Chủ tịch CEN Group Nguyễn Trung Vũ: Đừng "hoang tưởng" với công nghệ bất động sản

Chủ tịch CEN Group Nguyễn Trung Vũ: Đừng "hoang tưởng" với công nghệ bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chủ tịch CEN Group Nguyễn Trung Vũ cho rằng, bí quyết thành công rất đơn giản, đó là “hiểu khách hàng muốn gì” và hiểu được một tệp khách hàng đủ lớn để trở nên vĩ đại là giấc mơ của người CEN Group.

Đừng “hoang tưởng” với công nghệ bất động sản

Kết thúc quý đầu năm nay, CEN Land - con át chủ bài của CEN Group - ghi nhận doanh thu lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, gần bằng cả năm 2020; lợi nhuận cũng tăng tới 190,2% so với cùng kỳ.

Cùng với những con số gây sốc này, nhà đầu tư đang khá hào hứng với thông tin CEN Land vừa tăng gấp đôi nhân sự bán hàng, với mục tiêu trở thành nhà phân phối bất động sản lớn của Vinhomes với doanh thu 1 tỷ USD.

Với các nhà đầu tư, đó là những bước đi thần tốc của một doanh nghiệp thuần môi giới, nhưng ngược lại, Chủ tịch CEN Group Nguyễn Trung Vũ lại tự nhận xét rằng, mình là một doanh nhân rất thận trọng, không hề đốt cháy giai đoạn.

“Năm ăn năm thua không phải tính cách của tôi. Những điều mà nhà đầu tư, cổ đông đang thấy là kết quả của quá trình dài quan sát, chuẩn bị từ rất lâu trước đó”, ông Vũ chia sẻ và nói thêm rằng, một vài năm tới, mọi người sẽ thấy ngạc nhiên khi CEN Group có những bước tiến đột biến, nhưng nếu ở trong cuộc, chứng kiến những nền tảng đã được chuẩn bị từ lâu và luôn được giữ kín thì lại thấy rất bình thường.

“Người ta có thể bắt chước được việc mình làm, chứ không thể bắt chước được điều mình nghĩ”, ông Vũ tiết lộ lý do CEN luôn “thận trọng” khi thông tin về những kế hoạch sắp tới, dù điều này có thể khiến cổ phiếu chưa được định giá đúng trên thị trường.

Thực tế, đã từ lâu, theo ông, CEN Group đã không còn là một đơn vị môi giới đơn thuần theo kiểu “tìm hàng, rao hàng, lock hàng, nhận cọc rồi thanh toán hoa hồng”, mà đã trở thành một doanh nghiệp dịch vụ bất động sản.

“Thần tượng của tôi là Capital Land - chỉ làm dịch vụ bất động sản nhưng có tổng tài sản lên tới 500 tỷ USD. Làm sao để họ đạt được điều ấy?” - Nguyễn Trung Vũ đặt câu hỏi và tự trả lời rằng, mấu chốt là nắm dữ liệu khách hàng, quyền lực sinh ra từ việc hiểu khách hàng nghĩ gì, muốn gì và khi hiểu được một tệp khách hàng đủ lớn, anh sẽ trở thành những doanh nghiệp vĩ đại.

“Hãy nhìn Alibaba, Google, Apple, Facebook…, những doanh nghiệp vĩ đại nhất đều là những công ty nắm dữ liệu khách hàng nhiều nhất”.

Hãy nhìn Alibaba, Google, Apple, Facebook…, những doanh nghiệp vĩ đại nhất đều là những công ty nắm dữ liệu khách hàng nhiều nhất

Ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT Cen Group

Ông Vũ cho rằng, thực tế thị trường Việt Nam đã có những nhà phát triển dự án rất tốt, rất tầm cỡ như Vinhomes, như Novaland, nếu CEN Group cũng đi theo hướng này thì rất dễ “lẽo đẽo” theo sau, bởi “bất cứ một sự bắt chước nào cũng khó vượt lên nguyên mẫu”. Vì vậy, làm dịch vụ bất động sản là “mảnh đất rộng bao la” để CEN Group thi thố tài năng.

