Thử thách lòng kiên nhẫn!

Thử thách lòng kiên nhẫn!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cho đến phiên giao dịch cuối tuần qua, thị trường vẫn trong trạng thái chưa rõ ràng về xu hướng.

Bức tranh chung này cũng phản ánh đúng thực trạng bên mua và bên bán đều đang rất kiên nhẫn chờ đợi những thông tin rõ hơn để hành động quyết liệt theo hướng bán hay mua.

Trong một nhóm gần 300 nhà đầu tư có tài khoản giao dịch tại Công ty Chứng khoán Trí Việt, từ 2 tuần nay đã được nhắc nhở về việc VN-Index có chỉ báo phân kỳ âm, báo hiệu xác suất giảm điểm cao. Với chỉ báo này, nhà đầu tư được cảnh báo không nên mua nhiều mà canh chốt lời, chờ tín hiệu chuyển phân kỳ dương. Trong một nhóm nhà đầu tư lớn khác đã khuyến nghị không mua mới từ đầu tuần và canh giá xanh là bán.

Tuần qua, thị trường có nhiều phiên xuất hiện tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng”, chỉ số xanh nhưng cổ phiếu giảm điểm chiếm đa số, nhiều mã trước đó đã tăng mạnh lên vùng quá mua và bắt đầu vẽ đồ thị đi xuống báo hiệu sẽ còn giảm tiếp. Nhưng mức độ giảm mạnh hay tích lũy khó dự báo lúc này phụ thuộc vào thông tin hỗ trợ của nhóm ngành và cổ phiếu đó. Chẳng hạn những thông tin như room tín dụng với nhóm cổ phiếu ngân hàng, giao dịch T+1,5 với nhóm chứng khoán, quy định trái phiếu với nhóm bất động sản và động thái tăng lãi suất của Fed vào tháng 9 với cả thị trường…

Tháng 8 cũng là giai đoạn trũng thông tin của doanh nghiệp cũng như thông tin về nền kinh tế khiến thị trường chưa thực sự có động lực để tạo ra những phiên giao dịch có tính đột biến cao. Nhà đầu tư nên hành động thế nào trong vùng trũng thông tin như vậy cũng là chủ đề mà Đầu tư Chứng khoán đề cập sâu trong Tiêu điểm số báo này.

Theo quan điểm của ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Smart Invest (AAS), thị trường đang trong giai đoạn sideway up (vừa tăng vừa tích lũy, tăng từ từ) với biên độ hẹp. Nhưng nhìn về cuối năm, vị chuyên gia này cho rằng, nền kinh tế vẫn đang diễn biến tốt dần lên khi áp lực lạm phát đã giảm đáng kể so với đầu năm; GDP dự báo trong quý III có thể đạt trên 10%; chính sách tài khóa nới lỏng sẽ đẩy mạnh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, một áp lực khác vẫn hiện hữu là việc tiếp cận vốn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh vẫn rất khó khăn, một mặt do room tín dụng đã bị cạn kiệt và mặt khác bởi gói hỗ trợ lãi suất với nhiều thủ tục chưa phù hợp thực tế triển khai. Trong khi đó, TTCK luôn phụ thuộc vào dòng tiền nhàn rỗi. Khi dòng tiền trong nền kinh tế đang chảy chậm lại, dòng tiền nhàn rỗi vào TTCK cũng sẽ thu hẹp và sự tăng trưởng mạnh khó xảy ra. Như vậy, dòng tiền vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong giai đoạn cuối quý III và quý IV đối với TTCK.

Thông tin cấp room tín dụng thêm 3% cho các ngân hàng nếu xảy ra rõ ràng sẽ là tín hiệu tốt cho sự luân chuyển dòng tiền trong nền kinh tế khi áp lực lạm phát đang giảm dần. Việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp và cá nhân sẽ dễ dàng hơn, nhu cầu đầu tư sẽ tăng lên và dòng tiền nhàn rỗi sẽ mạnh dạn hơn trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nhiều khía cạnh, trong đó có TTCK.

Cả bên bán và bên mua vẫn đang trong giai đoạn rình rập, chờ đợi tín hiệu khiến thị trường không tăng và cũng khó giảm mạnh. Việc cổ phiếu nhóm ngành dầu khí như PVD, PVS tăng mạnh phiên cuối tuần khi có thông tin đẩy nhanh tiến độ chuỗi dự án Lô B - Ô môn, VPB tăng mạnh khi có thông tin tăng vốn bằng chia thưởng cổ phiếu… là dấu hiệu cho thấy dòng tiền đang chờ các thông tin tốt để kích hoạt.

Thị trường trong giai đoạn vùng trũng thông tin đang thử thách sự kiên nhẫn, kỷ luật của nhà đầu tư và rất có khả năng diễn biến này còn tiếp tục trong một vài tuần tới.

Tin bài liên quan