Thị trường tài chính 24h: Thị trường chứng khoán luôn mang đến những bất ngờ

Thị trường tài chính 24h: Thị trường chứng khoán luôn mang đến những bất ngờ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ; Vàng được kỳ vọng tăng giá trong năm 2023; Vững tâm thế vượt qua sóng gió; Khó khăn thanh khoản còn tiếp diễn nhưng vẫn nhìn ra cơ hội; Fed giảm tốc độ tăng lãi suất nhưng chưa dừng lại...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 2/2 tăng 20.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng thêm 200.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán, hiện niêm yết tại 67,00 – 67,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng vọt 22 USD lên 1.950,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên 1.960 USD trước khi lùi nhẹ về 1.955 USD/ounce và đi ngang cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,19 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 2/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.608 đồng/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.280 – 23.620 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về dưới mốc 23.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã bất ngờ có nhịp tăng mạnh lên trên 24.100 USD và hạ nhiệt về gần 23.800 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,15 USD (-0,20%), xuống 76,26 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,24 USD (-0,10%), xuống 82,76 USD/thùng.

VN-Index hồi phục nhẹ

Sau phiên sáng giao dịch thận trọng, các chỉ số chính chỉ giằng co, rung lắc nhẹ quanh tham chiếu trên nền thanh khoản thấp, thị trường trong phiên chiều tiếp tục xu hướng này cho đến khi đóng cửa. Đáng chú ý là các bluechip nâng đỡ khá nhiều khi không ít các mã vừa và nhỏ nới rộng đà giảm, đặc biệt ở những mã bất động sản, xây dựng...

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 19,34 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt 494,36 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 2/2: VN-Index tăng 1,62 điểm (+0,15%), lên 1.177,59 điểm; HNX-Index giảm 0,7 điểm (-0,32%), xuống 215,31 điểm; UpCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,07%), xuống 74,88 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall đảo chiều tăng điểm trong phiên ngày thứ Tư (1/2) sau quyết định nâng lãi suất thêm chỉ 0,25% của Fed.

Thêm vào đó, những phát biểu của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell trong cuộc họp báo sau đó càng đẩy cao tâm trạng lạc quan trên thị trường. “Giờ đây, lần đầu tiên chúng tôi có thể nói rằng quá trình giảm lạm phát đã bắt đầu. Chúng ta đã có thể nhìn thấy điều đó, thực sự nhìn thấy điều đó trong diễn biến giá cả”, ông Powell nói.

Kết thúc phiên 1/2, chỉ số Dow Jones tăng 6,92 điểm (+0,02%), lên 34.092,96 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 42,61 điểm (+1,05%), lên 4.119,21 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 231,77 điểm (+2,00%), lên 11.816,32 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ, dẫn đầu là các cổ phiếu công nghệ lớn, trong khi đồng yên mạnh hơn đè nặng lên các nhà xuất khẩu và hạn chế đà tăng của chỉ số.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,2% lên 27.402,05 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,36% xuống 1.965,17 điểm.

Chihiro Ohta, Trợ lý tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu đầu tư và dịch vụ nhà đầu tư tại SMBC Nikko Securities, cho biết: “Chỉ số Nikkei 225 được nâng lên nhờ cổ phiếu công nghệ, nhưng nhìn chung thị trường không mạnh”.

Phiên này, cổ phiếu lớn Fast Retailing tăng 2,53% và là động lực thúc đẩy lớn nhất cho Nikkei 225, tiếp theo là Tokyo Electron và Advantest liên quan đến chip, lần lượt tăng 2,93% và 3,66%. Nhà đầu tư công nghệ SoftBank Group tăng 1,02%.

Ở chiều ngược lại, đồng yên tăng giá so với đồng USD đã khiến nhóm cổ phiếu xuất khẩu suy yếu, với Toyota Motor giảm 1,08%, Nissan Motor và Honda Motor lần lượt mất 1,9% và 1,17%.

Chứng khoán Trung Quốc trái chiều, khi đa số các nhà đầu tư đứng ngoài và chờ đợi những dấu hiệu phục hồi tiếp theo của nền kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,02% lên 3.285,67 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,35% xuống 4.181,15 điểm.

Trung Quốc đã công bố các quy tắc dự thảo để mở rộng hệ thống phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), đánh dấu một bước tiến lớn hướng tới cải cách thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới.

Các công ty Citic và CICC sẽ là những người hưởng lợi chính, vì cải cách này sẽ tăng phí bảo lãnh phát hành cổ phiếu hạng A của họ, JP Morgan cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi chỉ số lùi về mức MA20 để tìm kiếm động lực.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,52% xuống 21.958,36 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,72% xuống 7.505,79 điểm.

“Xu hướng giảm hơn nữa của Chỉ số Hang Seng có thể sẽ bị giới hạn ở đường trung bình động 20 ngày, ở mức 21.600 điểm, do tâm lý tích cực từ việc Trung Quốc và Hồng Kông mở cửa trở lại vẫn còn nguyên,” Alvin Cheung, Phó giám đốc của Prudential Brokerage cho biết.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng phiên thứ hai liên tiếp, khi các nhà đầu tư coi nhận xét của Fed Jerome Powell là ôn hòa và hy vọng rằng chính sách thắt chặt sẽ sớm kết thúc hơn so với dự báo trước đây.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 19,08 điểm, tương đương 0,70% lên 2.468,88 điểm.

Phiên này, hỗ trợ thị trường là các cổ phiếu lớn như gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 2,75%, SK Hynix tăng 2,19% và nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 2,11%.

Kết thúc phiên 2/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 55,17 điểm (+0,20%), lên 27.402,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,75 điểm (+0,02%), lên 3.285,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 113,82 điểm (-0,52%), xuống 21.958,36 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 19,08 điểm (+0,78%), lên 2.468,88 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Vàng được kỳ vọng tăng giá trong năm 2023

Tuy rào cản lớn đối với triển vọng tăng giá vàng chưa chấm dứt, song trước suy thoái kinh tế toàn cầu, vàng vẫn được kỳ vọng tăng giá..>> Chi tiết

- Vững tâm thế vượt qua sóng gió

Giới đầu tư bước vào năm 2023 với nhiều gam màu không tích cực về triển vọng nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán luôn mang đến những bất ngờ và điều quan trọng là cần chuẩn bị tâm thế đối mặt với những điều đó..>> Chi tiết

- Khó khăn thanh khoản còn tiếp diễn nhưng vẫn nhìn ra cơ hội

FiinRatings vừa công bố báo cáo "Nhìn lại 2022 và Triển vọng thị trường vốn 2023", trong đó có cái nhìn lạc quan về thị trường vốn năm nay dù bối cảnh còn nhiều thách thức..>> Chi tiết

- Chuyện người trong nghề

Bản thân những chuyên gia chứng khoán, broker cũng là các nhà đầu tư. Họ cũng đã từng trải nghiệm lên đỉnh hay “tụt mood” cùng thị trường và không ít lần bị "gấu vồ"..>> Chi tiết

- Fed giảm tốc độ tăng lãi suất nhưng chưa dừng lại

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm một vài lần trước khi tạm dừng chiến dịch thắt chặt, ngay cả khi họ đã làm chậm nỗ lực kiềm chế lạm phát..>> Chi tiết

Tin bài liên quan