EVNGENCO3 chuyển mình giữa năm đầy biến động

EVNGENCO3 chuyển mình giữa năm đầy biến động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gặp khó vì đại dịch, nhất là trước làn sóng Covid-19 lần thứ tư, EVNGENCO3 vẫn vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra. Ở cột mốc 10 năm thành lập, cổ phiếu PGV đang chuẩn bị niêm yết trên sàn HOSE.

Tháng 8/2021, chỉ chưa đến 1,75 tỷ kWh điện sản xuất được huy động từ Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) – con số thấp kỷ lục của tháng 8 trong nhiều năm trở lại đây. Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã làm tê liệt hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương phía Nam. Đây cũng là thị trường tiêu thụ điện chính của EVNGENCO3. Cùng đó, Tổng công ty cũng là đơn vị đáp ứng chính nhu cầu phụ tải khu vực miền Nam.

Với sự vực dậy mạnh mẽ của các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ cuối tháng 10 khi tỷ lệ bao phủ vaccine đạt mức cao và chiến lược dịch bệnh chuyển sang hướng thích ứng an toàn, sản lượng điện sản xuất của Tổng công ty cũng hồi phục.

Ông Lê Văn Danh - Tổng giám đốc EVNGENCO3 cho biết, Tổng công ty đã đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, trong đó đáng ghi nhận nhất là chỉ tiêu suất tiêu hao nhiệt của nhiệt điện than giảm mạnh so với năm 2020, mang lại hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo hệ số khả dụng các nhà máy, đáp ứng tốt huy động của hệ thống điện quốc gia.

Năm 2021, doanh thu từ hoạt động kinh doanh của công ty mẹ đạt 35.638 tỷ đồng, giảm 7,63% so với cùng kỳ và hoàn thành gần 90% kế hoạch đề ra. Mặc dù doanh thu giảm do không được huy động điện cao, Tổng công ty đã thực hiện các giải pháp để tối ưu hiệu quả, song song đó, cùng với xu hướng giảm của lãi suất và tỷ giá trên thị trường làm cho lợi nhuận tài chính tăng mạnh. Nhờ vậy, Tổng công ty thu về 2.946,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2021, tăng 73,9% so với cùng kỳ và đạt 2,25 lần kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất cũng tăng gần 73% so với năm 2020.

Tại thời điểm 31/12/2021, quy mô tài sản hợp nhất của EVNGENCO3 đạt 69.262 tỷ đồng. Các khoản nợ vay ngân hàng đến cuối năm giảm còn 44.656 tỷ đồng, chiếm 64,5% tổng nguồn vốn; giảm so với mức 69,7% hồi đầu năm. Phần lớn các khoản vay của EVNGENCO3 là các khoản vay dài hạn bằng ngoại tệ (USD, JPY và CNY) phục vụ đầu tư xây dựng các nhà máy điện với số tiền trả nợ gốc hàng năm vào khoảng 5.000 tỷ đồng. Tình hình tài chính của EVNGENCO3 lành mạnh hơn, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đã đạt mức dưới 3 lần.

Năm 2021, EVNGENCO3 đã hoàn thành ứng dụng công nghệ thông tin trong sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị theo phương pháp RCM cho khối các nhà máy thủy điện; thiết kế và đưa vào khai thác sử dụng các DashBoard cho công tác quản trị, điều hành sản xuất; ứng dụng hiện trường Digital Worker trong các công trình sửa chữa lớn… Tổng công ty được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2021” ở hạng mục Sản phẩm, giải pháp công nghệ số tiêu biểu với “Giải pháp phần mềm nhật ký vận hành điện tử tại các nhà máy điện”.

Số hóa quản lý vận hành nhà máy điện, EVNGENCO 3 được vinh danh tại Vietnam Digital Awards 2021

Số hóa quản lý vận hành nhà máy điện, EVNGENCO 3 được vinh danh tại Vietnam Digital Awards 2021

Năm 2021, sản lượng điện sản xuất của công ty mẹ EVNGENCO3 đạt trên 25,9 tỷ kWh. Điều này cũng đồng nghĩa, mỗi 100 kWh điện phát ra tại Việt Nam có hơn 10 kWh từ công ty mẹ EVNGENCO3. Tổng công ty đang quản lý cụm Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ công suất 2.540 MW, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 công suất 1.080 MW và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân công suất 1.279 MW, cùng 3 nhà máy thủy điện tổng công suất 586 MW thuộc Thủy điện Buôn Kuốp và Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2.

Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ là đơn vị đóng góp sản lượng điện và doanh thu lớn nhất, cũng là nhà máy đi vào vận hành sớm nhất với 4 nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ Turbin khí chu trình hỗn hợp đi vào hoạt động chính thức từ năm 1998 - 2004 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây cũng là nhà máy điện đầu tiên của Việt Nam phát lên hệ thống điện quốc gia 300 tỷ kWh vào cuối năm 2020.

