Ảnh Internet

Ảnh Internet

Vụ kiện 10 năm, Quỹ Thành Việt phải bồi thường hơn 49,7 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau hơn 10 năm, vụ tranh chấp hợp đồng quản lý danh mục đầu tư giữa Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC, nay là Ngân hàng TMCP Đại Chúng) và CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Thành Việt (TVMC) đã đi đến hồi kết.

Theo hồ sơ, năm 2007, PVFC và TVMC ký 2 hợp đồng quản lý danh mục đầu tư số 40/2007 và 04/2008.

Hợp đồng số 40 thể hiện, PVFC giải ngân cho TVMC 50 tỷ đồng để đầu tư mua, bán chứng khoán. Thời hạn ủy thác là 6 tháng. TVMC cam kết bảo toàn vốn và thu nhập. Theo đó, nếu tỷ suất lợi nhuận danh mục đầu tư thực hiện nhỏ hơn hoặc bằng 20%/năm thì PVFC hưởng 15%/năm trên số tiền ủy thác. Nếu con số này lớn hơn 20% thì PVFC có thu nhập là 15%/năm trên số tiền ủy thác và 30% số lợi nhuận vượt quá 20% tổng lợi nhuận của danh mục.

Trong trường hợp TVMC không thực hiện đầu tư thì khi hoàn vốn sẽ trả chi phí là 0,9%/tháng trên số ngày thực tế nắm giữ vốn, trong trường hợp bất khả kháng sẽ là 0,2%/tháng.

Nếu lợi nhuận thực hiện nhỏ hơn hoặc bằng 20% thì bị đơn được hưởng phí hoạt động (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) theo công thức (R-Re) x M; nếu lợi nhuận thực hiện lớn hơn 20% thì phí hoạt động bằng (5% +70%*(R-20%) x M (trong đó R là tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng; M là số tiền ủy thác đầu tư).

Tương tự, hợp đồng số 04/2008, PVFC ủy thác đầu tư cho TVMC là 46,3 tỷ đồng.

Thực hiện hợp đồng, PVFC đã chuyển số tiền hơn 96 tỷ đồng. TVMC đã sử dụng số tiền trên đầu tư chứng khoán CTCP Thủy sản Sóc Trăng, CTCP Xây dựng 47, CTCP Hoàng Anh Gia Lai, CTCP Nhựa 04, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, CTCP Địa ốc Đà Lạt.

Tuy nhiên, quá thời hạn 6 tháng, TVMC không chuyển trả tiền ủy thác và lợi nhuận như cam kết.

Năm 2008, hai bên thỏa thuận là TVMC chuyển toàn bộ quyền sở hữu danh mục chứng khoán trên cho PVFC. Hai bên định giá lại thì số cổ phiếu trên có giá trị hơn 46,5 tỷ đồng. Ngày 23/9/2009, hai bên ký thỏa thuận thanh lý hợp đồng nhưng sau 2 năm, TVMC không trả lại tiền buộc PVFC khởi kiện ra tòa án.

Quá trình giải quyết đã trải qua nhiều năm do cơ quan tố tụng không thống nhất đường lối xét xử.

Theo đó, năm 2012, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lần thứ 1, tuyên bố 2 hợp đồng trên bị vô hiệu toàn bộ. TVMC phải trả lại cho PVFC số tiền 84,8 tỷ đồng. Còn PVFC phải hoàn trả lại cho TVMC danh mục và số lượng cổ phiếu. TVMC kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ở giai đoạn phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP.HCM lại tuyên bố 2 hợp đồng trên là hợp pháp, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của PVFC. Do đó, PVFC có đơn đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Năm 2017, Chánh án TAND Tối cao ban hành quyết định, hủy 2 bản án trên để xét xử lại. Đến năm 2020, tòa sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại lần 2 với quyết định tuyên bố 2 hợp đồng bị vô hiệu toàn bộ. TVMC phải bồi thường cho PVFC số tiền 49,7 tỷ đồng.

Không chấp nhận quyết định này, TVMC kháng cáo nên vừa qua, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm lần 2.

Căn cứ vô hiệu hợp đồng

Tại tòa phúc thẩm, đại diện TVMC cho rằng, hợp đồng số 40 và 04 không bị vô hiệu. Theo Điều 65, Nghị định số 144 của Chính phủ thì công ty có quyền quản lý danh mục đầu tư. TVMC cho rằng, thiệt hại xảy ra không phải là lỗi của mình. Hai hợp đồng trên chỉ bị vô hiệu một phần về thỏa thuận tỷ suất lợi nhuận do trái quy định tại khoản 1, Điều 73 Luật Chứng khoán.

Tuy nhiên tòa án cho rằng, ngày 23/8/2018, UBCK có công văn thể hiện vào thời điểm ký hợp đồng, TVMC chưa có chức năng kinh doanh “quản lý danh mục đầu tư”. Như vậy, hợp đồng số 40 và 04 bị vô hiệu toàn bộ theo Điều 128, Bộ luật Dân sự năm 2005.

Để giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu, tòa án thấy rằng, ngày 23/9/2009, TVMC đã chuyển quyền sở hữu danh mục cổ phiếu cho PVFC nhưng giá trị không còn như ban đầu và PVFC bị thiệt hại hơn 49,7 tỷ đồng.

Tòa phúc thẩm nhận định, TVMC có lỗi làm cho hợp đồng bị vô hiệu nên phải có trách nhiệm hoàn trả cho PVFC số tiền hơn 49,7 tỷ đồng.

Qũy Thành Việt được thành lập năm 2004 với số vốn ban đầu là 11 tỷ đồng rồi tăng vốn lên 88 tỷ đồng. Song đến cuối năm 2011, TVMC ghi nhận khoản lỗ lũy kế 83,54 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn 4,46 tỷ đồng. Năm 2013, công ty bị đình chỉ hoạt động do không đáp ứng điều kiện quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính. Theo dữ liệu của UBCK, hiện nay TVMC đã chấm dứt hoạt động.

Tin bài liên quan