Dược sỹ Nguyễn Quang Thái: Nâng đỡ con người là mục đích lớn nhất của tôi

Dược sỹ Nguyễn Quang Thái: Nâng đỡ con người là mục đích lớn nhất của tôi

Chủ tịch HĐQT Dược phẩm Thái Minh, Nguyễn Quang Thái là một người đặc biệt. Ở anh có sự thông minh, nhanh nhạy, uyên bác của một người kinh doanh, nhưng cũng có tấm lòng rộng lớn với đất nước và khát khao cống hiến cho cộng đồng.

Khi biết tôi có ý định gặp gỡ, tìm hiểu để có một bài viết về doanh nhân Nguyễn Quang Thái, có người nói với tôi rằng, anh Thái là một người rất đặc biệt. Thú thực, khi ấy dù khá tò mò về anh, nhưng tôi cũng trộm nghĩ, ai sinh ra trong cuộc đời đều đặc biệt và duy nhất. Nhưng khi gặp gỡ và trò chuyện với anh, tôi thầm nghĩ trong lòng và bất chợt mỉm cười, nghĩ rằng người bạn kia đã đúng khi nhận xét về anh.

Thái Minh là một cái tên quen thuộc trong giới kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng và Nguyễn Quang Thái chắc sẽ là idol của nhiều người. Vậy, để nói về bản thân mình và điều đặc biệt anh nghĩ chỉ riêng có, anh có thể nói điều gì?

Nếu để nói về bản thân mình, tôi nghĩ rằng, mình là một người ham mê đọc sách. Tôi thích đọc tất cả các loại sách, đặc biệt là sách kinh doanh và self-help ngay từ khi còn là cậu bé học cấp 2.

Ngoài những lúc đến trường, thời gian còn lại, tôi ít vui đùa cùng chúng bạn mà vùi đầu trong những trang sách. Những cuốn sách không chỉ đem đến cho tôi những tri thức khai sáng, mà còn giúp tôi có những kỹ năng mềm từ rất sớm để có thể vượt qua những thách thức trong cuộc sống sau này.

Vì sao anh lại có đam mê đặc biệt với các loại sách đó từ khi còn là một cậu học trò, trong khi chúng bạn say đắm với truyện tranh, truyện cổ tích? Điều đó có phải ngẫu nhiên hay xuất phát từ lý do đặc biệt nào?

Ông bà, bố mẹ tôi đều làm hàng xáo - nghĩa là buôn bán gạo nhỏ lẻ ở ngoại thành Hải Dương, còn trong nhà có cậu ruột tôi học Đại học hay mang sách về nhà, tôi gặp quyển gì đọc quyển đó, nên bao nhiêu sách của cậu trong nhà tôi đọc hết. Có lẽ, niềm đam mê kinh doanh được truyền từ các cụ, đến khi đọc nhiều sách hơn lại càng thấy thấm!

Thích kinh doanh, tại sao anh lại chọn cho mình ngôi trường thiên về học thuật - Đại học Dược Hà Nội? Lẽ ra, anh phải học trường dạy về kinh tế, hay chí ít cũng là các khoa quản trị kinh doanh?

Nói ra bạn đừng ngạc nhiên, tôi đã từng có hai năm học chuyên Văn đấy! Tôi cảm thấy bản thân mình may mắn vì không bị học lệch. Văn học và các môn xã hội đã trang bị cho tôi một khối lượng kiến thức và hiểu biết xã hội đủ đầy, với tâm thế học để cảm nhận chứ không thiên hết về kỹ thuật.

Khi chọn trường Đại học, tôi cũng đã nghĩ đến các khối ngành Kinh doanh, nhưng tôi nghĩ, nếu mình học một ngành chuyên sâu cụ thể với tư duy của một người làm kinh doanh, cụ thể là ngành Dược, thì tôi sẽ giỏi hơn các bạn học Kinh tế rẽ ngang sang, và cũng sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn so với các bạn cùng học Dược khác. Thế là, tôi nộp hồ sơ và đặt quyết tâm phải thi đỗ thôi!

