Thị trường tài chính 24h: VN-Index mất hơn 100 điểm trong tháng 10

Thị trường tài chính 24h: VN-Index mất hơn 100 điểm trong tháng 10

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index gần như không đổi; Lãi vay “đua” theo huy động vốn; Kỳ vọng xác lập thị trường hai đáy; Thách thức ngưỡng 1.000 điểm; Các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu lo ngại sẽ phá vỡ nền kinh tế nếu họ tăng lãi suất quá nhanh…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 31/10 không đổi so so với ngày cuối tuần trước, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã giảm 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,00 – 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần trước tại Mỹ giảm 18 USD xuống mức 1.645,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng quay đầu giảm và về gần 1.635 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 111,09 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 31/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.695 đồng/USD, tăng 2 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.599 – 24.879 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 20.600 USD, thì sang phiên hôm nay đã lùi nhẹ và giằng co quanh 20.500 USD, trước khi có nhịp bật lên 20.800 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,30 USD (-1,48%), xuống 86,60 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,16 USD (-1,20%), xuống 94,62 USD/thùng.

VN-Index gần như không đổi

Sau ít phút giằng co nhẹ đầu phiên, áp lực bán đã dần dâng cao, đặc biệt là đà bán tháo nhóm cổ phiếu thép, đã khiến VN-Index nới rộng đà giảm và mất hơn 13 điểm.

Bước sang phiên chiều, tâm lý tiêu cực vẫn đè nặng khiến VN-Index tiếp tục thoái lui về sát ngưỡng 1.000 điểm. Dù vậy, tại ngưỡng điểm này, lực mua đã xuất hiện tập trung ở nhóm ngân hàng, đã giúp VN-Index tăng rất mạnh, hồi phục tới hơn 20 điểm và vượt qua mốc tham chiếu khi đóng cửa.

Dù đóng cửa ở mức giá xanh, VN-Index vẫn đang chịu thử thách bởi đường kháng cự MA20 đang ở khoảng 1.040 điểm. Trong phiên cuối tuần trước, khi chỉ số chạm đường này đã bật lại khá mạnh.

Trong tháng 10, VN-Index giảm hơn 104 điểm từ mức hơn 1.132 điểm phiên cuối tháng 9, tương ứng mất 9,2%.

Khối lượng giao dịch trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 594 triệu đơn vị/phiên, giá trị giao dịch trung bình đạt hơn 11.590 tỷ đồng/phiên.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 6,94 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 224,61 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 31/10: VN-Index tăng 0,58 điểm (+0,06%) lên 1.027,94 điểm; HNX-Index giảm 3,31 điểm (-1,55%) xuống 210,43 điểm; UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,26%) lên mức 76,29 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng vọt trong phiên ngày thứ Sáu (28/10), khi dữ liệu kinh tế tích cực và lợi nhuận các công ty tốt hơn đã thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.

Bộ Thương mại và Lao động Mỹ đã công bố dữ liệu cho thấy, chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, đã tăng 0,6% trong tháng 9. Dữ liệu cho tháng 8 đã được điều chỉnh cũng cao hơn, cho thấy chi tiêu tăng 0,6% thay vì 0,4% như báo cáo trước đó.

Kết thúc phiên 28/10, chỉ số Dow Jones tăng 828,52 điểm (+2,59%), lên 32.861,80 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 93,76 điểm (+2,46%), lên 3.901,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 309,78 điểm (+2,87%), lên 11.102,45 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ ảnh hưởng tích cực của Phố Wall trong phiên cuối tuần trước.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,78% lên 27.587,46 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 20/9. Chỉ số Topix tăng 1,6% lên 1.929,43 điểm.

Ngành thiết bị điện của Nhật Bản tăng 2,78%, cao nhất trong số 33 chỉ số phụ của trên sàn Tokyo, sau khi các doanh nghiệp đưa ra những dự báo mạnh mẽ, trong đó, Hitachi tăng 6,04% sau khi tập đoàn này nâng dự báo lợi nhuận cả năm.

