[Megastory] Ông Phạm Tuấn Anh, người sáng lập trường Minh Việt (MVA): Chương 5 - Hạnh phúc là được phục vụ người dân, phụng sự tổ quốc

[Megastory] Ông Phạm Tuấn Anh, người sáng lập trường Minh Việt (MVA): Chương 5 - Hạnh phúc là được phục vụ người dân, phụng sự tổ quốc

0:00 / 0:00
0:00
Cuộc trò chuyện với ông Phạm Tuấn Anh, người sáng lập trường Minh Việt đầy ắp lòng trung thành, sự tận tâm, tinh thần hiến dâng cho quê hương được xếp đặt hài hòa trong tình yêu nhân loại.

Từ một đứa trẻ con nhà nghèo bước ra toàn cầu với hành trình ánh sáng, trong lòng ông Phạm Tuấn Anh luôn tràn ngập cảm giác biết ơn. Ở tuổi 46, bí quyết hạnh phúc của ông chính là phục vụ chứ không phải được phục vụ. Quan niệm của ông là phải biết chia sẻ, phải gánh vác, phải đỡ đần, phải trở thành chỗ dựa cho người khác đi hành trình cuộc đời của họ.

“Hạnh phúc với tôi thực ra rất đơn giản. Hạnh phúc chính là làm cho người khác hạnh phúc. Hạnh phúc chính là chia sẻ và phụng sự”, ông Phạm Tuấn Anh thổ lộ.

Trong video “Em đi trong tươi xanh”, tâm thư của ông hồi tháng 9 năm ngoái, tôi được biết mỗi năm gia đình ông sẽ cho các con đi khám phá hai quốc gia. Chắc hẳn một công dân toàn cầu như ông rất coi trọng việc con người được vươn ra thế giới?

- Câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là câu áp dụng được cho tất cả chúng ta ở mọi nơi.

Người ta không cần phải đi những chuyến đi nước ngoài đắt tiền mới nhận được lợi ích của việc lên đường. Mỗi chúng ta đây đều từng ra khỏi quê hương, ra khỏi lũy tre làng, ở những vùng quê xa đi về thị trấn, lên huyện, lên tỉnh, tới các thành phố lớn để học tập và làm việc. Những hành trình cá nhân đó cũng là những cơ hội trải nghiệm và học tập, cơ hội mở mang nhận thức.

Mỗi chuyến đi như vậy giúp chúng ta học được thêm rất nhiều điều. Chúng ta trở thành một phiên bản cải thiện của chính bản thân mình. Nếu như chúng ta cứ ở lại quê hương, dù có đọc sách hay xem tivi, thì chúng ta vẫn là một người ở mãi sau lũy tre làng. Chúng ta không biết món sushi là cái gì, ly trà sữa là gì, không biết máy ATM là gì.

Thế giới là một thứ hàng hóa công cộng mang nặng tính chung. Là hàng hóa công cộng, nó không thể loại trừ ngăn ngừa bất kỳ ai hưởng thụ nó. Tất cả chúng ta hoàn toàn có quyền đi ra thế giới để trải nghiệm cảm giác thế giới này là của chúng mình. Bước chân đi ra khỏi nơi chúng ta sinh ra lớn lên là bước đầu tiên phải làm để tiếp nhận quyền sở hữu của chúng ta đối với thế giới.

Mỗi chúng ta ai cũng chỉ có một cuộc đời thôi. Chúng ta cần phải sống làm sao để luôn có một phiên bản cải thiện của chính mình. Rời quê hương đi ra, tức là chúng ta đang nỗ lực để cải thiện, cải tạo chính bản thân mình.

Càng đi xa, chúng ta càng có nhiều phiên bản giống như cái bánh sừng bò có nhiều lớp bột, nó được nhào nặn bởi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lớp gấp. Mỗi lần chúng ta đi ra thế giới là một lần nhào bột và thu thập kiến thức, những điểm tốt của thế giới vào bản thân của chúng ta.