Cũng vì thích kinh doanh, nên ngoài thời gian học trong trường, tôi còn thường xuyên tham gia các buổi nói chuyện về chủ đề kinh doanh. Đặc biệt, mỗi tuần, tôi có một buổi “cà phê khởi nghiệp” vào thứ năm ở công ty của cậu mình. Lúc đó, cậu tôi và các bạn cùng trang lứa đang là lứa doanh nhân hiện đại thế hệ đầu tiên của Việt Nam. Chủ đề của cuộc gặp gỡ đó là các doanh nhân chia sẻ câu chuyện bản thân cùng các dự án kinh doanh, bài học kinh nghiệm để tôi được lắng nghe, học tập.

Tôi học được nhiều điều từ những cuộc gặp gỡ, trò chuyện như vậy. Và thú vị nhất là gặp xong, tôi lại xin các tờ báo về kinh tế đã cũ từ văn phòng công ty cậu về ký túc xá đọc ngấu nghiến…

Vậy sau một quá trình thu lượm kiến thức và tích luỹ kinh nghiệm ấy, anh rút ra được điều gì là cần thiết nhất để cho quá trình khởi nghiệp sau này?

Tôi nghĩ đó là sự chuẩn bị kỹ càng và vững chắc. Chẳng hạn, tôi học ngành Dược, nhưng tôi thích kinh doanh nên tôi phải đọc rất nhiều loại sách về lĩnh vực mình định theo đuổi.

Khi bước chân vào ngành, tôi được tạo điều kiện để học hỏi các góc cạnh từ nghiên cứu, sản xuất đến kinh doanh, thậm chí được tạo điều kiện điều hành một công ty nhỏ, nên không bỡ ngỡ khi khởi nghiệp.

Khi bắt đầu thành lập Thái Minh, tôi cùng các bạn cộng sự cứ bước một bước chắc chắn mới tiến một bước tiếp theo, nên mặc dù đi không nhanh, nhưng khi chuẩn bị kỹ, ta đi sẽ ít vấp ngã hơn!

Được biết, anh đã có thời gian du học dài ở nước ngoài, anh nghĩ rằng điều tuyệt vời nhất mà anh thu nhận được sau những năm tháng ấy là gì?

Học ở Đại học Dược Hà Nội gần 1 năm, thì năm 2002, tôi may mắn là một trong 3 sinh viên xuất sắc được Nhà nước cử đi du học ở Nga tại Học viện Hóa Dược Saint Petersburg. Nghĩ lại, tôi thấy thật biết ơn đất nước mình, vì chi phí để cho một sinh viên ra nước ngoài học như thế không hề rẻ - số tiền mà bố mẹ tôi có làm cả đời cũng không bao giờ đủ cho tôi du học.

Kiến thức học được ở Nga không mới, nhưng thái độ nghiêm túc với khoa học, thi cử đã giúp trang bị cho chúng tôi một nền tảng kiến thức vững chắc. Đồng thời, với một thanh niên từ quê ra 19 tuổi như tôi lúc ấy, cứ được đi để mở mang chân trời đã là điều tuyệt vời rồi!

Sáu năm học là khoảng thời gian không hề ngắn, vậy có lúc nào, anh cảm thấy mệt mỏi và muốn trở về?

Nói thật là không! Tôi tận hưởng từng phút giây của thời sinh viên xa xứ. Hồi học đến năm thứ hai, một sinh viên trong thành phố bị bọn đầu trọc giết hại, đã có rất nhiều bạn hoang mang, xin quay về Việt Nam. Còn tôi nghĩ rằng, mình có rất nhiều điều thú vị ở thành phố này còn chưa khám phá hết, thì sao lại phải vì nhớ nhà hay sợ hãi mà phải trở về sớm thế?

Trong suốt những năm học ở Nga, tôi về thăm nhà một lần duy nhất, vào mùa hè trước năm tốt nghiệp. Bạn bè bảo tôi bị hâm, sắp tốt nghiệp về làm gì, nhưng tôi nghĩ khác. Chính lúc đó mới nên về để chuẩn bị cho hành trình tiếp theo, mình nên làm gì, ở lại làm nghiên cứu sinh hay về nước làm việc?

Khi trở về Hà Nội sau 5 năm xa xứ, tận mắt chứng kiến sự thay da đổi thịt và tốc độ phát triển đến chóng mặt của Thủ đô, tôi thật sự bàng hoàng và thốt lên rằng, đây chính là nơi mình sẽ sống, cống hiến và trả món nợ ân tình với Tổ quốc.

