Cuộc khảo nghiệm bản lĩnh doanh nhân

Cuộc khảo nghiệm bản lĩnh doanh nhân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 là môi trường khảo nghiệm tinh thần và bản lĩnh lãnh đạo doanh nghiệp, bất kể quy mô lớn hay nhỏ.

Những lời cam kết với đất nước

Rất đông nhà đầu tư đã đến dự Đại hội đồng cổ đông 2020 của Công ty Chứng khoán SHS, bởi họ được gặp ông Đỗ Quang Hiển và trò chuyện cởi mở với ông, thậm chí phản biện gay gắt về nhiều vấn đề như họ đã từng làm ở Đại hội 2019.

Như thường lệ, ông Hiển có mặt tại Đại hội từ rất sớm, trong bộ vest đen, áo sơ mi vàng quen thuộc,  khác xa với tưởng tượng của nhiều người về một ông chủ lớn đi đâu cũng phải “tiền hô hậu ủng”.

Sự cầu thị trước các cổ đông cùng với việc chèo lái tích cực để ứng phó với môi trường kinh doanh nhiều thay đổi của dàn lãnh đạo SHS đã nhận được thiện cảm của đông đảo cổ đông. Do đó, phần trao đổi thảo luận diễn ra rất êm ả.

Trải lòng với các cổ đông và báo giới, ông Hiển nói: “Virus Corona gây ra những khó khăn, thử thách rất lớn, nhưng cũng giúp các nhà quản lý doanh nghiệp nhìn ra mình thiếu gì, cần gì và phải thay đổi điều gì”.

Rồi ông nói thêm: “Vừa rồi, tôi có thời gian đánh giá lại các chiến lược, lĩnh vực, hệ thống quản trị và thấy đây là thời điểm cần cấu trúc lại hệ thống, xoay chuyển tập trung cho công nghệ, đón nhận tiềm năng sức bật mới”.

Cùng tâm thế đó, doanh nhân Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho rằng, dịch bệnh là cơ hội để hoàn thiện công tác quản trị bộ máy từ Tập đoàn đến các công ty thành viên của BRG.

“Thường khi chúng ta phát triển nóng, bộ máy sẽ phình to ngay và để đạt được mục tiêu kinh doanh đặt ra, chúng ta đôi khi phải chấp nhận điều này. Nhưng nay, chúng ta có cơ hội để đánh giá, điều chỉnh, sắp xếp và tinh gọn lại, áp dụng những thành tựu quản trị mới của cuộc cách mạng 4.0 để hiệu quả hơn trong mô hình vận hành của mình”, bà Nga nói.

Cuộc khảo nghiệm bản lĩnh doanh nhân ảnh 1

Theo bà Nga, ước tính đại dịch đã gây thiệt hại khoảng hơn 1.000 tỷ đồng cho hệ thống kinh doanh khách sạn, sân golf và một số mảng kinh doanh của BRG tới thời điểm này. Tuy nhiên, Tập đoàn đã chủ động thích ứng, chuyển hướng kinh doanh.

Cụ thể, BRG đã nhanh chóng chuyển hướng trọng tâm từ những mảng còn đang gặp khó khăn như du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ… sang các mảng có nhiều điểm sáng như bán lẻ, sản xuất nông nghiệp, khẩu trang, dược phẩm.

Từ những ngày đầu tháng 4, Tập đoàn đã mở mới hàng chục siêu thị Hapro Food thuộc BRGMart tại các địa điểm trung tâm Hà Nội. Đến cuối năm, BRG đặt mục tiêu sẽ có 100 cửa hàng. Các siêu thị này cam kết luôn ổn định về nguồn hàng và giá cả.

Ngày 18/8 vừa qua, siêu thị Fujimart thứ 2, sản phẩm liên doanh với Sumimotor đã chính thức được khai trương tại Hà Nội. Đây là siêu thị có quy mô lớn trên diện tích 1.000 m2 với 10.000 mã hàng.

