Ước tính, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản quý I/2015 đạt 1,27 tỷ USD, giảm 23%

Ước tính, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản quý I/2015 đạt 1,27 tỷ USD, giảm 23%

Thủy sản quý I lao đao!

(ĐTCK) Hàng loạt doanh nghiệp thủy sản niêm yết lao đao vì các yếu tố bất lợi đến từ thuế chống bán phá giá, tỷ giá, nhu cầu sụt giảm…

Theo thống kê của Hải quan, tính đến giữa tháng 3/2015, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 1,061 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2014. Ước tính, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản quý I/2015 đạt khoảng 1,27 tỷ USD, giảm 23% so với quý I/2014. So với giá trị và mức tăng trưởng xuất khẩu thủy sản cùng thời điểm của các năm từ năm 2011 đến nay, thì quý I năm nay sụt giảm mạnh nhất. Giá trị xuất khẩu chỉ tương đương với quý I/2013 và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản niêm yết có kết quả kinh doanh sụt giảm trong 2 tháng đầu năm 2015. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của CTCP Thủy sản Minh Phú (MPC) chỉ đạt 32,4 triệu USD, giảm 61%; CTCP Hùng Vương (HVG) đạt 14,8 triệu USD, giảm 34%; CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) đạt 8,5 triệu USD, giảm 72%; CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) đạt hơn 13 triệu USD, giảm 16%. Riêng CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) có kim ngạch xuất khẩu tăng 19%, đạt 31,79 triệu USD, nhờ hưởng lợi từ mức thuế chống bán phá giá POR9 và POR 10 của Mỹ ở mức 0%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm 2 tháng đầu năm giảm 30% do giá tôm trên thị trường thế giới giảm. Hiện tại, Ấn Độ đang vào vụ thu hoạch tôm, sản lượng bán ra nhiều vì nước này không có cơ sở hạ tầng để trữ hàng, khiến giá tôm xuất khẩu giảm 2 USD/kg so với cuối năm ngoái. Do vậy, giai đoạn này, các công ty tôm Việt Nam buộc phải trữ hàng, tránh thua lỗ. Đây cũng là một nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm giảm. Xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm cũng giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng euro mất giá khiến cho nhu cầu nhập khẩu của thị trường EU giảm, các doanh nghiệp thủy sản buộc phải hạ giá bán. Giá cá tra xuất khẩu sang thị trường này giảm 5 - 10%.

Một nguyên nhân khác đến từ áp lực thuế chống bán phá giá tôm giai đoạn POR8 và thuế chống bán phá giá cá tra POR10 đã ảnh hưởng tới xuất khẩu tôm, cá tra từ quý IV/2014 và dự kiến sẽ tiếp tục tác động giảm xuất khẩu hai sản phẩm này trong năm 2015.

Đối với xuất khẩu tôm, theo POR8, mức thuế suất đưa ra rất cao là 6,36%. Gần đây nhất, Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả sơ bộ xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ giai đoạn từ 1/2/2013 tới 31/1/2014. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam theo hướng có lợi khi giảm xuống mức trung bình là 0,93%, thấp hơn nhiều so với mức thuế của kỳ xem xét lần trước (POR8). Cụ thể, MPC có mức thuế 1,5%, FMC là 0%, CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước là 1,06%.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT HVG nhận định, có thể từ quý III/2015 trở đi, xuất khẩu tôm sẽ thuận lợi. Lý do là vì ngành tôm Ấn Độ hiện nay đang có áp lực do không có nhà máy chế biến, kho lưu trữ, gây tâm lý e dè cho nhà nhập khẩu. Cuối tháng 4, mùa vụ tôm của Ấn Độ sẽ kết thúc, trong khi đó, ngành tôm Việt Nam có cơ sở chế biến và kho.

Đối với cá tra, quý I/2015, xuất khẩu cá tra chưa có dấu hiệu hồi phục do thị trường tiêu thụ vẫn trầm lắng, nội tại ngành cá tra còn nhiều bất cập và đang chịu tác động của một số chính sách mới. Ngoài ra, dư âm mức thuế chống bán phá giá gần 1 USD/kg (POR10) cho 24 doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã đẩy giá cá tra bán tại Mỹ tăng cao, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cá tra sang thị trường này.

Mới đây, Chính phủ đã đồng ý lùi thời gian có hiệu lực đến ngày 31/12/2015 đối với quy định tỷ lệ mạ băng (lớp nước đóng băng trên bề mặt sản phẩm) không quá 10% và hàm lượng độ ẩm không quá 83% trong Nghị định 36/2014/NĐ-CP, vì nhiều doanh nghiệp “kêu” rằng, quy định mới khiến doanh nghiệp giảm cạnh tranh về giá, có thể phải ngưng hoạt động.

Tin bài liên quan