tết Nguyên đán, diễn biến đi ngang kéo dài dẫn đến rủi ro rung lắc..>> Chi tiết

- Tân niên, chờ tân chính sách

Năm nay, nhiều thành viên thị trường quan tâm tới Nghị quyết 01/NQ-CP về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành, trong đó nêu mục tiêu Chính phủ ưu tiên cơ cấu lại thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và bất động sản..>> Chi tiết

- Thị trường dầu diesel sắp đối mặt với các biện pháp trừng phạt lớn

Thị trường dầu diesel toàn cầu sẽ phải gánh chịu các lệnh trừng phạt mạnh tay trong vài tuần tới..>> Chi tiết

Tin bài liên quan