Đi xa giúp cải thiện tầm nhìn của chúng ta với hiểu biết khác biệt, suy tư khác biệt, triết lý khác biệt, nhờ vậy chúng ta luôn tự cải thiện trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Khi đi ra thế giới, chúng ta cũng không chỉ cảm nhận thế giới tốt hơn, mà còn thông qua thế giới để cảm nhận ngược lại chính mình tốt hơn. Chúng ta đi thì chúng ta mới biết lũy tre làng của chúng ta như thế nào, chúng ta mới biết sự tương đồng, tương phản của quê hương so với thế giới. Khi ở quê hương, chúng ta như người dí sát mắt vào một bức tranh và không thể thấy hết những chi tiết ở trong đó. Chúng ta cần đi ra thế giới và nhìn ngược lại về quê hương để có cái nhìn tổng thể.

Tôi đặc biệt khuyến khích các bạn trẻ đi ra thế giới. Những bước đi đầu tiên chập chững thường khiến chúng ta lo sợ, e ngại. Đi ra thế giới không chỉ đơn giản như đi shopping, mà là cơ hội để hiểu bản thân và hiểu xã hội, hiểu đất nước, hiểu con người, hiểu chính mình.

Tôi áp dụng triết lý đó với các con ở trong gia đình. Mỗi năm, các cháu sẽ được đi thăm hai nước. Hiện nay, một bạn 15 tuổi và một bạn 10 tuổi đã đi được gần 40 quốc gia. Có những quốc gia, các cháu đã đi nhiều lần.

Tôi mong muốn trẻ em Việt Nam cũng được như vậy. Tất nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con đi khám phá nước ngoài, nhưng việc mong muốn đi ra thế giới là việc cực kỳ quan trọng bởi vì mong muốn bước chân ra đồng nghĩa với việc mong muốn cải thiện bản thân, tạo ra phiên bản tốt hơn, mới hơn của bản thân mình, sống một cuộc sống khai thác trọn vẹn tiềm năng con người có sẵn ở trong mình để làm sao cuộc sống làm người ngắn ngủi này có vẹn tròn ý nghĩa.

Xem những video về các thành viên của Team Minh Việt, tôi cảm nhận được Minh Việt là môi trường làm việc rất văn minh, gắn kết, sáng tạo và đáng mơ ước. Ông đã làm thế nào để tạo dựng được một không gian làm việc tuyệt vời như thế?

- Đi đâu tôi cũng khoe team Minh Việt là team mơ ước, là một team làm việc xuất sắc tôi chưa bao giờ từng có.

Trước hết, tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa nhất để mọi người gắn bó chính là vì chúng tôi chia sẻ tình cảm yêu quê hương, cùng muốn quê hương phát triển. Chúng tôi mong mang những điều tốt đẹp nhất của thế giới về cho quê hương và đồng thời khi có thể thì mang những điều tốt của quê hương đi ra thế giới.

Tuy đây là con đường hai chiều nhưng chúng ta chưa xuất khẩu được nhiều văn hóa, triết lý, tư tưởng, của chúng ta ra thế giới. Cùng lúc đó, những món ăn tinh thần chất lượng cao, lành mạnh của thế giới thì nhiều nơi khác nhập về và bán với giá rất đắt.

Ngược lại, chúng tôi quyết tâm mang những thứ tốt đẹp của thế giới về và cung cấp cho người trong nước ta với chi phí càng thấp càng tốt để người trong nước nếu không ra ngoài cũng được thưởng thức tinh thần thế giới chất lượng cao mà không tốn phí nhiều.

Đơn cử, dự án San Du ký kéo dài hàng trăm tập, mỗi gia đình đăng ký chỉ cần bỏ ra 100 USD, tức là chưa đến 1 USD mỗi tập thì đã có được một món ăn tinh thần để lại những ấn tượng và lượng kiến thức tuyệt vời. Tất nhiên, chúng tôi cũng vẫn phải thu phí để ngân sách vận hành, nhưng lợi nhuận không phải và chưa bao giờ là mục tiêu của team Minh Việt.

Chúng tôi không lo đến lợi nhuận, mà chỉ lo đến cách làm sao để mỗi cá nhân thành viên trong team được phát huy hết tài năng của họ. Minh Việt luôn tạo điều kiện cho những ai có mong muốn được thể hiện bản thân, thể hiện tài năng, được là chính mình, miễn là mục tiêu và ý chí của họ nhất quán với mục tiêu của dự án.