Các nhà máy điện trực thuộc EVNGENCO3

Các nhà máy điện trực thuộc EVNGENCO3

Cơ cấu nguồn điện EVNGENCO3 đa dạng với tương đối đầy đủ các loại hình phát điện. Ngoài nhiệt điện khí đóng góp 46%, nhiệt điện than cũng góp 38%; thủy điện góp 15% và điện mặt trời góp 1%.

Một dự án lớn mà EVNGENCO3 chuẩn bị thực hiện cùng 5 đối tác khác là Dự án Trung tâm Điện lực LNG Long Sơn giai đoạn 1 (công suất 1.200 - 1.500 MW), dự kiến đưa vào vận hành năm 2025 - 2026 và góp thêm vào cơ cấu nguồn điện khí của Tổng công ty.

Cùng đó, Tổng công ty đang thúc đẩy hợp tác đầu tư các Dự án điện gió trên bờ, ưu tiên các dự án đã có trong quy hoạch và có hợp đồng PPA. EVNGENCO3 cũng đang nhắm đến nghiên cứu tham gia hợp tác đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi; đầu tư/hợp tác cụm các Dự án thủy điện nhỏ Tây Bắc (quy mô tổng công suất khoảng 110MW); thúc đẩy đầu tư mở rộng NMTĐ Buôn Kuốp/Srêpốk 3 với quy mô công suất khoảng 250MW (đã trình Bộ Công Thương xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII).

Bên cạnh các nhà máy điện, EVNGENCO3 còn sở hữu 100% vốn Công ty Dịch vụ sửa chữa các Nhà máy điện EVNGENCO3. Đây là đơn vị thực hiện công tác sửa chữa cho các nhà máy điện của Tổng công ty và cung cấp dịch vụ sửa chữa cho các nhà máy điện, nhà máy công nghiệp khác.

Công ty mẹ EVNGENCO3 hoàn thành 55 công trình sửa chữa bảo dưỡng các thiết bị chính, công trình chính trong năm 2021.

Công ty mẹ EVNGENCO3 hoàn thành 55 công trình sửa chữa bảo dưỡng các thiết bị chính, công trình chính trong năm 2021.

Tổng công ty cũng nắm giữ cổ phần tại các công ty con, công ty liên kết đang quản lý nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện công suất lớn như CTCP Nhiệt điện Bà Rịa - BTP (79,56%), CTCP Nhiệt điện Ninh Bình - NBP (54,76%), CTCP Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh - VSH (30,55%), CTCP Thuỷ điện Thác Bà - TBC (30%), CTCP Đầu tư và Phát triển điện Sê San 3A (30%). Ngoài ra, EVNGENCO3 đang sở hữu 15% vốn Công ty TNHH Dịch vụ Năng lượng GE PMTP; 2,47% vốn CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch (NT2) và 0,55% vốn CTCP Điện Việt Lào.

EVNGENCO3 được thành lập theo Quyết định số 3025/QĐ-BCT ngày 1/6/2012 của Bộ Công Thương.

Trong hành trình gần 10 năm, EVNGENCO3 đã có tròn 4 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tương ứng, cũng gần bốn năm cổ phiếu PGV giao dịch trên sàn UPCOM. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trong ba tổng công ty phát điện cổ phần hoá và đưa cổ phiếu lên sàn.

Quy mô vốn điều lệ của EVNGENCO3 xấp xỉ 11.235 tỷ đồng. Tính đến giữa tháng 9/2021, Tổng công ty có 2.224 cổ đông, trong đó, EVN là cổ đông lớn nhất, sở hữu 99,19% vốn điều lệ.

Vốn hóa thị trường một số doanh nghiệp lớn ngành điện tính đến ngày 31/12/2021
Vốn hóa thị trường một số doanh nghiệp lớn ngành điện tính đến ngày 31/12/2021

EVNGENCO3 đang chuẩn bị chuyển sang niêm yết trên Sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE). Hiện cổ phiếu đã huỷ giao dịch trên UPCoM và sẽ giao dịch trên sàn HOSE từ ngày 10/2 tới đây.

Nhờ xu hướng tăng chung của thị trường chứng khoán, sức hấp dẫn của cổ phiếu ngành điện cũng như các câu chuyện riêng, cổ phiếu PGV diễn biến tích cực thời gian qua. Quy mô vốn hoá thị trường của EVNGENCO3 vượt qua mốc 1 tỷ USD từ tháng 8/2021. Tổng công ty cũng nằm trong top 50 tổ chức niêm yết có giá trị vốn hoá lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam và top đầu doanh nghiệp điện trên sàn chứng khoán.

Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên sẽ là 39.480 đồng/cổ phiếu, tương đương mức vốn hóa thị trường xấp xỉ 44.354 tỷ đồng (1,95 tỷ USD). Dựa trên kịch bản tăng trưởng GDP là 6,5% nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine cao và nền kinh tế dần mở cửa trở lại, nhiều bộ phận phân tích của công ty chứng khoán đánh giá sản lượng tiêu thụ điện trở lại tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2022. Doanh thu nhóm doanh nghiệp điện được kỳ vọng sẽ lấy lại đà tăng trưởng.

Tin bài liên quan