Chúng ta có thể có nhiều quan điểm khác nhau trước những tai hoạ do Covid gây ra. Chẳng hạn, có quan điểm xem virus Corona/SARS như là một hiện tượng ngắn hạn trong một mùa hay hai và lạc quan nghĩ rằng kinh tế của toàn thế giới sẽ suy thoái trong một vài năm, rồi sau đó sẽ bắt nhịp trở lại với tốc độ tăng trưởng mà chúng ta mong muốn.

Trong khuôn lý luận như thế, chúng ta chỉ cần đơn thuần điều chỉnh một chút mục tiêu tăng trưởng, lạm phát trong ngắn hạn, một số chính sách về đầu tư công, về y tế, giáo dục… cho phù hợp với mong mỏi rằng trong ít tháng ít năm nữa, tình thế lại trở lại bình thường.

Tóm lại, lý luận này giả định rằng chúng ta đã chọn được đúng mô hình kinh tế nên cứ việc bám lấy nó.

Trong mô hình này, chúng ta sẽ tiếp tục vui sống với hai đô thị cực lớn (Hà Nội và TP.HCM) sắp trở thành những khủng long khó quản lý, với số đông đô thị nhỏ và vừa khác đang ít dân, với những địa phương đang chới với tìm cỗ máy cho sự phát triển, với một vài tập đoàn mũi nhọn kinh tế không đạt (hoặc không muốn) vai trò dẫn dắt.

Cứ nhìn những gì đã diễn ra, không thể nói rằng chúng ta đang tìm lại thế thăng bằng, vì trên bản chất chúng ta chưa đạt được sự cân bằng.

Nói chung, các doanh nghiệp lớn và vừa đang có vài vấn đề cố hữu. Đó là việc thiếu vốn để đầu tư xứng đáng và thiếu tiền mặt để quản lý hẳn hoi cuộc sống hàng ngày.

Đây không phải lỗi ở họ, mà do bản chất của thị trường nước ta.

Nước ta có một thị trường lớn với gần 100 triệu dân, mà những doanh nghiệp của chúng ta nói chung vẫn chưa thoả mãn kịp mọi nhu cầu.

Thành thử những doanh nghiệp này cần đầu tư thêm rất nhiều, không phải chỉ do tính tham lam, mà do sức hút đầu tư còn rất lớn của thị trường.

Song một vấn đề rất lớn của nước ta là nhân sự nói chung không theo kịp đòi hỏi của các doanh nghiệp.

Sự việc này đưa tới tình trạng nhiều nhân sự đang phải cáng đáng những trách nhiệm trên sức họ (theo tiêu chuẩn của thế giới).

Khi bàn tới những ưu tiên thì tất nhiên, chúng ta chỉ bàn tới những thứ ngắn hạn. Theo tôi, chính những vấn đề dài hạn mới cần chú ý.

Tại sao vậy?

Nước ta đối phó khá tốt với dịch Covid và Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi sẽ không suy thoái, cho dù mức tăng trưởng ngắn hạn có thể chỉ còn một nửa giai đoạn trước dịch.

Tôi tin rằng chúng ta sẽ vượt qua được khủng hoảng này không chóng thì chày, và chúng ta có lý do chính đáng để tự hào.

Nhưng, cũng nhìn nhận rõ một điều, sở dĩ dịch bệnh có ảnh hưởng tương đối ít đến Việt Nam hơn so với các quốc gia khác là do kinh tế của chúng ta còn kém mở mang, các mảng kinh tế chưa liên kết mật thiết với nhau như là một hệ thống chặt chẽ.

Kinh nghiệm cho thấy chính sự liên kết mật thiết giữa các mắt xích xã hội và kinh tế là một trong những lý do của sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh trong những nước tân tiến.

Nói thế để những ai còn đang lạc quan chú ý vào vài điểm yếu mà nhất thiết chúng ta phải điều chỉnh trong tương lai.

Đó là một nền nông nghiệp còn đòi hỏi không biết bao nhiêu nỗ lực nữa mới đủ mạnh, một nền du lịch tuy năng động nhưng vẫn chưa được cấu trúc thành một hệ thống bài bản, một nền kinh tế địa phương thiếu thốn nhiều hạ tầng cần thiết, một phong trào khởi nghiệp chưa tìm được đà, nhất là cho các nông dân đang thất bại liên miên.

Thêm vào đó, chúng ta không sở hữu những công nghệ cần thiết, mà từ đó biến mình thành nô lệ của gia công.

Tóm lại, nền kinh tế của chúng ta vẫn ít tạo thêm giá trị. Tăng trưởng chưa đi cùng phát triển (trong vài lĩnh vực còn phát triển ngược).

Chúng ta vẫn bỏ quá nhiều vốn vào địa ốc, đây là một sự mất cân bằng sẵn có.

Chúng ta không tạo thêm đủ nhanh chóng thành phần xã hội trung bình.

Sự mất thăng bằng về đô thị hoá quá hiển nhiên, đô thị lớn càng thêm vấn đề đô thị, mà địa phương lại càng thêm vấn đề sa mạc hoá.

Một vấn đề đang lù lù xuất hiện trước mắt là các đầu tư quốc tế vào nước ta đang tăng mạnh. Một số do họ bỏ thị trường Trung Quốc.

Chúng ta hãy nhanh chóng thiết lập những đạo luật cần thiết để một mặt khuyến khích các nhà đầu tư tới Việt Nam, mặt khác giữ chủ quyền kinh tế và tài chính mà chúng ta có thể mất đi nếu đầu tư nước ngoài quá ồ ạt.