Trong một môi trường làm việc như thế, thì tự nhiên có một sự tôn trọng lẫn nhau và trong đó chúng tôi không có ai là sếp của ai. Không bao giờ người ta nói đến tôi như là một người Chủ tịch của dự án. Thậm chí tôi hay nói đùa là các bạn trẻ trong dự án bắt nạt tôi suốt.

Đấy chính là sự tôn trọng người khác. Mình càng đi xa, mình càng hiểu nhiều, mình càng biết nhiều thì mình lại càng khiêm tốn. Mình khiêm tốn với những người chưa đi xa, chưa hiểu biết nhiều thì việc đó tạo ra suy ngẫm trong họ rằng họ cũng muốn như mình. Họ cũng muốn đi ra xa, muốn nghiên cứu về thế giới, cũng muốn được bay bổng, được thăm Paris, New York, được đến Mỹ… được trải nghiệm tất cả những thứ như thế.

Vậy thì mình phải là người dẫn dắt cho họ. Mình phải cam kết là người hướng dẫn viên, là người chỉ đường cho mỗi người. Mình cầm tay họ ân cần, đưa họ ra thế giới. Điều này không chỉ đúng với các bạn trong team Minh Việt mà đúng với tất cả những người mà chúng ta gặp ở trong đời.

Triết lý sống của tôi là khi đến với ai hay ai đến với mình thì sau đó cuộc đời của họ phải tốt lên một chút. Mình phải có trách nhiệm, phải cải thiện cuộc đời của họ để người ta đến với mình xong, người ta phải có một món quà gì đó, một món quà của số phận, của tinh thần, của suy ngẫm. Khi cần thì là món quà vật chất, khi khác thì là một món quà cơ hội.

Triết lý của tôi là thà mình thiệt, kém, thậm chí mất đi cái gì đó, nhưng những người đến với cuộc đời của mình thì mình phải chăm sóc, phải tặng cho họ một món quà để họ ra đi thật là hạnh phúc.

Triết lý này tôi áp dụng trong cả cuộc đời cũng như là với những bạn ở trong Minh Việt. Có lẽ, đó là một trong những bí quyết để team MVA làm việc hết mình vì nhau. Và có một triết lý hy sinh vì nhau như vậy sẽ giúp kết nối của nhóm ngày càng khăng khít, bền chặt.

Ở tuổi 46, ông quan niệm thế nào là hạnh phúc và điều gì sẽ làm ông hạnh phúc?

- Câu hỏi của nhà báo rất hay. Ngày hôm nay thế giới của chúng ta có nhiều thông tin nhiễu loạn khiến cái tâm của chúng ta bị xoay như chong chóng. Không ai thích cảm giác đó cả. Tìm ra ý nghĩa của cuộc sống chính là cách tìm ra sự bình an, bình ổn, như một sự đóng neo vào đâu đó khi mà dòng đời xoay chuyển bất ngờ.

Tôi luôn nói với mọi người và các em của mình rằng, sự thành công và tiền bạc chỉ là một phần nhỏ trong đời thôi. Thành công về danh vị, sự nổi tiếng khi mà công chúng thừa nhận con người chúng ta, kết quả lao động của chúng ta, cũng chỉ là một phần thôi.

Điều quan trọng nhất ở trong cuộc đời là một cảm giác hạnh phúc, có nghĩa là mình vững tin vào bản thân mình. Mình luôn đắm chìm trong một cảm giác bình an, dù cuộc sống có thay đổi thế nào đi nữa.

Cuộc sống hạnh phúc không có nghĩa là cuộc sống không có bất hạnh. Ví dụ, chị chia sẻ chị là đứa trẻ mồ côi bố, hay mẹ của tôi cũng là một người mất bố từ năm mới nửa tuổi. Có những người phải trải qua những sự bất hạnh như thế, lớn lên thiếu hẳn vai trò của ai đó quan trọng trong đời. Những người như vậy là những người tàn tật, mà người đời không nhìn thấy sự đau khổ của họ vì họ bị thương tổn ở sâu trong lòng.

Người đời vì không nhìn thấy sự đau đớn đó, vì nỗi đau đó không phản chiếu ra bên ngoài, nên rất dễ cư xử với những người này không được trân trọng như là cách người ta cư xử với một người tàn tật ngồi xe lăn chẳng hạn.