Tất nhiên, như Nguyễn Trung Vũ thừa nhận, làm dịch vụ bất động sản không hề đơn giản, vì đó cũng phải là một hệ sinh thái dịch vụ mà trong đó “chạm” tới khách hàng chỉ là điều kiện cần, chạm tới nhu cầu của khách hàng, thậm chí có thể tạo ra những nhu cầu đó ở cấp độ xu hướng mới có thể gọi là thành công.

“Trên thế giới, người hiểu khách hàng còn quyết định xu hướng sản xuất vì họ bắt được trend”.

Với ngành bất động sản, theo ông Vũ, mô típ truyền thống là một ông chủ đầu tư có vài ngàn sản phẩm, ông gọi vài ba nhà môi giới vào bàn bạc chi phí, hoa hồng rồi chia nhau bán; nay thì người làm dịch vụ sẽ theo từ đầu, thậm chí tư vấn cho chủ đầu tư cơ cấu sản phẩm nên như thế nào thì ra thị trường mới ổn.

“Dịch vụ bất động sản ngày càng hay ở chỗ đó”, ông nói và kể câu chuyện rất thú vị rằng, có chủ đầu tư làm một dự án hỗn hợp rất lớn ở phía Tây Bắc Hà Nội nhưng nhiều năm vẫn ế dài. Khi CEN Group vào, tư vấn thay đổi cơ cấu sản phẩm, giảm diện tích, giảm giá bán…, sau đó dự án bán ầm ầm. Nhưng hơn tháng sau, thấy bán chạy quá, ông chủ tiếc của, phanh lại để tăng giá, giờ lại ế dài...

Khẳng định tầm quan trọng của việc nắm dữ liệu khách hàng và tiết lộ trong tháng 5 này Cenhomes.vn sẽ ra mắt hai nền tảng công nghệ môi giới thuộc loại hiện đại nhất hiện nay, nhưng Nguyễn Trung Vũ lại có cái nhìn khá “tỉnh táo” khi cho rằng, mua bán bất động sản là một ngành mà còn rất lâu nữa, thậm chí chẳng bao giờ công nghệ thay thế được con người.

“Mobile Internet đang len lỏi vào mọi ngõ ngách, chiếc smartphone như chiếc thảm thần Ba Tư có thể đưa ta chu du mọi nơi, nhưng về đến nhà mình vẫn phải là cái nhà thực, mảnh vườn thực với những cảm xúc thực”, ông Vũ ví von và cho rằng, những tính năng tuyệt vời của công nghệ sẽ giúp người mua và người bán dễ dàng “chạm nhau” hơn thôi, chứ bất động sản là một sản phẩm đời người nên khi mua, người ta muốn sờ thấy được, nhìn ngắm được và cần có niềm tin với nó.

“Có thể Tiki, Lazada… bán hàng tiêu dùng trực tuyến rất tốt, nhưng trên thế giới này, bạn chỉ cho tôi xem đã có ông nào bán được bất động sản chỉ bằng công nghệ chưa? Đừng ngộ nhận công nghệ có thể thay thế được người môi giới, đó là ảo tưởng”, ông Vũ nói.

Thế giới đang thay đổi kinh khủng

“5 - 10 năm nữa, cửa hàng mặt phố sẽ biến mất” - Nguyễn Trung Vũ khẳng định. Lý do, theo ông, khi các “cửa hàng ảo” ngày càng thực đến mức các ngôi nhà mặt phố không thể cạnh tranh bán hàng được nữa thì… “mặt phố chỉ còn mỗi chức năng hứng bụi”.

"Theo khảo sát của CEN, chỉ trong 5 năm qua, giá thuê nhà mặt phố lớn ở Hà Nội giảm 50 - 70%”, ông Vũ nói để minh chứng rằng thế giới nói chung và thị trường địa ốc đang thay đổi từng ngày. Ông kể thêm rằng, một thành viên Ban lãnh đạo CEN Group từng được ông cấp nhà nội đô, vừa xin phép chuyển lên phía cuối Hòa Lạc ở một căn hộ điền viên hơn, để được trồng cây, tưới hoa và công nghệ cho phép họ không gián đoạn gì về công việc và cuộc sống.