Được biết, công ty anh dừng chân đầu tiên sau khi trở về nước là IMC- một doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm chức năng còn rất mới mẻ khi ấy. Liệu đó có phải là sự lựa chọn mạo hiểm của anh? Tại sao anh lại không bắt đầu với dược phẩm, lĩnh vực anh được đào tạo bài bản và có thế mạnh?

Trước khi đầu quân cho IMC, tôi đã tìm hiểu rất nhiều thông tin. Tôi tin rằng, với IMC mình sẽ có cơ hội để rèn luyện, tích luỹ kinh nghiệm và kiến thức cũng như thoả chí sáng tạo.

IMC là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm chức năng - lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh đó, thời điểm ấy, thực phẩm chức năng còn là khái niệm khá mới mẻ ở thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, dư địa của ngành rất lớn. Cụ thể, chúng ta có nguồn tài nguyên phong phú để sản xuất các sản phẩm chất lượng với ưu thế vượt trội so với các sản phẩm ngoại nhập.

Ba năm làm việc tại IMC đã giúp anh có thêm kinh nghiệm gì hữu ích trong quá trình khởi nghiệp thành lập Thái Minh sau này?

Tôi làm ở IMC được 3 năm và trải qua các vị trí khác nhau. IMC giúp tôi có nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức kinh doanh thực tế. Tuy vậy, với tôi, từng ấy thời gian là tạm đủ cho sự trải nghiệm, mình cần phải ra ngoài, tự lập và đi con đường riêng của mình.

Để nói về quá trình khởi nghiệp của bản thân, tôi cho rằng, mình khá may mắn và thuận lợi bởi có sự hậu thuẫn lớn từ hai người sếp của mình tại IMC. Các anh đã giúp tôi cả về tư duy, tầm nhìn, nhân sự và nguồn lực - những yếu tố vô cùng quan trọng khi khởi nghiệp.

Dược phẩm Thái Minh ra đời năm 2011. Bước đi đầu tiên của Thái Minh là phân phối các sản phẩm thực phẩm chức năng chất lượng, được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo uy tín ra thị trường nhằm đem lại giải pháp nâng cao sức khỏe cho mọi người. Thái Minh không làm những sản phẩm “bổ chung chung”, mà tập trung vào giải quyết từng vấn đề cụ thể mà khách hàng của mình có thể gặp.

Sau khi công ty phát triển và có doanh thu, chúng tôi tiến hành mở nhà máy, hợp tác với các nhà khoa học, nghiên cứu để trực tiếp sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, với phương châm “chỉ làm ra những sản phẩm có chất lượng và hiệu quả thực sự”.

Khi thành lập Thái Minh, mục tiêu anh đặt ra cho doanh nghiệp mình là gì? Anh muốn mọi người nhớ về Thái Minh như thế nào?

Tôi muốn mọi người nhớ về Thái Minh như một doanh nghiệp kinh doanh có tâm, lấy chất lượng làm trọng, nhưng bên cạnh đó là một Thái Minh coi trọng và tập trung vào mục tiêu nâng đỡ, phát triển con người. Ở Thái Minh, phát triển con người là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Mục tiêu xa hơn của chúng tôi là nâng đỡ phát triển cộng đồng, giúp giải quyết vấn đề sức khoẻ con người đang gặp phải.

Về lâu dài, ngoài chăm sóc sức khoẻ Thái Minh còn hướng tới các dự án cộng đồng như khuyến khích trẻ em đọc sách, phát triển văn hoá đọc của cộng đồng.

Nhắc tới văn hoá đọc, phải chăng chính vì tình yêu sách của bản thân và lợi ích anh được hưởng từ sách nên anh muốn truyền tình yêu đó tới cộng đồng?

Đúng là như bạn nói, tôi biết ơn những cuốn sách. Những trang sách hay đã thay đổi tư duy, cuộc đời tôi. Vậy nên, tôi cũng mong muốn rằng, cộng đồng cũng được lợi từ sách.

Tôi cho rằng, đọc sách chính là cách nhanh nhất để khám phá thế giới. Đằng sau thành công của bất kỳ ai là ít nhất một cuốn sách, hay cả một giá sách.