Điều quan trọng đối với cả hai bên trong mối giao tiếp xã hội như thế, người có lòng đau khổ với người đời vô tình, thờ ơ, thì để có được hạnh phúc, mỗi bên phải xác định được vị thế đúng của họ. Những người như chị hay như mẹ tôi khi trẻ chưa có kinh nghiệm cuộc sống, có khi rất dễ tự ái, rất dễ tủi thân rồi nghĩ rằng, những lời lẽ của người khác nói với mình gây tổn thương. Bởi vì, những vết thương mất cha, mất mẹ không bao giờ có thể lành lại được.

Những người đó đau khổ, nhưng không có nghĩa cuộc sống của họ không thể có hạnh phúc. Vì mất mát là một phần dĩ nhiên ở trong cuộc đời. Có người xảy ra sớm, có người đến muộn, nhưng không ai có thể thoát ra khỏi được sự mất mát khi nhìn thấy người thân xa rời mình.

Mở rộng ra là dù có những mất mát về người thân, về cơ hội, về vật chất…, nhưng sau tất cả những thứ mất mát nghiễm nhiên và tất yếu như thế, thì liệu chúng ta có thể có được hạnh phúc hay không?

Tôi luôn đặt ra bài toán cho các em mà mình dẫn dắt 20 năm qua và những em học sinh Minh Việt cũng thế, tôi luôn nói rằng họ phải tập trung vào phát triển cảm giác hạnh phúc và bí quyết của hạnh phúc cũng rất đơn giản thôi.

Bí quyết của hạnh phúc chính là phục vụ chứ không phải là được phục vụ. Đó là điều cực kỳ quan trọng. Nếu chúng ta có một thứ hạnh phúc chỉ là được phục vụ, tức là chúng ta có vị thế cao, có tiền bạc rồi người ta phải cầu cạnh, tung hô, thán phục chúng ta, thì đó cũng chỉ là thứ hạnh phúc thoáng qua, không bền vững và là thứ hình thức ở bên ngoài thôi.

Nhưng thứ hạnh phúc ở bên trong sẽ bền, sẽ lâu, sẽ tạo ra niềm vui mãi mãi để giúp chúng ta có sức lực để vượt qua những thứ đau khổ đó chính là được phụng sự con người.

Mỗi chúng ta ở đây đều đi cùng một hành trình giống nhau là hành trình xuyên qua cuộc đời. Mỗi người đi một kiểu, nhưng hành trình đó không bao giờ là dễ với tất cả mọi người nếu không nói rất khó. Nhiệm vụ của chúng ta là phải hỗ trợ làm sao cho hành trình đi xuyên cuộc đời của càng nhiều người trở nên càng dễ hơn càng tốt. Chỉ khi đó chúng ta mới thể hiện được hết ý nghĩa của cuộc đời của chính chúng ta.

Cho nên, quan niệm của tôi là phải biết chia sẻ, phải gánh vác, phải đỡ đần, phải trở thành chỗ dựa cho người khác đi tốt hành trình cuộc đời của họ trong phạm vi có thể của chúng ta. Chúng ta làm hết sức có thể được, khi đó chúng ta sẽ có được hạnh phúc cho riêng mình.

Dù là người chịu nhiều thiệt thòi, mất mát như chị hay như mẹ tôi, để bù đắp cho khoảng trống tưởng như không thể nào lấp đầy trong đời, chúng ta cần đổ vào những chỗ trống đó tình yêu và sự cảm tạ người khác mang đến. Khi làm cho người khác vui và đỡ bất hạnh thì chính hạnh phúc trong lòng chúng ta sẽ lấp đầy những chỗ đau khổ đó.

Vì thế, quan điểm của tôi về hạnh phúc thực ra rất đơn giản. Hạnh phúc chính là làm cho người khác hạnh phúc. Hạnh phúc chính là chia sẻ và phụng sự.

Bây giờ anh đang sống ở Mỹ là một quốc gia đáng đến và đáng sống. Bất cứ người dân nào trên hành tinh này cũng đều mong muốn được sống và làm việc ở một quốc gia phát triển như thế. Còn Việt Nam, trên hành trình gian trở thành điểm đến mơ ước, theo ông, đâu là những điểm Việt Nam cần phải làm ngay bây giờ?

