Vicem Hà Tiên 1 dự báo thị trường xi măng phía Nam năm 2022 tăng trưởng từ 6 - 8,5% nhờ kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế

Vicem Hà Tiên 1 dự báo thị trường xi măng phía Nam năm 2022 tăng trưởng từ 6 - 8,5% nhờ kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế

Vicem Hà Tiên 1 (HT1) đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 8,7% năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường xi măng phía Nam được dự báo tăng trưởng từ 6-8,5% do kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế. Vicem Hà Tiên 1 đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 8,7% trong năm 2022.

Tại Báo cáo thường niên 2022, Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (Hose: HT1) nhận định, năm 2022, thị trường xi măng phía Nam được dự báo tăng trưởng từ 6-8,5% do kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế và những biện pháp của Chính phủ trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, dự báo về tăng trưởng của ngành xi măng, Vicem Hà Tiên 1 cho biết nhu cầu xi măng ở phân khúc dân dụng có thể giảm kéo dài ít nhất trong nửa đầu năm 2022.

Cùng với đó, xuất khẩu xi măng, clinker cũng sẽ sụt giảm khi các nước chưa sẵn sàng cho việc mở cửa, cảng biển giảm tải vì dịch bệnh Covid-19, cùng với chi phí vận tải tăng đã khiến sản lượng xuất khẩu của ngành xi măng giảm đáng kể.

Xung đột Nga - Ukraine làm tăng giá nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như khí đốt - dầu mỏ… ảnh hưởng đến chi phí sản xuất.

Trước những dự báo về thị trường, nhà sản xuất xi măng lớn nhất thuộc khối Viccem lên kế hoạch sản xuất 6,4 triệu tấn xi măng (bao gồm thuê gia công) và 4,58 triệu tấn clinker, tăng 7% so với mức thực hiện năm 2021. Tiêu thụ dự kiến đạt 6,4 triệu tấn, tăng 7,23% so với năm 2021.

Doanh thu và thu nhập khác trong năm 2022 được đặt ra là 7.856 tỷ đồng, tăng gần 11% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 501,9 tỷ đồng, tăng trưởng 8,7%.

Năm 2021, với mức tăng trưởng âm 15,5% của thị trường phía Nam, giảm hơn rất nhiều so với mức giảm 5-6% của thị trường xi măng nội địa năm 2021, dẫn đến thị trường tại các địa bàn kinh doanh của Vicem Hà Tiên, nhất là các thị trường trọng điểm, bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Thêm vào đó, những khó khăn trong việc vận chuyển nguyên, nhiên vật liệu, công tác tổ chức sản xuất theo những quy định về giãn cách xã hội cùng với việc giá đầu vào, như than, xăng, dầu… tăng mạnh là những trở ngại trong việc điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh của Vicem Hà Tiên 1.

Tổng sản phẩm tiêu thụ xi măng và clinker năm 2021 của Công ty đạt 6,497 triệu tấn, đạt 86,51%, giảm 9,87% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiêu thụ xi măng đạt 5,99 triệu tấn, đạt 86,3% kế hoạch năm, giảm 10,1% so cùng kỳ 2020. Trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 5,93 triệu tấn, đạt 87,2% kế hoạch năm, giảm 9,3% so cùng kỳ; xuất khẩu đạt 55.749 tấn, đạt 39,8% kế hoạch năm, giảm 53,5% so cùng kỳ.

Năm qua, Công ty ghi nhận tổng doanh thu đạt 7.089 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm gần 40%, chỉ đạt 369 tỷ đồng.

Về tình hình tài chính, tổng tài sản của Vicem Hà Tiên 1 đến hết quý IV/2021 là 8.809 tỷ đồng, giảm 1.231 tỷ đồng so với đầu kỳ.

Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm từ 2.333 tỷ đồng xuống 1.524 tỷ đồng, tương ứng giảm 809 tỷ đồng, chủ yếu tiền và tiền gửi có kỳ hạn giảm 782 tỷ đồng, giảm 72,5%.

Tài sản dài hạn giảm từ 7.708 tỷ đồng xuống 7.285 tỷ đồng, tương ứng giảm 423 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí khấu hao tài sản cố định hàng năm.

Tổng nguồn vốn, trong đó Công ty ghi nhận 3.635 tỷ đồng nợ phải trả, đã giảm 1.013 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm tỷ lệ 41% tổng nguồn vốn. Trong đó, Công ty đã tất toán khoản nợ vay dài hạn tài trợ các dự án đầu tư đến hạn trả hơn 814 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu ghi nhận 5.174 tỷ đồng, giảm 218 tỷ so với đầu năm 2021

Năm 2022, mục tiêu trọng tâm của Vicem Hà Tiên 1 là tập trung vào các dự án như nâng cao năng lực nghiền xi măng tại nhà máy Kiên Lương, Dự án dây chuyền nghiền tại trạm nghiền Long An. Tại Dự án ở Long An, kế hoạch là hoàn tất ký kết hợp đồng với các nhà thầu tư vấn và triển khai thực hiện các nội dung “Khảo sát xây dựng phục vụ lập đồ án và phê duyệt quy hoạch 1/500 cho mặt bằng Trạm nghiền Long An”, trình phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Về kế hoạch triển khai Dự án Khai thác mỏ đá vôi Thanh Lương, các thủ tục hoàn thành phê duyệt dự án sẽ được thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng đá vôi mỏ Thanh Lương, chi trả tiền đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Thực hiện Dự án đường BOT nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, Quận 9, TP.HCM: Triển khai đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng.

Tin bài liên quan