WB: Kinh tế Việt Nam kỳ vọng hồi phục trở lại trong quý 4/2021

0:00 / 0:00
0:00
WB dự báo, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại vào quý 4/2021 và GDP ước tăng khoảng 4,8% trong năm nay, dù vẫn có những rủi ro đe dọa tăng trưởng.
WB: Kinh tế Việt Nam kỳ vọng hồi phục trở lại trong quý 4/2021

Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững lần thứ 8 (VCSF 2021), sáng 9/0, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề trực tuyến “Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép”.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD cho biết, sức khỏe doanh nghiệp đã suy giảm rõ rệt trong đợt dịch Covid-19 bùng phát từ đầu tháng 5 đến nay. Nguyên nhân chính là do đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước.

Tuy nhiên, vượt lên trên những thách thức, nhiều doanh nghiệp có sự cam kết mạnh mẽ, bền bỉ, kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững trong nhiều năm qua đã nỗ lực duy trì ổn định hoạt động kinh doanh, hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng trong việc thực hiện mục tiêu kép.

Hội thảo chuyên đề trực tuyến “Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép", WB dự báo kinh tế Việt Nam kỳ vọng hồi phục trở lại vào quý 4/2021.

Hội thảo chuyên đề trực tuyến “Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép", WB dự báo kinh tế Việt Nam kỳ vọng hồi phục trở lại vào quý 4/2021.

Đại diện cho Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp nhận định, việc kiểm soát được dịch bệnh và đẩy nhanh hoạt động tiêm vaccine đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2022 tại Việt Nam.

Phân tích kỹ hơn, bà Dorsati Madani nói: "Tăng trưởng kinh tế cũng sẽ phụ thuộc vào triển vọng phục hồi của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc, những khu vực đang chứng kiến sự phục hồi kinh tế, giúp tạo ra động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam".

WB dự báo, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại vào quý 4/2021 và GDP ước tăng khoảng 4,8% trong năm nay, tuy nhiên vẫn có những rủi ro đe dọa tăng trưởng.

"Các chính sách của Chính phủ có thể giúp giảm bớt các rủi ro trong trung và dài hạn đối với nền kinh tế, như tập trung giải quyết các hệ quả xã hội của khủng hoảng; cảnh giác với những rủi ro trong việc nợ xấu gia tăng và chuyển rủi ro từ nền kinh tế thực sang khu vực tài chính cũng như cần cảnh giác với những rủi ro tài khóa", bà Dorsati Madani lưu ý.

Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam đã tác động sâu sắc lên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả ngành công nghiệp đồ uống và thực phẩm đóng gói. Các doanh nghiệp đã nỗ lực hết mình nhằm đảm bảo tính liên tục của hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng.

Theo ông Binu Jacob, để vượt qua những thách thức này cần ưu tiên tiêm phòng đầy đủ cho tất cả công nhân và nhà thầu làm việc trong các nhà máy sản xuất đồ uống và thực phẩm thiết yếu; Doanh nghiệp cần được trao quyền tự quyết trong việc áp dụng mô hình phòng chống Covid-19 tại các nhà máy dựa trên các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, các quy định liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương cần được đơn giản hóa và thống nhất với chỉ đạo từ Trung ương.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Hội đồng Thành viên kiêm Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại AEON Việt Nam cho rằng, phát triển bền vững không chỉ là kim chỉ nam trong trạng thái ổn định mà còn đóng vai trò quan trọng dẫn dắt doanh nghiệp thích ứng và phục hồi khi đối mặt với khủng hoảng.

Để phục hồi sau đại dịch, theo bà Huệ, AEON Việt Nam đang đẩy nhanh chuyển đổi số. Đây cũng là giải pháp được nhiều doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ trong bối cảnh kinh doanh thời đại dịch. Đơn cử, về cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp thực hiện chữ ký số, hệ thống quản trị doanh nghiệp số, quản lý đơn đặt hàng đến nhà cung cấp, xây dựng hệ thống quản trị khách hàng trên nền tảng Cloud giúp tối ưu hoá trải nghiệm khách hàng.

Đối với phương thức vận hành, doanh nghiệp này ứng dụng di động Aeon và các phương thức mua sắm đa kênh; thanh toán điện tử; quản lý thanh toán tự động; ứng dụng AI và machine learning để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Đại biểu quốc hội Phan Đức Hiếu gợi ý, dịch bệnh khiến các doanh nghiệp phải nhìn lại chiến lược kinh doanh và đặt ra mục tiêu về phát triển bền vững. Theo ông, không chỉ các doanh nghiệp lâu năm mà cả doanh nghiệp mới thành lập cũng nên lưu ý điều này, bởi phát triển bền vững là vì chính lợi ích “tăng thêm” của doanh nghiệp.

Bản chất bền vững là tiết kiệm, là hiệu quả trong sử dụng nguồn tài nguyên cũng như tăng khả năng chống chọi lại tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải hoặc nên làm đó là tạo ra thói quen tiêu dùng bền vững, xanh..., phù hợp với chính sách của các nước đánh thuế đối với sản phẩm có nguy cơ ô nhiễm môi trường, thúc đẩy sản xuất xanh…

Ông Hiếu dẫn chứng, EU đang đề xuất đánh thuế carbon với nhiều mặt hàng nhập khẩu, đồng nghĩa với nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất sang EU phải đáp ứng tiêu chuẩn về phát thải, nếu không sẽ bị áp thuế cao và gặp nhiều bất lợi. Dịch bệnh cũng là lúc doanh nghiệp tính đến tái cấu trúc để có thể hấp thụ được các chính sách của Chính phủ như:; gói kích thích phục hồi kinh tế, gói tín dụng xanh. Doanh nghiệp phải thay đổi mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh theo mức độ dần dần cân bằng lợi ích và chi phí.

Tin bài liên quan