Lưới điện tại Texas bị đóng băng do hiện tượng thời tiết cực đoan làm gián đoạn hoạt động sản xuất của 2 nhà máy Samsung tại Mỹ.

Lưới điện tại Texas bị đóng băng do hiện tượng thời tiết cực đoan làm gián đoạn hoạt động sản xuất của 2 nhà máy Samsung tại Mỹ.

VN-Index vượt 1.200: Vui thôi, đừng vui quá!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong cơn hưng phấn, nhà đầu tư rất cần có cái nhìn rộng hơn, vượt ra biên giới Việt Nam, để nhận diện sớm những nguy cơ tiềm ẩn đang chực chờ mình phía trước.

Những nỗ lực bền bỉ của nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, trong nhiều tuần qua cuối cùng cũng thành công khi chỉ số VN-Index đóng cửa trong phiên giao dịch hôm nay ở mức 1200.84 điểm.

Sở dĩ nói như vậy là bởi trong nhiều tháng qua nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục bán ròng do lo ngại về việc lãi suất tại Mỹ gia tăng cũng như rủi ro lạm phát gia tăng tại thị trường lớn nhất thế giới này do kinh tế Mỹ được dự báo sẽ phục hồi mạnh trong năm nay.

Giờ đây, có vẻ như áp lực tâm lý đối với nhà đầu tư Việt Nam đã phần nào được dỡ bõ, bởi lâu nay VN-Index đã nhiều lần chinh phục bất thành đỉnh lịch sử này.

Trên nhiều nhóm chat, nhiều môi giới và nhà đầu tư háo hức thúc giục nhau mua mạnh, thậm chí sử dụng hết room margin để mua vào cổ phiếu trong những ngày tới nhằm đón sóng tăng mới.

Thế nhưng trong cơn hưng phấn, nhà đầu tư rất cần có cái nhìn rộng hơn, vượt ra biên giới Việt Nam, để nhận diện sớm những nguy cơ tiềm ẩn đang chực chờ mình phía trước.

Samsung gặp khó do gián đoạn chuỗi cung ứng

Nhật báo Phố Wall ngày 18/3 trích dẫn lời của ông Koh Dong-jin, CEO của Samsung tại thị trường Mỹ cho biết, hoạt động sản xuất trong quý tới của đại gia sản xuất chip và điện thoại thông minh của thế giới này sẽ gặp khó khăn do tình trạng thiếu hụt linh kiện bán dẫn trầm trọng hiện nay.

Tờ báo này trích dẫn lời ông Koh, rằng tình trạng mất cân bằng cung - cầu về chip hiện nay đang là mối quan tâm hàng đầu của Samsung, khiến nhân viên và quan chức của tập đoàn phải bươn bả ra nước ngoài, bất chấp lệnh hạn chế đi lại, để bàn cách tháo gỡ vấn đề với các đối tác kinh doanh của tập đoàn.

Sở dĩ có tình trạng mất cân đối nói trên là do đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu về sản phẩm công nghệ của người dân gia tăng, trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu lại bị đứt gãy.

Với cơ sở sản xuất của Samsung tại Mỹ, sự việc còn trầm trọng hơn do hàng nhập khẩu bị ứ đọng tại các cảng của California và tình trạng mất điện của nhà máy Samsung ở bang Texas do điều kiện thời tiết cực đoan gây ra. Cho tới ngày hôm qua thì các nhà máy của Samsung tại đây vẫn chưa thể hoạt động lại.

Theo các nhà phân tích của Citi, hai nhà máy sản xuất chip tại Austin của Samsung hiện chiếm tới 28% tổng sản lượng chip của tập đoàn này.

Cần lưu ý rằng, theo số liệu thống kê của Việt Nam, tổng giá trị xuất khẩu của Samsung điện tử và các công ty con của Samsung tại Việt Nam năm 2019 là khoảng 59 tỷ USD, đóng góp hơn 22% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Có tới 50% điện thoại và máy tính bảng của Samsung được sản xuất tại Việt Nam.

Còn trong năm 2020, con số này là 57 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD so với năm trước đó nhưng lại cao hơn nhiều so với con số dự báo ban đầu là 45,5 tỷ USD.

Câu chuyện lãi suất tại thị trường Mỹ

Trong buổi họp báo ngày hôm qua sau phiên họp bàn về chính sách kéo dài 2 ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ cho tới khi nền kinh tế phục hồi một cách vững chắc.

Fed cam kết sẽ tiếp tục duy trì chính sách lãi suất qua đêm ở mức gần 0% và tiếp tục mua vào mỗi tháng 120 tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán có tài sản đảm bảo.

“Những biện pháp này được đưa ra nhằm đảm bảo rằng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế một cách mạnh mẽ cho tới khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn”, ông Jerome nhấn mạnh.

Đa số các quan chức tham dự cuộc họp chính sách của Fed có quan điểm rằng chính sách lãi suất siêu thấp nên được duy trì cho tới năm hết 2023. Trong khi đó 7 trong số 18 quan chức lại cho rằng có thể nâng lãi suất lên trong năm 2022 hoặc 2023.

Cần biết rằng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm mới chỉ quanh quẩn ở mức 1,1% hồi đầu tháng 2 nhưng đã đột ngột tăng lên 1,54% ngày 25/2 sau khi ông Powell trong một cuộc họp báo thậm chí không tỏ cho thấy cơ quan mà ông đứng đầu đã sẵn sàng hành động để kiềm chế lãi suất dài hạn.

Chưa dừng lại ở đó, lợi suất này tiếp tục tăng lên gần 1,6% ngày 8/3 - mức cao nhất trong vòng một năm, bất chấp việc Thượng viện Mỹ vừa phê chuẩn gói kích thích tài chính trị giá 1,9 nghìn tỷ USD vào ngày 6/3.

Những thực tế trên cho thấy, phản ứng của thị trường không phải lúc nào cũng đi đúng theo hướng mà các nhà hoạch định chính sách mong muốn và nguy cơ tiềm ẩn đối với thị trường chứng khoán vẫn đang hiện hữu.

Tin bài liên quan