Để Thái Minh từ chỗ chỉ có vỏn vẹn khoảng chục nhân sự để đến giờ là một doanh nghiệp có tầm cỡ trong ngành, con đường đó có nhọc nhằn không, thưa anh? Và thức dậy mỗi ngày với cảm giác gánh trên vai cả nghìn lao động, anh thấy thế nào?

Để có thành quả của ngày nay là cả một hành trình nỗ lực và cố gắng của toàn bộ nhân sự của Thái Minh suốt từ những ngày đầu đến giờ. Không có thành quả nào không được trả bằng mồ hôi, công sức và chúng tôi cũng không ngoại lệ. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng, điểm mạnh của chúng tôi là có một đội ngũ nhân sự phù hợp, tài năng và nhiệt huyết.

Trong phát triển nhân sự, tôi nghĩ rằng, lĩnh vực nào mình không giỏi thì sẽ tìm người tài để hợp tác, vì vậy, mỗi khi phát triển một mảng kinh doanh mới, tôi đều bỏ nhiêu tâm huyết để tìm kiếm và xây dựng đội ngũ nhân sự phù hợp.

Vậy sự phù hợp như anh nói là gì? Đó có phải là trình độ hay thái độ hay đơn giản chỉ là hài hoà với văn hoá của Thái Minh?

Với đội ngũ nhân viên thông thường của Thái Minh, tôi yêu cầu có năng lực, kinh nghiệm để hoàn thành công việc, nhưng trước hết là sự phù hợp về văn hoá. Đối với nhóm quản lý cấp trung, ngoài sự phù hợp về năng lực và văn hoá, còn có bài test về IQ và hiểu biết xã hội để đánh giá năng lực.

Đội ngũ nhân sự cấp cao Thái Minh yêu cầu không những là người giỏi chuyên môn, mà còn phải là người có những giá trị phù hợp với doanh nghiệp.

Phải chăng, trong hành trình ấy, đào tạo là một yếu tố tối quan trọng với Thái Minh?

Chính xác, tôi nghĩ một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là Đào tạo. Ở Thái Minh, chúng tôi có rất nhiều khóa đào tạo nội bộ để giúp nhân sự ở từng vị trí có được kiến thức, kỹ năng, và thậm chí là thay đổi tư duy, cách nhìn nhận sự việc. Để các bạn có thể hài lòng hơn với công việc, hài hòa hơn với cuộc sống. Và quan trọng hơn, tất cả tập thể sẽ có một “bộ ngôn ngữ chung” - ở đây, chính là các giá trị văn hóa mà doanh nghiệp muốn hướng tới, để cùng cư xử với nhau và cùng nhau xây dựng.

Muốn nhân sự gắn bó, ngoài việc tạo điều kiện cho họ làm việc, học tập, cống hiến thì sự quan tâm, chăm lo của chủ doanh nghiệp với nhân sự là yếu tố tối quan trọng. Ai đó đã nói rằng, nhân sự lựa chọn ra đi hay ở lại hoàn toàn ở người chủ, do người chủ? Anh nghĩ sao về điều này?

Muốn giữ nhân sự và thu hút được nhân sự chất lượng cao, ngoài môi trường làm việc, thu nhập, thì đó còn là cơ hội nghề nghiệp, sự quan tâm và coi trọng.

Ở Thái Minh, chúng tôi chủ trương phát triển nhân sự từ dưới lên, nên luôn có rất nhiều cơ hội cho các ứng viên nội bộ. Chúng tôi cũng có chương trình chăm sóc sức khỏe mang tên “Thái Minh care” - với chính sách nhân viên khi ốm đau, bệnh tật được công ty chi trả toàn bộ chi phí. Nhân viên nữ của Thái Minh cũng rất thích đẻ, bởi họ sẽ được sinh ở bệnh viện tốt nhất, hiện đại nhất mà không phải mất một chi phí nào (cười).

Về mặt công việc, chúng tôi xây dựng cho Thái Minh một nguyên tắc là không có áp lực nào khác ngoài áp lực công việc.

Môi trường của Thái Minh là không có scandal, không drama công sở. Chúng tôi đặt ra một bộ quy tắc ứng xử được gọi là Sách Xanh nêu rõ những việc nhân viên được và không được làm nhằm ngăn chặn những hành vi xấu có cơ hội phát sinh.