“Ở những mảng kinh doanh gặp khó vì Covid-19 như du lịch, dịch vụ, chúng tôi vẫn duy trì các hoạt động ở mức tối thiểu nhưng cố gắng tối đa đảm bảo đời sống của người lao động. Tập đoàn cũng thường triển khai các chương trình nội bộ để động viên tinh thần người lao động. Ngoài ra, chúng tôi cũng chủ động lên các kế hoạch sale – marketing, khuyến mại và cơ sở vật chất tốt nhất để đón được lượng khách hàng khi thị trường quay trở lại”, bà Nga chia sẻ.

Bà nói rằng, Covid-19 là phép tính nhân, chứ không phải phép tính cộng giữa dịch SARS 2003 và khủng hoảng kinh tế gần 10 năm trước. Nói như vậy bởi dịch SARS là khủng hoảng cục bộ về sức khỏe, và khủng hoảng tài chính 2008 - 2009 cũng chỉ mang tính cục bộ về kinh tế. Còn trong năm nay, đại dịch Covid-19 được dự đoán sẽ là sự kết hợp của hai khủng hoảng này.

Cuộc khảo nghiệm bản lĩnh doanh nhân ảnh 2

Với doanh nhân Đỗ Quang Hiển, ông chia sẻ cái tâm rất thật: Các doanh nghiệp khi đầu tư đều tính đến lợi ích, nhưng với các tập đoàn lớn, ngoài mục tiêu đó, đều có một tâm huyết là cống hiến những lĩnh vực mà đất nước đang cần, người dân đang cần và đưa doanh nghiệp mình vươn tầm để có thể cạnh tranh các tập đoàn lớn của thế giới.

“Chúng tôi đều có lòng tự tôn dân tộc. Bây giờ, chúng tôi không chỉ nghĩ đến làm giàu cho bản thân, mà mong muốn làm giàu cho mọi người, cho đất nước”, ông Hiển trải lòng.

Người đứng đầu Tập đoàn T&T chia sẻ, Tập đoàn đang ấp ủ triển khai những dự án với slogan “Tinh hoa thế giới với văn hóa Việt Nam”. Đây là những dự án vừa tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước, vừa góp phần thu hút du khách nước ngoài tới Việt Nam.  

Tâm tư người chủ thời đại dịch

Bản lĩnh doanh nhân lớn còn thể hiện ở những câu chuyện khác. Chủ động ứng phó với những bất ổn do Covid-19 gây ra, Vingroup - tập đoàn có quy mô hàng đầu Việt Nam - thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, quản lý chặt chẽ chi tiêu và đầu tư mở rộng, tối ưu hoá hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực hiện có.

Năm nay, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu tăng 12%, còn lợi nhuận giảm 35% so với năm 2019, đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Tập đoàn đang đặt quyết tâm vượt kế hoạch kinh doanh đề ra.

Cuộc khảo nghiệm bản lĩnh doanh nhân ảnh 3

Bà Lê Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup kể lại, khi Covid-19 diễn ra cao điểm ở Việt Nam, đã có những nhân sự ở VinFast nói với ông Phạm Nhật Vượng rằng công ty đang gặp khó khăn nên họ sẵn sàng không nhận lương. Điều này khiến ông Vượng rất cảm động, song quan điểm của ông Vượng là “dù phải ở nhà gần 2 tháng, chúng ta vẫn phải trả lương đủ và hỗ trợ hết mình cho nhân viên, bởi vì họ vẫn phải lo cho gia đình”.

Lãnh đạo Vingroup khẳng định, tập đoàn này không lựa chọn phương án giảm lương để vượt qua dịch bệnh. Điều này đã mang đến những kết quả rất tốt, đặc biệt là nhận được sự trung thành tuyệt đối của nhân viên sau đó.

Niềm tự hào dân tộc, khát khao cống hiến cho đất nước luôn chảy trong huyết quản những doanh nhân lớn

Còn ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Công ty cổ phần May Sông Hồng thì chia sẻ về những áp lực của người chủ doanh nghiệp: “Làm việc luôn căng thẳng, không ngơi nghỉ 12-14 giờ mỗi ngày là chuyện bình thường. Nếu không có những phút giây hắt héo ruột gan vì lo thiếu hàng hóa, không đủ việc làm để công nhân thu nhập thấp... hẳn rằng đó không phải là người chủ doanh nghiệp!”.