Một động thái tương tự của Alps Alpine đã giúp cổ phiếu nhà sản xuất hệ thống định vị ô tô tăng khoảng 15,5%.

Cổ phiếu SoftBank Group đã hỗ trợ lớn nhất với chỉ số Nikkei 225 khi tăng 6,21%, tiếp theo là Fast Retailing tăng 0,9% và nhà sản xuất thiết bị chip Tokyo Electron tăng 1,31%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm rưỡi, do dữ liệu hoạt động nhà máy yếu và đợt bùng phát Covid-19 mới làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng của nước này.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,77% xuống 2.893,48 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,92% xuống 3.508,70 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2019.

Hoạt động nhà máy của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 10, do nhu cầu toàn cầu giảm và các quy định nghiêm ngặt chống Covid-19 trong nước đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, du lịch và vận chuyển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cụ thể, chỉ số quản lý mua hàng PMI sản xuất tháng 10 trở về dưới ngưỡng 50 điểm về mức 49,2 điểm biểu thị sự co lại trong hoạt động của các nhà máy.

Trong khi đó, PMI phi sản xuất đo lường lĩnh vực dịch vụ và xây dựng cũng đã giảm mạnh từ mức 50,6 điểm trong tháng 9 xuống còn 48,7 điểm.

Chứng khoán Hồng Kông cũng bị tác động mạnh bởi hoạt động nhà máy yếu kém tại Đại lục.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,18% xuống 14.687,02 điểm, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009. Chỉ số này đã mất 14,7% trong tháng 10, mức giảm trong một tháng lớn nhất trong 14 năm.

Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,8% xuống 4.938,56 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2005. Giảm 40% trong năm nay, chỉ số này là chỉ số hoạt động kém nhất trong số hơn 90 chỉ số toàn cầu được Bloomberg theo dõi.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng và ghi nhận mức tăng tháng tốt nhất trong 22 tháng qua.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 25,21 điểm, tương đương 1,11% lên 2.293,61 điểm. Chỉ số này đã tăng 6,41% trong tháng 10, mức tăng một tháng nhanh nhất kể từ tháng 12/2020.

Cổ phiếu mua sắm bán lẻ, du lịch và giải trí nằm trong số những cổ phiếu hoạt động kém nhất với Shinsegae, Lotte Shopping và Hyundai Department Store giảm từ 3,05% đến 4,38%.

Cổ phiếu nền tảng Internet là Naver có phiên tăng mạnh nhất trong hơn ba tháng khi tăng 5,94%, trong khi ứng dụng trò chuyện di động Kakao tăng 4%, với các công ty con về dịch vụ tài chính là Kakaobank và Kakaopay lần lượt tăng 7,89% và 4,12%.

Kết thúc phiên 31/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 482,26 điểm (+1,78%), lên 27.587,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 22,44 điểm (-0,77%), xuống 2.893,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 176,04 điểm (-1,18%), xuống 14.687,02 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 25,21 điểm (+1,11%), lên 2.293,61 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lãi vay “đua” theo huy động vốn

Do chi phí đầu vào liên tục tăng trong thời gian gần đây, các ngân hàng dần nâng lãi suất cho vay thêm 1 - 2%/năm đối với doanh nghiệp và 1,5 - 3%/năm đối với cá nhân..>> Chi tiết

- Kỳ vọng xác lập thị trường hai đáy

Tuần qua, VN-Index được sự hỗ trợ từ nhóm ngân hàng khi kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng trên 50% so với cùng kỳ, đây cũng là nhóm ngành kỳ vọng dẫn dắt thị trường giai đoạn tới..>> Chi tiết

- Thách thức ngưỡng 1.000 điểm

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa ghi nhận kỷ lục buồn trong tuần qua khi trở thành chỉ số giảm mạnh nhất toàn cầu..>> Chi tiết

- Các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu lo ngại sẽ phá vỡ nền kinh tế nếu họ tăng lãi suất quá nhanh

Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang bắt đầu lo sợ rằng một nền kinh tế toàn cầu vốn đã yếu sẽ bị đình trệ nếu họ tiếp tục tăng lãi suất..>> Chi tiết

Tin bài liên quan