Ở Thái Minh, việc của nhân viên chỉ là làm tốt công việc bản thân, còn lại không phải lo ứng xử với sếp. Chúng tôi có một quy định rất nghiêm khắc, buộc toàn bộ nhân viên thực thi, đó là nhân viên cấp dưới không được tặng quà cho cấp trên dưới mọi hình thức, mọi lý do.

Với môi trường rèn luyện như vậy, anh nghĩ rằng, nhân sự của Thái Minh có điểm gì đặc biệt?

Nhân viên vào Thái Minh sẽ do trực tiếp tôi đào tạo trong vòng 3-4 tháng để họ có cách nghĩ mới về cuộc sống, thay đổi tư duy trong công việc, học tập. Tôi cũng yêu cầu nhân viên của mình rèn luyện thói quen đọc sách, chạy bộ, tập thể dục.

Nếu được hỏi điều tôi tự hào nhất về Thái Minh, tôi sẽ không do dự mà trả lời, đó là đội ngũ nhân sự. Nhân sự của chúng tôi chủ động trong công việc, ít khi phải để cho cấp trên làm thay, cho nên công việc đến tay sếp ít (cười)!

Nhân viên của chúng tôi luôn luôn hoàn tất công việc được giao, không đòi hỏi quyền lợi bởi họ thấm nhuần tư tưởng, cứ làm và cho đi sẽ được tưởng thưởng tương xứng.

Từ một doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn chục người, tới nay, Thái Minh đã phát triển lên tới con số hàng nghìn người, trên hành trình ấy, bí quyết của anh là gì?

Để phát triển, tôi cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần đặt ra cho mình các mục tiêu để đạt được, đồng thời phải đặt ra tầm nhìn để bám vào đó.

Chỉ khi đặt ra được các mục tiêu, hoạch định tầm nhìn rõ ràng thì mới kéo con thuyền doanh nghiệp tăng tốc, vượt sóng, tạo tăng trưởng. Ngược lại, không có mục tiêu, tầm nhìn doanh nghiệp ấy sẽ đi ngang hoặc thậm chí tụt dốc.

Khi đã có mục tiêu, có tầm nhìn, tôi nghĩ, việc còn lại là phải nghiêm túc thực hiện. Còn nếu không nghiêm túc trong mục tiêu hoặc không nghiêm túc thực hiện, thì cánh cửa thành công sẽ còn ở rất xa.

Trong kinh doanh, tôi cũng nhận thấy, thường thì chúng ta sợ mất, sợ thiệt, nên không dám làm, thậm chí tạo ra cho khách hàng những trải nghiệm không hài lòng. Và tôi tin rằng, mọi thứ đều có giá của nó.

Thêm nữa, tôi vẫn dạy các nhân viên rằng, hãy cứ tuyệt đối tin tưởng khách hàng, đừng cố tiết kiệm cho công ty, mình có thể thiệt một chút cũng được, điều đó không lớn bằng trải nghiệm mang lại cho khách hàng!

Với khối lượng công việc lớn đang thực hiện cùng nhiều dự án ấp ủ, có lúc nào anh cảm thấy áp lực?

Không biết, khi tôi nói tôi không cảm thấy căng thẳng hay stress, chị có tin hay không, nhưng sự thật là vậy. Tôi không áp lực, cũng không mang áp lực của người chủ, tôi không nghĩ rằng, mình đang phải lo cho cuộc sống của cả nghìn người, ngược lại, tôi nghĩ rằng, tôi may mắn vì đang có cả ngàn người làm việc cho mình.

Nên bí quyết lớn nhất, theo tôi, đó chính là Phát triển con người! Có một đội ngũ tuyệt vời cùng đồng hành, mình làm gì cũng được, kể cả làm chưa thành công cũng vẫn thấy vui!

Nếu không có áp lực thì liệu anh có giới hạn nào cho bản thân?

Mỗi người đều có mục tiêu để hướng tới, nhưng mục tiêu đó phải khả thi và nằm trong phạm vi năng lực của bản thân. Nếu một người bình thường mà ước sẽ giàu như ông Phạm Nhật Vượng thì sẽ không khả thi.