Ở thời điểm đầy thách thức này, dấu ấn người lãnh đạo càng có vai trò lớn. Chiến lược kinh doanh, chiến lược phát triển của doanh nghiệp có phù hợp và đúng định hướng hay không một phần được dẫn dắt bởi tinh thần doanh nhân, bản lĩnh doanh nhân.

Cuộc khảo nghiệm bản lĩnh doanh nhân ảnh 5

Bàn về dấu ấn người đứng đầu ở mỗi doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, bên cạnh những phẩm chất cần có như tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nhanh nhạy trong kinh doanh thì doanh nhân cần có đạo đức, có tâm trong sáng, xây dựng nguyên tắc sống thành những chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành vi và kiên trì thực hiện chúng.

“Nhân viên sẽ tự giác làm theo những gì họ thấy được, chứ ít khi làm theo những gì họ nghe thấy”, ông Kỷ nói.

Lịch sử thế giới cho thấy, có nhiều yếu tố giúp các nền kinh tế tăng trưởng một cách ngoạn mục cũng như thoát khỏi các cuộc khủng hoảng kéo dài. Đó có thể là năng lực lãnh đạo tài tình của bộ máy chính quyền nhà nước, chính sách quốc gia hợp thời cơ, chính sách ngoại giao thực tiễn, thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp và nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách giáo dục, cạnh tranh tự do…

Tuy nhiên, doanh nhân luôn đóng vai trò không hề nhỏ. Họ đang là những chiến sỹ trên tuyến đầu chống lại đại dịch suy thoái kinh tế.

Cuộc khảo nghiệm bản lĩnh doanh nhân ảnh 6

Sự kiện ra mắt xe Vinfast tại MotorShow Paris gây sự chú ý lớn với truyền thông trong nước và quốc tế.

Người Vingroup kể một câu chuyện về tinh thần dân tộc trong con người doanh nhân Phạm Nhật Vượng: Ông Vượng muốn mời David Beckham tham dự Lễ ra mắt xe Vinfast tại MotorShow (Paris). Yêu cầu này khá hóc búa với đội ngũ Vingroup vì qua công ty quản lý của cựu cầu thủ nổi tiếng này, họ biết lịch tham dự sự kiện của David Beckham đã kín từ 1 năm trước.

Phải nhờ rất nhiều chỗ thân tín với David Beckham, họ mới biết gia đình siêu sao có kỳ nghỉ tại Pháp trùng với triển lãm ô tô. Lập tức, kế hoạch được kích hoạt. David Beckham đã nhận lời, đứng cạnh xe Vinfast made in Việt Nam, cạnh hoa hậu Tiểu Vy xinh đẹp, cầm cờ đỏ sao vàng, xuất hiện trên khắp phương tiện thông tin đại chúng toàn cầu. 

Cuộc khảo nghiệm bản lĩnh doanh nhân ảnh 7

Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Sheraton Grand Đà Nẵng Resort 

Bà Nguyễn Thị Nga từng khiến chính quyền địa phương và bạn bè quốc tế phải ngả mũ thán phục khi chỉ trong 14 tháng thi công, tổ hợp dự án khách sạn Sheraton Grand Đà Nẵng Resort đã kịp cán đích để tổ chức Gala Dinner, một trong những sự kiện quan trọng nhất của Tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng 2017 như cam kết.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án có thể khai trương vào tháng 4/2017 nhưng do quá trình thi công gặp mùa mưa kéo dài hơn dự kiến. Tập đoàn BRG đã phải huy động tổng lực cùng với 21 nhà thầu thi công liên tục 3 ca/ngày, lúc cao điểm mỗi ngày có gần 5.000 công nhân trên công trường căng sức làm việc. Bản thân bà vào thời điểm đó phải thường xuyên làm việc đến 12 giờ đêm, có những lúc phải thức đến 3 giờ sáng.

Đau đáu với sự phát triển của du lịch goft Việt Nam, bà Nga chia sẻ, gần chục năm trước, khi tham dự Hội nghị toàn cầu của huyền thoại Jack Nicklaus bà cảm thấy rất tự hào khi chứng kiến lá cờ Việt Nam được cắm trên bảo tàng golf của Jack Nicklaus ở Ohio (Mỹ). Đây là một thông điệp với bạn bè thế giới về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. 

Tin bài liên quan