Vinaconex 2 (VC2): Đổi tên, phát hành 15 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn 15.000 đồng/CP

Công ty cổ phần Xây dựng số 2 (Vinaconex 2, mã VC2, sàn HoSE) chuẩn bị tăng vốn lớn nhất từ trước đến nay, với kỳ vọng cải thiện tình hình tài chính sau khi công ty mẹ là Tổng công ty Vinaconex đã thoái vốn.
Vinaconex 2 tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, từ 150 tỷ đồng hiện nay, lên 300 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm 15 triệu cổ phần

Vinaconex 2 tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, từ 150 tỷ đồng hiện nay, lên 300 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm 15 triệu cổ phần

Điều chỉnh lãi trên cổ phiếu

Vinaconex 2 vừa cho biết, trong thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất, Công ty xác định lại số lãi cơ bản trên cổ phiếu cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2018 dựa trên số trích quỹ khen thưởng, phúc lợi từ lợi nhuận năm 2018 đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên công ty mẹ và các công ty thông qua.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ không thay đổi ở mức 22,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong phần trình bày lại báo cáo tài chính, Công ty phải trích 8,9 tỷ đồng quỹ khen thưởng, phúc lợi, nên lợi nhuận phân bổ cho cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông giảm, chỉ còn hơn 14 tỷ đồng. Số tiền này phân bổ cho 15 triệu cổ phiếu phổ thông đang lưu hành, nên số lãi cơ bản trên cổ phiếu chỉ còn 935 đồng/cổ phiếu, thay vì mức 1.530 đồng/cổ phiếu như trong báo cáo trước đó.

Về kết quả kinh doanh, quy mô sản xuất hợp nhất của Công ty trong năm 2019 giảm nhẹ so với năm 2018 do khó khăn về công tác đấu thầu, tìm kiếm công việc. Tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.285,8 tỷ đồng, giảm 5,7% so với năm 2018. Tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 24,4 tỷ đồng, tăng 3,8% so với thực hiện năm 2018.

Đối với hoạt động của công ty mẹ, tổng giá trị sản xuất - kinh doanh đạt 75,7%, tổng doanh thu đạt 87,5%, lợi nhuận trước thuế đạt 101,1% so với kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông năm 2019 thông qua.

Ông Nguyễn Việt Cường, Tổng giám đốc Vinaconex 2 cho biết, việc Tổng công ty mẹ Vinaconex thoái vốn tại Vinaconex 2 đã tạo sự thay đổi cơ bản trong cơ cấu cổ đông. Việc này có tạo được sự chủ động trong triển khai hoạt động, nhưng cũng đặt ra một số khó khăn mới như nguồn vốn, tìm kiếm công việc…

Đổi tên công ty, tăng vốn gấp đôi

Trước bối cảnh hiện nay, Vinaconex đã đưa ra quyết định đổi tên từ Công ty cổ phần Xây dựng số 2 thành Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina 2. Tên viết tắt đổi từ Vinaconex 2 thành Vina2.

Ngoài ra, Vinaconex 2 cũng tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, từ 150 tỷ đồng hiện nay, lên 300 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm 15 triệu cổ phần. Giá phát hành được ủy quyền cho Hội đồng Quản trị quyết định, nhưng không thấp hơn 15.000 đồng/cổ phiếu và không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán. Theo đó, tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành sẽ không dưới 225 tỷ đồng.

Việc tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, nếu được thực hiện đúng phương án, sẽ tạo sự thay đổi đáng kể về cơ cấu vốn của Vinaconex 2. Theo đó, vốn chủ sở hữu của Công ty sẽ tăng từ 303,7 tỷ đồng hiện nay, lên ít nhất 528,7 tỷ đồng. Việc tăng vốn chủ hữu cũng sẽ làm thay đổi cơ cấu nợ.

Cụ thể, với quy mô nợ phải trả 1.668,5 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2019, tỷ lệ nợ của Công ty ở mức khá cao, chiếm tới 84% tổng nguồn vốn. Nhưng khi vốn chủ sở hữu tăng thêm ít nhất 225 tỷ đồng theo kế hoạch phát hành và nợ không tăng thêm, thì tỷ lệ nợ trên tổng nguồn vốn sẽ được giảm xuống tối đa chỉ là 76%. Điều này cũng sẽ giúp Công ty dễ tiếp cận, tìm kiếm đối tác để gia tăng doanh số, sản lượng trong tương lai.

Điều đáng chú ý là, việc huy động vốn, nếu thành công, sẽ tạo ra cho Công ty dòng tiền thuần gia tăng tương ứng số tiền tối thiểu 225 tỷ đồng. Giá trị khoản tiền này gấp đôi giá trị tài sản cố định của Công ty và đây là “dòng máu” rất có ý nghĩa cho doanh nghiệp trong việc giải quyết nhu cầu thúc đẩy hoạt động, mở rộng đầu tư.

Tin bài liên quan