Nếu coi doanh nghiệp là một cỗ xe, thì động cơ là tinh thần doanh nghiệp, tay lái là văn hóa doanh nghiệp và bánh xe là công nghệ 4.0.

Nếu coi doanh nghiệp là một cỗ xe, thì động cơ là tinh thần doanh nghiệp, tay lái là văn hóa doanh nghiệp và bánh xe là công nghệ 4.0.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời 4.0

(ĐTCK) “Bão” cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những mô thức kinh doanh mới. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia, doanh nhân nhìn nhận, văn hóa doanh nghiệp sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua các cú sốc thị trường, đồng thời vượt “bão” 4.0 thành công. Báo Đầu tư Chứng khoán trao đổi với bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội (HNEW), Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam.

Góc nhìn của bà về văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là gì?

Thời nào cũng vậy, văn hóa doanh nghiệp vẫn luôn được coi là yếu tố khẳng định năng lực cạnh tranh, cam kết phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.

Bà Hà Thu Thanh .

Văn hóa dẫn dắt chiến lược và chiến lược thực hiện trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Như vậy, rõ ràng yếu tố xây dựng chiến lược cần phù hợp trên nền tảng văn hóa và văn hóa sẽ dẫn dắt thành công của chiến lược đó.

Như câu nói của Franklin Covey - tổ chức tư vấn và đào tạo hàng đầu của Mỹ: “Nếu chiến lược là hạt, thì văn hóa là đất. Nếu đất tốt thì hạt sẽ nở hoa, dù hạt có tốt đến mấy nhưng đất (văn hóa) không tốt thì chiến lược cũng khó có thể thành công…”. Thời nào cũng vậy, văn hóa luôn là yếu tố dẫn dắt thành công của chiến lược và phản ánh các giá trị của chiến lược đó một cách lâu dài. 

Có ý kiến cho rằng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp chủ yếu là vấn đề của các doanh nghiệp lớn, còn với doanh nghiệp vừa và nhỏ, lo “sống” được đã khó, đâu có thời gian và nguồn lực để thực hiện?

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đi nhanh và nắm bắt cơ hội của xu thế 4.0, nếu thực sự nhận thức được rằng văn hóa doanh nghiệp là giá trị cốt lõi quyết định năng lực cạnh tranh riêng của doanh nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0.

Tôi rất tâm đắc với quan điểm của Franklin Covey: “Đối thủ của bạn có thể sao chép tất cả mọi thứ, từ chiến lược, sản phẩm, hệ thống, quy trình, cho đến bí quyết công nghệ…, chỉ trừ một thứ duy nhất họ không thể sao chép hay ăn cắp được, đó chính là văn hóa doanh nghiệp của bạn”.

Có thể thấy, văn hóa doanh nghiệp là bản sắc riêng, là tư tưởng và niềm tin phát triển của doanh nghiệp. Đó luôn là năng lực cạnh tranh và sức mạnh riêng có để các doanh nghiệp phát triển mạnh, bền vững, không chỉ trong hiện tại mà đặc biệt là trong kỷ nguyên 4.0 với những ứng dụng công nghệ cao và sự sao chép có thể chỉ trong tích tắc.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời 4.0 tốt sẽ giúp hài hòa và tạo sự hợp tác, tương tác tốt giữa con người với robot trong công việc. Từ đó, doanh nghiệp tận dụng được cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Robot khó có thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng của con người là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối…, nhưng sẽ giúp thúc đẩy năng suất và hiệu quả lao động.

Doanh nghiệp có phát triển bền vững trong thời kỳ 4.0 hay không sẽ không chỉ dựa trên đầu tư vào công nghệ, mà còn cần dựa trên sự đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp.

Đó sẽ trở thành xu thế mới mà các doanh nghiệp cần thực sự chú trọng cho chiến lược đầu tư của mình. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần nhận thức văn hóa doanh nghiệp là yếu tố vô quan trọng trong quản trị công ty, là tinh thần cốt lõi, dẫn dắt doanh nghiệp bền vững trong kỷ nguyên 4.0. 

Để thành công trong bồi đắp văn hóa doanh nghiệp, theo bà, doanh nghiệp cần bắt đầu từ đâu?

Rất nhiều doanh nghiệp thực sự mong muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nhưng họ đã không thành công, hoặc chưa thành công như nó phải có. Rất nhiều doanh nghiệp chỉ có mô hình văn hóa trên giấy, mà không thể đi vào thực tiễn.

Nếu coi doanh nghiệp là một cỗ xe, thì động cơ là tinh thần doanh nghiệp, tay lái là văn hóa doanh nghiệp và bánh xe là công nghệ 4.0. 

Có 3 yếu tố tác động đến việc xây dựng mô hình văn hóa doanh nghiệp.

Đầu tiên là tư tưởng lãnh đạo và tầm nhìn. Đây là yếu tố sẽ dẫn dắt doanh nghiệp đi về đâu.