“Đó là việc mà cách đây vài năm cậu ta không hề nghĩ đến, nhưng người làm dịch vụ bất động sản với lợi thế hiểu khách hàng sẽ phải nhận ra xu hướng đó từ sớm hơn”. Và theo ông Vũ, không chỉ trong ngành bất động sản, Tesla mới xuất hiện nhưng ngay lập tức dẫn đầu thế giới, vì họ cho khách hàng thấy được mô hình kinh doanh trong tương lai, thậm chí cao hơn, mô hình vận hành của cuộc sống trong tương lai.

“Cách đây 4 năm, đọc cuốn sách của Elon Musk, tôi đã dự đoán với anh em rằng ông này sẽ sớm trở thành người giàu nhất thế giới bởi những tư tưởng rất đột phá, cách mạng. Chẳng hạn, rồi đây khi pin xe điện rẻ và bền đến mức không tưởng, Tesla và nhiều cái tên khác, trong đó có Vinfast sẽ… phá hủy ngành công nghiệp ô tô truyền thống”.

Bản thân CEN Group, theo tiết lộ của Chủ tịch Nguyễn Trung Vũ, cũng đang đầu tư rất mạnh vào việc sản xuất pin xe điện và trạm sạc với tư duy “làm dịch vụ cho những người khổng lồ cũng là cách để trở nên khổng lồ”. Thực tế, tháng 7/2019, CEN Group đã công bố đầu tư cùng Powercentric trong dự án phát triển dự án pin thông minh Mopo.

“Các bạn ấy đang sản xuất rất tốt, giờ chỉ thiếu khâu bán hàng thôi và đó chính là thế mạnh của CEN”, ông Vũ cho biết.

Tự cho rằng cá nhân mình “bán hàng không được nhiều tiền”, nhưng có thời gian và khả năng quan sát việc bán hàng để nắm bắt “trend” của xã hội, nghiên cứu hành vi của người dùng, Nguyễn Trung Vũ cho rằng, điều quan trọng nhất là phải tìm ra những “điểm chạm” thật đơn giản, dễ chịu cho người dùng và khi đó anh sẽ có quyền lực của người nắm đầu ra.

“Tại sao Tiktok bành trướng kinh thế khi chỉ 1-2 năm trước ta còn coi nó là cái app trẻ con, vì nó rất phê, rất nhanh, rất thú vị, người sử dụng ngày càng "lười biếng" nên cần phục vụ họ càng đơn giản, dễ dàng càng ăn khách”.

Tôi sẽ sớm là doanh nhân tỷ đô

“Nói ra điều này các bạn không tin đâu, đến bà xã còn bảo tôi chém gió cơ mà. Nhưng tầm nhìn của tôi năm CEN Group 20 tuổi, tức là còn 2 năm nữa, Tập đoàn sẽ phải là doanh nghiệp tỷ đô; năm CEN 25 tuổi, tôi sẽ thành tỷ phú đô la”, ông Vũ chia sẻ rất nghiêm túc, dù nói rằng, nhu cầu của mình chẳng mấy cao, hiện vẫn ở nhà chung cư, cái xe chạy hàng ngày cũng chẳng phải siêu xe, nhưng đó là sự tự trọng cá nhân phải đạt tới.

Muốn phát triển thần tốc, CEN “phải kể những câu chuyện mới và làm những gì ra tấm ra món”, nhưng quan trọng hơn, theo ông Vũ, nguyên tắc quản trị của ông là “người thuyền trưởng” bao giờ cũng phải nắm cổ phần chi phối để đảm bảo có quyền quyết định những quyết sách mang tính bước ngoặt và giữ niềm tin với cổ đông, nhà đầu tư “rằng tôi đang làm cho mình, cho tài sản của mình cùng với tài sản của cổ đông khác”.

“Tôi cam kết, ai đi theo mình thì có tiền, nhưng sở hữu doanh nghiệp thì bao giờ tôi cũng phải nắm trên 51%”, ông Vũ nói.

Rất mê cuốn sách “Từ Tốt Đến Vĩ Đại" của Jim Collins, Nguyễn Trung Vũ cho rằng, trong đó có một quan điểm quản trị rất hay là, khi bàn bạc cần rất dân chủ, nhưng khi đã bắt tay vào làm thì cần sự quyết liệt, thậm chí quyết đoán.

“Khi đã lên thuyền thì không cãi nhau nữa, ông nào cãi nhau thì ném xuống sông luôn”, Nguyễn Trung Vũ kết luận.

Tin bài liên quan