Với tôi, tôi không nghĩ mình có giới hạn nào, có hay chăng, trong mọi chuyện, tôi đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự, mục tiêu và phương pháp thì sẽ không phải mặc cái áo quá rộng so với bản thân.

Vậy còn khó khăn, khi đối diện với nó, anh thường vượt qua bằng cách nào?

Trong lúc khó khăn, nhiều thứ không như kỳ vọng, thì lựa chọn đúng đắn nhất là bớt dần kỳ vọng, về việc lúc nào cũng phải phát triển sẽ giúp chúng ta tỉnh táo, sáng suốt hơn.

Bên cạnh đó, thay vì chỉ kỳ vọng về doanh thu, lợi nhuận, hãy có những kỳ vọng khác về việc cùng nhau tiến bộ và phát triển năng lực, gia tăng hiểu biết và nhận thức nội tâm chẳng hạn.

Vậy còn trong kinh doanh, bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp luôn than khó, với Thái Minh thì sao?

Ngoài câu cửa miệng là “sức mua giảm sút”, tôi nghĩ ngành Dược nói chung còn có những nguyên nhân gốc rễ nữa khiến chúng ta cảm thấy khó khăn. Đấy là trong giai đoạn dịch Covid-19, nhu cầu của người dân tăng cao đột ngột, nên tổng thị trường của ngành nở ra.

Điều đó khiến cho các doanh nghiệp, nhà thuốc, cả chuỗi cả lẻ mở ra nhiều hơn với mức kỳ vọng cao hơn. Rồi năm 2023 đến, khi nhu cầu người dân giảm sút thì doanh nghiệp giảm tăng trưởng.

Nên vấn đề nằm ở chính trong kỳ vọng của mỗi doanh nghiệp.

Họp bàn kế hoạch 6 tháng cuối năm, Thái Minh chọn cách hạ kỳ vọng xuống, thừa nhận khó khăn thực tại, và tìm xem mình còn làm điều gì chưa tốt, để điều chỉnh cho phù hợp. Tự nhiên lại thấy vui hơn, không còn đau khổ vì bán ế nữa (cười).

Với những gì anh đã làm được, anh nghĩ mình có phải là người thành công?

Khổng Tử nói rằng, đàn ông có 4 việc lớn, đó là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Tôi thấy việc đầu tiên là Tu thân mình còn làm chưa tốt, thì nói gì đến các việc còn lại (cười)!

Tôi nghĩ, mình chỉ đang làm tốt nhất những việc mình đặt mục tiêu, còn thành công hay chưa thành công, tôi nghĩ nằm ở sự ghi nhận, đánh giá của từng người. Mỗi người sẽ có cho mình một tiêu chí riêng để đánh giá mức độ thành công.

Điều gì khiến anh nghĩ rằng bản thân còn chưa làm tốt việc tu thân?

Tôi đặt ra mục tiêu cho mình là không dùng Facebook quá 40 phút trong ngày, nhưng tôi vẫn chưa làm được(cười)! Như vậy tôi vẫn chưa tu thân xong.

Dù chưa làm tốt việc tu thân, nhưng tôi tin rằng, với đam mê dẫn lối, với tinh thần tận hiến, tôi có thể làm được nhiều việc có ích cho doanh nghiệp, nhân viên của mình và cho cộng đồng. Tôi cũng muốn đặt nền móng cho sự phát triển vững chắc của ngành sâm Việt Nam, với việc ra đời Viện Nghiên cứu sâm và dược liệu Việt Nam trong năm tới. Đây sẽ là dự án lớn của Thái Minh để thúc đẩy ngành này phát triển trong tương lai.

Vậy anh sẽ phải tiếp tục tu thân và trên hành trình ấy, có việc gì mà anh luôn khao khát và muốn làm?

Đầu tiên phải nói là tôi là người đã gặp rất nhiều may mắn, trong đó may mắn lớn nhất đó là gặp được nhiều người thầy lỗi lạc, đã chỉ đường và hướng dẫn cho mình vô cùng nhiều công cụ quý báu, trong suốt mười mấy năm đi làm.

Đó là tài sản vô giá mà tôi và tổ chức của mình có được, nó cũng là một phần đem lại kết quả cho chính tôi ngày hôm nay.