- Tôi nghĩ rằng, một đất nước trước hết phải chăm sóc con người của họ. Một đất nước đáng sống là phải chăm sóc cho lợi ích của người dân. Những người đầu tiên cần được giúp đỡ là những người yếm thế ở trong xã hội. Một đất nước đáng sống phải bắt đầu bằng việc chăm sóc những người yếu đuối như trẻ em, người già,...

Hiện nay, Việt Nam đã có những chính sách giúp đỡ cho trẻ em, nhưng với người già thì hoàn toàn chưa có luật bảo vệ nhân phẩm cho người cao tuổi.

Về người tàn tật, chúng ta cũng có chưa có những chính sách xã hội để hỗ trợ họ. Ví dụ, thông thường ở nước ngoài sẽ có lối đi dành cho người tàn tật thì Việt Nam chưa có.

Ở Hoa Kỳ, thời Tổng thống Obama đã có những bước đi đầu tiên để hỗ trợ Việt Nam để đưa ra các luật hỗ trợ người tàn tật và người yếm thế nói chung. Sẽ rất là vui nếu như ở Việt Nam, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội thực sự có những hành động cụ thể. Và phải luật hóa những chính sách cho người tàn tật hay người già.

Dường như lúc người già đến tuổi nghỉ hưu là xã hội chúng ta coi như hết trách nhiệm với họ. Chúng ta phải tiếp tục nâng đỡ người già, vì điều này có nghĩa là chúng ta chăm sóc cho tương lai của chính chúng ta. Như vậy, người già không phải là quá khứ. Người già là tương lai, trẻ em cũng là tương lai. Cả hai đối tượng đó phải được chăm sóc tốt.

Tiếp theo, người ốm, người bệnh chúng ta không thể để họ chịu cảnh 3 - 4 bệnh nhân chung một giường bệnh. Phải làm bất kỳ điều gì để khắc phục tình trạng này. Mỗi chúng ta phải tự nhận thấy sự đau khổ của người khác là đau khổ của cá nhân giống như câu “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể có những biện pháp để chữa lành cho những con ngựa đau.

Dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam luôn để lại trong trái tim mỗi người một động lực, một cảm hứng mạnh mẽ để chúng ta luôn có thể cùng nhau nhìn về tương lai với đôi mắt lạc quan nhất của mình. Bây giờ, khát khao lớn nhất của ông là nhìn thấy người Việt, đất nước Việt Nam phát triển như thế nào? Thời gian tới ông sẽ vẫn thường xuyên về Việt Nam như thời gian qua chứ?

- Việt Nam là quê hương yêu dấu mà tôi không bao giờ có thể rời ra được. Đến tuổi càng lớn thì tôi càng cảm nhận cái tình với Việt Nam càng gắn bó. Sự trở về Việt Nam của tôi chủ yếu không phải là vì Minh Việt hay những người trẻ nói chung, mà vì những người già nhiều hơn.

Những người già trong đời mình là lý do tôi trở về Việt Nam nhiều hơn. Bố mẹ càng lớn tuổi thì sự mong muốn gần gũi Việt Nam lại càng thúc đẩy trong tôi.

Tôi là đứa trẻ Việt Nam, dù có đi đâu về đâu, thành đạt như thế nào vẫn luôn tâm niệm chính mình phải là người chăm sóc, đảm bảo nhân phẩm cho bố mẹ khi bố mẹ già.

Tôi nghĩ đó là một sự hãnh diện, một đặc quyền, một đặc ân khi mà bố mẹ lớn tuổi mình có điều kiện kinh tế, thời gian để mình ở cạnh chăm sóc cho họ sạch sẽ, được nằm nghỉ ngơi ở nơi khô ráo mát mẻ, và giữ cho đời sống tinh thần tỉnh táo lâu nhất có thể.

Gia đình ông Phạm Tuấn Anh

Gia đình ông Phạm Tuấn Anh

Đó là mong muốn lớn nhất trong lòng tôi bây giờ và mở rộng ra không chỉ cho bố mẹ tôi, mà còn cả bố mẹ vợ hay kể cả bà thông gia, mẹ vợ của em ruột tôi, tôi cũng đưa họ vào trong cùng một quỹ đạo mà tôi nghĩ mình cần phải có trách nhiệm chăm sóc cho họ lúc tuổi già.