Thứ hai là giá trị niềm tin. Sau 5, 10 năm sau, đội ngũ lãnh đạo ở đâu, người lao động ở đâu và niềm tin được trao gửi vào đâu?

Thứ ba là mô hình quản lý. Có rất nhiều câu chuyện về mô hình quản trị gắn với nhà lãnh đạo, mà ở đó, tư duy và tầm nhìn nhà lãnh đạo sẽ quyết định văn hóa của doanh nghiệp đó như thế nào.

Tầm nhìn không phải điều gì xa vời, mà đó là cách lãnh đạo doanh nghiệp dẫn dắt đội quân về tương lai. 5 năm, 10 năm nữa, doanh nghiệp sẽ ở đâu, bạn sẽ là ai trong doanh nghiệp, để nhân viên có thể trao gửi niềm tin, để gắn bó, cống hiến và xây dựng niềm tin lẫn nhau.

Giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp là giá trị của niềm tin, để từ đó tạo ra những giá trị sống và giá trị cống hiến, rồi mới thể hiện ra các giá trị bên ngoài là hành vi ứng xử, tương tác giữa con người với nhau. 

Khi doanh nghiệp thành công trong xây dựng văn hóa thời 4.0, thì giá trị của công ty được nâng lên như thế nào?

Đầu tiên và trước hết, văn hóa là thứ để bảo tồn, duy trì những giá trị của doanh nghiệp đang có và tạo thành nền tảng phát triển cho doanh nghiệp.

Trong thời kỳ 4.0, tư tưởng của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi, tập trung vào đào tạo con người, phải tự lãnh đạo chính mình và trợ giúp nhân viên lãnh đạo mình.

Và như tôi đã nói ở trên, một chiến lược hay thì cần một nền văn hóa tốt. Bây giờ, hơn lúc nào hết, từng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong chiến lược phát triển của mình, bởi phát triển kinh doanh mà không có nền tảng văn hóa, nhưng lại áp dụng công nghệ 4.0, thì có thể là một thảm họa, bởi cuộc cách mạng này có thể thay đổi cả ông chủ, cả doanh nghiệp lúc nào mà ta không nhận ra.

Thiếu văn hóa thì doanh nghiệp như ngôi nhà thiếu trụ cột

Nếu coi doanh nghiệp như ngôi nhà, thì văn hóa doanh nghiệp và công nghệ 4.0 đều là những trụ cột. Nếu coi doanh nghiệp là một cỗ xe, thì động cơ chắc chắn là tinh thần doanh nghiệp, tay lái là văn hóa doanh nghiệp và bánh xe là công nghệ 4.0.

Nếu văn hóa là ngọn đuốc soi đường, thì xây dựng văn hóa là hành trình thắp lửa. Không ai khác, chính là các doanh nhân, nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải là người thắp lửa.

Thiếu văn hóa thì doanh nghiệp như ngôi nhà thiếu trụ cột, như cỗ xe không có tay lái, như hành trình thiếu ngọn đuốc soi đường.

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển không ngừng của công nghệ, mà robot chính là đại diện cho trí tuệ nhân tạo thông minh do con người tạo ra, có thể thay thế con người và nâng cao năng suất lao động bởi robot có những bộ kỹ năng cơ bản, bộ nhớ kinh điển.

Sự tương tác và cảm nhận giữa con người với con người và với robot để hướng đến một giá trị mục tiêu lâu dài, ở đó đạo đức và niềm tin là giá trị riêng có của con người mà robot không có được.

Khi đó, văn hóa doanh nghiệp thời 4.0 sẽ khác hơn so với thời kỳ trước đó, bởi vai trò quan trọng của nó là tạo dựng giá trị niềm tin chung vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong môi trường với sự tham gia của các chủ thể đa dạng (con người và robot), cũng như sự tương tác đa chiều hơn giữa các chủ thể này.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Văn hóa doanh nghiệp là làm khách hàng tin cậy nhất

Chúng tôi bắt đầu kinh doanh bằng việc đi vào lĩnh vực khó nhất là sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử. Đến nay, với 6 nhà máy, trong đó có 2 máy công nghệ cao với 70 robot hoạt động, chúng tôi là đối tác của các doanh nghiệp khó tính hàng đầu thế giới như Canon, Samsung và đang gia công cho một đơn vị của Apple.

Từ kinh nghiệm phát triển cũng như những thành công ban đầu trong quá trình hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, tôi cho rằng, văn hoá doanh nghiệp không phải là thưa, gửi, cúi chào…, mà là tiếp cận khách hàng nhanh nhất, chính xác nhất, làm khách hàng tin cậy nhất.

Tôi có thể thuê nhân sự giỏi của nước ngoài điều hành công ty, nhưng họ không thể thay tôi xây dựng, bồi đắp giá trị văn hóa doanh nghiệp, mà tự tay tôi phải làm việc này.

Bà Nguyễn Thị Bảo Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê 

Tin bài liên quan