Việt Nam: Tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh trong quý IV/2020, thêm tín hiệu lạc quan cho năm 2021

Việt Nam: Tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh trong quý IV/2020, thêm tín hiệu lạc quan cho năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Suan Teck Kin - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu, Ngân hàng UOB, tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2020 của Việt Nam tăng lên mức 4,48% so với năm trước, so với mức 2,69% của quý III/2020 và đã vượt mức dự đoán trước đó của UOB là 4%.

Quy mô kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 2,91% cho toàn năm 2020, cao hơn mức dự đoán của UOB là 2,7%, trở thành một trong số rất ít các nền kinh tế trên toàn cầu đạt được mức tăng trưởng dương trong năm dịch bệnh.

Năm 2021, UOB tiếp tục dự đoán tăng trưởng kinh tế đạt 7,1% nhờ mức tăng trưởng thấp năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh, cũng như những yếu tố thuận lợi như các thỏa thuận tự do thương mại đã ký kết thời gian gần đây. Mức chỉ tiêu tăng trưởng chính thức Việt Nam đưa ra hiện tại là 6% cho năm 2021, có khả năng sẽ được nâng lên mức 6,5%.

Một trong số ít các nền kinh tế có tăng trưởng dương năm 2020

Số liệu do Tổng cục Thống kê của Việt Nam ngày 27/12/2020 cho biết tăng trưởng quý IV/2020 đạt 4,48%, so với mức 2,69% của quý III/2020 (đã được cập nhật so với con số 2,62% trước đó). Kết quả này vượt qua mức kỳ vọng và dự đoán của UOB là 4%.

Trong khi con số tăng trưởng này là thấp nhất trong quý IV kể từ năm 2011 và các hoạt động kinh tế sụt giảm mạnh, đặc biệt trong quý II/2020 (tăng trưởng 0,39%) do dịch COVID-19, việc khống chế sớm và thành công dịch bệnh đã cho phép Việt Nam duy trì được tăng trưởng dương trong suốt năm 2020, dù mức tăng chậm lại.

“Trong cả năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91%, cao hơn mức dự đoán của chúng tôi là 2,7%”, ông Suan Teck Kin cho biết.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng dương khi dịch COVID-19 lan rộng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 30 năm qua, sau hai năm liên tục tăng trưởng trên 7%. Mức dự báo cả năm của chính phủ là từ 2 - 3%.

Đóng góp từ các lĩnh vực kinh tế trong quý IV/2020 cải thiện khi cuộc sống trở lại bình thường, mặc dù vẫn ở mức thấp hơn trước dịch COVID-19. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đóng góp chính cho tăng trưởng trong năm 2020, trong khi lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch và các biện pháp hạn chế xã hội, đặc biệt trong quý II.

Trong năm 2020, đóng góp của lĩnh vực công nghiệp tăng 1%, tương đương gần 1/3 tăng trưởng nguyên năm, trong khi đóng góp của dịch vụ giảm nhẹ ở mức 0,9%. Xu hướng này ngược lại với so với thời gian trước COVID-19 khi lĩnh vực dịch vụ là động lực tăng trưởng chính.

Các số liệu khác cũng cho thấy đà tăng trưởng kinh tế dần phục hồi. Xuất khẩu tăng 17,5% trong tháng 12 so với năm trước, trong khi nhập khẩu tăng mạnh 23,3%, và hoạt động ngoại thương phục hồi mạnh sau khi chạm đáy vào tháng 5.

Tính cả năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam tăng 6,4% (so với 8,1% năm 2019), nhập khẩu tăng 3,2%, với thặng dư thương mại tăng tới mức kỷ lục 19 tỷ USD.

Trong năm 2020, ba sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là điện thoại và linh kiện điện thoại (trị giá 50,9 tỷ USD, giảm 1% so với năm trước); máy tính và phụ kiện máy tính (44,7 tỷ USD, tăng 24,3% so với năm trước) và dệt may (29,3 tỷ USD, giảm 10,8% so với năm trước).

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,19% so với năm trước vào tháng 12, tính cả năm mức lạm phát trung bình là 3,2% (mức lạm phát gốc là 2,3%). Chính phủ tiếp tục đặt mức lạm phát trung bình ở mức 4% vào năm 2021.

“Mặc dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giảm 25% xuống mức 28,5 tỷ USD do hạn chế đi lại và tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục bơm thêm 6,4 tỷ USD vào các dự án FDI hiện tại, tương ứng với mức tăng 10,6% so với năm trước, hứa hẹn triển vọng tích cực trong thời gian tới”, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu, Ngân hàng UOB nhìn nhận.

Triển vọng tươi sáng tùy thuộc việc khống chế dịch bệnh trên toàn cầu

Việc khống chế sớm và thành công dịch COVID-19 ở trong nước cho phép các hoạt động kinh tế dần hồi phục tới mức “bình thường” ở Việt Nam, và điều này được phản ánh trong việc cải thiện tiếp theo của hàng loạt các chỉ số được công bố.

Trong khi xu hướng tăng của các hoạt động kinh tế tiếp tục trong năm 2021, triển vọng này phụ thuộc rất nhiều vào việc khống chế dịch bệnh trên toàn cầu cũng như việc giới thiệu các vaccine, cho dù một số các quốc gia và khu vực đang đối mặt với các đợt lây nhiễm nghiêm trọng hơn, cũng như sự xuất hiện các chủng virus mới lây lan mạnh hơn.

Việt Nam đã đồng ý mua 30 triệu liều vaccine chống COVID1-9 của hãng AstraZeneca và Chính phủ Việt Nam cũng có kế hoạch mua vaccine từ các nguồn khác nữa, điều này làm mạnh thêm năng lực quốc gia trong việc kiểm soát dịch bệnh ở trong nước. Tuy nhiên còn cần thời gian để triển khai do hạn chế nguồn cung, khó khăn về vận chuyển, cũng như hạn tầng cơ sở ngành y tế ở trong nước.

Những yếu tố khác thuận lợi cho Việt Nam bao gồm một loạt các hiệp định tự do thương mại giúp đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư. Trong số đó bao gồm hiệp định thương tự do thương mại EU – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020, hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và mới nhất là hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA).

Bên cạnh đó, nỗ lực hiện tại của Việt Nam trong việc chuyển đổi số và thúc đẩy thương mại, cũng như lực lượng lao động dồi dào và năng động là những nhân tố thích cực khác nữa đóng góp vào triển vọng tích cực của Việt Nam.

Tin bài liên quan