Trong đầu tôi có cảm giác rất mát mẻ khi nghĩ về những ngày tháng rời hết hành trình thế giới để quay về quê hương. Tôi thấy vui vì từng có lúc nào đó ở trong Nhà Trắng – điểm 0 của quyền lực thế giới, cùng khênh chiếc ghế với Tổng thống Barack Obama, vừa đi vừa nói chuyện, rồi xa rời hết vinh quang đó, tôi lại vui vẻ quay trở về làm một người bình thường chăm sóc cho bố mẹ và những người lớn tuổi trong đời mình.

Khi bố mẹ nằm đó ốm đau, tôi mong sẽ được tận tay lau dọn những thứ vệ sinh của họ. Tôi không thấy ngần ngại gì, không thấy xấu xí gì cả. Lòng phụng sự, theo tôi, là để chăm sóc cho người nghèo, người ốm yếu và lòng phụng sự đó hay bất kỳ tinh thần từ thiện nào khác cũng phải đến đầu tiên từ gia đình. Mình phải có trách nhiệm làm tốt cho gia đình mình, nhất là thời gian bố mẹ hai bên gia đình và cả những người khác mình thương quý ốm đau, thì mình cũng phải chăm sóc cho họ.

Đó là lý do vì sao Việt Nam chiếm trọn trong trái tim tôi. Hôm trước, tôi có nói với vợ và hai con rằng, bây giờ mọi cố gắng để thành công trên thế giới coi như đã xong rồi. Việc chính bây giờ là lập kế hoạch cho những năm sắp tới để làm sao tôi được làm một người chăm sóc tốt cho những người lớn tuổi ở trong đời.

Ông Phạm Tuấn Anh có may mắn nhờ công việc, nên đã nhiều lần được vào Nhà Trắng và đi hết gần như toàn bộ các phòng họp chính ở đây.

Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong làm việc tại Hoa Kỳ năm 2015, ông Phạm Tuấn Anh trong vai trò là người phiên dịch của Tổng thống Obama ngồi quay lưng lại cái lò sưởi trên có chân dung Tổng thống George Washington trong phòng Bầu Dục của Nhà Trắng. Có lần khác lúc ban đêm trời mưa to ông được gọi vào Nhà Trắng, được giao làm việc một mình trong phòng Tình huống (Situation room) của Nhà Trắng. Số lần ông tới Nhà Trắng đủ nhiều để ông quen thuộc với một vài thủ tục, cách thức, con người ở đó.

Điều ông hay tự hỏi là điều gì đã giúp cho một đứa trẻ con nhà nghèo Hà Nội được lai vãng đến trung tâm của quyền lực thế giới? Ông nghĩ vậy và trong lòng luôn tràn ngập cảm giác biết ơn năng lực siêu nhiên, tâm linh nào đó đã dẫn dắt cuộc đời mình đi xuyên qua bao ma trận để đến được nơi đồng xanh có hoa trái ngọt lành và kết quả.

Khi ở những nơi đó, lòng ông không lúc nào có cảm giác tự hào, tự mãn, mà luôn là cảm giác biết ơn, cảm giác ý thức được là mình đang ở sát gần, ở bên, ở trong lịch sử. Biết bao nhiêu trang sử của đất nước Việt Nam quê hương được viết ra bởi những quyết định đưa ra trong chính căn phòng, tòa nhà đó. Lịch sử của đau thương, mất mát, của những cuộc chiến sống còn, của con người vượt lên trên số phận khiến ông luôn thấy nhỏ bé, khiêm nhường ở sâu trong lòng.

Hơn ba mươi năm qua của cuộc đời ông là một hành trình ánh sáng, hành trình cá nhân thật dài, thật có ý nghĩa, với thành công bất ngờ khi so sánh với những điều kiện rất ít ỏi ông có khi khởi hành. Ngày đó, một cái bánh mì ăn mỗi ngày cũng không phải dễ có. Ấy thế mà ông đã đi được thật xa như thế này.

Sự biết ơn những ánh sáng soi đường khiến ông tự đặt trách nhiệm đạo đức cho mình là ba mươi năm tới phải giúp được nhiều người Việt Nam đi ra thế giới thành công hơn nữa. Để rồi đến lượt họ sẽ hướng về, trở về phụng sự đất nước Việt Nam giúp cho quê hương ngày càng giàu mạnh.

Tin bài liên quan