Tín dụng tại khu chế xuất - khu công nghiệp tại TP. HCM tăng mạnh

Tín dụng tại khu chế xuất - khu công nghiệp tại TP. HCM tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết, 5 năm trở lại đây, dư nợ chương trình cho vay khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) tăng trưởng bình quân 12%/năm và đến nay đạt hơn 200.000 tỷ đồng.

Không chỉ tăng trưởng tốt về tín dụng, các dịch vụ ngân hàng cũng phát triển mạnh, trong đó hầu hết cán bộ nhân viên, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN-KCX đều đã sử dụng tài khoản ngân hàng để nhận lương và thực hiện thanh toán, tiêu dùng.

Cũng theo ông Lệnh, sự phát triển của KCN-KCX, của các doanh nghiệp hoạt động trong KCN-KCX trên địa bàn TP.HCM có sự đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng thành phố bằng việc cho vay và kết nối tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong KCN-KCX.

Cụ thể, ngân hàng đã kết nối tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong KCN-KCX về vốn, ngoại hối và các vấn đề có liên quan hoạt động ngân hàng.

Các doanh nghiệp hoạt động trong KCN-KCX, nhất là trong các KCX chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Giai đoạn đầu khi các KCX được thành lập và hoạt động, cũng là giai đoạn đầu của thời kỳ mở cửa và hội nhập kinh tế, vì vậy cơ chế chính sách tín dụng, ngoại hối, tỷ giá và các dịch vụ ngân hàng chưa hoàn thiện, làm phát sinh những khó khăn vướng mắc nhất định.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cùng với các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã phối hợp cùng Ban quản lý KCN-KCX thành phố nắm bắt, trao đổi thông tin cũng như thường xuyên khảo sát thực tế để trực tiếp tháo gỡ, hoặc nắm bắt, phản hồi và báo cáo kịp thời về Ngân hàng Nhà nước có hướng chỉ đạo, xử lý và hướng dẫn cho doanh nghiệp.

Về thực hiện chương trình cho vay KCN-KCX, đây là chương trình sáng tạo, bởi về nguyên tắc cho vay, điều kiện tín dụng không khác cho vay thông thường mà các ngân hàng thương mại đang thực hiện.

Trong đó, có 3 điểm khác biệt: Tập trung vốn cho vay KCN-KCX; mở rộng và phát triển dịch vụ ngân hàng trong các KCN-KCX, với việc phát triển chi nhánh và phòng giao dịch ngay tại KCN-KCX; thường xuyên tiếp cận và nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa ngân hàng - doanh nghiệp đã trở nên bền chặt, gắn bó nhiều năm.

Chính điều này cũng tạo ra những khác biệt và hiệu quả trong hoạt động ngân hàng đối với KCN-KCX, bởi uy tín, niềm tin của doanh nghiệp và của chính ngân hàng ngày càng được củng cố.

Số liệu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đưa ra, tín dụng trên địa bàn thành phố 9 tháng đầu năm tăng khoảng 12% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, cùng kỳ này năm trước tín dụng tại thành phố chỉ tăng 4,97%, năm 2020 tăng 4,99% và năm 2019 tăng 10,2%.

Các ngành, lĩnh vực kinh tế gồm xuất khẩu, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, thương mại, du lịch và dịch vụ, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn tiếp tục duy trì phục hồi nhanh; hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN-KCX trên địa bàn hiệu quả… là điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn mở rộng và tăng trưởng tín dụng.

Hiện dư nợ cho vay ngoại tệ (chủ yếu cho lĩnh vực xuất nhập khẩu, đối tượng đủ điều kiện vay vốn bằng ngoại tệ) đạt 205.000 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm.

Cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng với lãi suất ưu đãi đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên đạt khoảng 200.000 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm ngoái. Cho vay KCN-KCX đạt 224.203 tỷ đồng, tăng 14,67% so với cuối năm 2021.

Tin bài liên quan