Sau khi nhận ra những “chân ái” của cuộc đời, tôi thấy rằng, việc tốt nhất mình có thể làm cho xã hội, đó là chia sẻ tất cả những gì mình đã được học, đã thực hành và đúc kết được về kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, phát triển nhân sự và xây dựng văn hóa tổ chức - cho những chủ doanh nghiệp và nhà quản lý xứng đáng.

Bằng cách đó, tôi sẽ góp phần tạo ra những con người xuất sắc hơn, những tổ chức phát triển hơn và hạnh phúc hơn. Do đó, tháng 8/2023 này, tôi đã mở lớp học đầu tiên dành cho hơn 20 người là các chủ doanh nghiệp, các giám đốc, phó giám đốc và lãnh đạo các công ty vừa và nhỏ, để chia sẻ cho các bạn tất cả những gì tôi biết.

Người ta nói "người còn đang làm sẽ không chia sẻ hết", nhưng điều đó sẽ không đúng trong khóa học này. Vì tôi hiểu ra một điều, cho đi chính là cách tốt nhất để mình thấy cuộc đời có giá trị.

Mục tiêu hướng tới cộng đồng mà anh và Thái Minh đang hướng tới có lẽ là xuất phát từ suy nghĩ trả nợ quê hương, đất nước mà anh đã nhắc tới?

Tôi nhận được ân tình từ quê hương, đất nước, được du học bằng ngân sách quốc gia nên luôn muốn cống hiến, đóng góp cho cộng đồng.

Mọi việc Thái Minh làm từ xây dựng trường học, tặng sách hay mua xe đạp cho trẻ em tới trường đều xuất phát từ tâm, đều là dự án nhân văn vì cộng đồng, hoàn toàn không phải làm đẹp hồ sơ.

Bên cạnh những điều đã làm được thời gian qua, trong tháng 8 này, Thái Minh sẽ ra mắt công ty khởi nghiệp mới với mục tiêu, nâng tỷ lệ đọc sách của người Việt lên 5 cuốn sách/năm sau khoảng 6 năm tới.

Một câu hỏi cuối dành cho những người coi anh là idol, anh có sẵn lòng chia sẻ? Những lúc rảnh rỗi anh thường dành thời gian cho việc gì?

Quả thật, nhiều khi chúng ta không tự ý thức được rằng mình đang lãng phí thời gian của mình vào những việc không có ích lợi gì cho mình, hay cho người khác. Trong khi, mỗi người một ngày chỉ có 24h, làm thế nào để thực sự có 24h ý nghĩa nhất. Vậy nên, tôi tự ý thức mình về cái gọi là “thời gian chất lượng”.

Theo đó, tôi sẽ không làm gì mà không gia tăng giá trị cho người bên cạnh, hoặc cho chính mình. Mỗi một giây phút trôi qua, tôi thường cố gắng sử dụng nó một cách giá trị nhất.

Ví dụ, khi ăn sáng cùng với vợ mình, tôi thường thể hiện tình cảm bằng cách pha trà cho cô ấy, cùng nói với cô ấy những câu chuyện chất lượng, như việc dạy con, về mối quan tâm của cô ấy đang cần giải quyết… thay vì những câu chuyện phiếm.

Khi chơi với con, không chỉ dành thời gian cho chúng một cách tập trung, tôi còn trò chuyện với chúng về những điểm quan trọng mà tôi thấy chúng đang cần cải thiện theo hướng gợi mở và giúp đỡ. Tôi trò chuyện sâu hơn với cộng sự, cấp dưới của mình, ngoài chủ đề công việc còn tìm cách giúp tháo gỡ những bế tắc mà các bạn đang gặp phải.

Tôi uống trà và trò chuyện với em trai mình mỗi khi có thể. Và kể cả tôi đi uống bia cùng bạn bè, tôi cũng tìm những chủ đề ý nghĩa, chứ không phải những chuyện tầm phào quanh bàn nhậu. Khi có thời gian cho bản thân, tôi tập luyện các môn thể thao để nâng cấp bản thân và đắm chìm trong những trang sách để tìm kiếm những kiến thức mới mẻ.

Với tôi, nâng đỡ con người để phụng sự hành trình sự sống chính là mục đích lớn nhất của cuộc đời mình!

Tin bài liên quan