UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên 7,0% từ 6,5%

UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên 7,0% từ 6,5%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc nâng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Việt Nam được UOB cho biết với giả định không có thêm sự gián đoạn nào do COVID-19 và tăng trưởng GDP của 6 tháng cuối năm vào khoảng 7,6 -7,8%.

Số liệu do Tổng cục Thống kê vừa công bố cuối tháng 6 cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam tăng bất ngờ 7,7% trong quý 2/2022, so với 5,0% trong quý 1/2022, vượt qua mức ước dự báo chung là 5,9% (trung bình từ các dự báo trong khoảng 4,5 - 6,5%) và ước tính của UOB là 6,0%.

Sự phục hồi mạnh mẽ của tăng trưởng GDP trong quý 2/2022 được cho rằng bởi sự thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất đã tăng tốc trong quý thứ 4 liên tiếp và sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động dịch vụ đã dần lấy lại đà tăng kể từ đợt giảm cuối cùng trong quý 3/2021.

Trong nửa đầu năm 2022, GDP của Việt Nam tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào mức tăng 9,7% trong lĩnh vực sản xuất và mức tăng 6,6% trong hoạt động dịch vụ, với mức tăng 4,6% trong quý 1/2022.

Các công bố dữ liệu hàng tháng khác cho thấy rằng các hoạt động nhìn chung đã trở lại bình thường khi các biện pháp hạn chế COVID-19 được nới lỏng và việc mở cửa biên giới. Cụ thể, trong nước, lĩnh vực bán lẻ được hưởng lợi đáng kể từ việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, tiếp tục duy trì đà tăng trong tháng thứ 6 liên tiếp và ghi nhận mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 11,7% so với cùng kỳ. Theo đó, chi tiêu liên quan đến du lịch tăng vọt 94,4% trong 6 tháng đầu năm so với mức tăng 34,7% trong 5 tháng đầu năm.

Với hoạt động ngoại thương, trong tháng 6, xuất khẩu tăng gần 20% trong khi nhập khẩu tăng 17% so với cùng kỳ, đạt thặng dư thương mại 276 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tăng trưởng tháng thứ 6 liên tiếp với mức tăng 17,3% trong khi nhập khẩu tăng 15,8% với thặng dư thương mại lũy kế là 907 triệu USD.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục được duy trì tích cực với dòng vốn đầu tư giải ngân đạt 10,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Với đà tăng so với cùng kỳ năm trước, giải ngân FDI trong năm nay có thể sẽ vượt qua kết quả vốn đầu tư 19,7 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2021.

Tuy nhiên, vốn FDI cam kết hoặc đăng ký trong 6 tháng đầu năm giảm 8,9% so với cùng kỳ còn 14,03 tỷ USD, so với 15,3 tỷ USD năm trước. Trong số vốn đăng ký, 63% dành cho lĩnh vực sản xuất và chế biến, trong khi 22,5% là bất động sản. Singapore là nhà đầu tư FDI hàng đầu, tiếp theo là Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Dữ liệu CPI mới nhất cho thấy áp lực lạm phát có thể được kiểm soát vì tác động chính liên quan đến giá năng lượng, trong khi giá thực phẩm vẫn được kiểm soát ở mức tốt. Tuy nhiên, rủi ro gia tăng lạm phát là đáng kể do giá năng lượng vẫn đang tiếp tục tăng nhanh và điều này sẽ tác động sang các thành phần còn lại của nền kinh tế”, các chuyên gia của UOB nhận định.

Theo Báo cáo, lạm phát tổng thể trong tháng 6 tăng 3,4% so với cùng kỳ, từ 2,8% trong tháng 5, vẫn thấp hơn so với mức mục tiêu 4% của Ngân hàng Trung ương. Lạm phát cơ bản trong tháng 6 (loại trừ tăng giá thực phẩm và năng lượng) tăng 2% so với cùng kỳ, so với mức 1,6% trong tháng 5. Giống như những tháng trước, giá vận tải trong tháng 6 tăng 21,4% so với cùng kỳ, tiếp nối đà tăng 18,4% trong tháng 5. Trong khi giá thực phẩm trong tháng 6 tăng 2,34% so với cùng kỳ năm trước, cao gần gấp đôi so với mức 1,3% trong tháng 5.

Dựa trên kết quả tăng trưởng mạnh trong quý 2/2022 và dữ liệu lịch sử cho thấy kết quả tăng trưởng 6 tháng cuối năm thường khá tích cực, UOB điều chỉnh tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên 7,0% từ mức 6,5% trước đó, giả định không có thêm sự gián đoạn nào do COVID-19 và tăng trưởng GDP của 6 tháng cuối năm là khoảng 7,6 -7,8%.

Tuy nhiên, những rủi ro, thách thức vẫn hiện hữu bao gồm tác động của xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra ảnh hưởng tình hình địa chính trị, giá năng lượng và lương thực tăng cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Ngoài ra, chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt mang tính cục bộ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể là một rủi ro đến thị trường tài chính tại các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.

Trong bối cảnh vẫn còn những bất ổn như trên và mặc dù nền kinh tế trong nước đang phát triển ngày một mạnh mẽ hơn, theo UOB, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giữ ổn định lãi suất chính sách hiện tại để hỗ trợ nỗ lực phục hồi kinh tế, đặc biệt là khi lạm phát vẫn được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu.

Do đó, UOB kỳ vọng lãi suất tái cấp vốn hiện tại ở mức 4,0% và lãi suất tái chiết khấu là 2,5% sẽ được duy trì ở mức thấp kỷ lục này cho đến ít nhất là cuối năm 2022. Tuy nhiên, với động thái quyết liệt hơn trong việc thắt chặt tiền tệ từ Fed, UOB dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ có thể khởi đầu chu kỳ tăng lãi suất từ quý 2/2023 hoặc sớm hơn, nếu đà tăng trưởng vẫn tiếp tục duy trì và các rủi ro bên ngoài giảm bớt.

Liên quan đến câu chuyện tỷ giá, UOB cho rằng, VND không đứng ngoài xu thế giảm giá của các đồng tiền châu Á từ động thái tăng lãi suất quyết liệt của Fed và lo ngại về sự suy thoái sâu hơn của Trung Quốc.

“Chúng tôi đánh giá các đồng tiền mới nổi ở châu Á bao gồm VND sẽ đối mặt với áp lực giảm giá thêm nữa khi Fed có nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng thêm lãi suất trong nửa cuối năm 2022. Do đó, chúng tôi cập nhật dự báo tỷ giá USD/VND để phản ánh xu hướng này trong những tháng tới. Dự báo cập nhật của chúng tôi là tỷ giá USD/VND sẽ đạt mốc 23.400 trong quý 3/2022, 23.500 trong quý 4/2022, 23.550 trong quý 1/2023 và 23.600 trong quý 2/2023”, các chuyên gia UOB nhận định.

Tin bài liên quan