Nhất thiết chúng ta phải có những điều chỉnh cần thiết, chiếu theo những nhận xét bên trên.

Luật pháp phải được chấp hành mạnh bạo và toàn diện. Số hoá mọi dòng tiền. Số hoá mọi sự trao đổi. Số hoá thuế vụ. Số hoá mọi thứ!

Song song, cần cải tạo nền giáo dục nước nhà, hướng tới những nhu cầu thực tế về nhân sự của các doanh nghiệp.

Tạo văn hoá kết quả, bỏ văn hoá bằng cấp, nhất là văn hoá giữ vị trí bất di bất dịch. Lưu loát mới cho phép uyển chuyển.

Nhất thiết chúng ta phải có những điều chỉnh cần thiết, chiếu theo những nhận xét bên trên.

Luật pháp phải được chấp hành mạnh bạo và toàn diện. Số hoá mọi dòng tiền. Số hoá mọi sự trao đổi. Số hoá thuế vụ. Số hoá mọi thứ!

Song song, cần cải tạo nền giáo dục nước nhà, hướng tới những nhu cầu thực tế về nhân sự của các doanh nghiệp.

Tạo văn hoá kết quả, bỏ văn hoá bằng cấp, nhất là văn hoá giữ vị trí bất di bất dịch. Lưu loát mới cho phép uyển chuyển.

Tôi vừa công khai hai bộ slides mới về hai đề tài cấp bách trong nước ta.

Bộ slides thứ nhất có tựa đề: "Ở đây ai là sếp?”. Trong bộ slides này, tôi nhấn mạnh trên nhu cầu hiện đại nhất là không còn ai làm sếp nữa. Sếp thường trực tên là “LỢI ÍCH TỐI ĐA CỦA DOANH NGHIỆP”.

Trong bất cứ tình huống nào trên thương trường hay ngay cả trong chính quyền, cách quản trị ngày nay là tìm lợi ích tối đa, chứ không còn là “Sếp bảo sao nghe vậy”.

Quy trình không còn là mốc phải theo nữa, mà là "LỢI ÍCH TỐI ĐA”. Mọi người trong doanh nghiệp đều phải tham gia và có trao đổi dân chủ về đề tài thường trực này.

Bộ slides thứ hai có tựa đề "Văn hoá báo cáo”. Báo cáo bằng văn bản là một việc rất quan trọng nếu chúng ta muốn biến thành văn minh. Nó cho phép thông tin nhanh chóng, trung thực và đồng bộ một cách xuyên suốt. Văn hoá báo cáo được chấp hành từ muôn thuở trong các xã hội Anglo-saxon (Anh quốc, Hoa Kỳ, Úc, Canada, Singapore…).

Ngày nào mà toàn quốc áp dụng văn hoá này thì tốc độ sinh hoạt sẽ nhân gấp đôi, gấp ba.

Những chuyện khó hiểu, những mâu thuẫn sẽ giảm nhiều.

Những tiêu cực sẽ khó tìm đất sống.

Tôi không lãng mạn, và tôi cũng không nghĩ rằng lãnh đạo doanh nghiệp phải lãng mạn đến độ phải đợi tới khi con virus Corona xuất hiện mới tìm ra Cơ trong Nguy. Cải tổ, cách tân, cấu trúc phải trở thành việc làm thường trực.

Tư duy của tôi, trong mọi vị trí tôi đã từng nắm, là đưa tập thể của tôi lên số 1 thế giới. Tôi đã từng thực hiện điều này với hai doanh nghiệp. Tư duy này mới là tư duy đúng.

Đứng số 1 hay bị hiểu sai tại Việt Nam, nơi mà mọi người chỉ chú ý tới doanh thu.

Đối với tôi, có nhiều cách đứng số 1. Chất lượng số 1. Lợi nhuận số 1 chẳng hạn. Thương hiệu được đánh giá số 1.

Còn về chuyện doanh thu thì đứng số 1 chỉ có ý nghĩa nếu lợi nhuận cao và cổ phiếu tăng nhanh.

Thị trường chứng khoán là quan toà công bằng nhất, cẩn mật nhất, sát sao nhất.

Có bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam được niêm yết trên thị trương chứng khoán của New York, Frankfurt, HongKong hay London?

Tôi chỉ có một lời cầu nguyện về kinh tế của nước ta, đó là những cơ hội mà chúng ta phải tạo ra cho thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ của Việt Nam vô cùng sắc sảo, vô cùng năng động với những khát khao đậm chất, với khả năng nỗ lực và hy sinh rất cao.

Tôi mong rằng cả chính quyền lẫn các doanh nghiệp lớn và vừa hãy ý thức thực sự về điều này. Nếu mỗi doanh nghiệp dành 10% lợi nhuận của mình vào việc đầu tư này thì đất nước chúng ta sẽ sớm trở thành một cường quốc trong tương lai.

Đây không phải được hiểu như là một việc từ thiện, mà mỗi doanh nghiệp có thể đầu tư cho chính mình.

Đợi gì nữa mà không số hoá chính doanh nghiệp của mình bằng cách động viên các em sinh viên trẻ mới ra trường. Đây chỉ là bước đầu, còn biết bao nhiêu việc khác nữa.

Thúc đẩy, huy động thế hệ trẻ là chiến lược nhanh chóng nhất để Việt Nam sớm đi tới vị trí cường quốc. Tôi không mơ đâu, các bạn nhé!